na
NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG 50 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975-30/4/2025) VÀ 139 NĂM NGÀY QUỐC TẾ LAO ĐỘNG (01/5/1886-01/5/2025)! 
Nghiên cứu trao đổi
CHIẾN THẮNG 30/4 - ĐỈNH CAO CHÓI LỌI CỦA SỰ NGHIỆP GIẢI PHÓNG DÂN TỘC
28/04/2025 04:51:55

Sáng 9/4, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm tới dự và phát biểu tại buổi gặp mặt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước với đại diện cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong, dân quân tự vệ tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, 50 năm trước, với tinh thần: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa”, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quân đội và Nhân dân cả nước đã anh dũng xốc tới, vượt qua bao gian khổ, hy sinh, làm nên Đại thắng Mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh, đã giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ và vĩ đại nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta, thu non sông về một mối, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên độc lập, thống nhất, hoà bình và phát triển.

"Chiến thắng Mùa Xuân năm 1975 không chỉ mang ý nghĩa lịch sử đối với dân tộc Việt Nam, mà còn có tầm vóc thời đại, cổ vũ mạnh mẽ phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trên toàn thế giới. Đó là thắng lợi của lòng yêu nước nồng nàn, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, của ý chí "không có gì quý hơn độc lập, tự do". Và trên hết, đó là thắng lợi của hàng triệu con người bình dị nhưng phi thường, những người đã sẵn sàng hiến dâng tuổi thanh xuân, thậm chí cả tính mạng của mình cho đất nước được hòa bình và thống nhất, cho dân tộc được độc lập", Tổng Bí thư nói: Năm 2025, kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang tích cực đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đi vào cuộc sống. Năm 2025, cũng được Đảng và Nhà nước xác định là năm bản lề thực hiện các chương trình về kinh tế - xã hội theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Đây là dịp để chúng ta ôn lại những trang sử hào hùng của dân tộc, nhìn lại chặng đường xây dựng và phát triển đất nước từ khi tiến hành sự nghiệp đổi mới và nhận thức sâu sắc hơn những giá trị, những bài học kinh nghiệm được đúc kết từ trong thực tiễn đấu tranh của dân tộc để tiếp thêm sức mạnh, ý chí, quyết tâm trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Theo dòng lịch sử, sau Chiến tranh thế giới thứ hai, đế quốc Mỹ có tiềm lực rất mạnh, nổi lên cầm đầu phe đế quốc, hiếu chiến và âm mưu bá chủ thế giới, từng bước khẳng định sự có mặt ở Đông Dương. Sau thất bại của thực dân Pháp ở Điện Biên Phủ, chủ nghĩa thực dân cũ sụp đổ, đế quốc Mỹ nhảy vào miền Nam Việt Nam, áp đặt chủ nghĩa thực dân mới, âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta. Vào thời điểm này trên thế giới đã phân chia thành hai hệ thống xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa đối đầu gay gắt bằng cuộc “Chiến tranh lạnh” và chạy đua vũ trang quyết liệt. Hệ thống chủ nghĩa xã hội, phong trào công nhân ở các nước tư bản, phong trào giải phóng dân tộc ở khắp nơi trên thế giới dâng cao. Ở trong nước, sau 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, miền Bắc được giải phóng và bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội, miền Nam vẫn dưới ách thống trị của đế quốc Mỹ và chính quyền ngụy Sài Gòn. Đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước trở thành nhiệm vụ thiêng liêng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong thời điểm lịch sử lúc bấy giờ.

Thực hiện mưu đồ xâm lược Việt Nam, đế quốc Mỹ đã huy động bộ máy chiến tranh khổng lồ với quy mô lớn nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ II. Chúng chi vào cuộc chiến hơn 1.647 tỷ USD, đã huy động ở thời điểm cao nhất tới hơn 70% lục quân, 60% lính thủy đánh bộ, 40% hải quân, 60% không quân toàn nước Mỹ.

Lượng bom Mỹ ném xuống 3 nước Đông Dương trong cả cuộc chiến là 7,85 triệu tấn, gấp gần 3 lần tổng số bom mà mỹ đã sử dụng trong Chiến tranh thế giới thứ hai và tương đương sức công phá của 250 quả bom nguyên tử mà Mỹ ném xuống Hiroshima và Nagasaki. Đây cũng là lần đầu tiên, hậu quả tàn khốc của vũ khí chiến tranh được xuất hiện trên sóng TV trực tiếp của các nước tiên tiến. Chỉ tính riêng trong 81 ngày đêm chiến đấu ở Quảng Trị, báo chí nước ngoài đã thống kê, Thành cổ Quảng Trị đã hứng chịu 328.000 tấn bom đạn, tương đương sức công phá của 7 quả bom nguyên tử mà Mỹ đã ném xuống Hirosima và Nagasaki hồi Chiến tranh thế giới thứ hai.

Tổng cộng trong 20 năm, Mỹ đã huy động vào cuộc chiến tranh này 6,6 triệu lượt quân nhân Mỹ (chiếm 15% nam thanh niên toàn nước Mỹ) – vào thời điểm cao nhất (năm 1968–1969) có tới 628.000 quân Mỹ hiện diện trên chiến trường – bằng tổng số lục quân của cả năm nước Anh, Tây Ban Nha, Bỉ, Canada, Australia và chiếm 70% tổng số lực lượng lục quân Mỹ lúc bấy giờ, với những sư đoàn thiện chiến nhất như Kỵ binh bay, Tia chớp nhiệt đới, Anh cả đỏ, Thuỷ quân lục chiến… Cùng với lục quân, Mỹ huy động 60% không quân chiến lược, chiến thuật với 2.300 máy bay, trong đó có 46% pháo đài bay B-52 với hơn 200 chiếc, 42% lực lượng hải quân với hàng trăm tàu chiến trong đó có 15/18 hàng không mẫu hạm, tuần dương hạm, 3.000 xe tăng - xe thiết giáp; 2.000 khẩu pháo hạng nặng từ 120 đến 175mm. Ngoài ra, Mỹ đã đổ tiền của xây dựng Quân lực Việt Nam Cộng hòa với trang bị 1.800 máy bay, 2.000 xe tăng – thiết giáp, 1.500 khẩu pháo, 2 triệu khẩu súng các loại, 50.000 xe cơ giới quân sự, hàng trăm tàu, thuyền chiến đấu.

Đế quốc Mỹ đã tiến hành chiến tranh bằng tất cả sức mạnh của mình, huy động mọi lực lượng có thể huy động được, thực hiện những chiến lược phản cách mạng hiểm độc nhất.

Tin tưởng vào bộ máy chiến tranh hùng hậu đó, Tướng không quân Mỹ - Côtlôt Limai đã tuyên bố: “Không quân là quyết định. Không quân là công cụ chiến thắng. Bằng không quân, chúng ta có thể đạt được bất cứ mục tiêu nào trên thế giới này. Bắc Việt Nam hãy sờ lên gáy, nếu không chúng ta sẽ ném bom tàn phá tan hoang, đẩy lùi Bắc Việt Nam về thời đại đồ đá. Dưới bom đạn Mỹ, Bắc Việt Nam không chịu nổi vài tuần”.

Còn Oetmolen - Tham mưu trưởng Lục quân Hoa Kỳ - cũng đe dọa “Chúng ta sẽ tiếp tục làm cho họ phải đổ máu tới mức hàng mấy thế kỷ phải chịu thảm họa dân tộc”.

Chiến tranh Việt Nam là cuộc chiến gây nhiều tàn phá nhất, thiệt hại nhân mạng nhiều nhất trong lịch sử Việt Nam và gây chia rẽ sâu sắc về chính trị cũng như tác động xấu đến kinh tế đối với cả Việt Nam và Mỹ, cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới. Sngười Việt Nam bị thiệt mạng trong chiến tranh Việt Nam là từ 2 đến 5 triệu, hàng triệu người khác tàn tật và bị thương. Mỹ đã rải ở miền Nam Việt Nam 45.260 tấn (khoảng 75 triệu lít) chất độc hóa học.

Việt Nam đã trở thành đất nước bị ném nhiều bom nhất trong lịch sử thế giới. Số bom mà máy bay Mỹ ném xuống Việt Nam là 7,85 triệu tấn, gấp gần 3 lần tổng số bom mà tất cả các nước đã sử dụng trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Tính bình quân mỗi người Việt Nam thời đó phải chịu đựng trên dưới 250 kg bom của Mỹ, trong cái gọi là "chính sách lunarization" (Mặt Trăng hóa). Nếu tính cả bom đạn dùng trên mặt đất (lựu đạn, mìn, đạn pháo, chất nổ...) thì Mỹ đã dùng tổng cộng trên 15,35 triệu tấn bom đạn ở Việt Nam, mỗi người Việt Nam thời đó phải chịu đựng trên dưới 460 kg bom, đạn của Mỹ. Cơ sở hạ tầng ở cả hai miền Việt Nam bị phá hủy nặng nề. Sau chiến tranh, Việt Nam là một trong những nước có tình trạng ô nhiễm bom, mìn nặng nề nhất trên thế giới. Gần 800.000 tấn bom mìn chưa phát nổ còn sót lại trong lòng đất vẫn tiếp tục gây tai nạn, làm hơn 42.000 người chết, 62.000 người bị thương từ 1975 đến 2014, gây ô nhiễm 6,6 triệu ha đất (chiếm 20% diện tích Việt Nam), khiến chính phủ Việt Nam phải chi mỗi năm khoảng 100 triệu USD để khắc phục hậu quả bom mìn. Hiện nay có hàng vạn nạn nhân chất độc hóa học tại Việt Nam. Một nửa diện tích rừng mưa của Việt Nam bị phá hủy. Mỹ đã rải ở miền Nam Việt Nam 45.260 tấn (khoảng 75 triệu lít) chất độc hóa học, sự tàn phá môi trường do Mỹ gây ra lớn đến mức đã khai sinh một thuật ngữ tiếng Anh mới là “ecocide”.( Ecocide là thuật ngữ chỉ hành động hủy diệt môi trường tự nhiên trên quy mô lớn, thường do con người gây ra).

Đối với Mỹ, Chiến tranh Việt Nam đã thành một chương buồn trong lịch sử của họ. 5 đời Tổng thống Mỹ với 4 chiến lược chiến tranh tại Việt Nam lần lượt phá sản. Quân đội Mỹ giảm hẳn hoạt động tại nước ngoài trong suốt 15 năm, cho tới khi Chiến tranh Vùng vịnh nổ ra. 58.220 lính Mỹ đã chết và 305.000 thương tật (trong đó 153.303 bị tàn phế nặng, trong đó 23.114 bị tàn phế hoàn toàn). Ngoài số thương tích về thể xác, khoảng 700.000 lính Mỹ trong số 2,7 triệu lính từng tham chiến tại Việt Nam bị mắc các chứng rối loạn tâm thần, thông thường được gọi là "Hội chứng Việt Nam", thêm vào đó là khoảng 10% số lính Mỹ khi trở về nước đã nghiện ma túy trong những ngày ở Việt Nam. Khoảng 70.000 tới 300.000 cựu binh Mỹ đã tự sát sau khi trở về từ Việt Nam. Sự cay đắng của các cựu binh tuổi thanh niên này góp phần tạo nên Hippie, một trào lưu đầy nổi loạn, phủ nhận xã hội công nghiệp phương Tây, quay trở về với thiên nhiên, chống chiến tranh, cổ vũ tự do tình dục và những giá trị như bình đẳng, hòa bình và tình yêu... trong thanh niên Mỹ trong suốt 20 năm. Nhiều năm sau chiến tranh, hàng trăm ngàn quân nhân và cố vấn Mỹ đã bị ung thư hoặc sinh con bị dị tật do đã tiếp xúc với chất độc da cam.

Sau thất bại ở Việt Nam, Tổng thống Richard Nixon nhìn nhận:

“Chưa bao giờ trong lịch sử nước Mỹ, có nhiều nguồn lực như vậy đã bị sử dụng một cách kém hiệu quả như trong chiến tranh ở Việt Nam. Cuộc chiến tranh đối chọi giữa một siêu cường hạt nhân với tổng sản lượng quốc dân 500 tỷ USD, một lực lượng vũ trang trên một triệu người và dân số 180 triệu chống lại một cường quốc quân sự nhỏ với tổng sản lượng quốc dân chưa được 2 tỷ USD, một đội quân 250.000 người và một số dân chỉ có 16 triệu”.

Đại tướng Maxwell D. Taylor, cố vấn đặc biệt của Tổng thống Johnson, từng chỉ huy quân viễn chinh Mỹ ở Việt Nam đã khái quát:

“Tất cả chúng ta đều có phần của mình trong thất bại của Mỹ ở Việt Nam và chẳng có gì là tốt đẹp cả. Chúng ta (nước Mỹ) không hề có một anh hùng nào trong cuộc chiến tranh này mà toàn là những kẻ ngu xuẩn. Chính tôi cũng nằm trong số đó

Có thể nói, không gì biện minh được cho sự tàn bạo của đế quốc Mỹ trong chiến tranh xâm lược Việt Nam. Vậy để chống Mỹ, sức mạnh của Việt Nam là ở chỗ nào? So sánh với tiềm lực Mỹ thì sức mạnh duy nhất của Việt Nam có được là sức mạnh con người. Đó chính là sức mạnh của truyền thống yêu nước được phát huy cao độ dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chính sức mạnh của nhân dân Việt Nam được khơi dậy dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, là yếu tố có tính chất quyết định trong việc đánh bại kẻ thù mạnh hơn mình rất nhiều lần về kinh tế lẫn quân sự. Rõ ràng, để bảo vệ Tổ quốc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nhân dân Việt Nam đã biết dựa vào sức mạnh của tư duy, tầm nhìn, trí tuệ, bản lĩnh của Đảng, dựa vào niềm tin thắng lợi, sức mạnh đoàn kết dân tộc và ý chí “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.

Thắng lợi oanh liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954 - 1975) khẳng định đanh thép, mãi được ghi vào lịch sử cứu nước và giữ nước của dân tộc ta là: nếu không có đội tiên phong cách mạng, có tổ chức chặt chẽ, có lý luận tiên tiến, tự mình xác định đúng con đường cách mạng, chiến lược và sách lược của cách mạng và chiến tranh cách mạng Việt Nam, biết điều hành cách mạng và chiến tranh một cách khoa học, có nghệ thuật có bản lĩnh như Đảng Cộng sản Việt Nam, thì không thể không giành thắng lợi trước giặc Mỹ xâm lược.

Chiến thắng 30/4/1975 mãi mãi đi vào lịch sử, khẳng định tầm vóc vĩ đại và ý nghĩa lịch sử của cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược. Nó thể hiện ý chí độc lập, tự chủ, tự lực, từ cường và khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam. Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta đã trải qua hơn 21 năm, là cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ và nhiều thử thách, cam go, ác liệt nhất. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã đương đầu với tên đế quốc giàu mạnh nhất và hung bạo nhất trong phe đế quốc.

Cuộc kháng chiến đã trải qua nhiều giai đoạn, phải đối phó lần lượt với các kế hoạch chiến lược của đế quốc Mỹ. Đó là 5 giai đoạn: (1) Từ tháng 7/1954 đến hết năm 1960, ta tập trung đấu tranh giữ gìn lực lượng, chuyển dần sang thế tiến công, làm thất bại bước đầu phương thức chủ nghĩa thực dân mới của đế quốc Mỹ; (2) Từ đầu năm 1961 đến giữa năm 1965, ta giữ vững và phát triển thế tiến công, đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ; (3) Từ giữa năm 1965 đến hết năm 1968, Đảng phát động toàn dân chống Mỹ cứu nước, đánh bại chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ ở miền Nam, đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân lần thứ nhất ở miền Bắc; (4) Từ năm 1969 đến 1973, quân và dân ta phát huy sức mạnh chiến đấu của ba nước: Việt Nam - Lào - Campuchia, làm thất bại một bước chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân lần thứ hai ở miền Bắc, tạo thế mạnh trong đàm phán; (5)Từ cuối năm 1973 đến ngày 30/4/1975 là giai đoạn tạo thế và lực, tạo thời cơ, kiên quyết tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, kết thúc thắng lợi trọn vẹn cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Chiến thắng 30/4 là chiến công oanh liệt của sự nghiệp chống Mỹ cứu nước. Phát huy tinh thần cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cả dân tộc ta lại vận dụng một cách sáng tạo vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa đã đạt được những thành tựu to lớn.

Thứ nhất, phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong chiến đấu của Đại thắng mùa Xuân 1975, động viên toàn thể dân tộc Việt Nam vững bước trên con đường xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh và hạnh phúc theo mục tiêu cao cả của Đảng: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội. Chủ nghĩa anh hùng cách mạng được phát huy trên tất cả các lĩnh vực, như: Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc và an ninh chính trị, lao động sản xuất, nghiên cứu, học tập, xả thân cứu dân trong thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, giữ vững khối đại đoàn kết dân tộc, tiếp tục phát huy tinh thần tương thân, tương ái, gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Thứ hai, phát huy cao độ tinh thần quyết chiến, quyết thắng của Đại thắng mùa Xuân 1975 để vượt qua mọi khó khăn, thử thách, không chịu tụt hậu, từng bước tiến kịp thời đại, đưa đất nước ngày càng phát triển, có vị thế xứng đáng trên thế giới. Khát vọng chính đáng đó của dân tộc, cũng thiêng liêng và mãnh liệt như ý chí giành độc lập, thống nhất Tổ quốc.

Thứ ba, phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, là động lực chủ yếu, là nhân tố đặc biệt quan trọng bảo đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp đổi mới. Trên tinh thần đó, toàn dân đoàn kết, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, chung sức, đồng lòng xây dựng một nước Việt Nam ngày càng phồn vinh và hạnh phúc.

Thứ tư, phát huy sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng giữ vững tinh thần độc lập, tự chủ, tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, phát huy nội lực của đất nước với sự giúp đỡ, hợp tác với các nước, tận dụng triệt để các nguồn lực trong và ngoài nước; giải quyết hài hòa các nhiệm vụ đối nội và đối ngoại. Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho sự phát triển, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, nâng cao vị thế đất nước, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới.

Thứ năm, phát huy Đại thắng mùa Xuân 1975 vào sự nghiệp giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng con người mới Việt Nam xã hội chủ nghĩa, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đặt niềm tin vào thế hệ trẻ sẽ nối tiếp xứng đáng sự nghiệp của các thế hệ đi trước trong điều kiện mới, xung kích tiến công vào khoa học và công nghệ, vươn tới những đỉnh cao của trí tuệ loài người, mà trước hết là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Nâng tầm văn hóa trong cuộc sống, năng động, sáng tạo trong học tập, lao động, kinh doanh, trong nghiên cứu khoa học, công nghệ và các hoạt động văn hóa, xã hội, trong nhiệm vụ bảo vệ an ninh và quốc phòng. Thế hệ thanh niên trước đây đã đảm đương xuất sắc vai trò xung kích trong Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám năm 1945, trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và hai cuộc chiến tranh biên giới phía Tây Nam và phía Bắc, ngày nay là lực lược xung kích, đi đầu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Thứ sáu, phát huy tri thức, kinh nghiệm quân sự, công tác tư tưởng trong Đại thắng mùa Xuân 1975 vào bảo vệ Tổ quốc thân yêu của chúng ta hiện nay. Xây dựng nền quốc phòng vững mạnh sẽ góp phần trực tiếp vào việc giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, xã hội, bảo đảm và tạo điều kiện quan trọng cho việc thực hiện những mục tiêu cốt lõi và chiến lược của đất nước. Không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục quốc phòng - an ninh, nêu cao ý thức trách nhiệm đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cho mọi công dân nhằm khơi dậy, khích lệ, phát huy những giá trị truyền thống yêu nước của dân tộc trong điều kiện lịch sử mới.

Hiện nay, chúng ta đang đứng trước 3 nhiệm vụ trọng tâm rất quan trọng của đất nước: Một là, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam ổn định, hòa bình. Hai là, phát triển đất nước đạt được các mục tiêu đã đặt ra đến năm 2030, năm 2045 - 100 năm nhà nước Việt Nam độc lập, trở thành nước phát triển và có thu nhập cao. Ba là, nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân, thực hiện những điều mong muốn của Bác Hồ là ai cũng được ấm no, hạnh phúc, ai cũng được học hành.

Thực hiện được 3 nhiệm vụ này, theo Tổng Bí thư, mọi người dân Việt Nam đều phải có trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc hòa bình, ổn định, đoàn kết. Ai cũng phải lao động sản xuất, phải sáng tạo, tạo ra nhiều của cải, vật chất cho đất nước hơn nữa, để đất nước phát triển, sánh vai với các cường quốc năm châu. Đảng và Nhà nước phải đảm bảo cuộc sống ấm no, hạnh phúc, bình đẳng, tự do cho mọi người dân. Không được để người dân bị đói nghèo. Ai cũng được chăm sóc sức khỏe, ai cũng được học hành, ai cũng được thụ hưởng thành quả cách mạng của đất nước độc lập, tự do.

Trong bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước dự báo vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp và khó lường, cơ hội và thách thức đan xen, khát vọng và mục tiêu cao đẹp cùng những đòi hỏi ấy đặt ra nhiệm vụ quan trọng cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tiếp tục đồng hành với Đảng và Nhà nước, với dân tộc và nhân dân, vượt qua mọi thách thức, khó khăn, đạt nhiều thành tựu to lớn hơn nữa.

Phát huy những giá trị của chiến thắng hào hùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại, phát huy tinh thần yêu nước nồng nàn, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, của ý chí "không có gì quý hơn độc lập, tự do" của thời đại Hồ Chí Minh, trong dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội XVIII, của Đảng bộ tỉnh Hải Dương ghi: Phát triển tỉnh Hải Dương trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại có kinh tế phát triển nhanh, cơ cấu hợp lý và bền vững; hướng đến trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Xây dựng Đảng bộ tỉnh và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, hoạt động minh bạch, chuyên nghiệp, hiệu quả. Hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển đồng bộ, đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất và tiêu chuẩn sống ở mức cao. Nâng cao chất lượng giáo dục, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe Nhân dân; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Đảm bảo an ninh - trật tự, cộng đồng đoàn kết, cùng phát triển.

Nhiệm vụ trọng tâm tỉnh Hải Dương hướng đến là Huy động, sử dụng các nguồn lực thông minh, tiết kiệm và hiệu quả, khai thác tối đa các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đi đôi với siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm, nhất là vai trò người đứng đầu trong xây dựng, cụ thể hóa, thực thi chủ trương, đường lối của Đảng; Quyết tâm xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có bản lĩnh chính trị, tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng xây dựng đội ngũ công chức, viên chức có năng lực chuyên môn cao, có ý thức chính trị, am hiểu luật pháp, có tinh thần cống hiến phục vụ, vì sự phát triển của tỉnh, vì hạnh phúc của Nhân dân; Chú trọng hoạt động của các cơ sở đào tạo, nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động; Bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử, giá trị văn hóa truyền thống. Khơi dậy mạnh mẽ hào khí dân tộc, truyền thống văn hóa xứ Đông, tinh thần tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào và khát vọng phát triển quê hương, đất nước.

Với hành trang là những kết quả đã đạt được trong công cuộc kháng chiến cứu nước và trong những năm đổi mới, với truyền thống đoàn kết, quyết tâm cao, nỗ lực của toàn Đảng bộ, cùng với sự chung sức, đồng lòng của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, Hải Dương đang tăng tốc cùng cả nước vững bước tiến vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Điều này cũng đòi hỏi, mỗi cán bộ, đảng viên, và nhân dân Hải Dương dù đang sinh sống và làm việc ở đâu, bằng tình yêu và trách nhiệm, tài năng và sáng tạo đều có thể đóng góp cho Tổ quốc theo cách riêng của mình, đóng góp ngày càng to lớn cho sự nghiệp chung của Đảng và dân tộc, cùng nhau vun đắp, phát huy truyền thống sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và những giá trị tốt đẹp của văn hóa, con ngườiHải Dương nói riêng và người Việt Nam, nói chung, tạo thành sức mạnh nội sinh to lớn, đưa tỉnh Hải Dương và đất nước ta ngày càng phát triển, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc./.

Th.s Đỗ Thị Lan, Phó trưởng khoa Xây dựng Đảng

------

TÀI LIỆU THAM KHẢO

(1) GS, TS Phan Ngọc Liên (chủ biên, 2005): Hậu phương lớn, tiền tuyến lớn trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975, Nxb Từ điển Bách khoa Hà Nội, tr.200.

(2), (3) Sức mạnh Việt Nam, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 1976, tr.160-161, tr.161.

- Http/24hmoney.vn. Chi phí chiến tranh của Mỹ và viện trợ của Mỹ cho Nam Việt Nam trong chiến tranh Việt Nam.

- Viện trợ nước ngoài trong Chiến tranh Việt Nam – Wikipedia tiếng Việt

- https://www.bing.com Những con số gây sốc về cuộc Kháng chiến chống Mỹ cứu nước.