NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG 49 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975-30/4/2024) VÀ 138 NĂM NGÀY QUỐC TẾ LAO ĐỘNG (01/5/1886-01/5/2024)!
Nghiên cứu trao đổi
MỘT SỐ GỢI Ý LÀM TĂNG TÍNH GIÁ TRỊ VÀ TÍNH TIN CẬY CỦA ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ HỌC TẬP CỦA HỌC VIÊN TRONG CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO TRUNG CẤP LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ - HÀNH CHÍNH (LLCT-HC) Ở TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH

ThS. Nguyễn Thị Nga - Khoa Lý luận cơ sở

Kiểm tra, đánh giá là khâu then chốt cuối cùng của quá trình dạy học. Đây là công cụ quan trọng, chủ yếu để xác định năng lực, nhận thức của người học, để điều chỉnh quá trình giảng dạy, là động lực dể đổi mới phương pháp góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng giảng dạy. Trong giáo dục, những thông tin mà các hoạt động kiểm tra, đánh giá mang lại được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau và người ta thường phải xác định rõ mục đích của việc sử dụng thông tin này để có thể thiết kế và tổ chức hoạt động kiểm tra, đánh giá phù hợp với mục đích đã xác định. Trên tất cả, mục đích cuối cùng của đánh giá là nhằm nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục, chương trình giáo dục, sản phẩm giáo dục. Chính vì thế, kết quả đánh giá phải đảm bảo yêu cầu tính giá trị và yêu cầu tính tin cậy.

Tính giá trị đòi hỏi phải đánh giá và đo lường được đúng các mục tiêu định đo. Như vậy, trong đánh giá, thông tin thu được phải là những bằng chứng để đi đến những kết luận phù hợp, thể hiện ở việc thiết kế các công cụ đánh giá. Để đánh giá có giá trị, cần phải có sự phân tích về mặt chuyên môn nhằm xác định một công cụ được xây dựng là thích hợp cho việc đo lường mục tiêu. Tính tin cậy chỉ sự chính xác của đánh giá tức là phản ánh đúng kết quả học tập của người học như nó tồn tại trên cơ sở đối chiếu với mục tiêu đã đề ra. Tính tin cậy cho biết kết quả đánh giá ở những thời điểm khác nhau đều cho kết tương tự. Thường thì 3 đặc tính sau quyết định độ tin cậy của bài thi: Sự tương quan lẫn nhau giữa các câu hỏi: mức độ tương quan càng lớn thì mối quan hệ giữa các câu hỏi càng mạnh do đó độ tin cậy của bài thi càng cao; đặc tính có liên quan tới độ phân biệt của câu hỏi thi; Độ dài của bài thi - bài thi có nhiều câu hỏi thường có độ tin cậy cao hơn; Nội dung của bài thi - nhìn chung nếu bài thi hướng đến đánh giá nhiều nội dung thì độ tin cậy thấp hơn bài thi hướng đến đánh giá 1 nội dung.

Trong chương trình đào tạo Trung cấp LLCT-HC ở trường chính trị tỉnh hiện nay, kết quả học tập của học viên được thể hiện ở các thông số: điểm thi hết môn, điểm thi tốt nghiệp, điểm bài nghiên cứu thực tế, điểm thi tốt nghiệp (hoặc viết tiểu luận cuối khóa). Thời gian qua, công tác đánh giá học viên nói chung, đánh giá kết quả học tập của học viên nói riêng đã được quan tâm, không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng. Ở một chừng mực nhất định, nhìn chung kết quả đánh giá (điểm thi hết môn, điểm thi tốt nghiệp, điểm chấm bài thu hoạch, điểm tiểu luận) đã phản ánh một cách khách quan mức độ đạt được của học viên trong quá trình học tập về kiến thức, kỹ năng, thái độ. Kết quả thi hết môn, thi tốt nghiệp, bài thu hoạch nghiên cứu thực tế đều bao gồm các  mức đánh giá: giỏi, khá, trung bình nghĩa là kết quả đánh giá đã góp phần phân loại học viên theo mức độ, trình độ nhận thức. Kết quả thi cũng đã phản ánh được phần nào chất lượng giảng dạy, là một cơ sở để giảng viên điều chỉnh hoạt động giảng dạy của mình. Đồng thời, kết quả thi cũng góp phần cho học viên thấy trình độ nhận thức của mình, làm đòn bẩy để học viên cố gắng hơn trong quá trình học tập.

Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng, kết quả đánh giá học viên hiện nay chưa hoàn toàn khách quan, chưa hoàn toàn đảm bảo độ giá trị và độ tin cậy của điểm số khi mà tỷ lệ học viên đạt điểm khá – giỏi (từ điểm 7 trở lên) chiếm tỷ lệ lớn (ở các lớp trung cấp LLCT- HC, tỷ lệ điểm thi cũng như điểm trung bình toàn khóa đạt khá – giỏi luôn đạt trên 85%, học viên đạt điểm trung bình rất ít, chỉ đếm trên đầu ngón tay). Do chủ yếu sử dụng các câu hỏi tự luận nên quá trình chấm không thể tránh khỏi sự tác động bởi tâm lý chủ quan của người chấm. Điều này dẫn đến cùng một bài thi nhưng kết quả đánh giá khác nhau, thậm chí chênh nhau khá rõ giữa các chủ thể đánh giá, gây ảnh hưởng đến độ tin cậy của kết quả đánh giá. Hơn nữa, việc chỉ sử dụng các đề thi tự luận dẫn đến việc chỉ đánh giá được việc nắm bắt kiến thức ở 1-2 vấn đề nhất định mà chưa bao phủ được nội dung kiến thức toàn bộ môn học, phần học, làm giảm tính giá trị của đánh giá. Nhiều câu hỏi thi chủ yếu là tái hiện kiến thức lý thuyết, thậm chí ra đúng như đề mục trong bài học, phông kiến thức hạn hẹp. Như vậy, chỉ cần viết đủ nội dung lý luận theo giáo trình đã đạt yêu cầu. Học viên trong trường hợp này chỉ là sao chép lại tài liệu và dẫn tới hiện tượng nhiều bài thi giống hệt nhau, việc đánh giá không đạt được hiệu quả mong muốn và kết quả đánh giá không phản ánh được một cách chính xác mức độ nhận thức của học viên. Bên cạnh những đề thi khai thác sâu nội dung lý luận và sát về yêu cầu vận dụng, thì cũng còn không ít đề thi nặng về lý luận lý và vận dụng thực tiễn chung chung. Số ít còn có những câu hỏi thi chưa thực sự sát với nội dung bài học. Không chỉ nội dung đề thi, mà công tác tổ chức thi, chấm thi cũng còn có những hạn chế làm ảnh hưởng đến tính giá trị và tin cậy của kết quả đánh giá: việc xét điều kiện thi đôi khi vì những lý do khách quan và chủ quan vẫn chưa thực sự công bằng, khách quan, còn tồn tại tình trạng “khoảng trống”, “điểm mờ”. Việc xác định nội dung đánh giá (xây dựng câu hỏi thi) có lúc chưa đảm bảo sự liên kết, sự thống nhất với mục tiêu, nội dung giảng dạy. Công tác tổ chức thi, đặc biệt là thi hết môn còn chưa thực sự nghiêm túc, chưa đảm bảo đủ các nội dung trong quy trình tổ chức thi; coi thi còn “lỏng”, “hình thức” làm cho kết quả đánh giá vẫn chưa phản ánh được “thực chất” trình độ, năng lực của học viên. Công tác chấm thi có lúc còn ảnh hưởng bởi tâm lý chủ quan của người chấm, chưa sát sao, có lúc còn “à uôm”,  chưa có sự thống nhất giữa các giáo viên chấm dẫn đến sự chênh lệch, “vênh” nhau về điểm số, vẫn còn hiện tượng “xin – cho”. Trong quá trình đánh giá, xếp loại cán bộ tại các cơ quan, đơn vị cử học viên đi học cũng như việc bổ nhiệm cán bộ chỉ yêu cầu hoàn thành chương trình và “có bằng” tốt nghiệp. Vì thế, kết quả học tập với nhiều học viên chưa kích thích được sự cố gắng, nỗ lực của người học.

Với những phân tích trên đây có thể thấy rằng, những hạn chế còn tồn tại trong việc xác định nội dung đánh giá, tổ chức đánh giá, sử dụng kết quả đánh giá học viên trong chương trình đào tạo trung cấp LLCT-HC đã có tác động nhất định ảnh hưởng đến tính giá trị, độ tin cậy của kết quả đánh giá, qua đó gián tiếp ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả giảng dạy. Kiểm tra, đánh giá là khâu then chốt cuối cùng của quá trình giảng dạy. Vì thế, để nâng cao chất lượng giảng dạy thì không thể không nâng cao chất lượng công tác đánh giá học viên, mà sâu xa nhất, cốt lõi nhất là làm tăng tính giá trị và tính tin cậy của kết quả đánh giá. Để đảm bảo tốt 2 yêu cầu cơ bản này, không chỉ là vấn đề chấm thi mà cần quan tâm đến một loạt các hoạt động khác từ việc xác định nội dung, phương pháp đánh giá, tổ chức đánh giá. Tác giả xin đưa ra một số gợi ý về những nội dung trọng tâm cần thực hiện sau đây:

- Nâng cao chất lượng các nội dung đánh giá:

+ Nâng cao chất lượng xây dựng đề thi, ngân hàng để thi với từng hình thức thi như trắc nghiệm, vấn đáp, tự luận…:

Cần tăng cường sinh hoạt chuyên môn về các chủ đề thiết yếu để nâng cao chất lượng giảng dạy và xây dựng đề thi. Đặc biệt đối với những môn có sự tham gia của nhiều giảng viên từ nhiều khoa, phòng (như môn Đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội). Trao đổi tạo sự thống nhất trong nhận thức trong thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn, từ giảng bài, các phương án giảng, nội dung khai thác giảng, xây dựng đề thi, đến độ đa dạng đề thi cần đạt...

Nêu cao tinh thần tự giác trong nghiên cứu, giảng dạy và xây dựng đề thi. Để giảng dạy và xây dựng đề thi đáp ứng yêu cầu trước hết giảng viên cần nâng cao trách nhiệm trong từng bài giảng để trang bị những kiến thức cơ bản nhất cho học viên. Mỗi giảng giảng viên cần chủ động nghiên xây dựng đề thi cho mỗi bài mà mình đảm nhận. Nghiên cứu những bài có nội dung gần kể cả các phần học khác để tránh lấn sân sang các phần học khác.

Thống nhất cơ cấu điểm phần lý luận và vận dụng hợp lý cho các phần học, đối với nhưng nội dung giảng viên hướng dẫn học viên tự nghiên cứu cũng cần đưa vào nội dung ôn và thi.

Cần bổ sung một số câu hỏi mang tính tổng hợp nội dung của nhiều bài, cho học viên thảo luận làm quen với cơ cấu điểm ít để thí điểm đưa vào đề thi nhằm làm mới đề, đồng thời tạo hứng thú cho những học viên có khả năng học tốt hướng đến điểm giỏi, điểm xuất sắc 9, 10.

Cần đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng mở, hướng tới khai thác những vấn đề gắn với tình hình thực tiễn của địa phương, đất nước hay những vấn đề học viên quan tâm. Đồng thời, đầu tư nghiên cứu trong việc xây dựng đề thi mở gắn với đáp án mở.

+ Đối với nội dung viết thu hoạch nghiên cứu thực tế và viết tiểu luận cuối khóa, cần thường xuyên đổi mới, cập nhật, bổ sung những câu hỏi mang tính thời sự vào hệ thống nội dung gợi ý cho học viên. Thí điểm việc báo cáo và bảo vệ khóa luận của học viên khi xét thấy các đề tài có ý nghĩa lý luận và thực tiễn (theo phương pháp xác xuất trong lựa chọn, để người hướng dẫn và viết luôn đề cao trách nhiệm khi thực hiện).

- Sử dụng kết hợp nhiều phương pháp trong quá trình đánh giá học viên:

Cho đến nay, cùng với xu hướng đổi mới giáo dục, đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá người học, đã xuất hiện thêm các phương pháp và phương tiện hiện đại hơn. Song chưa có phương pháp nào là phương pháp “vạn năng”, “tối ưu” nhất mà mỗi phương pháp đều có những ưu điểm và hạn chế nhất định. Vì vậy, cần sử dụng kết hợp nhiều phương pháp để đạt được hiệu quả đánh giá cao nhất. 

Trong đánh giá kết quả học tập của học viên, ngoài việc sử dụng các đề thi tự luận như hiện nay cần tăng cường thêm các hình thức như:

+ Thi vấn đáp trong thi hết môn (chí ít là trong từng nhóm môn hay từng khoa cần có một môn thi vấn đáp, có thể bốc ngẫu nhiên?). Thành phần tham gia hỏi thi cần kết hợp giữa các giảng viên có trình độ, kinh nghiệm, có vị trí nhất định (để có thể xử lý ngay những vấn đề phát sinh trong hỏi thi) kết hợp với các giảng viên khác.

+ Kết hợp giữa trắc nghiệm tự luận và trắc nghiệm khách quan để phát huy được những ưu điểm và hạn chế bớt những nhược điểm của mỗi hình thức thi...

- Tăng cường quản lý đối với công tác đánh giá học viên:

Đảng ủy, Ban Giám hiệu cần tiếp tục quán triệt sâu sắc nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước về đổi mới đánh giá kết quả học tập đồng thời cụ thể hóa thành các Hướng dẫn cụ thể của nhà trường, làm chuyển biến căn bản, toàn diện hoạt động giáo dục và đào tạo nói chung, đổi mới phương thức đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của học viên nói riêng.

Tăng cường kiểm tra, giám sát đối với công tác đánh giá học viên. Cùng với hoạt động thanh tra các buổi học, cần tăng cường thanh kiểm tra, giám sát, kiểm soát đối với việc ra đề thi, các buổi thi cũng như việc chấm thi để đảm bảo việc đánh giá được thực hiện nghiêm túc hơn. Thông qua kiểm tra công tác đánh giá học viên, kịp thời phát hiện những vướng mắc để có biện pháp xử lý. 

Quan tâm hơn nữa đến đội ngũ cán bộ, giảng viên tham gia đánh giá học viên. Bên cạnh việc nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, cần tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề nâng cao nghiệp vụ coi thi, chấm thi. Tấp huấn cho đội ngũ cán bộ giảng viên tiếp cận những phương pháp đánh giá hiện đại.

 Hiện nay, sau khi thực hiện sắp xếp lại cơ cấu tổ chức, bộ máy của nhà trường và việc luân chuyển cán bộ, việc phân công lại bài giảng cũng như việc phân công khoa quản lý giảng dạy, cần có sự phân công lại đối với đơn vị phụ trách công tác ra đề thi của từng môn và chỉ đạo xây dựng lại hệ thống ngân hàng câu hỏi để đảm bảo tính thống nhất giữa hoạt động giảng dạy với hoạt động đánh giá kết quả của học viên.

- Kiến nghị với các cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi cử cán bộ đi học sử dụng kết quả đánh giá, xếp loại học tập, rèn luyện trong quá trình học trung cấp LLCT-HC là tiêu chí, cơ sở để đánh giá cán bộ của mình. Đồng thời, không chỉ dừng lại ở mức độ đánh giá chung chung mà căn cứ vào kết quả học tập, rèn luyện của cán bộ trong quá trình học mà có sự phân loại, đánh giá theo các  mức độ khác nhau. Ví dụ: đối với học viên đạt xếp loại học tập loại Giỏi, rèn luyện Tốt hoặc có Giấy khen của Hiệu trưởng trường Chính trị tỉnh có thể là tiêu chí để biểu dương khen thưởng trong đánh giá, xếp loại cán bộ, đảng viên cuối năm ở cơ quan, đơn vị.

Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, đánh giá học viên ở trường chính trị hiện nay là một đòi hỏi khách quan, nhằm thực hiện tốt yêu cầu của Ban Bí thư Trung ương Đảng về công tác đào tạo, bồi dưỡng tại các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó, cốt lõi là đảm bảo và tăng tính giá trị và tính tin cậy của kết quả đánh giá học viên. Làm tốt công tác này chính là tạo ra động lực quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận chính trị ở trường chính trị tỉnh hiện nay. Với phương châm “học thực chất, thi thực chất, kết quả thực chất” nhằm hướng tới đào tạo đội ngũ cán bộ vừa hồng, vừa chuyên, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách  mạng của quá trình đổi mới, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp từ nhận thức tới quản lý, từ nội dung tới phương pháp, phương tiện đánh giá, từ xác định mục đích đến sử dụng kết quả đánh giá như thế nào./.

Các tin mới hơn
QUAN ĐIỂM CỦA ĐẢNG TA VỀ CÔNG TÁC CÁN BỘ NỮ(22/11/2023)
Chủ động nhận diện những luận điệu xuyên tạc về Chủ tịch Hồ Chí Minh(15/11/2023)
Vận dụng phương pháp giảng dạy tích cực trong giảng dạy môn học Quản lý hành chính nhà nước tại trường Chính trị tỉnh Hải Dương(15/11/2023)
GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG HOẠT ĐỘNG NGHIÊN CỨU KHOA HỌC, TỔNG KẾT THỰC TIỄN ĐÁP ỨNG YÊU CẦU XÂY DỰNG TRƯỜNG CHÍNH TRỊ CHUẨN(13/11/2023)
Một số giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp xã của tỉnh Hải Dương đáp ứng yêu cầu phát triển thành tỉnh công nghiệp hiện đại(11/11/2023)
Các tin cũ hơn
Nhận diện những tác động tích cực và hạn chế đến hoạt động đào tạo, bồi dưỡng CBCC cấp xã tỉnh Hải Dương hiện nay(19/09/2020)
Các Nghị định mới được Chính phủ ban hành liên quan tới vấn đề nhân sự đối với các đơn vị sự nghiệp công lập và tổ chức, nhân sự các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện và UBND cấp tỉnh (17/09/2020)
Ý nghĩa lịch sử và giá trị bất hủ của Bản Tuyên ngôn Độc Lập(28/08/2020)
HẢI DƯƠNG – MÙA THU THÁNG TÁM(21/08/2020)
Chung sức, đồng lòng, cương quyết chặn đứng dịch bệnh Covid - 19(20/08/2020)
Hệ thống văn bản
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na
Liên kết website
Bộ CHQS tỉnh Hải Dương Bảo Tàng tỉnh Hải Dương
http://dochoi.haiduong.net.vn

Mua sắm đồ chơi online, Chuyên đồ chơi điều khiển từ xa, chuyên xếp hình Lego, chuyên siêu xe, bán buôn bán lẻ đồ chơi, hải dương, đồ chơi rẻ nhất, đồ chơi độc đáo, đồ chơi hải dương uy tín