na
NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)! 
Nghiên cứu trao đổi
Một số khó khăn trong hoạt động của Ban công tác Mặt trận Tổ Quốc ở khu dân cư trên địa bàn tỉnh Hải Dương hiện nay
18/10/2021 09:03:07

Vũ Thị Mận

Giảng viên khoa Xây dựng Đảng

Sau Đại hội Mặt trận toàn quốc lần thứ I (tháng 02/1977) Uỷ ban Mặt trận xã và tương đương (gọi chung là cấp cơ sở) chính thức được thành lập trên phạm vi cả nước. Để giúp Uỷ ban Mặt trận cơ sở thực hiện chương trình hành động do Đại hội đề ra, nhiều địa phương đã sáng tạo các hình thức tổ chức hoạt động phong phú ở dưới cấp cơ sở, nhằm giúp Uỷ ban Mặt trận cơ sở đoàn kết, tập hợp nhân dân, tạo nên những phương thức hoạt động mới.

Từ thực tiễn sáng tạo của cơ sở đã được tổng kết, Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã có Thông báo số 277/MTTW ngày 10/7/1979 gửi Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ các địa phương để phổ biến kinh nghiệm, nhân ra diện rộng (dưới những tên gọi khác nhau: Tổ Mặt trận, Ban cán sự Mặt trận thôn, Ban cán sự Mặt trận phân khu, Ban điều hành Mặt trận khu vực, Tổ nhân dân làm chủ, Tổ nhân dân…), vừa tổ chức thống nhất hành động của các đoàn thể ở từng thôn, ấp, khu vực, vừa trực tiếp vận động nhân dân.

Điều lệ Đại hội MTTQ Việt Nam lần thứ II (5/1983) quy định “Tuỳ tình hình cụ thể ở từng địa phương, theo sự hướng dẫn của Uỷ ban Mặt trận cấp tỉnh hoặc thành phố và Uỷ ban MTTQ cấp huyện, quận, Uỷ ban MTTQ xã, phường, thị trấn có thể áp dụng những hình thức tổ chức linh hoạt để tập hợp, đoàn kết và động viên các tầng lớp nhân dân trong các khu vực dân cư” để cùng nhau tạo ra cuộc sống mới. Lần đầu tiên Điều lệ MTTQ Việt Nam chính thức đề cập đến tổ chức liền kề dưới cấp cơ sở.

Để sát hơn với tình hình cơ sở, ngày 01/3/1985, Ban Thường trực tiếp tục có công văn số 18/MTTQVN hướng dẫn bổ sung hoàn chỉnh và cụ thể một số nội dung cho các địa phương để thực hiện trong quá trình tổ chức xây dựng mạng lưới hoạt động ở cơ sở. Lần đầu tiên một hình thức tổ chức liền kề dưới Mặt trận cấp cơ sở được xác định cả về tổ chức và nội dung hoạt động, từ đây Ban công tác Mặt trận cũng chính thức thống nhất tên gọi trong phạm vi cả nước, đánh dấu một bước tiến rõ rệt về tính chất thiết thực của hoạt động.

Trên địa bàn tỉnh Hải Dương Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư được ví như "cánh tay nối dài" của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc ở cơ sở. Đây là lực lượng chính để Mặt trận tuyên truyền và vận động quần chúng nhân dân phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Chính quyền, tăng cường đồng thuận xã hội. Đóng góp to lớn cho công cuộc đổi mới và phát triển đất nước, nhờ vậy hoạt động của Ban Công tác Mặt trận khu dân cư ngày càng có hiệu quả, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, giữ vững ổn định an ninh chính trị của địa phương. Nhận thức được vai trò to lớn của lực lượng này tỉnh ta đã ban hành một số văn bản quan trọng như: Quyết định số 16/2013/QĐ-UBND ngày 7/8/2013 ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của thôn, khu dân cư; Quyết định số 28/2009 QĐ-UBND ngày 24/9/2009 về việc ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của thôn, khu dân cư; Quyết định số 36/2017/QĐ-UBND ngày 23/12/2017 về việc quy định phụ cấp, khoán số lượng, định mức kinh phí, chi phí phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và thôn, khu dân cư, khoán chi phí hoạt động đối với các tổ chức chính trị - xã hội cấp xã và thôn, khu dân cư trên địa bàn tỉnh Hải Dương…

Thực tế ở tỉnh Hải Dương trong nhiều năm qua đã cho thấy việc xây dựng làng văn hóa, khu dân cư văn hóa trong cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Đặc biệt là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đã có sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ cán bộ Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư trong việc xây dựng cuộc sống mới, góp phần đưa các về đích nông thôn mới, khu phố văn minh, xanh, sạch, đẹp. Nhìn chung đội ngũ cán bộ làm việc ở Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư tỉnh Hải Dương đa số là những người có nhiều năm tham gia công tác Mặt trận, đã và đang triển khai nhiều hoạt động như: Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”, “Ngày vì người nghèo”; “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, chương trình mục tiêu xóa đói giảm nghèo, hoạt động nhân đạo từ thiện, tuyên truyền pháp luật, thanh tra nhân dân… nên đội ngũ cán bộ Ban công tác Mặt trận đều đã có nhiều kinh nghiệm trong công tác vận động nhân dân. Đây là điều kiện thuận lợi để Mặt trận triển khai các hoạt động, các phong trào thi đua, các cuộc vận động đến từng khu dân cư và từng hộ gia đình.

Hoạt động của Ban Công tác mặt trận khu dân cư có được kết quả quan trọng, ngoài sự đoàn kết nỗ lực, cố gắng của đội ngũ cán bộ làm công tác Mặt trận phải kể đến sự tham gia tích cực, nhiệt tình, trách nhiệm của Trưởng ban công tác mặt trận. Đây là những người có uy tín trước nhân dân, cơ bản là những người có sự từng trải, giàu kinh nghiệm sống, nhiệt tình công tác, có tín nhiệm trước nhân dân có năng lực vận động quần chúng và có điều kiện để hoạt động, đáp ứng yêu cầu đổi mới công tác Mặt trận trong tình hình hiện nay. Họ là những người đã từng giữ những vị trí quan trọng trong xã hội như đã từng là sỹ quan trong Quân đội, nguyên là lãnh đạo chủ chốt ở địa phương, lãnh đạo các cơ quan, ban ngành từ cấp xã trở lên đã về nghỉ hưu tại địa phương nhưng vẫn nhiệt tình, trách nhiệm tham gia công tác ở cơ sở. Đây là nguồn cán bộ quý cho Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư, là lực lượng nòng cốt hoạt động Mặt trận trong tình hình hiện nay.

Tuy nhiên qua khảo sát thực tế ở một số địa phương Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư trên địa bàn tỉnh ta còn gặp một số khó khăn sau đây:

Trong hệ thống chính trị nước ta hiện nay, Mặt trận là một trong những tổ chức chưa có trường đào tạo cán bộ riêng. Cán bộ Mặt trận chỉ có thể được tập huấn, bồi dưỡng lý luận, chuyên môn nghiệp vụ nhờ cơ sở trường lớp của các Trung tâm Chính trị huyện, Trường Chính trị tỉnh. Vì vậy, đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Mặt trận, cần có cách nhìn toàn diện và giải pháp đồng bộ. Cần  nghiên cứu đầu tư cho đội ngũ cán bộ, giảng viên, báo cáo viên nòng cốt trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Mặt trận. Vì công tác đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện cán bộ của MTTQ cần đặt ra tương xứng với vai trò, vị trí của một tổ chức thành viên hệ thống chính trị - tổ chức đại diện cho lợi ích của các tầng lớp nhân dân; MTTQ chỉ có thành viên không có hội viên, đoàn viên như các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội khác, song dù hoạt động không chuyên trách, kiêm nhiệm thì cũng phải được coi trọng như các tổ chức khác, do đó cần phải đào tạo, bồi dưỡng một cách bài bản.

Cơ sở vật chất và các điều kiện cho việc thực hiện các phong trào, cuộc vận động  là rất quan trọng, có ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của Ban công tác Mặt trận. Khảo sát về vấn đề này cho thấy có 100% ý kiến cho rằng kinh phí hoạt động cho Ban công tác Mặt trận là yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng cuộc vận động. Nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 có ảnh hưởng rất lớn, nhu cầu cần thiết phải sử dụng công nghệ thông tin, đầu tư các phương tiện hiện đại, trang bị kỹ năng, công nghệ mới cho cán bộ và các hoạt động của tổ chức Mặt trận.

 Về kinh phí hoạt động của Ban công tác mặt trận, theo hướng dẫn và quy định của nhà nước, mức kinh phí hoạt động của Ban công tác Mặt trận là 4 triệu đồng/năm để Ban công tác mặt trận triển khai các nội dung của cuộc vận động. Thực tế cho rằng với mức kinh phí 4 triệu đồng hiện nay không đủ để Ban Công tác Mặt trận thôn, khu dân cư tổ chức các hoạt động. Bên cạnh đó mức phụ cấp đối với Trưởng ban công tác Mặt trận: khi không kiêm nhiệm: từ 0,3 đến 0,4 mức lương cơ bản; được 0,2 mức lương cơ bản khi kiêm nhiệm các chức danh khác. Qua khảo sát đội ngũ Trưởng Ban công tác Mặt trận về chế độ phụ cấp cho rằng chế độ phụ cấp như trên là chưa thỏa đáng. Ngoài ra các thành viên khác của Ban CTMT thôn, khu dân cư không được hỗ trợ gì nên cũng ảnh hưởng đến hoạt động

       Về các loại văn bản liên quan đến nội dung cuộc vận động hiện đang có ở Ban công tác Mặt trận. Hầu hết những văn bản mang tính chất cơ bản nhất hiện nay Ban công tác Mặt trận đều không có, điều đó chắn chắn ảnh hưởng đến việc triển khai các nội dung của các cuộc vận động. Đối với báo chuyên ngành: Báo đại đoàn kết do cơ quan Trung ương MTTQ Việt Nam xuất bản, hiện đã có báo ra theo ngày, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã có Chỉ thị về mua và đọc báo, với quan điểm báo đại đoàn kết được phổ biến đến tận khu dân cư, song vì nguồn kinh phí hạn chế, nhiều thôn, khu dân cư không có điều kiện để mua và đọc báo đại đoàn kết. Đối với cuốn thông tin công tác Mặt trận, đây là một kênh thông tin cung cấp các thông tin chủ trương, đường lối, các chuyên đề, các kỹ năng, các kinh nghiệm hay trong việc triển khai các nội dung cuộc vận động. Tuy nhiên Tài liệu này chỉ được cấp đến Chủ tịch Ủy ban MTTQ các xã, thị trấn.

Tóm lại, từ thực tiễn hoạt động của Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư trên địa bàn tỉnh ta có thể khẳng định rằng: Để nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban công tác Mặt trận, đặc biệt là tạo sự chuyển biến về chất lượng đội ngũ Trưởng ban công tác Mặt trận khu dân cư chúng ta cần khắc phục những khó khăn kể trên. Đây là nhiệm vụ quan trọng cấp thiết, vì vậy đòi hỏi các cấp uỷ Đảng, chính quyền nhất là cấp xã, phường, thị trấn cần quan tâm lãnh đạo, tạo điều kiện về mọi mặt và mỗi thành viên Ban Công tác Mặt trận phải tự rèn luyện, học tập, nghiên cứu để không ngừng vươn lên hoàn thiện theo yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra hiện nay.