na
NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG 50 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975-30/4/2025) VÀ 139 NĂM NGÀY QUỐC TẾ LAO ĐỘNG (01/5/1886-01/5/2025)! 
Nghiên cứu trao đổi
BÀI HỌC TỪ KẾT QUẢ CÔNG TÁC HUY ĐỘNG SỨC NGƯỜI, SỨC CỦA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HẢI HƯNG CHO CÁCH MẠNG GIẢI PHÓNG MIỀN NAM NHỮNG NĂM 1973 - 1975, VẬN DỤNG VÀO THỰC TIỄN HIỆN NAY CỦA TỈNH HẢI DƯƠNG
28/04/2025 04:55:33

Chiến thắng lịch sử 30/4/1975 là mốc son trong trang sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam; hoàn thành sứ mệnh giải phóng dân tộc; Bắc - Nam sum họp một nhà, thống nhất đất nước, cả nước tiến lên Chủ nghĩa xã hội. Chiến thắng này không chỉ là thắng lợi quân sự, mà còn là chiến thắng của ý chí, tinh thần quật cường và sự đoàn kết dân tộc. Ngày 30/4 là biểu tượng cho trí tuệ dân tộc và bài học sâu sắc về tinh thần đồng lòng, đồng sức trong sự nghiệp giành và giữ nước. Kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam (30/4/1975-30/4/2025) là dịp chúng ta ôn lại những trang sử hào hùng của dân tộc, nhìn lại chặng đường phấn đấu xây dựng và phát triển của tỉnh ta; đồng thời nhận thức sâu sắc hơn giá trị, những bài học kinh nghiệm được tổng kết từ trong thực tiễn đấu tranh của dân tộc để:“Phát huy giá trị thời đại của chiến thắng mùa Xuân năm 1975 đối với tỉnh Hải Dương trong kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.

Để góp phần thêm tiếng nói, một nét chấm phá cho bức tranh thêm sinh động tôi tham luận với chủ đề: “Bài học từ kết quả công tác huy động sức người, sức của trên địa bàn tỉnh Hải Hưng cho cách mạng giải phóng miền Nam những năm 1973 - 1975, vận dụng vào thực tiễn hiện nay của tỉnh Hải Dương”.

Như chúng ta biết, ngày 26/1/1968, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ra Nghị quyết số 504 phê chuẩn việc hợp nhất 2 tỉnh Hải Dương và Hưng Yên thành tỉnh Hải Hưng từ ngày 1/3/1968. Sau 29 năm hợp nhất, để đáp ứng tình hình, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới, ngày 6/11/1996, Quốc hội khoá IX quyết định chia tách và điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh, trong đó tách Hải Hưng thành 2 tỉnh Hải Dương và Hưng Yên từ ngày 01/01/1997.

Hiệp định Pari được ký kết ngày 27/01/1973, mở ra cơ hội thuận lợi cho cách mạng Việt Nam sớm đi đến kết thúc thắng lợi cuộc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và hoàn thành nhiệm vụ giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Tuy nhiên, đế quốc Mỹ và tay sai đã phá hoại Hiệp định, lấn chiếm các vùng giải phóng, trước diễn biến mới của tình hình chiến trường, nhiệm vụ đặt ra phải hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, thực hiện hoà bình thống nhất nước nhà. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu đó, đối với cách mạng miền Nam phải tiến hành đấu tranh trên cả ba mặt trận là chính trị, quân sự, ngoại giao, không ngừng giữ vững và phát triển lực lượng của cách mạng về mọi mặt, chủ động trong mọi tình huốngthắng địch từng bước, đưa cách mạng miền Nam tiến lên; đối với miền Bắc phải đẩy mạnh khôi phục và phát triển kinh tế, văn hoá - xã hội, xây dựng chủ nghĩa xã hộilàm tròn nhiệm vụ hậu phương lớn.

Trong bối cảnh đó, tỉnh Hải Hưng đứng trước nhiều khó khăn, do đã dốc toàn lực chi viện cho miền Nam trong những năm 1965 - 1973 với khối lượng lương thực, thực phẩm, nhân lực rất lớn; là địa bàn bị máy bay Mỹ ném bom, đánh phá ác liệt gây thiệt hại nhiều về cơ sở vật chất, tính mạng Nhân dân; cơ sở sản xuất, điều kiện sản xuất, nhân lực bị ảnh hưởng đã tạo ra áp lực cho Nhân dân toàn tỉnh.

Trước yêu cầu ngày càng cao của cách mạng miền Nam, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân toàn tỉnh đã nỗ lực không ngừng, vươn lên về mọi mặt để hoàn thành mục tiêu chi viện cho tiền tuyến miền Nam theo yêu cầu của Trung ương. Đảng bộ và chính quyền tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục tinh thần cách mạng cho các tầng lớp Nhân dân, nhất là Luật nghĩa vụ quân sự; phát động các phong trào "Toàn dân bàn việc nước", "Toàn dân chi viện cho chiến trường", "Toàn dân nuôi dưỡng thanh niên"… kết hợp với khám chữa các bệnh thông thường để thanh niên đủ sức khỏe nhập ngũ; đẩy mạnh các hoạt động nhằm rèn luyện ý chí chiến đấu cho các lượng vũ trang, bán vũ trang và Nhân dân trong toàn tỉnh; củng cố và nâng cao trình độ chiến đấu cho lực lượng dân quân vệ; thực hiện chặt chẽ chế độ nghĩa vụ quân sự, tổ chức tốt việc huy động lực lượng trang tham sản xuất, xây dựng kinh tế và giữ gìn an ninh, kết hợp chặt chẽ việc xây dựng kinh tế với quốc phòng…

Kết quả, sau chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ kết thúc, tỉnh nhà đã hoàn thành sửa chữa xong về cơ bản cầu Lai Vu, cầu Phú Lương, tuyến đường 5 và các trục đường giao thông khác đảm bảo cho việc vận chuyển hàng hóa và hành quân của bộ đội vào chiến trường. Lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh được sắp xếp về biên chế để đảm bảo phù hợp trong tình hình mới, cụ thể: Trung đoàn 2 được giữ nguyên làm nhiệm vụ huấn luyện tân binh; Đoàn an dưỡng 155 giữ nguyên biên chế; Tiểu đoàn cao xạ 58 được bổ sung đủ quân làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu và tham gia xây dựng một số công trình lớn của tỉnh; các huyện đội, thị đội và xã đội được kiện toàn thành các đơn vị chiến đấu tại chỗ... Ngoài ra, đã triển khai đẩy mạnh công tác giáo dục nhiệm vụ quân sự địa phương cho lực lượng vũ trang và bán vũ trang, nhất là học sinh các trường cấp II và cấp III nhằm tiếp tục nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, sẵn sàng chiến đấu, phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng dân quân tự vệ để khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế địa phương, chi viện cho miền Nam.

Công tác tuyển quân chi viện cho miền Nam của tỉnh nhà đạt nhiều kết quả tích cực với số lượng tân binh lên đường nhập ngũ rất lớn lên tới 41.070 chiến sỹ, trong đó năm 1973 đã hoàn thành tuyển quân và bàn giao quân trong 2 đợt với 12.268 tân binh (vượt 4,5% chỉ tiêu), năm 1974, đã tuyển quân 3 đợt và bàn giao 11.785 tân binh (vượt 1,6% chỉ tiêu), năm 1975 tỉnh nhà được giao chỉ tiêu cao gấp 2,5 lần năm 1974 và đã bàn giao 16.917 tân binh trong tháng 2 và tháng 5/1975. Bên cạnh đó, công tác huấn luyện tiếp tục được làm tốt với kết quả: Năm 1973, huấn luyện bổ sung cho chiến trường 10 tiểu đoàn bộ binh, 01 tiểu đoàn nữ; năm 1974, huấn luyện bổ sung 16 tiểu đoàn, 01 đại đội 12,7 ly của Tiểu đoàn 75; đầu năm 1975, đã huấn luyện đảm bảo 99,2% cán bộ, chiến sỹ đạt tiêu chuẩn, hăng hái lên đường ra mặt trận góp phần vào giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc.

Công tác chi viện về lương thực, thực phẩm cho miền Nam tiếp tục được Nhân dân trong tỉnh thực hiện tốt theo chỉ tiêu của Nhà nước giao với sức mạnh của cả nước ra trận cho chiến thắng cuối cùng bằng tinh thần "Một ngày bằng 20 năm". Trên địa bàn tỉnh, hình ảnh từng đoàn xe tải và từng đoàn tàu hoả nối nhau chở người và chở hàng ra mặt trận với khí thế “Thần tốc - chiến thắng” đã góp phần quan trọng vào thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đó là thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975.

Trong suốt quá trình kháng chiến chống Mỹ cứu nước, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ, chính quyền đã huy động được nguồn sức mạnh to lớn của quân dân, là hậu phương lớn chi viện sức người và sức của cho chiến trường miền Nam. Toàn tỉnh có đến 26.876 liệt sỹ, 11.449 thương binh, 2.100 người bị nhiễm chất độc da cam[1], 4.058 Bà mẹ Việt Nam anh hùng[2]

Với những đóng góp lớn lao của toàn Đảng bộ, toàn dân, toàn quân tỉnh nhà vào sự nghiệp cách mạng vĩ đại giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Hải Hưng tự hào là tỉnh được Đảng và Nhà nước ghi nhận, đã trao tặng những phần thưởng cao quý và vinh dự cho các tập thể, cá nhân: Tỉnh Hải Hưng và 12 huyện, thị xã; 62 xã, thị trấn được phong tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, cùng nhiều huân, huy chương các loại cho cá nhân, gia đình có công, các đơn vị lập thành tích xuất sắc.

Trong suốt quá trình kháng chiến chống Mỹ cứu nước, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ, chính quyền trong tỉnh đã huy động được nguồn sức mạnh to lớn trong Nhân dân, là hậu phương lớn chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam.

Nguyên nhân của kết quả đạt được:

Một là,đường lối lãnh đạo đúng đắn của Đảng; sự vận dụng sáng tạo, kịp thời đường lối của Đảng vào thực tiễn địa phương của Đảng bộ tỉnh;

Hai là, Đảng bộ tỉnh đã khơi dậy được tinh thần yêu nước, truyền thống cách mạng của Nhân dân trong tỉnh, tạo nên sức mạnh to lớn về vật chất và tinh thần trong quá trình chiến đấu, xây dựng quê hương, đất nước;

Ba là, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các cơ quan, đơn vị với tinh thần đoàn kết, ra sức lao động, sản xuất, chiến đấu vì mục tiêu chung là thắng lợi của cuộc kháng chiến.

Bài học kinh nghiệm rút ra từ những kết quả đạt được trong huy động sức người, sức của cho chiến trường miền Nam trong 3 năm 1973 - 1975:

Một là, luôn quán triệt sâu sắc đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, đồng thời phải nắm vững đặc điểm tình hình địa phương để vận dụng một cách sáng tạo và phù hợp với thực tiễn;

Hai là, thường xuyên chăm lo, xây dựng khối đoàn kết toàn dân làm nòng cốt các phong trào thi đua cách mạng ở địa phương;

Ba là, thường xuyên chăm lo xây dựng lực lượng trang địa phương vững mạnh làm nòng cốt để chiến đấu, bảo vệ quê hương;

Bốn là, hết sức coi trọng công tác xây dựng Đảng cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức, là nhân tố quyết định thắng lợi của mọi nhiệm vụ chính trị ở địa phương.

Từ những kết quả đạt được trong giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ nhiều khó khăn và vất vả, quân và dân tỉnh nhà đã hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, cách mạng giao. Trong đó, khó khăn nhất là việc huy động sức người để chi viện cho chiến trường miền Nam trong bối cảnh số lượng thanh niên, lực lượng kế cận gần như cạn kiệt, sức khỏe yếu và thiếu cân nặng chiếm số đông… nhưng, vượt lên trên tất cả, toàn tỉnh đã huy động được tới 41.070 thanh niên lên đường tòng quân đánh giặc, vượt các chỉ tiêu mà Trung ương giao. Thành tích này đã nói lên tất cả sức mạnh nội lực của quân và dân tỉnh nhà.

Trong bối cảnh ngày nay, khi yêu cầu của công cuộc đổi mới quê hương, đất nước đặt ra ngày càng cao, chúng ta cần nghiên cứu, xem xét và phát huy những kết quả truyền thống đã đạt được trong những giai đoạn lịch sử khó khăn đã đi qua, để từ đó vận dụng những bài học kinh nghiệm thực tiễn phong phú vào giải quyết bài toán đặt ra cho quê hương, đất nước hôm nay.

Những bài học được rút ra để vận dụng vào công cuộc xây dựng quê hương Hải Dương trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc cần xem xét, nghiên cứu và vận dụng vào thực tiễn là:

* Đối với tập thể, cơ quan, đơn vị.

Bước vào kỷ nguyên mới, Hải Dương đang trên đà phát triển mạnh mẽ, hướng đến một tỉnh "giàu mạnh, văn minh, văn hiến, anh hùng". Trong đó, mỗi tập thể, cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên và nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, cần nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong việc góp phần xây dựng đất nước.

Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp trong thực hiện các nghị quyết của Đảng, các chương trình, kế hoạch, đề án phát triển kinh tế- xã hội, quốc phòng, an ninh của tỉnh với nhiều giải pháp sáng tạo, phù hợp và hiệu quả.

Hai là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục trong cán bộ, đảng viên, các tầng lớp Nhân dân về những chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế- xã hội, quốc phòng, an ninh trong tình hình mới; phát huy truyền thống yêu nước, lòng tự tôn dân tộc, ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết, khát vọng phát triển quê hương, đất nước phồn vinh, hạnh phúc; tinh thần cống hiến của con người Hải Dương, tạo nguồn lực nội sinh và động lực đột phá để thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp đã đề ra.

Ba là, phát huy giá trị truyền thống văn hoá, lịch sử và chăm lo xây dựng con người xứ Đông - Hải Dương phát triển toàn diện. Thường xuyên tổ chức bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới cả về lý luận và thực tiễn cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhằm nâng cao nhận thức lý luận, trau dồi bản lĩnh chính trị, năng lực thực tiễn, đạo đức, phong cách và trách nhiệm, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Đảng trong tình hình mới.

Bốn là, nâng cao chất lượng công tác dự báo, lập quy hoạch, kế hoạch phát triển; xác định các mục tiêu, chỉ tiêu trọng tâm, phù hợp với khả năng và nguồn lực thực tiễn. Quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ; thường xuyên kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ của các cấp, các ngành. Chú trọng công tác cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư; phát triển kinh tế gắn với đảm bảo các vấn đề về an sinh xã hội. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, thúc đẩy tự chủ, năng động của các cấp, các ngành và toàn dân trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Năm là, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân; thực hiện tốt Luật dân chủ ở cơ sở; phát huy vai trò của các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân cùng tham gia xây dựng, thực hiện và thụ hưởng; thường xuyên chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân.

Sáu là, coi trọng công tác tư tưởng trong triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; làm tốt công tác nắm bắt dư luận xã hội, tăng cường đối thoại với Nhân dân; giải quyết dứt điểm các đề xuất, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân ngay từ cơ sở.

Bẩy là, đẩy mạnh hợp tác đầu tư và huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển. Đa dạng hóa và làm tốt công tác thông tin truyền thông, giới thiệu, quảng bá hình ảnh của tỉnh trên các phương tiện thông tin đại chúng.

* Trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Một là, không ngừng nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình để đóng góp vào sự phát triển của tỉnh, của đất nước. Học tập không chỉ dừng lại ở trường lớp mà còn cần phải tự học, tự nghiên cứu để cập nhật kiến thức mới, ứng dụng vào công việc và cuộc sống.

Hai là, mỗi người cần phát huy tinh thần lao động sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Lao động là vinh quang và mỗi người đều có trách nhiệm đóng góp vào sự phát triển kinh tế của tỉnh nhà.

Ba là, trong bối cảnh toàn cầu hóa, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc là rất quan trọng. Mỗi người cần hiểu và tự hào về truyền thống văn hóa quê hương, góp phần bảo tồn và phát triển văn hóa Xứ Đông văn hiến.

Bốn là, sự phát triển bền vững của tỉnh cần sự đóng góp của mỗi cá nhân trong việc bảo vệ môi trường. Hãy thực hiện những hành động nhỏ nhưng thiết thực như tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu rác thải, trồng cây xanh...

Năm là, mỗi người cần tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng, tình nguyện để giúp đỡ người nghèo, người gặp khó khăn. Sự đoàn kết, tương trợ lẫn nhau là giá trị cốt lõi để xây dựng quyê hương Hải Dương văn minh, văn hiến.

Sáu là, tinh thần yêu nước không chỉ được thể hiện qua lời nói mà còn qua hành động. Hãy luôn sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn an ninh, trật tự xã hội, luôn sãn sàng tham gia nghĩa vụ quân sự theo Luật định, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Đồng thời, từng cá nhân, đặc biệt là thế hệ trẻ, cần quyết tâm “xây dựng một nước Việt Nam nói chung, một Hải Dương nói riêng ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến, anh hùng”

Để thực hiện mục tiêu này, mỗi cá nhân cần phải có trách nhiệm và ý thức cao trong việc học tập, lao động, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa xứ Đông và dân tộc. Chỉ khi tất cả mọi người cùng chung tay, chung sức, quyết tâm xây dựng đất nước, Hải Dương mới có thể ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến, anh hùng. Hy vọng rằng, với tinh thần quyết tâm và ý thức trách nhiệm cao, mỗi người trong chúng ta sẽ đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương, đất nước.

Kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), để tăng cường giáo dục lịch sử truyền thống, bồi dưỡng niềm tin, lý tưởng, niềm tự hào dân tộc, quyết tâm thực hiện tốt các Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp đề ra. Phát huy tinh thần “quyết chiến - quyết thắng”, mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân Hải Dương trên cương vị công tác, lao đông, học tập cần xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mình, quyết tâm phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, góp phần tích cực cùng các cấp, các ngành và toàn thể dân tộc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra./.

Ths. Đào Văn Hưng

Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Hải Dương

 

[1] Theo Lịch sử Đảng bộ tỉnh Hải Dương tập I (1930 - 1975), tr476, xuất bản năm 2008.

[2] Số liệu do Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy cung cấp năm 2025.