na
NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)! 
Nghiên cứu trao đổi
GIÁ TRỊ HỌC THUYẾT HÌNH THÁI KINH TẾ-XÃ HỘI TRONG TRIẾT HỌC LỊCH SỬ
13/09/2023 04:01:53

Nguyễn Chí Công

(Khoa Lý luận cơ sở)

Sự ra đời của chủ nghĩa duy vật lịch sử đã đem lại cho lịch sử triết học thế giới quan niệm duy vật biện chứng về lịch sử. Đó chính là sự thống nhất của chủ nghĩa duy vật với phép biện chứng trong cách tiếp cận về sự tồn tại, biến đổi của nhân loại; sự vận dụng triệt để những nguyên lý của chủ nghĩa duy vật biện chứng để xem xét lĩnh vực các hiện tượng xã hội. Với học thuyết hình thái kinh tế-xã hội, lần đầu tiên trong triết học lịch sử, C.Mác đã đưa ra cách tiếp cận, luận giải về nguồn gốc, bản chất, động lực của sự biến đổi xã hội, thực sự khoa học, cách mạng.

Cách tiếp cận lịch sử

V.I.Lênin đã khẳng định: “chủ nghĩa duy vật lịch sử của Mác là thành tựu vĩ đại nhất của tư tưởng khoa học. Một lý luận khoa học hết sức hoàn chỉnh và chặt chẽ đã thay cho sự lộn xộn và sự tùy tiện, vẫn ngự trị từ trước đến nay trong các quan niệm về lịch sử và chính trị” [1].

Học thuyết hình thái kinh tế-xã hội (HTKT-XH) là học thuyết xem xét sự phát triển xã hội một cách toàn diện trên tất cả các yếu tố quy định, cấu thành cơ sở cho sự tồn tại, biến đổi trong chỉnh thể thống nhất của lịch sử xã hội với tiền đề là “những con người hiện thực, đang sống trong những xã hội hiện thực”. Đó là cách tiếp cận khoa học và cách mạng, phản ánh đúng bản chất, động lực và các yếu tố cấu thành của lịch sử xã hội. Hoạt động sản xuất vật chất của con người là cơ sở, nguồn gốc, cái quy định sự tồn tại, biến đổi của mọi xã hội, của lịch sử; suy cho cùng là sự tồn tại và biến đổi về trình độ của lực lượng sản xuất vật chất. Trong khi đó, các quan niệm phi C.Mác đều tiếp cận trên cơ sở, tiền đề thiếu khoa học:

Quan niệm duy tâm khách quan của Platon (428-348 trước Công nguyên), cho rằng: thế giới trần tục mà con người đang sống chẳng qua là cái bóng của thế giới ý niệm. Quan niệm của Cơ Đốc giáo, trong kinh Cựu ước cho rằng: loài người là sản phẩm của Đấng Sáng tạo tối cao-Chúa Trời; như thế, lịch sử hay sự xuất hiện, biến đổi của xã hội người là sản phẩm và bị quy định bởi ý Chúa.

Quan niệm duy tâm khách quan của G.W.Ph.Heghen (1770-1831) cho rằng, sự tồn tại, biến đổi của thế giới chẳng qua là sự tồn tại, tha hóa của “tinh thần thế giới” hay “ý niệm tuyệt đối” với đồ thức luận Đề-Phản đề-Hợp đề. Ông chia lịch sử thành ba thời kỳ chủ yếu: phương Đông, Cổ đại và Giécmani. Quan niệm của L.Feuerbach (1804-1838) cho rằng: lịch sử bị quy định bởi sự biến đổi, thay thế của tôn giáo. Và, Cơ Đốc không phải là thứ tôn giáo đỉnh điểm. Do đó, Ông xây dựng nên cái gọi là tôn giáo tình yêu với câu Thánh nhân ca: con người, hãy yêu nhau đi, hãy ôm hôn nhau đi, không phân biệt trẻ, già, giai cấp.

Phân kỳ lịch sử

Khi nghiên cứu giải thích về sự biến đổi xã hội, tất yếu phải bàn đến sự phân kỳ lịch sử và phân loại xã hội. Việc phân chia các giai đoạn phát triển của xã hội theo các tiêu chí khác nhau đã làm xuất hiện các trường phái khác nhau trong tư tưởng triết học lịch sử.

Quan niệm siêu hình về lịch sử đồng nhất lịch sử vận động theo tiến triển của đời người hay dân tộc hoặc trình độ văn minh. Nhà xã hội học Italia là Vicô (1668-1744) đã phân chia các thời kỳ lịch sử như phân chia các giai đoạn của một vòng đời: thơ ấu, thanh niên, thành niên và tuổi già. Nhà xã hội chủ nghĩa không tưởng Pháp-S.Phuriê (1771-1837) đã chia tiến trình lịch sử thành bốn thời kỳ: mông muội, dã man, gia trưởng và văn minh. Tương đồng với S.Furier, nhà nhân chủng học người Mỹ, Henry Moócgan (1818-1881) phân chia lịch sử thành ba thời kỳ chính: mông muội, dã man và văn minh. H.Spencer (1820-1903, nhà xã hội học người Anh) phân chia xã hội thành hai loại hình: xã hội quân sự và xã hội công nghiệp, cái mà Spencer quan tâm là sự cố kết giữa cá nhân và xã hội ở các loại hình xã hội khác nhau.

Những cách phân kỳ như trên, tuy có những điểm hợp lý, không đem lại cách nhìn khoa học về một xã hội cụ thể. Đến C.Mác, khi dựa trên những kết quả nghiên cứu lý luận và tổng kết quá trình lịch sử, Ông đã phân chia tiến trình phát triển xã hội loài người thành 5 giai đoạn: cộng sản nguyên thuỷ, chiếm hữu nô lệ, phong kiến, tư bản và chủ nghĩa cộng sản. Theo C.Mác, tiêu chí quan trọng nhất để phân biệt các hình thái kinh tế-xã hội là phương thức sản xuất. C.Mác đã viết rằng: "Những thời đại kinh tế khác nhau không phải ở chỗ chúng sản xuất ra cái gì mà là ở chỗ chúng sản xuất bằng cách nào, với những tư liệu lao động nào”[2]. Như vậy, các giai đoạn lịch sử xã hội khác nhau là khác nhau về trình độ của lực lượng sản xuất vật chất, khác nhau về cơ cấu kinh tế, dẫn đến sự khác nhau về cơ cấu xã hội. Trong tiến trình biến đổi xã hội, biến đổi về cơ cấu kinh tế kéo theo biến đổi về cơ cấu xã hội và biến đổi hệ thống giá trị, chuẩn mực xã hội.

Nguyên nhân, động lực của sự biến đổi lịch sử

Các nhà xã hội học tư sản, khi lý giải về nguyên nhân, động lực của sự biến đổi xã hội, không coi trọng các nguyên nhân từ sản xuất vật chất, từ nền kinh tế, mà họ có xu hướng coi trọng các nguyên nhân, động lực về văn hoá, về chính trị, tinh thần. A.Comte (1798-1857, người Pháp) người khởi xướng chủ nghĩa thực chứng xã hội học cho rằng: động lực thúc đẩy sự biến đổi xã hội chính là tri thức, đạo đức và văn hoá. Ông cho rằng, thực chất của sự biến đổi xã hội là sự tiến hoá của các sức mạnh tư tưởng, trí tuệ, tinh thần xã hội. Đứng trên lập trường của giai cấp tư sản, ông cho rằng, sự vận động, biến đổi của xã hội tuân theo quy luật tiến hoá, bởi thế không cần có đấu tranh xã hội và cách mạng xã hội; theo ông, cần tăng cường vai trò của nhà nước (nhà nước tư bản) đương thời. Durkheim (1858 -1917, nhà xã hội học người Pháp) cho rằng, các giá trị xã hội, chuẩn mực, vai trò, địa vị và các yếu tố tinh thần khác tạo nên nền văn hoá xã hội. Văn hoá và tôn giáo không phải là sự phản ánh của các trật tự xã hội, mà nó có quá trình sinh thành riêng và tạo thành trật tự đạo lý xã hội. Trật tự đạo lý xã hội là nguồn gốc của các hoạt động xã hội khác, là quy luật phổ biến để duy trì trật tự xã hội và là động lực của sự tiến hoá xã hội. M.Weber (1864 – 1920, nhà xã hội học người Đức) cho rằng, sự hình thành và phát triển xã hội tư bản là quá trình hình thành hành động hợp lý. Xã hội tư bản ra đời do quá trình hình thành hành động hợp lý của các cá nhân mà nguồn gốc của nó là tri thức khoa học kết hợp với ý thức cao cả của đạo Tin lành.

C.Mác vạch rõ cơ chế vận động của xã hội, thông qua phân tích hoạt động sản xuất vật chất, mâu thuẫn kinh tế, mâu thuẫn giai cấp và đấu tranh giai cấp mà đỉnh cao là cách mạng xã hội. C.Mác đã khẳng định: "Không thể lấy bản thân những quan hệ pháp quyền cũng như những hình thái nhà nước, hay lấy cái gọi là sự phát triển chung của tinh thần của con người, để giải thích những quan hệ và hình thái đó, mà trái lại, phải thấy rằng những quan hệ và hình thái đó bắt nguồn từ những điều kiện sinh hoạt vật chất...Nếu ta không thể nhận định về một người căn cứ vào ý kiến của chính người đó đối với bản thân, thì ta cũng không thể nhận định về một thời đại đảo lộn như thế căn cứ vào ý thức của thời đại ấy. Trái lại, phải giải thích ý thức ấy bằng những mâu thuẫn của đời sống vật chất, bằng sự xung đột hiện có giữa các lực lượng sản xuất và những quan hệ sản xuất xã hội"[3].

Cách tiếp cận HTKT-XH không hề giới hạn trong một kiểu xã hội cụ thể nào. Đó là cách nhìn nhận, xem xét xuyên suốt lịch sử xã hội loài người; đánh giá cao vai trò cách mạng của LLSX, của trình độ văn minh vật chất. Trong khi nhấn mạnh vai trò quan trọng quyết định của sản xuất vật chất - của yếu tố kinh tế, C.Mác không tuyệt đối hoá vai trò của nó, không coi đó là “duy nhất quyết định” đối với tiến trình phát triển xã hội. Theo C.Mác có nhiều nhân tố khác cũng tác động đến quá trình biến đổi xã hội như,: môi trường tự nhiên; cơ cấu dân số; đặc trưng văn hoá... Quan điểm này biểu hiện trong việc C.Mác phân tích mối quan hệ biện chứng giữa quan hệ sản xuất với lực lượng sản xuất; giữa kiến trúc tượng tầng với cơ sở hạ tầng; giữa ý thức xã hội và tồn tại xã hội.

Khẳng định mối quan hệ biện chứng giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất, C.Mác viết: "Những quan hệ xã hội đều gắn liền mật thiết với những lực lượng sản xuất. Do có được những lực lượng sản xuất mới, loài người thay đổi phương thức sản xuất của mình, và do thay đổi phương thức sản xuất, cách kiếm sống của mình, loài người thay đổi tất cả những quan hệ xã hội của mình. Cái cối xay quay bằng tay đưa lại xã hội có lãnh chúa, cái cối xay chạy bằng hơi nước đưa lại xã hội có nhà tư bản công nghiệp"[4].

Bản chất khoa học và cách mạng của học thuyết HTKT-XH của Mác thể hiện ở chỗ, chỉ có bằng cách tiếp cận này, lịch sử xã hội loài người mới được nhìn nhận một cách đúng đắn và toàn diện, mới thấy rõ vai trò của các quy luật, của tất cả các quan hệ kinh tế, chính trị, giai cấp,… trong sự phát triển của lịch sử; mới có thể thấy rõ và phân tích đúng đắn các động lực và bức tranh chung của sự phát triển xã hội loài người, cũng như những đặc điểm, đặc thù cụ thể trong lịch sử phát triển của các quốc gia, dân tộc.

Sự thể hiện sâu sắc bản chất khoa học và cách mạng của học thuyết hình thái KT-XH toát lên những tư tưởng chủ yếu mang giá trị thời đại sau:

Một, xã hội bao giờ cũng vận động theo những quy luật khách quan nhất định, không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của con người; không những thế nó còn quyết định cả ý chí, ý thức của con người. Đặc biệt là hai quy luật cơ bản, phổ quát chi phối, quyết định sự phát triển của lịch sử: quy luật về sự phù hợp của QHSX với trình độ phát triển của LLSX; quy luật cơ sở hạ tầng quyết định kiến trúc thượng tầng.

Hai, xã hội loài người tiến triển đần dần qua các hình thái KT-XH từ thấp đến cao: cộng sản nguyên thủy, chiếm hữu nô lệ, phong kiến, TBCN và CSCN. Đó là quá trình lịch sử - tự nhiên.

Ba, sự phát triển gián đoạn trong liên tục, tuần tự hay bỏ qua một vài hình thái KT-XH cụ thể, do những điều kiện lịch sử-cụ thể của những nhân tố liên khách-chủ thể của các quốc gia dân tộc cụ thể quy định. Theo học thuyết hình thái kinh tế-xã hội, sự vận động, phát triển của xã hội là một quá trình lịch sử-tự nhiên, tức là quá trình diễn ra theo các quy luật khách quan chứ không phải theo ý muốn chủ quan, do vậy muốn nhận thức và giải quyết đúng đắn, có hiệu quá những vấn đề của đời sống xã hội thì phải đi sâu nghiên cứu các quy luật vận động, phát triển của lịch sử xã hội. Điều cần chú ý là dù có bỏ qua một hình thái nào đó để tiến lên hình thái khác cao hơn cũng không thể đốt cháy các giai đoạn phát triển của LLSX, không thể bỏ qua các nấc thang của sự phát triển, mà chỉ có thể rút ngắn các giai đoạn, nấc thang phát triển đó mà thôi.

Như vậy, với quan niệm duy vật về lịch sử, đặc biệt là học thuyết HTKT-XH, C.Mác đã kết thúc thời kỳ nghiên cứu xã hội, lịch sử một cách tùy tiện, lộn xộn, mở ra một thời kỳ mới trong nghiên cứu xã hội, lịch sử bằng việc chỉ ra quy luật hình thành, vận động và phát triển của xã hội, của lịch sử. Ph.Ăngghen đã so sánh phát minh này của C.Mác như phát minh của Đácuyn trong khoa học tự nhiên: “Giống như Đácuyn đã tìm ra quy luật phát triển của thế giới hữu cơ, Mác đã tìm ra quy luật phát triển của lịch sử loài người: cái sự thật đơn giản đã bị những tầng tầng lớp lớp tư tưởng phủ kín cho đến ngày nay là: con người trước hết cần phải ăn, uống, chỗ ở và mặc đã rồi mới có thể làm chính trị, khoa học, nghệ thuật, tôn giáo và v.v. được; vì vậy, việc sản xuất ra những tư liệu sinh hoạt vật chất trực tiếp và chính, mỗi một giai đoạn phát triển kinh tế nhất định của một dân tộc hay một thời đại tạo ra một cơ sở, từ đó mà người ta phát triển các thể chế nhà nước, các quan điểm pháp quyền, nghệ thuật và thậm chí cả những quan niệm tôn giáo của con người ta, cho nên phải xuất phát từ cơ sở đó mà giải thích những cái này, chứ không phải ngược lại, như từ trước đến nay người ta đã làm. Nhưng không phải chỉ có thế thôi. Mác cũng tìm ra quy luật vận động riêng của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa hiện đại và của xã hội tư sản do phương thức đó đẻ ra. Với việc phát hiện ra giá trị thặng dư trong lĩnh vực này thì lập tức một ánh sáng đã hiện ra trong khi tất cả các công trình nghiên cứu trước đây của các nhà kinh tế học tư sản cũng như của các nhà phê bình xã hội chủ nghĩa vẫn đều mò mẫm trong bóng tối”[5].

Học thuyết hình thái kinh tế-xã hội cung cấp cơ sở lý luận để Đảng, Nhà nước Việt Nam kịp thời phát hiện những sai lầm nóng vội, chủ quan, duy ý chí trong hoạch định con đường đi lên CNXH, nhất là mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung, cơ chế bao cấp; kịp thời thực hiện cuộc đổi mới từ tháng 12 năm 1986 đến nay và gặt hái được thành công nhiều mặt về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Hình thái KT-XH CSCN ra đời và phát triển; CNTB thế giới là con đường đã lạc hậu, lỗi thời; ngày nay, lich sử đang quá độ lên CNCS, đó là những cơ sở khách quan cơ bản trực tiếp cho các dân tộc trên thế giới lựa chọn con đường đi lên xã hội XHCN và CSCN. Những luận điệu cho rằng, con đường XHCN mà nước ta đã lựa chọn là “trái với quá trình lịch sử - tự nhiên”[6]; rằng, con đường đó là “một khúc cong của lịch sử, là đoạn vòng vèo đầy đau khổ đi lên CNTB”[7], rồi “khuyên” chúng ta hãy đi theo con đường TBCN đều là những luận điệu và lời khuyên có giá trị không thể tiếp nhận và sử dụng.

Cuộc đổi mới đất nước, xây dựng xã hội mới của Việt Nam đan xen cả thuận lợi và khó khan, sẽ còn lâu dài nhưng con đường đi lên CNXH ở nước ta là phù hợp với xu thế vận động khách quan của lịch sử mà học thuyết hình thái KT-XH của C.Mác đã chỉ ra. Nắm vững bản chất khoa học và cách mạng của học thuyết HTKT-XH, chúng ta càng vững tin về con đường đi lên CNXH của dân tộc mình, càng thêm kiên định và sáng tạo đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới đất nước theo định hướng XHCN trên con đường CSCN.

-----

Chú thích:

1. V.I.Lênin. Toàn tập, t.23. Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1980, tr.53.

2. C.Mác và Ph. Ăngghen, Toàn tập, 1995. Nxb CTQG, H, t.23, tr.269.

3. C.Mác và Ph. Ăngghen, Toàn tập, 1995. Nxb CTQG, H, t.1, tr.589.

4. C.Mác và Ph.Ăngghen. Toàn tập, 1995. Nxb CTQG, H, t.12, tr.12.

5. C.Mác và Ph.Ăngghen. Toàn tập, 1995. Nxb CTQG, H, t.19, tr. 499-500.

6. Một số vấn đề về chủ nghĩa Mác-Lênin trong thời đại hiện nay, Nxb CTQG, H. 1996, tr. 12.

7. Việt Nam tiến bước cùng thời đại, Nxb Giáo dục Việt Nam, H. 2009, tr. 29.