Ngày
03/02/2020 Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ban hành Quyết định số
174/QĐ-TLĐ v/v ban hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam khóa XII. Điều lệ Công đoàn
khóa XII gồm 11 chương và 35 điều (Tăng 01 chương, giảm 10 điều so với Điều lệ
khoá XI) có sự kế thừa, bổ sung các
văn bản trước đây, tuy nhiên có một số điểm mới cơ bản sau đây:
Một là: Đối tượng kết nạp vào công đoàn Việt Nam
Điều
lệ khóa XII quy định tại điều 1: Người Việt Nam làm công hưởng lương trong các
đơn vị sử dụng lao động hoạt động hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam và người Việt
Nam lao động tự do hợp pháp, không phân biệt nghề nghiệp, giới tính,
tín ngưỡng, tán thành Điều lệ Công đoàn Việt Nam, tự nguyện sinh hoạt
trong một tổ chức cơ sở của công đoàn, đóng đoàn phí theo quy định thì được
gia nhập Công đoàn Việt Nam. Như vậy theo điều lệ lần này thì đối tượng gia nhập
công đoàn được quy định rộng hơn, không liệt kê cụ thể các nhóm như điều lệ
khóa XI; đặc biệt là khuyến khích người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo
hợp đồng lao động tại Việt Nam, tham gia các hình thức tập hợp của tổ chức Công
đoàn Việt Nam.
Hai là: điều kiện
thành lập nghiệp đoàn cơ sở
Khoản 2, điều 13 trong điều lệ công đoàn khóa XII
quy định: Nghiệp đoàn
cơ sở tập hợp những người lao động tự do hợp pháp cùng ngành, nghề, theo địa
bàn hoặc theo đơn vị sử dụng lao động, được thành lập khi có từ 05 đoàn
viên công đoàn hoặc 05 người lao động trở lên, có đơn tự nguyện gia nhập Công
đoàn Việt Nam. (Trước đó Điều lệ công đoàn khóa XI có quy định: Nghiệp đoàn
cơ sở được thành lập khi có từ 10 đoàn viên công đoàn hoặc 10 người lao động
trở lên, có đơn tự nguyện gia nhập Công đoàn Việt Nam). Như vậy điều lệ công
đoàn lần này đã thống nhất điều kiện thành lập công đoàn và nghiệp đoàn cơ sở phải
có ít nhất là 5 đoàn viên hoặc 5 người lao động trở lên.
Ba là: Đại hội
công đoàn các cấp
-
Điều lệ khóa XII thống nhất đại hội công đoàn các cấp tổ chức theo nhiệm kỳ 5
năm 1 lần. Đây là điểm hoàn toàn mới so với Điều lệ công đoàn khóa XI quy định
một số trường hợp đặc biệt sẽ tiến hành nhiệm kỳ đại hội 5 năm 2 lần như: công
đoàn cơ sở có dưới 10 thành viên; công đoàn cơ sở khu vực doanh nghiệp ngoài
nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, hàng năm có tỷ lệ thay đổi
trong danh sách đoàn viên từ 20% trở lên hoặc trong nhiệm kỳ thay đổi ủy viên
ban chấp hành từ 50% trở lên;…
- Điều lệ lần này cũng quy định cụ thể về hình thức bầu cử
gồm: a. Bỏ phiếu kín thực hiện trong các trường hợp: Bầu ban chấp hành và các
chức danh của ban chấp hành công đoàn các cấp; bầu ủy ban kiểm tra và các chức
danh của ủy ban kiểm tra công đoàn các cấp; bầu cử tổ trưởng, tổ phó
công đoàn và các chức danh cán bộ công đoàn khác; bầu đại biểu dự đại hội công
đoàn cấp trên; lấy phiếu giới thiệu các ứng cử viên để đưa vào danh sách
bầu cử; b. Biểu quyết giơ tay thực hiện trong các trường hợp: Bầu các cơ quan
điều hành, giúp việc đại hội, hội nghị (đoàn chủ tịch, đoàn thư ký, ban thẩm
tra tư cách đại biểu, ban bầu cử...); thông qua số lượng và danh sách bầu
cử.
Bốn là: về quyền của đoàn viên:
So
với điều lệ khóa XI, tại Điều 2 điều lệ công đoàn XII có quy định bổ sung tăng thêm 2 quyền của đoàn viên tại
điểm g và h: g.
Được cấp thẻ đoàn viên công đoàn và được hưởng ưu đãi khi sử dụng dịch vụ từ
các thiết chế công đoàn, các hình thức liên kết, hợp tác khác của công đoàn; h.
Đoàn viên bị mất việc làm, được tạm dừng sinh hoạt công đoàn và tạm dừng đóng
đoàn phí công đoàn, nhưng không quá 12 tháng kể từ ngày mất việc làm.
Năm là: Ban thường vụ công đoàn các
cấp
-
Điều lệ khoá XI quy định chung: khi khuyết chủ tịch, phó chủ tịch hoặc uỷ viên
ban thường vụ thì ban chấp hành công đoàn cấp đó đề nghị công đoàn cấp trên trực
tiếp cho phép bầu bổ sung trong số uỷ
viên ban chấp hành. Đến điều lệ lần này đã quy đinh cụ thể, rõ ràng
hơn đó là: bầu bổ sung các chức danh trong ban chấp hành công đoàn các cấp: Khi
khuyết thường trực ban thường vụ thì bầu bổ sung trong số uỷ viên ban
thường vụ; khuyết uỷ viên ban thường vụ thì bầu bổ sung trong số uỷ viên ban chấp hành.
-
Điều lệ công đoàn khóa XII bổ sung thêm về chế định thường trực ban thường vụ:
gồm chủ tịch, các phó chủ tịch và quy định thêm chức năng, nhiệm vụ của thường
trực…Quy định ban thường vụ công đoàn các cấp định kỳ họp 2 tháng 1 lần, họp đột
xuất khi cần thiết.
Sáu là: Uỷ ban kiểm tra công đoàn
các cấp
- Về nhiệm vụ, quyền hạn của UBKT công
đoàn các cấp: điều lệ lần này quy định UBKT có 7 nhiệm vụ cơ bản trong đó nhiệm
vụ: kiểm tra, giám sát việc chấp hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam (UBKT
phải chịu trách nhiệm trước ban chấp hành công đoàn cùng cấp về kết quả kiểm
tra, giám sát do UBKT tổ chức thực hiện); giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm
quyền giải quyết của tổ chức công đoàn thuộc nhiệm vụ của UBKT chứ không phải
giúp ban chấp hành công đoàn cùng cấp thực hiện 2 nhiệm vụ này như Điều lệ khoá
XI đã quy định trước đó. Ngoài ra còn quy định thêm nhiệm vụ, quyền hạn về công tác tham mưu xử lý kỷ luật tổ
chức công đoàn, cán bộ, đoàn viên và quyết định xử lý kỷ luật cán bộ, đoàn viên
khi có vi phạm theo thẩm quyền quy định xử lý kỷ luật trong tổ chức công đoàn.
-
Một điểm mới trong điều lệ lần này đó là: Ủy ban Kiểm tra Tổng Liên đoàn và ủy
ban kiểm tra liên đoàn lao động tỉnh, thành phố, công đoàn ngành trung ương được
sử dụng con dấu riêng. Điều này tạo ra cơ sở pháp lý và tăng thêm trách nhiệm,
quyền hạn của UBKT các cấp trước ban chấp hành công đoàn các cấp.
Tóm lại
điều lệ công đoàn khóa XII có sự kế thừa, bổ sung các quy định trước đó, nhất
là điều lệ khóa XI, đồng thời có nhiều điểm mới thống nhất về nội dung, sửa đổi, bổ sung
nhằm khắc phục những quy định không còn phù hợp, bất cập trong áp dụng cũng như
giải quyết những vấn đề mới phát sinh. Vì vậy, Điều lệ lần này ngắn gọn
hơn, đảm bảo tính chặt chẽ, ổn định, khoa học, thống nhất trong quá trình thực
hiện. Điều
này giúp cho công tác công đoàn các cấp được triển khai thuận lợi, đồng bộ và
phù hợp với thực tiễn hiện nay.
Ths. Vũ Thị Mận - Giảng viên khoa Xây dựng đảng