na
NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)! 
Nghiên cứu trao đổi
CUỘC VẬN ĐỘNG “TOÀN DÂN ĐOÀN KẾT XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI VÀ ĐÔ THỊ VĂN MINH” - HOẠT ĐỘNG NỔI BẬT CỦA MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY.
18/11/2020 03:02:06

Phong trào xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh trong thời gian qua luôn là nội dung trọng tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị các cấp. Về cơ bản, đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của đa số người dân, và đã đạt nhiều thành tựu tích cực, từng bước làm thay đổi toàn diện đời sống kinh tế, văn hóa - xã hội trên địa bàn. Trong đó, không thể không nói tới vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp.

 
Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Nguyễn Mạnh Hiển trao Cờ thi đua cho các đơn vị có thành tích xuất sắc trong phòng trào “Cả nước thi đua XD NTM”

Trong bề dày lịch sử của mình, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam không chỉ thực hiện tốt chức năng cơ bản là đoàn kết dân tộc, tạo nên động lực thúc đẩy công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Mặt trận chủ trương thông qua các tổ chức, các cuộc vận động, các phong trào và nhiều hình thức đa dạng khác để tập hợp ngày càng đông đảo mọi tầng lớp nhân dân thành khối đại đoàn kết vững chắc, phấn đấu vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, xã hội công bằng, văn minh. Nét nổi bật trong những hoạt động đa dạng, phong phú của Mặt trận thời gian qua là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh” đang được triển khai rộng khắp cả nước, có tác dụng và ảnh hưởng sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân.

Để tiếp tục góp phần cùng Đảng, Nhà nước thực hiện có hiệu quả Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, tháng 11/2015, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phát động thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” trên cơ sở kế thừa kết quả sau 20 năm thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã đề ra các nội dung vận động nhân dân thực hiện nhằm góp phần nâng cao chất lượng các xã đạt chuẩn nông thôn mới; đề ra tiêu chí về xây dựng khu dân cư nông thôn mới. Ngày 15/12/2016, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 10-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ký Nghị quyết liên tịch số 88/NQLT-CP-ĐCTUBTWMTTQVN về phối hợp thực hiện giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; ngày 20/4/2017, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Trung ương các tổ chức thành viên của Mặt trận thống nhất ban hành Hướng dẫn số 77/HD-BTT-MTTW về hiệp thương, phối hợp, thống nhất thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

Căn cứ Quyết định số 2540/QĐ-TTg ngày 30/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy định điều kiện, trình tự, thủ tục, hồ sơ xét công nhận và công bố địa phương đạt chuẩn nông thôn mới; địa phương hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, đánh giá kết quả xây dựng nông thôn mới, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã chủ trì phối hợp với các tổ chức thành viên lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân về kết quả xây dựng nông thôn mới. Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ban hành Hướng dẫn số 78/HD-MTTW-BTT ngày 24/4/2017 về nội dung, cách thức, quy trình lấy ý kiến về sự hài lòng của người dân đối với kết quả xây dựng nông thôn mới ở cấp huyện, cấp xã; tổ chức và hướng dẫn lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân (nay được bổ sung, sửa đổi là Hướng dẫn số 122/HD- MTTW-BTT ngày 16/01/2019 về việc lấy ý kiến sự hài lòng của người dân về kết quả xây dựng nông thôn mới).         

Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh” được xây dựng trên cơ sở tích hợp, kế thừa có bổ sung hai cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” với mục đích không ngừng củng cố và phát huy khối đòan kết toàn dân tộc, tạo nên sức mạnh tổng hợp góp phần hoàn thành các mục tiêu xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và giảm nghèo bền vững với 5 nội dung trọng tâm là:

- Đoàn kết tham gia phát triển kinh tế, tích cực giúp nhau giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống, khuyến khích làm giàu chính đáng.

- Đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, chăm lo sự nghiệp giáo dục, phát triển nguồn nhân lực, chăm sóc sức khỏe nhân dân; xây dựng gia đình văn hóa; phát huy truyền thống đền ơn đáp nghĩa, tương thân, tương ái.

- Đoàn kết tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng cảnh quan môi trường sang, xanh, sạch, đẹp.

- Đoàn kết chấp hành pháp luật, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

- Đoàn kết phát huy dân chủ, tích cực tham gia giám sát và phản biện xã hội, góp phần xây dựng hệ thống chính trị cơ sở trong sạch, vững mạnh.

Được phát động từ năm 2015, trên cơ sở kế thừa, phát triển và nâng cao các phong trào, các cuộc vận động của các tầng lớp nhân dân do Đảng lãnh đạo từ trước đến nay, cuộc vận động “Tòan dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh” đã trở thành một phong trào rộng lớn mang tính toàn dân. Nhìn lại quá trình triển khai cuộc vận động, có thể nêu lên những kết quả chủ yếu như sau:

Một là: Thông qua cuộc vận động đã tăng cường và mở rộng việc tập hợp các tầng lớp nhân dân, làm cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được củng cố, tăng cường, góp phần tạo nên sức mạnh to lớn của nhân dân từ mỗi địa bàn dân cư. Được tiến hành tại các địa bàn khu dân cư, cuộc vận động thu hút mọi người dân dù ở những cương vị xã hội khác nhau, ở mọi thành phần xã hội, có trình độ, giới tính, tuổi tác, cá tính, sở thích…tham gia. Với phương châm “lấy sức dân để tổ chức đời sống cho dân”, cuộc vận động đã kết hợp hài hòa giữa nghĩa vụ và quyền lợi của mỗi người dân. Công sức của nhân dân đóng góp đã mang lại kết quả cụ thể cho đời sống của chính bản thân họ. Những con đường mới, trường học mới và hàng loạt các công trình công cộng đem lại giá trị cả về vật chất và tinh thần cho công đồng. Vì vậy, đã khơi dậy được tính tự giác, tinh thần làm chủ cuộc sống của mỗi người dân ở khu dân cư, tạo nên ý thức gắn bó giữa cá nhân và cộng đồng.

Hai là: Cuộc vận động đã góp phần động viên các tầng lớp nhân dân ở cơ sở phấn đấu thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế, văn hóa - xã hội của địa phương, tham gia giải quyết những vấn đề bức xúc nhất và những yêu cầu thiết yếu của cộng đồng dân cư. Mặt trận Tổ quốc các cấp, nhất là ở cơ sở và khu dân cư, đã phối hợp với các tổ chức thành viên như Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ…đi sâu động viên nhân dân phát triển sản xuất, kinh doanh, chuyển đổi cơ cấu kinh tế,mở mang ngành nghề, giải quyết việc làm, thành lập các tổ chức khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, đẩy nhanh tiến bộ khoa học - kĩ thuật, giúp đỡ nhau về vốn giống cây trồng, con vật nuôi, kinh nghiệm sản xuất…qua đó giúp nhau xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, những gia đình có công với nước, những gia đình gặp rủi ro, hoạn nạn…

Ba là: Cuộc vận động đã tạo ra tiền đề và điều kiện cho việc phát huy quyền làm chủ trực tiếp của nhân dân, góp phần thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở, từng bước xây dựng cộng đồng dân cư tự quản. Với phương châm dựa vào nhân dân, cùng với nhân dân bàn bạc, giải quyết những nhu cầu trong cuộc sống của dân, cuộc vận động không áp đặt, làm thay, mà do nhân dân từng khu dân cư bàn bạc dân chủ và tự xây dựng những mục tiêu, chương trình kế hoạch xây dựng khu dân cư, tự nguyện đóng góp sức người, sức của cho việc thực hiện những kế hoạch cụ thể ở cơ sở. Từng nội dung của cuộc vận động đã gắn với Quy chế Dân chủ ở cơ sở, được nhân dân thảo luận và triển khai theo tinh thần “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Nhân dân thảo luận và xây dựng quy ước, hương ước, cam kết ở cộng đồng làng xã và từng hộ gia đình. Những quy ước, hương ước đó đã thể hiện tinh thần nội dung chính của cuộc vận động, và được xây dựng thành những quy định mang tính pháp lý của cơ sở, của cộng đồng dân cư. Đồng thời dân chủ hóa đời sống xã hội và xây dựng mô hình khu dân cư tự quản là một yêu cầu khách quan, cũng là nguyện vọng của quần chúng nhân dân.

Bốn là: cuộc vận động đã góp phần tích cực xây dựng tổ chức Đảng, bộ máy chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể nhân dân, làm cho hệ thống chính trị cơ sở được củng cố. Thông qua cuộc vận động này, vị trí, vai trò và ảnh hưởng xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được nâng cao thêm một bước; sự phối hợp hành động giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp với các tổ chức thành viên, với chính quyền ngày càng chặt chẽ. Nội dung hoạt động của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã, phường, thị trấn, nhất là Ban công tác Mặt trận vừa rõ nét hơn vừa phong phú, vừa cụ thể hơn, sự gắn bó giữa Mặt trận với các tầng lớp nhân dân ở khu dân cư ngày càng chặt chẽ. Đông đảo cán bộ, đảng viên, cựu chiến binh, người có uy tín ở khu dân cư tích cực tham gia cuộc vận dộng. Nhiều nhân tố mới đã được bồi dưỡng và trưởng thành từ trong các hoạt động của cuộc vận động, qua đó góp phần đào tạo, bồi dưỡng bổ sung tăng cường cho đội ngũ cán bộ cơ sở. thông qua chỉ đạo của cuộc vận động, vai trò hạt nhân lãnh đạo của Đảng, nhất là các chi bộ và các tổ đảng ở khu dân cư, vai trò gương mẫu của đảng viên được phát huy, đồng thời tạo điều kiện cho quần chúng nhân dân giám sát cán bộ, đảng viên, tăng thêm mối quan hệ giữa Đảng với quần chúng. Nhiều chi bộ coi việc lãnh đạo cuộc vận động là nội dung sinh hoạt chính của chi bộ hàng tháng, và xác định việc tham gia cuộc vận động là trách nhiệm của đảng viên, là tiêu chí để đánh giá, phân loại chi bộ và đảng viên; là điều kiện để rèn luyện, giáo dục đảng viên; là một nội dung lớn trong phương hướng, nhiệm vụ mỗi nhiệm kỳ của đảng bộ, chi bộ. thông qua thực hiện cuộc vận động, đội ngũ cán bộ của Đảng, chính quyền, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể ở cơ sở gắn bó với nhân dân hơn, hệ thống chính trị ở cơ sở được củng cố.  

Trong 5 năm qua, Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" được triển khai sâu rộng, thiết thực trên địa bàn tỉnh Hải Dương. Cuộc vận động luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, sự phối hợp của chính quyền, các tổ chức thành viên, sự hưởng ứng tham gia tích cực của đông đảo các tầng lớp nhân dân, nên có sức lan tỏa rộng rãi, mang lại hiệu quả thiết thực. sTrong 5 năm thực hiện cuộc vận động, toàn tỉnh đã huy động sức dân đóng góp được trên 2.000 tỷ đồng, 9.000 ha đất và 987.000 ngày công để xây dựng nông thôn mới (đến nay 165/178 xã trong tỉnh về đích nông thôn mới, trong đó có 9 xã nông thôn mới nâng cao; 7 đơn vị cấp huyện về đích nông thôn mới); 100% số thôn, khu dân cư có nhà văn hóa, trên 93,5% số làng, khu dân cư đạt danh hiệu văn hóa, 90% số gia đình văn hóa, trên 65.000 gia đình được công nhận danh hiệu "Ông bà mẫu mực, con trung hiếu, cháu thảo hiền". MTTQ các cấp đã vận động được 33,3 tỷ đồng và các trang thiết bị, vật tư y tế, phương tiện phòng dịch, lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm tổng trị giá trên 7 tỷ đồng ủng hộ công tác phòng, chống dịch Covid-19. Xây dựng được 720 mô hình "Khu dân tự quản bảo vệ môi trường''. Triển khai 36 điểm mô hình thực hiện Đề án 01/138 ''Vận động nhân dân tham gia phòng ngừa, phát hiện tố giác tội phạm, cảm hóa giáo dục, cải tạo người phạm tội tại gia đình và cộng đồng''. Duy trì hoạt động hiệu quả 70 ''nhóm nòng cốt'' tuyên truyền, vận động chấp hành pháp luật, trợ giúp pháp lý ở cộng đồng dân cư. MTTQ các cấp trong tỉnh đã tiếp 8.431 lần, với 10.887 lượt người, nhận tổng số 3.711 đơn thư; được các cơ quan có thẩm quyền giải quyết 3.332 đơn thư. Các Ban TTND xã, phường, thị trấn đã phát hiện và kiến nghị với chính quyền 7.835 vụ việc, được chính quyền và cơ quan chức năng xem xét, giải quyết 7.497 vụ việc (đạt tỷ lệ 95,7%)...

Từ thực tiễn triển khai cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đã hình thành nhiều mô hình, sáng kiến của Mặt trận góp phần hoàn thành và nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở cơ sở. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các địa phương đã triển khai việc lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân đối với kết quả xây dựng nông thôn mới tại các xã, huyện đạt chuẩn nông thôn mới; vận động nhân dân ủng hộ nguồn lực, hiến đất, hiến công xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn; phát triển các mô hình tự quản trong cộng đồng; nhân rộng các mô hình khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, gia đình kiểu mẫu. Những kết quả đạt được thông qua Cuộc vận động đã góp phần đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả Phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”.

Nhìn lại 5 năm thực hiện, có thể khẳng định kết quả lớn về nhiều mặt và ý nghĩa chính trị, xã hội sâu sắc của cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh”. Từ đó cho thấy, chủ trương đề ra và chỉ đạo các cuộc vận động là đúng đắn, có sức sống bền bỉ trong lòng dân. Góp phần vào việc hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn hiện nay.

                                                   Ths. Vũ Thị Mận - Giảng viên Khoa Xây dựng Đảng