na
NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)! 
Nghiên cứu trao đổi
Ý nghĩa lịch sử và giá trị bất hủ của Bản Tuyên ngôn Độc Lập
28/08/2020 12:00:00

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử - Thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa XHCN Việt Nam)

TS. Lê Xuân Huy - Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 2/9/1945. (Ảnh tư liệu TTXVN).

Cách đây tròn 75 năm, ngày 02/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình thủ đô Hà Nội, trước cuộc mít tinh của hàng chục vạn người; Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu thay mặt Chính phủ lâm thời trịnh trọng đọc Tuyên ngôn Độc lập tuyên bố với toàn thể quốc dân và thế giới: Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời - Một Nhà nước Công nông đầu tiên ở Đông Nam Á - Bản Tuyên ngôn hợp pháp, hợp hiến, có ý nghĩa lịch sử trọng đại và giá trị bất hủ, mãi mãi trường tồn cùng dân tộc Việt Nam ta.

Thứ nhất, Tuyên ngôn Độc lập được Hồ Chí Minh soạn thảo và trực tiếp công bố là một văn kiện lịch sử, một văn bản pháp lý quan trọng bậc nhất của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa - nay là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Với cách lập luận ngắn gọn, chặt chẽ, lý lẽ sắc bén, giọng văn hùng hồn, chứa đựng nội dung bất hủ, một cơ sở pháp lý vững chắc không chỉ ghi lại mốc son lịch sử, khẳng định mạnh mẽ chủ quyền quốc gia của dân tộc Việt Nam trước toàn thế giới, định hướng thể chế một Nhà nước dân chủ mới - của dân - do dân - vì dân - tiến bộ và phát triển.

Với trí tuệ uyên bác của nhà khoa học, với tầm nhìn chiến lược của nhà chính trị, nhà văn hóa lớn của thời đại, ngay từ đầu Bản Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu bật những lý lẽ bất hủ - dẫn chứng cơ sở pháp lý tối thượng của người Mỹ và người Pháp qua 2 bản Tuyên ngôn nổi tiếng của họ rằng: “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc” (1) “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi” (2) Tuyên bố bất hủ ấy Người đã suy rộng rãi câu ấy có nghĩa là: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và tự do, đó là lẽ phải không ai chối cãi được” (3). Với cách lập luận vừa khéo léo, logic, vừa cương quyết, việc dẫn xác thực căn cứ pháp lý quốc tế quan trọng từ các Quốc gia đã tuyên bố Độc lập (bản Tuyên ngôn độc lập 1776 của nước Mỹ, bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của cách mạng Pháp năm 1791) và tất cả những căn cứ lịch sử - pháp lý trên thế giới; trong Tuyên ngôn Độc lập Người khẳng định dân tộc Việt Nam, nhân dân Việt Nam phải được quyền hưởng độc lập - tự do là tất yếu, là hợp với quy luật của lịch sử.

Thứ hai, Bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thể hiện kết tinh giá trị tinh thần yêu nước của dân tộc Việt Nam trên suốt chiều dài lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước. Trong bối cảnh thế giới lúc bấy giờ (tháng 9/1945) kết thúc chiến tranh thế giới lần thứ II, 50 quốc gia đã nhóm họp Hội nghị San Francisco, California (Mỹ) ngày 26/6/1945 ký kết công bố Bản Hiến chương Liên hợp quốc và có hiệu lực từ 24/10/1945. Trong đó, Khoản 2. Điều 1 Hiến Chương Liên hợp quốc có ghi “Phát triển mối quan hệ hữu nghị giữa các dân tộc trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc bình đẳng và tự quyết của các dân tộc” (4). Tuy nhiên, trong bối cảnh thế giới với địa chính trị rất phức tạp, các thành viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (Mỹ, Anh, Pháp, Trung Hoa Dân Quốc và Liên Xô), trong đó Trung Hoa Dân Quốc lúc ấy do Tưởng Giới Thạch làm Tổng thống, Liên Xô là nước Xã hội Chủ nghĩa nhưng chưa công nhận nền độc lập của Việt Nam do Chính phủ Hồ Chí Minh lãnh đạo. Cho nên, việc Việt Nam tuyên bố Độc lập (02/9/1945) chẳng khác nào phát đại bác nã thẳng vào “trái tim” của Chủ nghĩa Đế quốc, nó như hồi chuông thức tỉnh các dân tộc thuộc địa đứng lên giành lại độc lập, tự do cho dân tộc mình. Vì thế, trong Tuyên ngôn Độc lập Chủ tịch Hồ Chí Minh khái quát “Pháp chạy, Nhật đầu hàng, vua Bảo Đại thoái vị. Dân ta đánh đổ xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mười mấy thế kỷ mà lập nên chế độ Dân chủ Cộng hòa” (5). Như vậy, từ khái quát ngắn gọn cuộc cách mạng Tháng Tám của Nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh là cuộc cách mạng tự thân của nhân dân Việt Nam, nền độc lập mà nhân dân Việt Nam giành lại từ Chủ nghĩa thực dân Đế quốc là hoàn toàn hợp quy luật lịch sử, hợp pháp, hợp hiến và tất yếu sẽ trường tồn theo năm tháng. Trong Tuyên ngôn, trước thế giới Người khẳng định: “Chúng tôi tin rằng các nước Đồng minh đã công nhận nhiều nguyên tắc dân tộc bình đẳng ở các Hội nghị Tê hê răng và Cựu Kim Sơn, quyết không thể không công nhận quyền độc lập của dân Việt Nam” (6). Nội dung của Bản Tuyên ngôn Độc lập đã thể hiện khát vọng cháy bỏng, khí phách ngoan cường của toàn thể dân tộc Việt Nam đối với nền Độc lập, cuối cùng bằng lời thề bất hủ Tuyên ngôn Độc lập kết thúc với quyết tâm sắt đá: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và Độc lập và sự thật đã thành một nước Tự do Độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem hết tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy” (7).

Thứ ba, Ngày nay, hàng năm vào dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc Khánh 02/9, mỗi lần được nghe lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, trong lòng mỗi người dân Việt Nam chúng ta lại càng tự hào về truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc, tự hào khi có Đảng và Bác Hồ kính yêu dẫn đường chỉ nối. Bởi Bản Tuyên ngôn Độc lập là thành quả cách mạng của nhân dân Việt Nam đã đấu tranh anh dũng trường kỳ, sự hi sinh sương máu của biết bao thế hệ người Việt Nam yêu nước; nó thể hiện khát vọng về một nước Việt Nam: Dân tộc độc lập - dân quyền tự do - dân sinh hạnh phúc và sáng ngời chân lý “không có gì quý hơn độc lập tự do” của Chủ tịch Hồ Chí Minh; nó hoàn toàn không phải do lực lượng nào khác đem lại ngẫu nhiên, càng không thể do sự ban phát của Chủ nghĩa Đế quốc, lực lượng ngoại bang và các thế lực thù địch. Chính vì vậy, Tuyên ngôn Độc lập Việt Nam (02/9/1945) có ý nghĩa lịch sử vô cùng quý giá, nó là minh chứng hùng hồn cho tâm hồn, khí phách và lòng yêu nước vô bờ bến của nhân dân Việt Nam, đồng thời đây là văn bản pháp lý cực kỳ quan trọng xác lập độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ lâu dài; làm cơ sở cho việc cho ra đời , xây dựng và bảo vệ Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nay là Cộng hòa XHCN Việt Nam.

Bản Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi thảo và tuyên bố trước quốc dân đồng bào và thế giới ngày 02/9/1945 là kết tinh của trí tuệ, tư tưởng, đạo đức văn hóa Hồ Chí Minh, mãi là bảo vật quốc gia vô giá của Việt Nam.

Hiện nay, trong bối cảnh tình hình trong và ngoài nước có những diễn biến phức tạp, các thế lực thù địch vẫn âm mưu: "Diễn biến hòa bình” chống phá cách mạng Việt Nam trên nhiều lĩnh vực tư tưởng, chính trị, kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh… Vì vậy, hơn bao giờ hết mỗi người dân nước Việt “con Lạc cháu Hồng” mãi ghi tâm khắc cốt , chân quý giữ gìn giá trị lịch sử văn hóa, hồn thiêng sông núi mà ông cha ta trao lại; Kiên quyết đấu tranh phản bác mọi luận điệu xuyên tạc lịch sử, xuyên tạc bản Tuyên ngôn Độc lập (02/9/1945) do Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu để lại cho dân tộc Việt Nam chính là góp phần bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, xây dựng bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa./.





(1), (2), (3) Hồ Chí Minh Toàn tập. Tập 4, NXB CTQG.H 2000, Tr.1

(4) Nguồn Thư viện pháp luật, điện tử. Hiến chương Liên hợp quốc 1945 - (Thuvienphapluat.vn)

(5), (6), (7) SĐD, Tr 3-4