TS. Lê Xuân Huy
Phó Hiệu trưởng Trường
Chính trị tỉnh
Sau hơn nửa năm từ 18/01 đến nay, đại dịch
Covid - 19 bùng phát trên 215 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Số liệu
cập nhật đến sáng ngày 20/8/2020, thế giới ghi nhận 22.556.211 người mắc, 789.955
người tử vong, 15.288.789 ca khỏi bệnh; ở Việt Nam các con số tương ứng là 994, 25 và 533 người[i]. Hậu quả
của Covid - 19 tác hại vô cùng to lớn toàn diện đến đời sống, kinh tế xã hội
toàn cầu; đặc biệt tình hình diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, nhiều quốc
gia đã dập song Covid - 19 lại bùng phát, lần sau lại nguy hiểm, nhanh chóng và
khốc liệt hơn.
Trong cuộc chiến phòng chống đại dịch Covid – 19 vừa qua, các nước
đã ghi nhận và đánh giá cao chính phủ và nhân dân Việt Nam đã chủ động tích cực
và đi đầu trong cuộc chiến, tuy ở gần tâm dịch nhưng dưới sự lãnh đạo của các cấp
ủy Đảng, Ban chỉ đạo với quyết tâm của hệ thống chính trị vào cuộc chung sức đồng
lòng, coi sức khỏe và tính mạng của con người là trên hết, “coi đó là kẻ thù vô
hình”, “chống dịch như chống giặc”, “mỗi người dân Việt Nam là một chiến sỹ chống
dịch Covid”. Cùng với hành động một cách quyết liệt, tuyên truyền sâu rộng kịp
thời, thực hiện các biện pháp đồng bộ, nghiêm ngặt trong kiểm soát phòng chống
dịch bệnh Covid - 19, có thể nói “con quái vật mang tên Covid-19 - Làn sóng
Sars-cov-2 đã bị “trói chặt”, từng bước được ngăn chặn. Việt Nam ghi nhận 428
ca lây nhiễm, điều trị 369 ca khỏi bệnh, đặc biệt không có trường hợp nào tử
vong, có thể Việt Nam đã thành công trong cuộc chống Covid - 19.
Tuy nhiên, từ cuối tháng 7 đến nay tình hình dịch bệnh lại tiếp tục
diễn biến mới tàn khốc hơn, Việt Nam có tổng cộng 654 ca mắc COVID-19 do lây
nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới liên quan đến Đà Nẵng tính từ
ngày 25/7 đến nay là 514 ca. Ở Hải Dương đến nay đã có 17 ca dương tính với
Sars-cov-2 (trong đó đa phần liên quan đến Đà Nẵng), 5 ca khỏi bệnh. Điều này
càng làm cho chúng ta cần bình tĩnh, nghiêm túc trong nhận thức và hành động
trước tác động của dịch Covid - 19. Việc làm rõ nguyên nhân dịch Covid - 19
bùng phát trở lại, tình hình phức tạp, tính chất nguy hiểm của dịch bệnh Covid-19
để có giải pháp ngăn chặn dập tắt đại dịch này sớm nhất là rất cấp thiết hiện
nay.
1. Về nguyên nhân cơ bản:
Thứ nhất: Theo thông tin của ngành y tế, đánh giá thời điểm khởi phát dịch bệnh
của cơ quan chuyên môn phân tích dữ liệu và truy vết dịch tễ cho biết, mô hình
dự đoán trên các dữ liệu về số lượng người ra vào bệnh viện Đà Nẵng, hệ số lây
nhiễm và đối chiếu với diễn biến thực tế và thực tế công tác phòng chống dịch bệnh
thời gian qua, có thể Covid bắt đầu từ tháng 7. Theo GS.TS Nguyễn Thanh Long,
quyền Bộ trưởng bộ y tế, qua phân tích gen của Virus gây bệnh trên các bệnh
nhân có thể khẳng định đây là nguồn xâm nhập từ 1 điểm phát ra (khu 3 bệnh viện
ở Đà Nẵng). Do virus lần này đã biến đổi gen dẫn tới tình trạng lây nhiễm trong
gia đình, lây nhiễm chéo. Các chuyên gia nhận định dịch Covid - 19 tại Đà Nẵng
có sự xâm nhập từ bên ngoài vào, bởi sau 99 ngày an toàn, dịch bệnh được kiểm
soát, song sau dỡ bỏ lệnh giãn cách, nhu cầu đi lại, giao lưu, đúng mùa du lịch
tăng kỷ lục, bên cạnh đó, một số người từ nước ngoài trở về chưa tự giác khai
báo y tế, một số người nhập cảnh trái phép mang mầm bệnh không qua kiểm dịch của
ngành y tế chính là một trong những tác nhân đẩy nguy cơ dịch bệnh Covid bùng
phát trở lại , lan nhanh và rất nguy hại trong một thời gian ngắn.
Thứ
hai: Do một bộ phận
người dân mất cảnh giác, chủ quan, lơ là, xem nhẹ chủ quan như đi máy bay không
đeo khẩu trang, ra vào bệnh viện không tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch
như đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn; sau gần ba tháng không có ca lây nhiễm mới
nên một số người “ngủ quên trong chiến thắng” việc quên thói quen đeo khẩu
trang, mũ chắn giọt bắn ở nơi đông người; Đà Nẵng là điểm du lịch hấp dẫn của
Việt Nam. Theo báo cáo: Số lượt khách cơ sở lưu trú phục vụ ước tính tháng 7 năm
2020 là 331,3 nghìn lượt, tăng 45,5% so với tháng trước, và bằng 54,4% % so với
cùng kỳ, chủ yếu là khách trong nước với gần 320 nghìn lượt. Cộng dồn 7 tháng,
cơ slưu trú phục vụ ước đạt hơn 2 triệu lượt khách, bằng 51,8% so với cùng kỳ năm
trước[ii]. Như vậy bệnh viện là điểm xung yếu trong dịch
bệnh đợt này. Không phải do chính quyền, ngành y tế và nhân dân Đà Nẵng không ý
thức được nguy cơ dịch tái bùng phát trở lại mà do một số người thiếu ý thức,
thiếu lương tâm, vô trách nhiệm với cộng đồng, với đất nước, thậm chí vi phạm
pháp luật nhà nước về phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm, cần phải lên án, răn
đe và nghiêm trị.
Tối 16/8/2020, đồng chí Phó
Bí thư Tỉnh ủy Triệu Thế Hùng kiểm tra công tác phòng dịch tại khu vực phong tỏa
xung quanh nhà hàng Thế giới bò tươi (36 đường Ngô Quyền)
2. Giải pháp tích cực,
hành động quyết liệt để chặn đứng dịch bệnh Covid-19:
Thứ nhất: Tiếp tục quán
triệt và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 15, 16 của Thủ tướng Chính phủ về phòng
chống dịch bệnh Covid-19, phải tập trung mọi nguồn lực, tập trung cao độ, huy động
cả hệ thống chính trị vào cuộc với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, bình tĩnh
nhưng quyết liệt, dưới sự chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền; đúng như
phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh
Covid-19 yêu cầu trong thời gian tới một mặt phải tập trung dập dịch nhanh nhất
có thể. Mặt khác phải siết chặt kỷ cương “lên dây cót” cả hệ thống, trước hết
là ngành Y tế “cuộc chiến này còn dài đến khi nào có vaccine, thuốc đặc trị.
Chúng ta mới thắng từng trận đánh, từng chiến dịch chứ chưa thắng cả cuộc chiến”.
Thứ hai: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá sâu rộng nâng cao ý
thức tự giác của mỗi người dân; lòng tự tôn dân tộc, thực sự chung sức đồng
lòng muôn người như một, đồng thời đề cao ý thức cảnh giác “chống dịch như chống
giặc”, không được chủ quan lơ là, xem thường nguy cơ và tác hại của dịch bệnh
Covid-19 cũng đúng như lời Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh và cảnh báo trên
trên thế giới rất nhiều nước lơi lỏng, dịch bệnh đã quay lại, bùng phát thành
làn sóng mới đe dọa nghiêm trọng. dịch ở Đà nẵng thời gian qua là lời cảnh báo
rất nghiêm khắc cho tất cả các bệnh viện, các địa phương, các ngành, các cấp.
Thứ ba: Chính
quyền, các cơ quan chức năng, đặc biệt ngành Y tế cần tiếp tục rà soát các quy
định, hướng dẫn phòng chống dịch, triển khai thực hiện các biện pháp đồng bộ về
quản lý sức khỏe của người dân; “coi tính mạng con người là trên hết” đặc biệt
người cao tuổi, có bệnh nền. Siết chặt kỷ cương trong các bệnh viện, thực hiện
nghiêm triệt để quy định phòng dịch bệnh đối với mỗi người đến khám bệnh và
nhân viên y tế, các tụ điểm tập trung đông người với sinh hoạt cộng đồng, thực
hiện nghiêm khai báo y tế, cài đặt ứng dụng bluezone, giãn cách xã hội kiên
trì, thường xuyên; tập trung cao các đối tượng F0, F1, F2… các khu vực vùng dịch,
điểm dịch cục bộ… để chặn đứng nguy cơ tái nhiễm lây lan của dịch bệnh. Bởi “mỗi
sự cố xảy ra là một bài học và không được để bài học đó thành vô nghĩa nếu để lặp
lại”.
Thứ tư: Cần tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành trong cuộc chiến
chống đại dịch Covid, chủ động tích cực phòng ngừa phát hiện có biện pháp kịp
thời, cương quyết xử lý các đối tượng xâm nhập trái phép, các đối tượng có nguy
cơ lây nhiễm dịch bệnh xuất phát từ vùng dịch vi phạm pháp luật Việt Nam về
phòng chống dịch bệnh Covid; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng một cách
minh bạch, bình đẳng kịp thời về tình hình dịch bệnh thường xuyên, liên tục,
lâu dài tới mọi người dân , mọi thành phần, toàn xã hội. Phát huy vai trò tiền
phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong tuyên truyền và thực hiện phòng chống
dịch bệnh góp phần thiết thực dập tắt dịch bệnh Covid-19 trong những ngày tới.
[i] Số liệu cập nhật lúc 07:24 20/08/2020 - Nguồn: Bộ Y tế &
Worldometers.
[ii] Cục Thống kê Đà Nẵng, Báo cáo tình hình KT-XH tháng 7 và 7 tháng đầu
năm 2020 của TP Đà Nẵng.