na
NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)! 
Nghiên cứu trao đổi
Đổi mới, nâng cao chất lượng thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát của Đảng ủy Trường Chính trị tỉnh Hải Dương trong giai đoạn hiện nay
04/07/2020 08:14:58

3/7/2020
Ths. Đặng Thị Hương - Trưởng phòng Quản lý ĐT và NCKH

Công tác kiểm tra Đảng là một bộ phận rất quan trọng trong công tác Xây dựng Đảng. Sự trưởng thành và phát triển của Đảng ta đã chứng minh: Tính cụ thể, tất yếu và tầm quan trọng đối với công tác kiểm tra Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần nhấn mạnh: “chính sách đúng là nguồn gốc của thắng lợi”; “khi đã có chính sách đúng, thì sự thành công hoặc thất bại của chính sách đó là do nơi tổ chức công việc, nơi lựa chọn cán bộ và do nơi kiểm tra. Nếu ba điều ấy sơ sài, thì chính sách đúng mấy cũng vô ích”; “nếu tổ chức việc kiểm tra cho chu đáo thì cũng như có ngọn đèn “pha”. Bao nhiêu tình hình, bao nhiêu ưu điểm, khuyết điểm, bao nhiêu cán bộ chúng ta đều thấy rõ”.

Đặc biệt, công tác kiểm tra, giám sát trong thời gian qua đã đóng góp tích cực vào việc lãnh đạo, chỉ đạo thành công sự nghiệp đổi mới của Đảng; góp phần quan trọng trong việc bảo vệ đường lối, quan điểm, các nguyên tắc của Đảng; thúc đẩy việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và chất lượng đảng viên; góp phần tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng.

 Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát với nhận thức và yêu cầu mới: Công tác kiểm tra, giám sát phải góp phần phát hiện và khắc phục được những khuyết điểm, thiếu xót khi mới manh nha; bên cạnh việc tiếp tục thực hiện kiểm tra tổ chức và cá nhân Đảng viên có dấu hiệu vi phạm; phải tăng cường chủ động giám sát, kiểm tra về phẩm chất đạo đức và kết quả thực hiện nhiệm vụ của tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên về nhận thức và chấp hành đường lối, chủ trương của đảng, chính sách pháp luật của nhà nước và việc chấp hành điều lệ Đảng.

Xác định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác kiểm tra, giám sát, Đảng bộ Trường Chính trị tỉnh Hải Dương ngay từ đầu nhiệm kỳ đã xây dựng chương trình kiểm tra, giám sát toàn bộ khóa với nguyên tắc trong nhiệm kỳ tất cả các đảng viên trong Đảng bộ được kiểm tra, giám sát ít nhất 01 lần, trong đó xây dựng chương trình kiểm tra, giám sát thường xuyên, theo chuyên đề tập trung vào việc “ Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”,  giám sát diễn biến tư tưởng của cán bộ, đảng viên và thực hiện các cuộc kiểm tra, giám sát của cấp ủy, cấp trên.

Qua quán triệt và việc triển khai các chủ trương, các quy định về công tác kiểm tra giám sát của Đảng, nhận thức của cán bộ, đảng viên về công tác kiểm tra, giám sát đã từng bước được nâng lên và ngày càng coi trọng và ngày càng đi vào thực chất hơn. Việc xây dựng chương trình kế hoạch và trực tiếp kiểm tra tổ chức Đảng cấp dưới theo Điều lệ Đảng đã đạt kết quả ngày càng thiết thực hơn, đồng thời rút ra nhiều bài học kinh nghiệm để nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát.

Trong những năm gần đây, ngay từ đầu năm Đảng ủy, UBKT nhà trường đã chủ động xây dựng chương trình kiểm tra, giám sát với nguyên tắc trong 01 năm tất cả các chi bộ đều được kiểm tra, giám sát ít nhất 01 lần. Theo đó, các chi bộ xây dựng chương trình, kiểm tra, giám sát đến từng đảng viên với nội dung kiểm tra gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn được giao. Qua đó, đã phát hiện, uốn nắn, xử lý kịp thời những biểu hiện diễn biến tư tưởng, những thiếu sót của  đảng viên, chi bộ nhà trường. Tuy nhiên, qua thực tế công tác kiểm tra của của toàn Đảng bộ Trường Chính trị còn những hạn chế sau:

Thứ nhất, với đặc thù cán bộ làm công tác kiểm tra, giám sát ở Đảng bộ Trường là kiêm nhiệm, không ai được đào tạo chính quy chuyên ngành kiểm tra, giám sát, trong khi công việc chuyên môn đòi hỏi tần suất làm việc cao, dẫn đến việc đầu tư cho công tác kiểm tra, giám sát không nhiều, việc tập huấn về nghiệp vụ kiểm tra, giám sát hoặc nếu có cũng chỉ được tập huấn 1 buổi/nhiệm kỳ. Việc bồi dưỡng, tập huấn chủ yếu là phổ biến văn bản, hướng dẫn của cấp trên, chưa đi sâu phân tích văn bản, vận dụng xử lý các tình huống thiết thực, không đem lại hiệu quả cao.

Thứ hai, về xây dựng và thực hiện chương trình kiểm tra, giám sát: UBKT Đảng ủy và ở một số chi bộ việc xây dựng chương trình kiểm tra, giám sát hàng năm còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát. Nội dung kiểm tra, giám sát ở chi bộ chưa sát với tình hình thực tiễn của đơn vị; chưa tập trung nhiều vào nội dung kiểm tra, giám sát việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, việc thực hiện nhiệm vụ do chi bộ phân công đôi chỗ còn thực hiện kiểm tra, giám sát không đầy đủ chương trình đã đề ra; thực hiện mang tính hình thức.

Thứ ba, về tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát: Về trình tự, thủ tục, nhiều chi bộ chưa nắm chắc các bước tiến hành kiểm tra, giám sát vẫn còn tình trạng làm theo kinh nghiệm, không tuân thủ quy trình, thủ tục.

Thứ tư, sự nhận thức chưa đầy đủ về nhiệm vụ kiểm tra, giám sát của cấp ủy theo Điều 30 Điều lệ Đảng còn lúng túng về nhận thức, nội dung, cũng như phương pháp tiến hành. Trong hoạt động có lúc thể hiện sự lúng túng trong xác định đối tượng, nhiệm vụ, phương pháp tiến hành kiểm tra, giám sát, không phân định được đâu là nhiệm vụ kiểm tra, giám sát của cấp ủy, đâu là nhiệm vụ kiểm tra, giám sát của Ủy ban Kiểm tra…

Từ kinh nghiệm công tác kiểm tra, giám sát của Đảng ủy trường Chính trị tỉnh Hải Dương trong thời gian qua, để “Đổi mới, nâng cao chất lượng thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát của Đảng ủy nhà trường hiện nay”  theo tôi cần làm tốt những nội dung sau:

Thứ nhất, phải quán triệt, nắm vững và tổ chức thực hiện tốt các Nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn, quy định của Đảng; chính sách pháp luật của Nhà nước. Thực hiện nghiêm túc quy chế tập trung dân chủ ở cơ quan.

Thứ hai, xây dựng kế hoạch, chương trình thực hiện nhiệm vụ của các cấp ủy và UBKT theo Điều lệ Đảng quy định về nhiệm vụ công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng ngay từ đầu năm. Cần tuyên truyền để toàn thể đảng viên, nhất là các ủy viên nhận thức rõ công tác kiểm tra, giám sát và giữ gìn kỷ luật của Đảng là nhiệm vụ của toàn Đảng mà các cấp ủy vừa là người lãnh đạo vừa là người trực tiếp thực hiện.

Thứ ba, trong thực hiện công tác kiểm tra, giám sát phải phát huy và tận dụng cao nhất, tốt nhất sức mạnh tổng hợp của toàn bộ hệ thống chính trị; sự phối hợp trách nhiệm hoạt động của các tổ chức Đảng, các Đoàn thể trong nhà trường;  phải chú ý lắng nghe, tiếp thu các ý kiến của các đồng chí đảng viên góp ý xây dựng Đảng.

Thứ tư, xác định nhiệm vụ giám sát là nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên, nhằm tích cực chủ động phòng ngừa không để tổ chức đảng và đảng viên xảy ra sai phạm. Vì vậy, cần có sự phân công giám sát một cách cụ thể, đồng thời nâng cao trách nhiệm của cấp ủy viên, ủy viên UBKT. Chủ động giám sát và phản ánh kịp thời để cấp ủy có biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo.

Thứ năm, thường xuyên quan tâm củng cố, kiện toàn để bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao năng lực và trình độ của đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra, giám sát đủ về số lượng và đảm bảo về chất lượng. Cán bộ làm công tác kiểm tra luôn rèn luyện phẩm chất, đạo đức, năng lực và nâng cao trình độ nghiệp vụ. Người làm công tác kiểm tra phải có bản lĩnh chính trị và uy tín, khi giải quyết các vụ, việc, phải công tâm, trung thực, khách quan, thận trọng và kiên quyết. Đặc biệt trong điều kiện xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hiện nay, người làm công tác kiểm tra phải có kiến thức tương đối toàn diện về các lĩnh vực, nhất là đối với  lĩnh vực kinh tế và pháp luật. Vì vậy, cùng với quá trình đổi mới đào tạo, bồi dưỡng cán bộ kiểm tra thì người làm công tác kiểm tra phải luôn luôn tự học tập, đúc kết kinh nghiệm để có phẩm chất đạo đức tốt và năng lực trình độ nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đặt ra./.