na
NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)! 
Nghiên cứu trao đổi
Những điều đặc biệt của Cách mạng Tháng Tám
18/08/2020 08:41:51

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 do Ðảng Cộng sản và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo đã để lại bài học thành công trên các vấn đề rất căn bản và trọng yếu của một cuộc biến đổi chính trị, xã hội sâu sắc và triệt để. Ðó là bài học về giương cao ngọn cờ giải phóng dân tộc vì độc lập của Tổ quốc, vì tự do, hạnh phúc của đồng bào; bài học về đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy cao nhất chủ nghĩa yêu nước, vì lợi ích quốc gia, dân tộc; bài học về kiên định mục tiêu chiến lược đồng thời khôn khéo về sách lược với sự nhạy cảm đặc biệt về chính trị của lãnh tụ và đội tiền phong lãnh đạo; bài học về xử lý đúng đắn tình thế và thời cơ cách mạng.

18/8/2020

Ngày 19/8/1945, Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội, các lực lượng quần chúng cách mạng đánh chiếm Bắc Bộ Phủ (Ảnh tư liệu: Bảo tàng Lịch sử quốc gia)

Trong chiến lược đại đoàn kết dân tộc, phát huy nhân tố con người, Ðảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chân thành, thật sự tin cậy, tập hợp và đoàn kết các lực lượng nhân sĩ, trí thức tham gia tích cực vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc do Ðảng Cộng sản lãnh đạo. Là thành viên của Mặt trận Việt Minh, Hội Văn hóa cứu quốc từ năm 1943 đã tập hợp đông đảo trí thức, các nhà hoạt động văn hóa hướng theo mục tiêu cách mạng về văn hóa và sẵn sàng tham gia vào cuộc cách mạng chính trị, đánh đổ chế độ phong kiến, thực dân để xây dựng chế độ mới tiến bộ. Ðược sự giúp đỡ của những người cộng sản, Ðảng Dân chủ Việt Nam ra đời ngày 30/6/1944 tập hợp rộng rãi những trí thức yêu nước đấu tranh cho nền độc lập. Ở Nam Kỳ, tháng 5/1945, Xứ ủy (Tiền Phong) chủ trương lập tổ chức "Thanh niên tiền phong" do bác sĩ Phạm Ngọc Thạch lãnh đạo với sự tham gia của đông đảo thanh niên, sinh viên. Nhóm Huỳnh, Mai, Lưu (Huỳnh Văn Tiểng, Mai Văn Bộ, Lưu Hữu Phước) có ảnh hưởng lớn với ca khúc Lên đàng. Ở Bắc Kỳ, trí thức văn nghệ sĩ có hoạt động rất sôi nổi. Văn Cao sáng tác Tiến quân ca, Nguyễn Ðình Thi với ca khúc Diệt phát xít và trong ngày Hà Nội khởi nghĩa là sự hào hùng của ca khúc 19 tháng 8 của Xuân Anh. Ðó là vũ khí đấu tranh có sức mạnh to lớn, độc đáo và sáng tạo.

Ðường lối của Ðảng, chính sách của Mặt trận Việt Minh có sức cổ vũ và lan tỏa rộng rãi. Trong những ngày diễn ra Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, lực lượng trí thức, thanh niên, sinh viên tham gia đông đảo, tích cực. Quốc dân Ðại hội Tân Trào họp ngày 16/8/1945 với hơn 60 đại biểu của cả nước, trong đó có những đại biểu trí thức, nhân sĩ tiêu biểu. Ủy ban Giải phóng dân tộc được thành lập do lãnh tụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch trong đó có nhiều trí thức yêu nước tiêu biểu như Cù Huy Cận, Nguyễn Ðình Thi, Dương Ðức Hiền, Trần Huy Liệu, Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Hữu Ðang.

Cách mạng thành công, ngày 28/8/1945, tại Hà Nội, Ủy ban Giải phóng dân tộc từ Tân Trào trở thành Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chuẩn bị cho lễ tuyên bố độc lập và ra mắt Chính phủ. Ðiều đặc biệt là một số đảng viên cộng sản trong đó có Tổng Bí thư Trường Chinh (Ðặng Xuân Khu), đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã xin rút khỏi Chính phủ lâm thời để mời các nhân sĩ, trí thức tham gia Chính phủ. Ðó là việc làm cao cả. Sau này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá: "Ðó là một cử chỉ vô tư tốt đẹp không ham chuộng địa vị, đặt lợi ích của dân tộc, của đoàn kết toàn dân lên trên lợi ích cá nhân. Ðó là một cử chỉ đáng khen, đáng kính mà chúng ta phải học"(1). Chính phủ lâm thời do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch kiêm Bộ trưởng ngoại giao với 15 thành viên trong đó có chín bộ trưởng là nhân sĩ, trí thức và nhiều người đã suốt đời phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Cụ Nguyễn Văn Tố, sinh năm 1889, người con của Hà Nội, làm Hội trưởng Hội truyền bá Quốc ngữ từ năm 1939, giữ chức Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội và ngày 2/3/1946 được Quốc hội bầu làm Trưởng ban Thường trực Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Chủ tịch Quốc hội), cụ đi kháng chiến và anh dũng hy sinh tháng 10/1947 ở Việt Bắc.

Ngày 6/1/1946, cử tri cả nước bầu Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam độc lập. Nhiều nhân sĩ, trí thức được bầu làm đại biểu Quốc hội. Nhiều vị tham gia Chính phủ chính thức, tiêu biểu như cụ Huỳnh Thúc Kháng, một nhà yêu nước nổi tiếng và khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm nước Pháp (5-1946) đã ủy nhiệm cụ Huỳnh làm Quyền Chủ tịch. Các vị khác cũng mang hết trí tuệ, công sức tham gia Chính phủ: Phan Anh, Ðặng Thai Mai, Vũ Ðình Hòe, Nguyễn Văn Huyên, Hoàng Minh Giám, Ngô Tấn Nhơn, Trần Ðăng Khoa, Trương Ðình Tri, Bồ Xuân Luật,... Chính phủ thật sự là hình ảnh của tinh thần đại đoàn kết dân tộc.

Trong lịch sử thế giới, có những cuộc cách mạng đánh đổ chế độ phong kiến, đã xử tử hoặc bỏ tù vua, đàn áp những người của chế độ cũ. Cách mạng Tháng Tám của Việt Nam có một điều đặc biệt là đã không diễn ra việc đó. Sau khi thoái vị (ngày 30/8/1945), cựu hoàng Bảo Ðại (Vĩnh Thụy) được mời làm Cố vấn tối cao của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tại Hà Nội, Chính phủ đã tạo điều kiện tốt nhất để Cố vấn Vĩnh Thụy làm việc. Trong hoàn cảnh đất nước phải chống thù trong, giặc ngoài, kinh tế khó khăn, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh cử đồng chí Lê Văn Hiến vào Huế thăm các thành viên của hoàng tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ mời cựu Hoàng hậu Nam Phương chuyển ra Hà Nội cùng Cố vấn Vĩnh Thụy. Bà đã cảm ơn và xin được ở lại Huế. Bà đã tích cực tham gia ủng hộ Chính phủ và chế độ mới.

Một số vị quan của chế độ phong kiến tự nguyện, hăng hái tham gia vào bộ máy Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cụ Bùi Bằng Ðoàn, sinh năm 1889, từng là Tri huyện, Tuần phủ và năm 1933 là Thượng thư Bộ hình. Cách mạng Tháng Tám thắng lợi, cụ là thành viên Ban Cố vấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đại biểu Quốc hội khóa I và tháng 11/1946 là Trưởng ban Thường trực Quốc hội tới khi qua đời (1955). Cụ Phan Kế Toại, sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9/3/1945) giữ chức Khâm sai đại thần, nhiều lần liên lạc với Việt Minh, từ chức ngày 18/8/1945, sau Cách mạng đi kháng chiến, được cử làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ; sau hòa bình (1954) được cử làm Phó Thủ tướng Chính phủ đến khi qua đời năm 1973. Các cụ Phạm Khắc Hòe, Vũ Ðình Hòe, bà Vĩnh Thụy (Nam Phương) và nhiều vị khác tham gia Ủy ban Nghiên cứu kế hoạch kiến thiết và nhiều công việc khác của Nhà nước cách mạng.

Tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời (3/9/1945). Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định chính sách tôn giáo: "Tín ngưỡng tự do và lương giáo đoàn kết". Ðó là một chính sách đặc biệt gắn liền tự do tín ngưỡng với quyền tự do của đồng bào với tinh thần đoàn kết, hòa hợp các tôn giáo, không thành kiến, kỳ thị tôn giáo và nhận thức đúng đắn về tôn giáo. Ngày lễ Nô-en đầu tiên của nước Việt Nam độc lập (25/12/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh có Thư gửi các vị linh mục và đồng bào Công giáo. Linh mục Phạm Bá Trực là đại biểu Quốc hội, rồi Ủy viên Ban Thường trực Quốc hội (1946).

Những điều đặc biệt của Cách mạng Tháng Tám và Nhà nước cách mạng do Ðảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo, có thể còn nhiều người chưa biết hoặc chưa hiểu rõ. Ðó là cuộc cách mạng đã dẫn tới ra đời Nhà nước cách mạng tiêu biểu cho sự đoàn kết hòa hợp dân tộc vì lợi ích của quốc gia, dân tộc, của toàn dân. Cuộc Cách mạng Tháng Tám không chỉ thay đổi chế độ chính trị mà còn in dấu ấn sự ra đời của nền chính trị văn minh, đồng thời mang giá trị của chiều sâu văn hóa. Cuộc cách mạng đó là sự thống nhất không thể tách rời giữa lý tưởng, mục tiêu của chủ nghĩa cộng sản với chủ nghĩa yêu nước và lợi ích quốc gia, dân tộc chân chính.

-----------------------------

(1) Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 7, trang 26.

Tác giả: PGS,TS Nguyễn Trọng Phúc (Nguồn: Cổng TTĐT Học viện CTQG HCM)