na
NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)! 
Nghiên cứu trao đổi
Các Nghị định mới được Chính phủ ban hành liên quan tới vấn đề nhân sự đối với các đơn vị sự nghiệp công lập và tổ chức, nhân sự các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện và UBND cấp tỉnh
17/09/2020 12:00:00

Trong các ngày 10/9 và 14/9/2020 Chính phủ đã ban hành các Nghị định về vị trí việc làm và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập và quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện và UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và đều có hiệu lực từ ngày 15/11/2020.

 

                                                                           Ts. Phạm Đức Minh 

Trưởng phòng TC, HC, TT, TL  

I. Nghị định số 106/2020/NĐ-CP 10/09/2020 của Chính phủ về vị trí việc làm và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập

Nghị định số 106/2020/NĐ-CP 10/09/2020 của Chính phủ: Về vị trí việc làm và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập có hiệu lực thi hành từ ngày 15/11/2020.

Nghị định số 106/2020/NĐ-CP sẽ hay thế Nghị định số 41/2012/NĐ-CP ngày 08/5/2012 của Chính phủ về vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập. Đồng thời bãi bỏ các nội dung quy định về tự chủ nhân sự quy định tại Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định chế độ tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập.

Theo Nghị định, nguyên tắc xác định vị trí việc làm và số lượng người làm việc phải phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của đơn vị sự nghiệp công lập; bảo đảm tính khoa học, khách quan, công khai, minh bạch, hiệu quả và nâng cao chất lượng đội ngũ viên chức, người lao động trong đơn vị sự nghiệp công lập; bảo đảm một người làm việc phải được giao đủ khối lượng công việc để thực hiện theo thời gian lao động quy định. Những vị trí việc làm không có đủ khối lượng công việc để thực hiện theo thời gian quy định của một người làm việc thì phải bố trí kiêm nhiệm. Đồng thời, phải bảo đảm cơ cấu hợp lý, trong đó số lượng người làm việc tại các vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên ngành và chức danh nghề nghiệp chuyên môn dùng chung chiếm tỉ lệ tối thiểu 65% tổng số lượng người làm việc của đơn vị sự nghiệp công lập.

Có 02 căn cứ xác định vị trí việc làm và 03 căn cứ xác định số người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập. Cụ thể:

Căn cứ xác định vị trí việc làm, gồm:

+ Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của đơn vị sự nghiệp công lập;

+ Mức độ phức tạp, tính chất, đặc điểm, quy mô hoạt động; phạm vi, đối tượng phục vụ; quy trình quản lý chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

Căn cứ xác định số người làm việc, gồm:

+ Vị trí việc làm và khối lượng công việc thực tế tại từng vị trí việc làm của đơn vị sự nghiệp công lập;

+ Mức độ hiện đại hóa công sở, trang thiết bị, phương tiện làm việc và ứng dụng công nghệ thông tin;

+ Thực trạng quản lý, sử dụng số lượng người làm việc được giao của đơn vị.

Nghị định cũng quy định, chậm nhất đến hết ngày 30 tháng 6 năm 2021, Bộ trưởng Bộ quản lý ngành, lĩnh vực phải ban hành văn bản hướng dẫn về vị trí việc làm lãnh đạo quản lý và chức danh nghề nghiệp chuyên ngành, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc đối với đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực được giao quản lý. Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành văn bản hướng dẫn về vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên môn dùng chung và hỗ trợ, phục vụ của đơn vị sự nghiệp công lập.

Chậm nhất sau 03 tháng kể từ ngày Bộ trưởng Bộ quản lý ngành, lĩnh vực và Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành văn bản hướng dẫn, các bộ, ngành, địa phương phải phê duyệt vị trí việc làm và cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp của các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý.

II. Nghị định số 107/2020/NĐ-CP của Chính phủ về quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

Nghị định số 107/2020/NĐ-CP ngày 14/9/2020 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và có hiệu lực thi hành từ ngày 25/11/2020.

Nghị định số 107/2020/NĐ-CP quy định bình quân mỗi sở có 3 Phó Giám đốc. Căn cứ số lượng sở được thành lập và tổng số lượng Phó Giám đốc, UBND cấp tỉnh quyết định cụ thể số lượng Phó Giám đốc của từng sở cho phù hợp. Riêng thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, ngoài tổng số lượng Phó Giám đốc theo quy định tính bình quân chung thì mỗi thành phố được tăng thêm không quá 10 Phó Giám đốc.

Nghị định cũng bổ sung quy định số lượng Phó Trưởng phòng chuyên môn, nghiệp vụ thuộc sở. Cụ thể, phòng thuộc sở của thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh có dưới 10 biên chế công chức, phòng thuộc sở của cấp tỉnh loại I có dưới 9 biên chế công chức và phòng thuộc sở của cấp tỉnh loại II và loại III có dưới 8 biên chế công chức được bố trí 1 Phó Trường phòng.

Phòng thuộc sở của thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh có từ 10 đến 14 biên chế công chức, phòng thuộc sở của cấp tỉnh loại I có từ 9 đến 14 biên chế công chức và phòng thuộc sở của cấp tỉnh loại II và loại III có từ 8 đến 14 biên chế công chức được bố trí không quá 2 Phó Trưởng phòng.

Phòng thuộc sở có từ 15 biên chế công chức trở lên được bố trí không quá 3 Phó Trưởng phòng.

Về số lượng Phó Chánh Thanh tra sở, Nghị định nêu rõ: Thanh tra sở có dưới 8 biên chế công chức được bố trí 1 Phó Chánh Thanh tra; thanh tra sở có từ 8 biên chế công chức trở lên được bố trí không quá 2 Phó Chánh Thanh tra.

Số lượng Phó Chánh Văn phòng sở được thực hiện như quy định số lượng Phó Trưởng phòng chuyên môn, nghiệp vụ thuộc sở.

Về số lượng Phó Chi cục thuộc sở, Nghị định quy định: Chi cục có từ 1-3 phòng và tương đương được bố trí 1 Phó Chi cục trưởng; chi cục không có phòng hoặc có từ 4 phòng và tương đương trở lên được bố trí không quá 2 Phó Chi cục trưởng.

Về số lượng Phó Trưởng phòng thuộc chi cục thuộc sở, phòng có dưới 7 biên chế công chức được bố trí 1 Phó Trưởng phòng; phòng có từ 7 biên chế công chức trở lên được bố trí không quá 2 Phó Trưởng phòng.

Nghị định 107/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 5 cơ cấu tổ chức của sở. Cụ thể, cơ cấu tổ chức của sở gồm: Phòng chuyên môn nghiệp vụ; Thanh tra (nếu có); Văn phòng (nếu có); Chi cục và tổ chức tương đương (nếu có); Đơn vị sự nghiệp công lập (nếu có).

Nghị định cũng quy định cụ thể tiêu chí thành lập phòng chuyên môn, nghiệp vụ thuộc sở, gồm:

– Có chức năng, nhiệm vụ tham mưu về quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ của sở;

– Khối lượng công việc yêu cầu phải bố trí tối thiểu 7 biên chế công chức đối với phòng thuộc sở của thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; tối thiểu 6 biên chế công chức đối với phòng thuộc sở của cấp tỉnh loại I; tối thiểu 5 biên chế công chức đối với phòng thuộc sở của cấp tỉnh loại II và loại III.

Tiêu chí thành lập Văn phòng thuộc sở được áp dụng theo quy định tại (2) nêu trên. Trường hợp không thành lập Văn phòng thuộc sở thì giao một phòng chuyên môn thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Văn phòng.

Tiêu chí thành lập chi cục và các tổ chức tương đương thuộc sở (chi cục) gồm:

– Có đối tượng quản lý về chuyên ngành, lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ của sở theo quy định của pháp luật chuyên ngành;

– Được phân cấp, ủy quyền để quyết định các vấn đề thuộc phạm vi quản lý nhà nước về chuyên ngành, lĩnh vực;

– Khối lượng công việc yêu cầu phải bố trí tối thiểu 12 biên chế công chức.

Tiêu chí thành lập phòng và tương đương thuộc chi cục thuộc sở gồm: Có chức năng, nhiệm vụ tham mưu về quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ của chi cục hoặc tham mưu về công tác quản trị nội bộ của chi cục; Khối lượng công việc yêu cầu phải bố trí tối thiểu 5 biên chế công chức.

III. Nghị định số 108/2020/NĐ-CP của Chính phủ về quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

Nghị định số 108/2020/NĐ-CP ngày 14/9/2020 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2014/NĐ-CP ngày 05 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 25/11/2020.

Nghị định quy định người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện là Ủy viên Ủy ban nhân dân cấp huyện do HĐND cấp huyện bầu, do Chủ tịch UBND cấp huyện bổ nhiệm, chịu trách nhiệm trước UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp huyện và trước pháp luật về thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của phòng và thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy viên UBND cấp huyện theo Quy chế làm việc và phân công của Ủy ban nhân dân cấp huyện.

Trưởng phòng có trách nhiệm báo cáo với UBND, chủ tịch UBND cấp huyện và sở quản lý ngành, lĩnh vực về tổ chức, hoạt động của cơ quan mình; báo cáo công tác trước HĐND và UBND cấp huyện khi được yêu cầu; phối hợp với người đứng đầu cơ quan chuyên môn, các tổ chức chính trị-xã hội cấp huyện giải quyết những vấn đề liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

Nghị định quy định số lượng Phó Trưởng phòng cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện như sau:

Bình quân mỗi phòng có 02 Phó Trưởng phòng. Căn cứ số lượng phòng chuyên môn được thành lập và tổng số lượng Phó Trưởng phòng, UBND cấp huyện quyết định cụ thể số lượng Phó Trưởng phòng của từng phòng chuyên môn cho phù hợp.

Trước đó, Nghị định số 37/2014/NĐ-CP quy định số lượng phó trưởng phòng cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện không quá 3 người.

Cũng theo Nghị định, các địa phương đã thực hiện thí điểm hợp nhất, sáp nhập các cơ quan chuyên môn theo Kết luận 34-KL/TW ngày 07/8/2018, tiến hành tổng kết việc thực hiện thí điểm theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

Nghị định số 108/2020/NĐ-CP cũng sửa đổi, bổ sung quy định về tổ chức một số cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện như: phòng nội vụ, phòng tư pháp, phòng tài nguyên và Môi trường, phòng lao động, thương binh và xã hội, phòng văn hóa và thông tin, phòng y tế, thanh tra huyện, văn phòng HĐND và UBND, phòng kinh tế, phòng kinh tế và hạ tầng, phòng dân tộc.

Cụ thể, Nghị định quy định phòng nội vụ có chức năng tham mưu, giúp UBND cấp huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về: tổ chức bộ máy; vị trí việc làm, biên chế công chức và cơ cấu ngạch công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước; vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập; tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng trong cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập; cải cách hành chính; chính quyền địa phương; địa giới hành chính; cán bộ, công chức, viên chức; cán bộ, công chức cấp xã và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố; hội, tổ chức phi chính phủ; văn thư, lưu trữ nhà nước; tín ngưỡng, tôn giáo; công tác thanh niên; thi đua-khen thưởng.

Phòng Tư pháp có chức năng tham mưu, giúp UBND cấp huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về: công tác xây dựng và thi hành pháp luật, theo dõi thi hành pháp luật, kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật; hòa giải ở cơ sở, trợ giúp pháp lý, nuôi con nuôi, hộ tịch, chứng thực và các công tác tư pháp khác theo quy định của pháp luật; quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Phòng Tài nguyên và Môi trường tham mưu, giúp UBND cấp huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về: đất đai, tài nguyên nước; tài nguyên khoáng sản; môi trường; biển và hải đảo; đo đạc và bản đồ; biến đổi khí hậu.