Th.s:
Nguyễn Toàn Thắng
Khoa: Nhà nước và pháp luật
Luật Cư trú 2020 được Quốc hội Khóa XIV thông qua tại các
kỳ họp thứ 10, 11 nước CHXHCN Việt Nam ngày 22 tháng 11 năm 2020 có hiệu lực
ngày 01/7/2021 thay thế Luật cư trú 2006. Việc ban hành Luật Cư trú mới là phù
hợp với xu thế tất yếu của công cuộc cải cách hành chính nhà nước nói chung và
phù hợp với xu thế thời đại công nghệ số 4.0. Luật Cư trú năm 2020 quy định rõ
việc thực hiện quyền tự do cư trú của công dân Việt Nam trên lãnh thổ nước Cộng
hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam để phân biệt với việc cư trú của người có quốc tịch
nước ngoài, người không có quốc tịch trên lãnh thổ Việt Nam hiện đang được điều
chỉnh bởi Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh cư trú của người nước ngoài tại
Việt Nam. So với Luật cư trú năm 2006 thì Luật Cư trú năm 2020 có một số điểm mới
nổi bật liên quan đến “vấn đề hộ khẩu” sau:
Thứ nhất, thay thế sổ hộ khẩu giấy sang quản lý hộ khẩu bằng
dữ liệu phần mềm.
Đây có thể coi là điểm thay đổi nổi bật và được nhiều người
dân quan tâm của Luật cư trú năm 2020. Cụ thể, quản lý bằng việc sử dụng mã số
định danh cá nhân để truy cập, cập nhật, điều chỉnh trên Cơ sở dữ liệu quốc gia
về dân cư. Thông tin về nơi thường trú của mỗi công dân là thông tin dữ liệu số
được cập nhật, điều chỉnh trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu
về cư trú. Như vậy, từ ngày 01 tháng 7 năm 2021 không cấp Sổ hộ khẩu giấy theo
quy định mà sẽ được cập nhật trên phần mềm dữ liệu quốc gia về dân cư. Bên cạnh
đó tất cả trường hợp đang sử dụng hộ khẩu giấy vẫn có hiệu lực đến hết ngày 31
tháng 12 năm 2022. Việc đổi mới phương thức quản lý theo hướng này giúp công
dân không cần mang theo các loại giấy tờ có chứa thông tin cá nhân đã thể hiện
trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cũng như không phải sao y chứng thực các
loại giấy tờ này khi thực hiện thủ tục hành chính hoặc tham gia giao dịch dân sự
mà chỉ cần mang theo thẻ Căn cước công dân hoặc cung cấp mã số định danh cá
nhân cho cơ quan chức năng để thực hiện.
Thứ hai, bỏ quy định về cấp đổi và cấp lại sổ hộ khẩu.
Tất cả các trường hợp đều không được cấp đổi và cấp lại sổ
hộ khẩu từ ngày 01/7/2021 theo Luật cư trú năm 2020. Thay vào đó quy định về việc
đăng ký thường trú như sau:
-Người đăng ký thường trú nộp hồ
sơ đăng ký thường trú đến cơ quan đăng ký cư trú nơi mình cư trú
-Khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký thường
trú, cơ quan đăng ký cư trú kiểm tra và cấp phiếu tiếp nhận hồ sơ cho người
đăng ký; trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ thì hướng dẫn người đăng ký bổ sung hồ sơ
Bên cạnh đó, do sử dụng phương thức quản lý hiện đại bằng
công nghệ thông tin nên thời gian giải quyết đăng ký thường trú cho công dân
cũng đơn giản, rút ngắn cả về thủ tục và thời gian tối đa là 7 ngày.
Thứ ba, bỏ quy định về đăng ký thường trú cá biệt.
Đối với các địa phương là Thủ đô, thành phố trực thuộc
trung ương theo quy định của Luật thủ đô 2012 và Luật cư trú năm 2006 khi đăng
ký thường trú đã bỏ các điều kiện về đăng ký thường trú nhất định. Đây được coi
là điểm mới hợp lý của Luật cư trú 2020, xóa bỏ sự phân biệt trong việc tự do
cư trú, lựa chọn chỗ ở theo quy định cũ. Cụ thể Luật Cư trú năm 2020 đã bỏ các
quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung
ương, tức là không có quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại thành
phố trực thuộc Trung ương; việc đăng ký thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương là như nhau, không có sự phân biệt và được áp dụng chung, thống nhất
trên toàn quốc.
Bên cạnh đó Luật bổ sung quy định điều kiện đăng ký thường
trú vào chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ. Cụ thể, công dân được đăng ký thường trú tại
chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ nếu bảo đảm điều kiện về diện tích nhà ở tối
thiểu do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định nhưng không thấp hơn 8m2/sàn/người.
Đồng thời, người này còn phải được chủ hộ, chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đồng ý cho
đăng ký thường trú tại địa điểm thuê, mượn, ở nhờ. Kéo theo đó, trong hồ sơ
đăng ký thường trú phải có giấy tờ, tài liệu chứng minh đủ diện tích nhà ở để
đăng ký thường trú.