na
NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)! 
Nghiên cứu trao đổi
Ý nghĩa lịch sử ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4/1975
08/05/2020 03:04:29

ThS. Thân Thị Cương, Phó trưởng khoa Xây dựng Đảng

Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giải phóng miền Nam, chấm dứt ách thống trị của nghĩa đế quốc trên đất nước ta kéo dài 117 năm, giành lại toàn quyền độc lập dân tộc và thống nhất đất nước, làm phá sản chủ nghĩa thực dân mới, đưa đất nước ta vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta từ đây tập trung sức lực và trí tuệ hàn gắn vết thương chiến tranh xây dựng cuộc sống mới; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

 Chiến thắng ngày 30/4/1975 là thành quả vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội do Đảng ta và chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo; là trang sử hào hùng, chói lọi trên con đường dựng nước và giữ nước hàng ngàn năm lịch sử của dân tộc. Đánh giá thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đại hội toàn quốc lần thứ IV của Đảng (12-1976) đã nêu rõ: “Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc như  một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sang ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hung cách mạng và trí tuệ của con người, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế lớn và có tính chất sâu sắc thời đại”.

Từ ngày 30 tháng 9 năm 1974 đến ngày 8 tháng 10 năm 1974, Bộ Chính trị  họp bàn chủ trương giải phóng hoàn toàn miền Nam. Bộ Chính trị cũng khẳng định, lúc này chúng ta có thời cơ, đây là thời cơ thuận lợi nhất để nhân ta giải phóng hoàn toàn miền Nam. Thực tế trên chiến trường sau khi ký kết Hiệp định Pari, Mỹ - Ngụy không hề thực hiện hiệp định ngừng chiến sự. Sự kiện Quốc Hội Mỹ bác bỏ đề nghị của Nichxơn viện trợ cho chính quyền Sài Gòn, và những cuộc tiến công của ta giải phóng hàng chục chi khu quân sự và Phước long (6-1-1975) mà Mỹ không có những phản ứng quyết liệt, điều đó càng khẳng định Mỹ khó đưa quân quay lại Việt Nam. Theo dõi sát sao diễn biến của tình hình chiến trường, Bộ Chính trị đã quyết định giải phóng hoàn toàn miền Nam với những thời điểm cụ thể trong hai năm 1975 và 1976. Bộ Chính trị nhấn mạnh “cả năm 1975 là thời cơ” và chỉ rõ “nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng hoàn toàn Miền Nam trong năm 1975”.

Những quyết định đó dựa trên thế tiến công như vũ bão và thắng lợi dồn dập từ sau chiến thắng Buôn Ma Thuột (10/3/1975), chiến dịch Tây Nguyên, Trị Thiên và khu V, giải phóng ven biển miền Trung. Sau chiến thắng đó, Bộ Chính trị đã nhận định: “thời cơ chiến lược đã đến, ta có điều kiện hoàn thành sớm quyết tâm giải phóng Miền Nam” và đã đưa ra quyết định: “phải tập trung nhanh nhất lực lượng, binh khí kỹ thuật và vật chất giải phóng Miền Nam trước mùa mưa”, đồng thời chiến dịch giải phóng Sài Gòn-Gia Định được Bộ Chính trị quyết định mang tên “chiến dịch Hồ Chí Minh”. Trước khi tấn công giải phóng Sài Gòn, quân ta đã tiến công Xuân Lộc và Phan Rang, đây là những căn cứ phòng thủ trọng yếu của địch để bảo vệ Sài Gòn từ phía đông.

Vào lúc 17 giờ ngày 26/4, quân ta đã nổ súng mở đầu chiến dịch, năm cánh quân của ta đã vượt qua tuyến phòng thủ của địch để tiến vào trung tâm Sài Gòn, đánh chiếm các cơ quan đầu não của chúng. 10 giờ 45 phút ngày 30/4, xe tăng và bộ binh của ta tiến vào Dinh Độc Lập, bắt toàn bộ Nội các của Sài Gòn, Dương Văn Minh vừa lên chức tổng thống ngày 28/4 đã phải tuyên bố đầu hàng quân ta không điều kiện. Đến 11 giờ 30 phút cùng ngày, lá cờ cách mạng tung bay trên Dinh Độc Lập, báo hiệu sự toàn thắng của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Đại thắng mùa xuân 1975 đã chứng minh trí tuệ và tài thao lược của Đảng ta trong lãnh đạo và chỉ đạo chiến tranh cách mạng, cũng như chứng minh tinh thần quật khởi của người dân Việt Nam trong đấu tranh chống ngoại xâm. Chiến thắng đã chấm dứt ách thống trị của chủ nghĩa đế quốc và chế độ phong kiến ở nước ta, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, thống nhất đất nước, đồng thời mở ra một kỷ nguyên mới của dân tộc, cả nước cùng tiến lên Chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi này đã đi vào lịch sử nước ta và của thế giới, như một trang sử chói lọi ở những năm 70 của thế kỷ XX, mang tầm quốc tế, tầm thời đại sâu sắc.

Ngày nay, trong công cuộc đổi mới của đất nước, chúng ta mãi tự hào và biết ơn sự hy sinh to lớn của các anh hùng, các thế hệ cha ông ta đã chiến đấu anh dũng vì độc lập tự do và thống nhất Tổ quốc. Chúng ta càng tự hào, tin tưởng vào sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt tài tình của Đảng cộng sản Việt Nam, vào tinh thần quật cường bất khuất và trí thông minh, sáng tạo của dân tộc ta, của quân đội ta.  Mỗi chúng ta phải luôn nỗ lực phấn đấu để xứng đáng với sự hy sinh của các bậc cha anh, quyết tâm hoàn thành những nhiệm vụ mà Đảng ta đề ra trong Nghị quyết Đại hội XII và tiếp sức tinh thần cho Đại hội đại biểu toàn quốc lầm thứ XIII của Đảng cộng sản Việt Nam sắp tới.