na
NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)! 
Nghiên cứu trao đổi
Ý nghĩa chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm ngày 7/5/1954
08/05/2020 12:00:00

ThS. Thân Thị Cương, Phó trưởng khoa Xây dựng Đảng


Vào hồi 13 giờ 20 phút ngày 7/5/1954, tin thất thủ bay về tới thủ đô Pari, cả nước pháp rụng rời, treo cờ rủ để đánh dấu sự kiện thảm bại này. Chiến thắng lịch sử Điện Biên phủ là thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta mà cũng là thắng lợi chung của tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới. Chiến thắng Điện Biên Phủ càng làm sáng ngời chân lý của chủ nghĩa Mác – Lênin trong thời đại ngày nay: Chiến tranh xâm lược của chủ nghĩa đế quốc nhất định sẽ thất bại, cách mạng giải phóng dân tộc của các dân tộc nhất định thắng lợi.

Điện Biên Phủ là một huyện biên giới xa xôi, thuộc tỉnh Lai Châu, giáp Sơn La và gần sông Mã, gần nước bạn Lào. Cánh đồng Mường Thanh rộng nhất tây Bắc. Dài 21km, rộng gần 5 km. Trận đánh Điện Biên Phủ đã bắt đầu từ khi địch nhảy dù xuống, bộ đội ta đã diệt chúng hàng đại đội, những trận truy kích như máy bay của quân ta đánh đuổi Pháp ở Lai Châu rút về, trận lớn Mường Pồn tiêu diệt 3 đại đội. Cùng với chiến thắng của quân và dân ta, quân dân nước bạn Lào phá vỡ vòng tuyến song Nậm Hu, chặt đứt phăng con đường liên lạc giữa Luông Pha Băng và Điện Biên Phủ. Từ đây, vòng vây của quân dân ta ngày càng xiết chặt. Trong khung cảnh hùng tráng của Điện Biên Phủ đã trở thành thiên anh hùng ca mới của dân tộc ta.

Trận Điện Biên Phủ bắt đầu từ 13/3/1954 đến 7/5/1954, Chiến dịch này bắt đầu từ kế hoạch Nava. Trong kế hoạch đó được chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1: Từ cuối năm 1953 đến đầu năm 1954, Pháp phòng ngự ở miền Bắc, tấn công miền Nam. Giai đoạn 2: từ năm cuối năm 1954 đến đầu năm 1955, quân pháp tập trung lực lượng ra miền Bắc kết thúc chiến tranh.

Trong kế hoạch Nava không có 3 từ Điện Biên Phủ. Nhưng tại sao lại có trận Điện Biên Phủ? Để đối phó với kế hoạch này của Pháp, cuối tháng 9/1953, Bộ Chính trị đã họp và nhất trí kế hoạch tác chiến như sau:

Trên chiến trường Bắc Bộ, sử dụng một bộ phận chủ lực mở cuộc tiến công lên Tây Bắc, tiêu diệt và giải phóng khu Tây Bắc. Phối hợp với quân giải phóng Pa thét Lào mở chiến dịch Trung Lào tiêu diệt sinh lực địch, mở rộng vùng giải phóng, phân tán lực lượng địch. Đẩy mạnh chiến tranh du kích ở vùng đồng bằng. giấu kín và bố trí một lực lượng cơ động mạnh, đủ sức tiến công, chặn đứng các cuộc phản kích, hành quân bất ngờ của thực dân Pháp.

Theo kế hoạch, một bộ phận chủ lực tấn công lên Tây Bắc và Trung Lào. Phát hiện được quân ta tấn công lên đây, ngày 20/11/1954, Pháp điều động lực lượng lên đây. Âm mưu của Pháp là và Mỹ là xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh để ngăn chặn, thu hút và tiêu diệt quân chủ lực của ta.

Ngày 6/12/1954, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ. Với tinh thần cả nước cho Điện Biên Phủ chiến thắng, từ vùng tự do đến vùng địch hậu, căn cứ du kích đều dồn sức cho chiến trường Điện Biên Phủ. Với phương châm “Đánh chắc, tiến chắc”; chiều 13/3/1954, bộ đội ta tấn công đồi Him Lam, mở màn cho một trận đại thắng của lịch sử. Sau 56 ngày đêm tiến công, chiều ngày 7/5/1954 tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đã bị tiêu diệt.

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ sẽ mãi ghi vào lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc ta và của các dân tộc nhỏ yếu trên thế giới. Điện Biên Phủ sẽ ghi trong các sử sách như một trong những sự kiện them chốt trong trào lưu rộng lớn của vận mệnh châu Á. Ngày nay, mỗi người, mỗi ngành, mỗi địa phương, đơn vị phải nỗ lực, sáng tạo vượt qua mọi khó khăn, làm nên những Điện Biên Phủ mới trong thời kỳ đẩy mạng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc, để đem lại ấm no, hạnh phúc cho mọi người trên mọi miền Tổ quốc, đưa đất nước tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc có thể sánh vai với các nước tiến bộ trên thế giới.