Ngày 17/2/1979, lính Trung Quốc tràn sang biên giới nước ta (Ảnh: Thường
Thanh – Nguồn Báo VietNamNet)
Ngày 17/2/1979, Chính phủ Trung Quốc tuyên bố: “Chỉ
trong vòng 6 tháng qua, người Việt Nam đã xâm nhập có vũ trang 700 lần, giết hại
và làm bị thương hơn 300 lính biên phòng và dân sự Trung Hoa. Bởi chính những
hành động xâm lược điên cuồng đó, nhà cầm quyền Việt Nam đã cố ý kích động và
tăng căng thẳng dọc theo biên giới phía Nam Trung Hoa và ngăn cản chương trình
canh tân xã hội chủ nghĩa Trung Hoa. Hành động xâm lược đó nếu không bị ngăn chặn
chắc chắn sẽ làm nguy hiểm cho hoà bình và ổn định Đông Nam Á và ngay cả toàn
châu Á”.(1)
Chính vì thế, Trung Quốc đã tiến hành cái gọi là cuộc “phản kích tự vệ” và theo họ nhằm chống
lại sự tập trung đông đảo lực lượng vũ trang của Việt Nam dọc biên giới Việt
–Trung và liên tiếp xâm nhập vào lãnh thổ Trung Hoa. Trong cuộc “phản kích tự vệ” này, Trung Quốc đã huy
động 60 vạn quân chủ lực cùng pháo binh và xe tăng yểm trợ tấn công quân sự, xâm
phạm lãnh thổ Việt Nam trên toàn tuyến biên giới phía Bắc từ Phong Thổ (Lai
Châu) đến Móng Cái (Quảng Ninh). Theo nhận định và đánh giá của các chuyên gia
quân sự Việt Nam, Trung Quốc thực hiện cuộc tiến công này nhằm các mục tiêu: Một là, buộc Việt Nam phải rút quân tình
nguyện tại Campuchia để lực lượng Polpot phục hồi, tiếp tục chống phá chính quyền
cách mạng Campuchia; Hai là, xuất
phát từ tham vọng bá quyền muốn thôn tính Việt Nam nên phá hoại tiềm lực kinh tế,
quân sự, quốc phòng nước ta; Ba là, thăm
dò phản ứng của Liên Xô và thế giới, thể hiện sức mạnh; Bốn là, tranh thủ sự ủng hộ của các nước đang chống phá cách mạng
Việt Nam đặc biệt là Mỹ nhằm tập trung nguồn lực phục vụ kế hoạch “4 hiện đại
hoá” ở trong nước. Chính quyền Việt Nam khẳng định rằng Trung Quốc đang phá hoại
mối quan hệ tốt đẹp, tình đoàn kết hữu nghị giữa hai quốc gia và Việt Nam sẽ thực
hiện quyền tự vệ chính đáng để bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.
Với chiến thuật “tiêu
thổ” (scorched-earth policy: đặt
mục tiêu huỷ hoại tất cả những gì có lợi cho kẻ thù) và tập trung vào các hướng
tiến công như: Cao Bằng - Lạng Sơn (hướng chủ yếu); Quảng Ninh - Hà Tuyên (hướng
nghi binh); Lào Cai (hướng quan trọng); Phong Thổ - Lai Châu (hướng phối hợp), quân
đội Trung Quốc đã kết hợp bộ binh, pháo binh, xe tăng thọc sâu, bao vây, chia cắt,
đánh phá khốc liệt tại các tỉnh miền núi biên giới phía Bắc nước ta và chiếm giữ
một số địa bàn quan trọng. Ngày 19/2/1979, Trung Quốc chiếm giữ Lào Cai, 24/2
chiếm giữ Cao Bằng; Cam Đường (25/2) và Lạng Sơn (5/3), đốt phá, cướp bóc và giết
hại thường dân. Với chiến thuật ấy, thời gian dù ngắn nhưng sự huỷ hoại lại vô
cùng khủng khiếp. Trước tình hình đó, chúng ta đã huy động các binh đoàn chủ lực
mạnh, sẵn sàng chiến đấu và phản công với quy mô lớn. Chúng ta đã tiêu diệt 550
xe quân sự (trong đó có 280 xe tăng, xe bọc thép), phá huỷ 115 khẩu pháo và
súng cối hạng nặng; hạ gục 62.500 quân Trung Quốc.(2)
Trước thất bại đó cùng với sự lên án, phản đối mạnh mẽ
của lực lượng yêu chuộng hoà bình thế giới, tối 5/3/1979, chính quyền Trung Quốc
tuyên bố rút quân về nước. Tuy nhiên, đến ngày 18/3/1979, quân Trung Quốc mới hầu
hết rút khỏi Việt Nam và một bộ phận quân chủ lực vẫn chiếm đóng trái phép một
số nơi trên địa bàn của Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Tuyên và đặc biệt lựa chọn Vị
Xuyên làm điểm tấn công lấn chiếm nước ta sau ngày 18/3/1979. Từ tháng 4/1984 đến
tháng 5/1989, Trung Quốc đã đưa hơn 50 vạn quân đánh chiếm biên giới Vị Xuyên.
Tháng 10/1989, Trung Quốc mới rút hết toàn bộ quân khỏi lãnh thổ Việt Nam và
chiến tranh biên giới phía Bắc khi đó thực sự chấm dứt.
Thắng lợi của cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc năm
1979 đã khẳng định một lần nữa đường lối chính trị, quân sự đúng đắn của Đảng
và Nhà nước; tinh thần đoàn kết, trọng hoà hiếu, yêu chuộng hoà bình nhưng khi
Tổ quốc lâm nguy thì cả nước đồng lòng đứng lên bảo vệ chủ quyền của dân tộc. Mặc
dù chiến tranh biên giới phía Bắc ít được nhắc đến với nhiều lý do nhưng chúng
ta không thể quên được những chiến sĩ và đồng bào đã ngã xuống để bảo vệ biên
cương của Tổ quốc, những đau thương, thiệt hại mà Trung Quốc gây ra. Từ 17/2 đến
18/3/1979, các thị xã dọc biên giới như Cao Bằng, Lạng Sơn, Cam Đường, Lào Cai
bị tàn phá, gần như huỷ diệt hoàn toàn; 400 nghìn gia súc bị giết; hàng chục
ngàn dân thường thiệt mạng… Theo thống kê của Ban liên lạc Cựu chiến binh mặt
trận Vị Xuyên, từ tháng 4/1984 đến tháng 5/1989, hơn 4000 bộ đội Việt Nam hy
sinh trong đó hơn 3000 liệt sĩ chưa tìm thấy hài cốt cùng hàng ngàn người bị
thương. “Nỗi đau mà nhân dân hai nước phải gánh chịu trong chiến tranh là bài học
xương máu phải được nhận thức đầy đủ. Tôn trọng lịch sử, trung thực với lịch sử
không có nghĩa là kích động hận thù. Lịch sử không thể bị lãng quên. Chúng ta
gác lại quá khứ, hướng tới tương lai nhưng không quên quá khứ, không quên lịch
sử.”.(3)
Nhắc lại
sự thật lịch sử về cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc là dịp để chúng ta
tôn vinh, tri ân những người đã ngã xuống vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc.
Trong ảnh: Thượng tướng Đỗ Căn, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân
dân Việt Nam thắp hương tưởng niệm trước hài cốt các liệt sĩ hy sinh trong Cuộc
chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc, được đưa về an táng tại Nghĩa trang liệt
sĩ quốc gia Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang (26/11/2022). (Ảnh: Minh Tâm/TTXVN)
Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979 đã
lùi vào quá khứ. 44 năm trôi qua - khoảng thời gian đủ để khẳng định tính chính
nghĩa của nhân dân Việt Nam trong việc bảo vệ độc lập chủ quyền của Tổ quốc, để
cả hai bên nhìn nhận và đánh giá một cách khách quan, khoa học những vấn đề
trong quá khứ từ đó thiết lập và duy trì mối quan hệ hữu nghị, hoà bình, hợp
tác, phát triển của hiện tại và tương lai. Điều đó là vô cùng cần thiết không phải
để khơi dậy sự hận thù mà tránh những sai lầm và hạn chế thấp nhất những thiệt
hại xảy ra. Cuộc chiến đấu ấy đã để lại những kinh nghiệm vô cùng quý báu đối với
sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay của chúng ta:
Thứ nhất, chú trọng xây dựng nền quốc
phòng toàn dân nhằm tăng cường sức mạnh quốc phòng, khả năng phòng thủ bảo vệ vững
chắc Tổ quốc trong mọi tình huống. Xây dựng lực lượng quân đội cách mạng, chính
quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Tập trung xây dựng thế trận quốc phòng toàn
dân vững chắc trên từng khu vực, hướng chiến lược và phạm vi cả nước. Kết hợp
xây dựng và phát triển kinh tế gắn với quốc phòng, an ninh đặc biệt với những địa
bàn trọng yếu như biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa.
Thứ hai, tăng cường sự đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế
trong đó chú ý xây dựng mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Trung Quốc trên
tinh thần sẵn sàng khép lại quá khứ, hướng tới tương lai nhưng không bao giờ
xoá bỏ lịch sử. Luôn đặt lợi ích dân tộc, lợi ích quốc gia trước hết và trên hết,
ngăn ngừa xung đột, tránh đối đầu.
Thứ ba, kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh chính trị, quân
sự với đấu tranh ngoại giao, kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại. Nhận
thức rõ đối tác, đối tượng để có sự chuẩn bị chu đáo, toàn diện tránh bị động,
bất ngờ trước mọi tình huống.
Thứ tư, tăng cường công tác dự báo
chiến lược, không để rơi vào thế mắc kẹt trong mối quan hệ cạnh tranh với các
cường quốc.
44 năm đã trôi qua kể từ cuộc chiến tranh biên giới
phía Bắc nhưng những gì đã trải qua không cho phép mỗi người Việt Nam lãng
quên. Hiểu rõ giá trị hoà bình, Việt Nam xây dựng mối quan hệ với Trung Quốc
trên tinh thần “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng
tới tương lai” phù hợp với lợi ích của cả hai bên và vì sự phát triển chung của
khu vực cũng như thế giới.
Chú thích:
(1). Statement by Xinhua News Agency upon
Authorization of the Government of PRC on February 17,1979
(2), (3). Nguyễn Đức
Huy, Hồi ức chiến tranh Vị Xuyên, NXB Thông tin và Truyền thông, H.2020
Ts. Đặng Thị Mai – GV khoa Lý luận cơ sở