na
NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)! 
Nghiên cứu trao đổi
Quan điểm của C.Mác, Ph.Ănggen, Lênin về giải phóng phụ nữ
08/03/2021 03:04:41

Th.s Bùi Thanh Thủy

phó trưởng khoa LL CS

Giữa thế kỷ thứ XIX, chủ nghĩa Mác - Lênin ra đời đã góp phần rất quan trọng trong việc giải phóng phụ nữ, đây là một trong những nội dung của cách mạng xã hội chủ nghĩa nhằm giải phóng xã hội, giải phóng con người. 

 Nghiên cứu lịch sử xã hội loài người, C.Mác và Ph.Ăngghen đã chỉ ra rằng: trong xã hội có giai cấp đối kháng, phụ nữ là nạn nhân trực tiếp của sự áp bức giai cấp và của sự bất bình đẳng trong gia đình và ngoài xã hội. Theo C. Mác và Ph. Ăngghen, chế độ mẫu quyền bị lật đổ là sự thất bại lịch sử có tính chất toàn thế giới của giới nữ. Ngay trong gia đình dưới chế độ tư bản chủ nghĩa, người đàn ông cũng nắm lấy quyền cai quản, còn người đàn bà thì bị nô dịch, bị biến thành nô lệ cho đàn ông, “người vợ trở thành người đầy tớ chính và không được tham gia vào nền sản xuất xã hội”(1). Trong gia đình, người chồng là nhà tư sản, người vợ là đại biểu cho giai cấp vô sản. Ngoài xã hội, phụ nữ phải lao động nặng nhọc trong những điều kiện hết sức khắc khổ, bị đối xử còn kém hơn cả so với súc vật, họ chẳng có chút địa vị, vai trò nào trong xã hội. Để thực hiện giải phóng phụ nữ, Mác-Ăng nghen cho rằng: “Một sự bình đẳng thực sự giữa phụ nữ và nam giới chỉ có thể trở thành hiện thực khi đã thủ tiêu được chế độ bóc lột của tư bản đối với cả hai giới và khi công việc nội trợ riêng trong gia đình đã trở thành một nền công nghiệp xã hội”(2).

Kế thừa quan điểm của C. Mác và Ph. Ăngghen, vào đầu thế kỷ XX, V.I.Lênin đã chỉ ra rằng dưới chế độ tư bản chủ nghĩa, phụ nữ luôn bị hai tầng áp bức, ngay cả ở những nước cộng hòa tư sản dân chủ nhất, phụ nữ vẫn ở trong tình cảnh “một cổ hai tròng”, tức là cùng một lúc cả ở trong gia đình cũng như ngoài xã hội, họ vẫn bị bất bình đẳng, bị bóc lột và bị nô lệ: Phụ nữ là những “nô lệ gia đình”, bị nghẹt thở dưới cái gánh những công việc bếp núc nhỏ nhặt nhất, lam lũ nhất, khổ cực nhất và làm cho mụ người nhất, và nói chung, dưới cái gánh công việc nội trợ, họ “không có quyền gì cả vì pháp luật không cho họ có quyền bình đẳng với nam giới”(3)

Lênin viết: “xu hướng đòi hoàn toàn cấm chỉ phụ nữ và thiếu niên không được lao động trong công nghiệp, hoặc xu hướng duy trì chế độ gia trưởng về sinh hoạt..., xu hướng đó thật là phản động, không tưởng”(4).

Theo quan điểm của Lê-nin, phụ nữ được bình quyền với nam giới về mọi mặt. Người viết: “Giai cấp vô sản sẽ không đạt được tự do hoàn toàn, nếu không giành được tự do hoàn toàn cho phụ nữ”(5).

Do đó, Lê-nin chỉ ra rằng để thực hiện giải phóng phụ nữ, cần phải thực hiện các chính sách thiết thực và cụ thể như sau:

Thứ nhất: Phải hủy bỏ pháp luật tư sản, ban hành pháp luật mới tôn trọng quyền bình đẳng nam, nữ.

Năm 1920, trong thư gửi nữ công nhân, Lê-nin đã chỉ ra rằng: pháp luật tư sản giành đặc quyền cho nam giới, đặt phụ nữ vào tình trạng bất bình đẳng. Vì vậy, theo quan điểm của Lê-nin, trước hết là phải hủy bỏ pháp luật tư sản, xây dựng và ban hành hệ thống pháp luật mới nhằm bảo đảm quyền bình đẳng giữa nam và nữ: “Thủ tiêu chế độ đẳng cấp; quyền bình đẳng hoàn toàn của mọi công dân, không phân biệt trai gái, tôn giáo, chủng tộc”(6). Theo Người, trong pháp luật mới, người ta không còn thấy một chút dấu vết gì về việc phụ nữ bị đối đãi bất bình đẳng: “hủy bỏ tất cả mọi sự hạn chế, không trừ sự hạn chế nào, đối với các quyền chính trị của phụ nữ so với các quyền của nam giới”(7).

Thứ hai: Không chỉ giải phóng phụ nữ bằng luật pháp để phụ nữ thực sự có quyền bình đẳng tham gia quyết định vận mệnh của đất nước mà còn phải đưa phụ nữ trực tiếp tham gia quản lý nhà nước, xây dựng củng cố chính quyền.

Lê-nin cho rằng, trong quản lý, phụ nữ sẽ được học tập nhanh chóng và đuổi kịp nam giới. Người kêu gọi, phụ nữ phải thể hiện sự quan tâm đến quyền bầu cử và ứng cử của phụ nữ vào các cơ quan nhà nước, giai cấp công nhân phải coi quyền bầu cử của phụ nữ là một bộ phận hữu cơ của quyền lợi giai cấp và là sự nghiệp của giai cấp vô sản, phấn đấu giành quyền bầu cử cho phụ nữ là một bước quan trọng trong sự nghiệp giải phóng phụ nữ: “thành lập chế độ cộng hòa..., thực hiện chế độ nhân dân bầu cử quan chức, nam nữ bình đẳng”(8). Đây là biện pháp tích cực để đưa phụ nữ vào hoạt động chính trị xã hội và quan tâm đến tình hình đất nước. Phải bầu phụ nữ vào các xí nghiệp, bổ nhiệm phụ nữ vào các ban thanh tra, các thẩm phán,...: “bổ nhiệm nữ thanh tra trong các ngành mà lao động nữ chiếm đa số”(9), đó là những việc làm có ý nghĩa sâu sắc, làm thay đổi địa vị người phụ nữ trong xã hội. Lê-nin kêu gọi: Hãy bầu những công nhân nữ hơn nữa, miễn sao họ là những công nhân trung thực, biết làm việc, tận tâm… giai cấp vô sản sẽ không đạt được tự do hoàn toàn, nếu không giành được tự do hoàn toàn cho phụ nữ.

Thứ ba: Không chỉ giải phóng ở ngoài xã hội mà phải giải phóng cả nơi gia đình vì chính nơi đây là gánh nặng đè lên vai họ, làm cho họ không thể phát triển như nam giới.

Theo Lê-nin, ngay trong điều kiện hoàn toàn bình đẳng, phụ nữ vẫn bị ràng buộc vì toàn bộ công việc gia đình đều chút lên lên vai họ. Phần lớn trường hợp lao động gia đình do phụ nữ gánh vác là loại lao động hết sức vụn vặt, nặng nhọc, không giúp ích chút nào cho sự tiến bộ của phụ nữ.

Như vậy phải làm sao cho phụ nữ giảm bớt những gánh nặng công việc gia đình để vừa có thời gian học tập, lao động vừa làm tròn trách nhiệm với gia đình và xã hội. Lê- nin yêu cầu các cơ quan, các cơ sở sản xuất phải lập ra một số cơ quan kiểu mẫu như nhà ăn, nhà trẻ, để góp phần cho phụ nữ phát triển thoát khỏi công việc gia đình; việc lập ra những cơ quan đó trước hết phải cho chính phụ nữ đảm nhiệm.

Lê-nin cũng đánh giá rất cao vai trò của phụ nữ trong cách mạng xã hội chủ nghĩa, tất cả các phong trào giải phóng chứng tỏ rằng thắng lợi của cách mạng là tùy thuộc vào mức độ tham gia của phụ nữ. Do vậy, không chỉ trong cương lĩnh mà thực tế Lê-nin và chính quyền Xô Viết đã làm hết sức mình để lôi cuốn phụ nữ tham gia vào công việc quản lý Nhà nước, quản lý xã hội nhằm từng bước giải phóng phụ nữ. Lê-nin cho rằng: Phụ nữ chỉ được giải phóng, được phát triển khi họ nhận biết được vị trí, vai trò của mình và có ý chí đấu tranh vì sự nghiệp của Nhà nước ấy. Để thực hiện sự nghiệp giải phóng cuộc sống, bản thân mình, phụ nữ phải ra sức học tập, nâng cao trình độ mọi mặt, phấn đấu kịp nam giới, chỉ có học tập, với trình độ học vấn cao, phụ nữ mới thực hiện tốt vai trò của mình đối với gia đình và xã hội.

Tóm lại, từ quan điểm trên, một lần nữa khẳng định Chủ nghĩa Mác Lênin là học thuyết khoa học cách mạng và tiên tiến nhất của thời đại ngày nay, là sự kế tục, phát triển tư tưởng nhân loại về giải phóng phụ nữ; chỉ ra vai trò và khả năng lớn lao của phụ nữ đối với quá trình cách mạng và tiến bộ xã hội, chỉ ra những điều kiện để đi đến giải phóng phụ nữ là đưa phụ nữ trở lại tham gia lao động sản xuất xã hội và chuyển công việc nội trợ gia đình thành công việc lớn của xã hội, gắn sự nghiệp giải phóng phụ nữ với với cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa, xem vấn đề phụ nữ là mục tiêu, động lực của cách mạng vô sản và tiến bộ xã hội.

 

(1) C. Mác và Ph.Ăng ghen: Toàn tập, t.21, Nxb Chính trị quốc gia, H.1995, tr.115

(2) C. Mác và Ph.Ăng ghen: Toàn tập, t.36, Nxb Chính trị quốc gia, H.1995, tr.341

(3) V.I. Lênin: Toàn tập, t.42, Nxb Tiến bộ, M.1980, tr.163- 164.  

(4) V.I. Lênin: Toàn tập, t.3, Nxb Tiến bộ, M.1980, tr.690. 

(5) V.I. Lênin: Toàn tập, t.40, Nxb Tiến bộ, M.1980, tr.183

(6) V.I. Lênin: Toàn tập, t.6, Nxb Tiến bộ, M.1980, tr.263

(7) V.I. Lênin: Toàn tập, t.30, Nxb Tiến bộ, M.1980, tr. 257

(8) V.I. Lênin: Toàn tập, t.27, Nxb Tiến bộ, M.1980, tr.78. 

(9) V.I. Lênin: Toàn tập, t.6, Nxb Tiến bộ, M.1980, tr.264.