ThS. Vũ Thị Mận
Giảng viên khoa Xây dựng đảng
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn xác định công tác tuyên truyền có vị trí đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp cách mạng. Bác đã trực tiếp viết tài liệu, diễn thuyết, tổ chức tập huấn cán bộ để tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin và con đường cách mạng vô sản tạo tiền đề cho sự ra đời của Đảng cộng sản Việt Nam. Khi bàn về vấn đề này Người cho rằng: “Tuyên truyền là đem một việc gì đó nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm. Nếu không đạt được mục đích đó là tuyên truyền thất bại”. Vì vậy muốn thành công người tuyên truyền cần phải xác định rõ nội dung, đối tượng, mục đích và phương pháp: “Tuyên truyền cái gì? Tuyên truyền cho ai? Tuyên truyển để làm gì? Tuyên truyền bằng cách nào?” Đây là cơ sở lý luận và là định hướng quan trọng cho những người cán bộ làm công tác tuyên truyền hiện nay.
Trong những năm qua các giảng viên của khoa Xây dựng Đảng của trường chính trị tỉnh Hải Dương luôn chú trọng đến việc vận dụng tư tưởng của Bác về vấn đề này. Theo Quyết định 292-QĐ/HVCTQG Ngày 21 tháng 01 năm 2021 của giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã ban hành về chương trình đào tạo hệ trung cấp lý luận chính trị thay thế cho các Quyết định ban hành và điều chỉnh chương trình đào tạo trung cấp lý luận chính trị - hành chính trước đây. Đồng thời Hướng dẫn số 101-HD/HVCTQG ngày 16 tháng 3 năm 2021 về thực hiện chương trình đào tạo hệ trung cấp lý luận chính trị, Khoa Xây dựng Đảng được giao chủ trì, phụ trách 5 học phần về mặt nội bao gồm: Lịch sử Đảng cộng sản Việt Nam, Đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam, Nghiệp vụ công tác Đảng, Nghiệp vụ công tác MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, Tình hình nhiệm vụ địa phương. Trong đó học phần Nghiệp vụ công tác MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội có 6 chuyên đề thì kết cấu và nội dung đều có đề cập đến nghiệp vụ tuyên truyền của các tổ chức. Vận dụng tư tưởng của Bác về tuyên truyền vào học phần chúng ta nhận thấy rằng:
Về nội dung tuyên truyền: tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; tuyên truyền điều lệ, quy chế hoạt động của đoàn viên, hội viên; tuyên truyền nghị quyết của tổ chức các cấp; giáo dục nâng cao trình độ, khoa học kĩ thuật, kiến thức quản lý kinh tế, trao đổi kinh nghiệm làm giàu cho các thành viên, hội viên...
Về đối tượng tuyên truyền: đó là các cán bộ, hôi viên, đoàn viên, thành viên của các tổ chức, cán bộ lãnh đạo quản lý cấp cơ cở với mục đích là nâng cao nhận thức, niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, phát huy tính tích cực tự giác, sự đồng thuận trong nhân dân.
Về hình thức tuyên truyền: sử dụng linh hoạt đa dạng các hình thức tuyên truyền cho phù hợp với đối tượng, hoàn cảnh. Tuyên truyền miệng, tuyên truyền thông qua sinh hoạt, chi hội, tổ hội, qua các câu lạc bộ; tuyên truyền thông qua sử dụng hệ thống thông tin đại chúng; tuyên truyền thông qua sách báo, tranh ảnh, nhà văn hóa, pano; tuyên truyền thông qua các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, tổ chức lễ hội truyền thống; tuyên truyền thông qua các hoạt động tham quan thực tế, báo cáo điển hình, nêu gương người tốt việc tốt. Ngoài ra còn tuyên truyền cổ động thông qua các trang mạng fanpage, nhóm zao, facebook... tận dụng công nghệ 4.0 vào tuyên truyền một cách hiệu quả nhất.
Về phương pháp tuyên truyền: phương pháp nêu gương, phương pháp thuyết phục, phương pháp trực quan.
Trong đó, giảng viên cần làm cho học viên hiểu rõ việc nắm vững đối tượng được tuyên truyền là quan trọng nhất vì đối tượng không chỉ quy định nội dung, mà còn quy định việc lựa chọn phương pháp tuyên truyền, không thể dùng một phương pháp tuyên truyền cho mọi đối tượng. Điều này Bác cũng chỉ rõ: người tuyên truyền không điều tra, không phân tích, không nghiên cứu, không hiểu biết quần chúng, chỉ gặp sao nói vậy, bạ gì viết nấy, nhất định thất bại. Đối với các đối tượng cần có phương thức tuyên truyền cho phù hợp.
Trong quá trình vận dụng tư tưởng tuyền truyền của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào giảng dạy cũng có những khó khăn nhất định như giảng viên phần lớn chưa được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về tư tưởng Hồ Chí Minh; khi vận dụng vào bài giảng cần phân tích tư tưởng của Bác nhưng như vậy lại mất cân đối về nội dung cho các mục khác trong bài; đôi lúc phân tích còn dàn trải chưa có trọng tâm trọng điểm...
Do đó trong thời gian tới để vận dụng tốt tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào giảng dạy phần học cần thực hiện một số yêu cầu sau đây:
Một là, Mỗi giảng viên phải tự ý thức nghiên cứu học tập, nâng cao trình độ, thấm nhuần tư tưởng của Người bằng việc tự trau dồi thêm kiến thức hoặc tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, các buổi nói chuyện về tư tưởng Hồ Chí Minh. Qua đó nắm vững một cách có hệ thống tư tưởng của Bác nói chung và tư tưởng về tuyên truyền nói riêng.
Hai là, tăng cường đổi mới phương pháp giảng dạy tích cực cho phù hợp với từng đối tượng học viên góp phần nâng cao hiệu quả việc vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về tuyên truyền vào giảng dạy. Trong quá trình soạn giảng, giảng viên cần xác định đối tượng học viên ở từng lớp (giáo viên, cán bộ cơ sở, công an, ngân hàng, bảo hiểm...) từ đó xác định nội dung trọng tâm bài giảng, phần nào vận dụng và chỉ nên vận dụng những tư tưởng cốt lõi trong tư tưởng tuyên truyền của Người tránh lan man, xa đà về tư tưởng tuyên truyền của Bác.
Ba là, thường xuyên sinh hoạt chuyên đề, tổ chức tọa đàm, dự giờ giảng để rút kinh nghiệm về việc vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào giảng dạy. Nội dung của việc thực hiện nhằm đánh giá những kết quả đạt được và chỉ ra những yếu kém trong quá trình vận dụng của các giảng viên. Từ đó nâng cao kĩ năng vận dụng tư tưởng tuyên truyền của Người và nâng cao chất lượng bài giảng.
Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về tuyên truyền vào giảng dạy môn nghiệp vụ công tác MTTQ và các đoàn thể nhân dân ở cơ sở có ý nghĩa rất quan trọng trong việc vận động quần chúng. Do đó giảng viên phải giúp người học nhận thức được tầm quan trọng của công tác này và vận dụng một cách linh hoạt, hiệu quả trong thực tiễn góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế - xã hội tại địa phương./.