na
NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG 50 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975-30/4/2025) VÀ 139 NĂM NGÀY QUỐC TẾ LAO ĐỘNG (01/5/1886-01/5/2025)! 
Nghiên cứu trao đổi
MỘT SỐ GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÁC HÌNH THỨC PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT HIỆN NAY
05/05/2025 01:53:12

Phổ biến, giáo dục pháp luật được hiểu là hoạt động có định hướng, có tổ chức, có chủ định nhằm đạt mục đích hình thành ở đối tượng được tác động tri thức pháp lý, tình cảm và hành vi phù hợp với đòi hòi của hệ thống pháp luật hiện hành, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, quản lý xã hội và nâng cao trình độ văn hoá pháp lý của công dân. Hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật là cách thức tổ chức hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật, cách tiến hành một hoạt động cụ thể để đạt được mục đích hình thành ở đối tượng tình cảm, tri thức và hành vi pháp lý phù hợp với yêu cầu, đòi hỏi của pháp luật.

1. Một số hình thức phổ biến giáo dục hiện nay

- Một là, tuyên truyền miệng về pháp luật là một hình thức tuyên truyền mà người nói trực tiếp nói với người nghe về lĩnh vực pháp luật trong đó chủ yếu là các văn bản pháp luật đó nhằm nâng cao nhận thức về pháp luật, niềm tin vào pháp luật và ý thức pháp luật cho người nghe và kích thích người nghe hành động theo các chuẩn mực pháp luật. Trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật từ trước đến nay, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua tuyên truyền miệng được sử dụng phổ biến, rộng rãi và có mối quan hệ chặt chẽ với các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật khác. Vì vậy, việc xác định và nhấn mạnh vai trò của tuyên truyền miệng trong phổ biến, giáo dục pháp luật được thể hiện nhiều trong các văn bản chỉ đạo của Đảng, văn bản pháp luật của Nhà nước và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, điều hành, quản lý của các cơ quan, tổ chức ở Trung ương và địa phương.

- Hai là, phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hệ thống truyền thanh cơ sở, báo in, báo hình

- Ba là, phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua việc biên soạn, phát hành tài liệu pháp luật. Đây là hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật được áp dụng rộng rãi, gần gũi với người dân và đóng một vai trò lớn trong hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật, là cẩm nang, phương tiện hoạt động của những người làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

- Bốn là, phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động giáo dục pháp luật trong nhà trường. Đó là một trong các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật được thực hiện thông qua việc dạy và học pháp luật trong các nhà trường nhằm thực hiện mục tiêu của giáo dục là đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện, góp phần hình thành và bồi dưỡng ý thức công dân, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

- Năm là, phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua tủ sách pháp luật. Tủ sách pháp luật là công cụ hữu hiệu để đưa pháp luật vào hoạt động của cơ quan nhà nước nói chung, đặc biệt là quá trình điều hành của bộ máy chính quyền cơ sở, và vào đời sống của các cộng đồng dân cư, góp phần tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Thông qua việc tìm hiểu, nghiên cứu, đọc các sách, tài liệu pháp luật của tủ sách, người đọc tập hợp nghiên cứu, tìm hiểu và vận dụng các quy định của pháp luật vào thực tế một cách đầy đủ, có hệ thống, chính xác và thống nhất.

Tuy nhiên, việc tìm hiểu pháp luật qua khai thác, sử dụng tủ sách pháp luật cũng có những hạn chế nhất định, chịu sự tác động của nhiều yếu tố về cơ chế quản lý, thái độ phục vụ, sự đầu tư nâng cao hiệu quả khai thác tủ sách pháp luật, mức độ đáp ứng yêu cầu của đối tượng…

- Sáu là, phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua sinh hoạt câu lạc bộ pháp luật. Câu lạc bộ pháp luật là một tổ chức sinh hoạt pháp lý tự nguyện của những người có nhu cầu tìm hiểu pháp luật, có tinh thần tham gia đấu tranh bảo vệ pháp luật, nhiệt tình tuyên truyền giáo dục pháp luật.

- Bẩy là, phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua tổ chức cuộc thi tìm hiểu pháp luật. Thi tìm hiểu pháp luật là một trong các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, là cầu nối chuyển tải những nội dung pháp luật vào cuộc sống, là hình thức sinh hoạt văn hoá pháp lý có sức hấp dẫn và hiệu quả.

- Tám là, phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua các loại hình tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý. Phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý sẽ giúp các đối tượng nắm bắt được các thông tin pháp lý, hiểu được quyền và nghĩa vụ của mình trong các quan hệ pháp luật, hướng dẫn phương pháp xử sự các hoàn cảnh cụ thể phù hợp với pháp luật và tránh được những hậu quả pháp lý bất lợi, hướng dẫn công dân, tổ chức tôn trọng và thi hành nghiêm chỉnh pháp luật, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật.

- Chín là, phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động hoà giải ở cơ sở

Phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động hoà giải ở cơ sở là việc các tổ viên hoà giải bằng hoạt động hoà giải của mình cung cấp các kiến thức pháp luật, bồi dưỡng tình cảm pháp luật cho các bên tranh chấp và những người khác trong cộng đồng dân cư nhằm mục đích hình thành ở họ sự hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng pháp luật và thói quen hành động theo pháp luật.

- Mười là, phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua các loại hình văn hoá, văn nghệ. Đối với hoạt động này, đòi hỏi một số kỹ năng bảo đảm cho việc phổ biến, giáo dục pháp lụât có hiệu quả như biết thâm nhập vào đời sống xã hội, nắm được tình hình thực hiện pháp luật trong cuộc sống, phát hiện được vai trò định hướng phát triển xã hội của pháp luật, những tính chất ưu việt của pháp luật xã hội chủ nghĩa, chuyển được tư duy pháp luật thành tư duy nghệ thuật…

2. Một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả các hình thức phổ biến giáo dục pháp luật

Để góp phần phát triển kinh tế-xã hội, thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật là hết sức cần thiết. Trong đó cần chú trọng tăng cường đổi mới các hình thức, biện pháp phổ biến, giáo dục pháp luật đảm bảo pháp luật được truyền tải đến cán bộ, nhân dân, tổ chức trong nước và nước ngoài thiết thực, đáp ứng được nhu cầu thông tin, học tập, tìm hiểu pháp luật và góp phần nâng cao ý thức pháp luật, xây dựng tri thức pháp lý. Theo đó xin có một số kiến nghị nhằm đổi mới, nâng cao hiệu quả sử dụng các hình thức, biện pháp trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật như sau:

1. Nâng cao năng lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Trong cơ chế tổ chức thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, các cơ quan nhà nước giữ vai trò chủ chốt, các tổ chức chính trị-xã hội, đoàn thể vừa chủ động phối hợp thực hiện. Đồng thời huy động sự tham gia của từng cộng đồng, từng cá nhân đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật để một mặt đưa hoạt động này thành nề nếp, mặt khác tạo dư luận, xã hội lành mạnh để hình thành ý thức tôn trọng pháp luật trong từng cộng đồng, cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Các cấp chính quyền chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật cho từng đối tượng cụ thể, tập trung hướng mạnh tuyên truyền pháp luật về cơ sở; nắm vững đặc điểm, tình hình cơ sở để luôn đổi mới cách thức, phương pháp phổ biến, giáo dục pháp luật cho phù hợp với đối tượng, địa bàn, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới.

2. Kết hợp giữa phổ biến, giáo dục pháp luật và xây dựng, hoàn thiện pháp luật. Thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật sâu cho từng đối tượng với mục đích đối tượng tuyên truyền không chỉ dừng ở việc tìm hiểu pháp luật chung mà còn có ý thức phát hiện những quy định pháp luật không phù hợp với cuộc sống từ đó có những đề xuất, kiến nghị sửa đổi quy định pháp luật này.

3. Việc thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung và triển khai các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật nói riêng luôn gắn chặt với công tác vận động nhân dân chấp hành pháp luật và tổ chức thực hiện pháp luật. Lồng ghép các hoạt động tuyên truyền với việc thực hiện các cuộc vận động, các phong trào đang thực hiện tại cơ sở. Bên cạnh đó, phổ biến, giáo dục pháp luật cần gắn với việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, giải đáp những vướng mắc về pháp luật và công tác hoà giải ở cơ sở.

4. Tiếp tục nâng cao chất lượng và xây dựng kế hoạch nhân rộng các hình thức chỉ đạo điểm có hiệu quả. Từ trung ương tới cơ sở xây dựng kế hoạch, chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc triển khai việc nhân rộng các hình thức chỉ đạo điểm có hiệu quả. Phát huy thế mạnh, khắc phục hạn chế của các hình thức và luôn chủ động, sang tạo trong áp dụng các hình thức. Ở mỗi địa phương, mỗi ngành, mỗi cấp đều có những điều kiện, hoàn cảnh riêng. Do vậy để triển khai tốt các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật trên thực tế thì tính chủ động, sáng tạo của từng cơ quan, đơn vị, địa phương cần được phát huy triệt để. Chính từ cơ sở, mỗi hình thức, mỗi cách làm riêng phù hợp với điều kiện hoàn cảnh, phong tục tập quán và nhu cầu tìm hiểu pháp luật của cán bộ, nhân dân sẽ đem lại hiệu quả thiết thực.

5. Tăng cường chất lượng nguồn nhân lực, vật lực cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu kiến thức pháp luật và nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ chuyên trách, kiêm nhiệm và đội ngũ tuyên truyền viên, hoà giải viên, giáo viên dạy môn giáo dục công dân, pháp luật trong trường học, phóng viên, biên tập viên pháp luật; xác định rõ khoản ngân sách hang năm cho hoạt động này theo hướng tăng thê để đáp ứng đầy đủ, kịp thời về kinh phí, cơ sở vật chất, phương tiện cho hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật.

Trong quá trình tổ chức thực hiện, các cấp uỷ Đảng, chính quyền và các đoàn thể nhân dân cần vận dụng sang tạo những hình thức, biện pháp, đồng thời căn cứ vào tình hình đặc điểm cụ thể của địa phương, đơn vị và căn cứ yêu cầu của tình hình mới của đất nước để có phương pháp chỉ đạo, thực hiện đạt hiệu quả nhất, nhằm nâng cao tri thức pháp luật, ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật; đóng góp xứng đáng vào công cuộc phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

ThS. Phạm Thị Thanh - Khoa Nhà nước và pháp luật