na
NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)! 
Nghiên cứu trao đổi
QUAN ĐIỂM CỦA ĐẢNG TA VỀ CÔNG TÁC CÁN BỘ NỮ
22/11/2023 12:00:00

Ths. Bùi Thanh Thủy

Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn quan tâm chăm lo công tác cán bộ nữ và coi đó là một bộ phận quan trọng, mang tính chiến lược trong công tác cán bộ của Đảng.

Ngay từ Cương lĩnh Chính trị đầu tiên năm 1930, Đảng đã xác định phụ nữ là lực lượng cách mạng to lớn và tạo mọi điều kiện để phụ nữ tham gia các lĩnh vực phát triển đất nước. Sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp của Đảng luôn gắn liền với giải phóng phụ nữ, và tư tưởng “nam nữ bình quyền” là chính sách nhất quán - một trong những nhiệm vụ cốt yếu xuyên suốt của cách mạng Việt Nam trong những năm qua.

Từ khi thành lập và trong suốt quá trình cách mạng, Đảng đã coi trọng mục tiêu giải phóng phụ nữ, thực hiện nam nữ bình đẳng, đặt sự nghiệp giải phóng phụ nữ gắn liền với sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng đã khẳng định “Phụ nữ bình đẳng với nam giới trên mọi phương diện”. Tư tưởng này vẫn tiếp tục thể hiện rõ và ngày càng phát triển trong các Hiến pháp sau đó, được cụ thể hóa hơn qua từng thời kỳ cách mạng với những trọng tâm riêng căn cứ vào tình hình thực tế của đất nước. Từ chỗ bình quyền với nam giới một cách chung chung trong Hiến pháp đầu tiên, quyền của phụ nữ đã được đầy đủ và toàn diện hơn trong Hiến pháp thứ hai năm 1959, theo đó “Phụ nữ được bình đẳng với nam giới trong tất cả các lĩnh vực hoạt động kinh tế, chính trị, văn hóa và xã hội”.

Trong giai đoạn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, vai trò to lớn của phụ nữ cũng như công tác cán bộ nữ được Đảng ta xác định rõ: “Phụ nữ nước ta là một lực lượng quan trọng trong cách mạng và trong sản xuất, do đó toàn Đảng và toàn dân phải có trách nhiệm lớn đối với sự nghiệp giải phóng phụ nữ”. Tiếp đó, các Nghị quyết 152 và 153 - NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa III đều nhấn mạnh, cụ thể hơn một số vấn đề về tổ chức lãnh đạo công tác phụ vận của Đảng và công tác cán bộ nữ nhằm không ngừng nâng cao vai trò, vị thế và năng lực của phụ nữ đối với sự nghiệp chung của dân tộc.

Sau ngày giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, vấn đề cán bộ nữ đã được đặt ra một cách hết sức cấp bách và cấp thiết. Chỉ thị số 44 - CT/TW ngày 07/6/1984 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa V về “Một số vấn đề cấp bách trong công tác cán bộ nữ” đã khẳng định những đóng góp quan trọng của phụ nữ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, chỉ rõ sự trưởng thành của đội ngũ cán bộ nữ là bước tiến quan trọng trong việc thực hiện nam nữ bình đẳng và đề ra phương hướng cho công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, cất nhắc cán bộ nữ.

Chỉ thị đã thể hiện rõ sự đổi mới về nhận thức của Đảng về công tác cán bộ nữ. Theo đó: (1) Tăng cường công tác cán bộ nữ không chỉ để làm công tác vận động phụ nữ mà chính là để phát huy khả năng, trí tuệ của chị em vào sự lãnh đạo toàn diện của Đảng và công việc quản lý của Nhà nước; (2) Tiếp tục thực hiện nam nữ bình đẳng, nâng cao vai trò cán bộ nữ trong quản lý kinh tế, quản lý nhà nước nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thắt chặt mối liên hệ giữa Đảng với quần chúng; (3) Để tăng cường vai trò cán bộ nữ, công tác cán bộ nữ phải được đặt trong việc xây dựng và thực hiện quy hoạch cán bộ nói chung của Đảng và Nhà nước; cần phải tuyển chọn cán bộ nữ từ những người ưu tú trong giai cấp công nhân, nông dân, trí thức cách mạng, nhất là những người đã được rèn luyện từ thực tiễn phong trào cách mạng; cần phải tiếp tục bồi dưỡng, tạo điều kiện giúp chị em hoàn thành nhiệm vụ sau khi đề bạt, cất nhắc.

Trong quá trình thực hiện công cuộc đổi mới, vai trò lãnh đạo, quản lý toàn diện của phụ nữ trong các lĩnh vực của đời sống xã hội tiếp tục được Đảng và Nhà nước quan tâm. Chỉ thị số 37 - CT/TW, ngày 16/5/1994 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa VII về “Một số vấn đề về công tác cán bộ nữ trong tình hình mới” đã nhấn mạnh tới việc nâng cao tỷ lệ cán bộ nữ tham gia công tác quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội là yêu cầu quan trọng để thật sự thực hiện quyền bình đẳng, dân chủ của phụ nữ; là điều kiện để phát huy tài năng, trí tuệ và nâng cao địa vị xã hội của phụ nữ. Nhiệm vụ đặt ra là cần phải chống những biểu hiện lệch lạc, coi thường phụ nữ và khắt khe, hẹp hòi trong đánh giá, đề bạt, bố trí, sử dụng cán bộ nữ.

Trên cơ sở những yêu cầu của công cuộc đổi mới và đứng trước yêu cầu, nhiệm vụ của tình hình mới, những yếu kém của công tác cán bộ, trong đó có cán bộ nữ đã được làm rõ trong Nghị quyết Đại hội VIII của Đảng tháng 6/1996. Để khắc phục tình trạng này, Nghị quyết 03-NQ/TW ngày 18/6/1997 của Ban Chấp hành Trung ương khoá VIII về “Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước” đã đề ra phương hướng công tác cán bộ của thời kỳ mới một cách toàn diện. Tiếp theo đó là một loạt các văn bản của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư các khóa gần đây về công tác cán bộ, trong đó có công tác cán bộ nữ.

Dưới góc độ Nhà nước, Việt Nam đã có Luật Bình Đẳng giới, Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới và nhiều văn bản quy phạm pháp luật bảo vệ quyền bình đẳng của phụ nữ một cách toàn diện. Vấn đề phụ nữ lúc này không chỉ còn là sự bình quyền đơn thuần mà đã được được xem xét dưới góc độ toàn diện, phải tạo điều kiện để phụ nữ thực hiện tốt vai trò người công dân, người lao động, người mẹ, người thầy đầu tiên của con người. Bồi dưỡng, đào tạo để phụ nữ tham gia ngày càng nhiều vào các hoạt động xã hội, các cơ quan lãnh đạo, quản lý ở các cấp.

Nghị quyết Đại hội XII của Đảng tiếp tục đề cập đến việc “Tăng tỉ lệ cán bộ lãnh đạo, cấp ủy là người dân tộc thiểu số, cán bộ nữ, cán bộ trẻ”. Đây là cơ sở rất quan trọng để tăng cường và phát huy vai trò to lớn của đội ngũ cán bộ nữ trong hệ thống chính trị ở các cấp. Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19-5-2018, của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII, “Về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”, đề ra mục tiêu đến năm 2030: Phải có cán bộ nữ trong cơ cấu ban thường vụ cấp ủy và tổ chức đảng các cấp. Tỷ lệ nữ cấp ủy viên các cấp đạt từ 20 - 25%. Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp đạt trên 35%.

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng tiếp tục nhấn mạnh chủ trương: “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế”.

Trong thời gian qua, thực hiện các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của Đảng và các văn bản khác của nhà nước, nhất là thực hiện“Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”, công tác cán bộ nữ đã được các cấp ủy, tổ chức đảng và chính quyền từ Trung ương tới địa phương quan tâm chỉ đạo và đạt được những kết quả tích cực trên các mặt. Công tác tạo nguồn, quy hoạch cán bộ nữ ở các cấp đã từng bước đi vào nền nếp. Nguồn cán bộ nữ quy hoạch cho các chức danh lãnh đạo, quản lý khá dồi dào, nhất là ở cấp tỉnh, cấp huyện; cơ bản bảo đảm sự đồng bộ từ dưới lên; trình độ đào tạo, cơ cấu ngành nghề, tỷ lệ cán bộ nữ trẻ, cán bộ dân tộc nữ có bước tiến bộ. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã trưởng thành về nhiều mặt. Đảng ta đã xác định: Bồi dưỡng lực lượng phụ nữ, phát huy sức mạnh và chăm lo sự phát triển mọi mặt của phụ nữ là nhiệm vụ thường xuyên, rất quan trọng của Đảng trong mọi thời kỳ cách mạng, bởi giải phóng phụ nữ là một trong những mục tiêu của công cuộc đổi mới đất nước, sự tiến bộ của phụ nữ không chỉ là lợi ích riêng của phụ nữ mà còn là vì lợi ích chung của xã hội.

Tóm lại, trong giai đoạn cách mạng hiện nay, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác cán bộ nữ là một yêu cầu quan trọng của sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội và phát triển toàn diện người phụ nữ; xem giải phóng phụ nữ là một mục tiêu và nội dung quan trọng của công cuộc đổi mới và sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta./.