na
NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)! 
Nghiên cứu trao đổi
Tìm hiểu kinh nghiệm trong tích tụ, tập trung ruộng đất của một số quốc gia trên thế giới
14/03/2022 12:00:00

 

ThS. Nguyễn văn Tứ

Phó trưởng phòng TC, HC, TT, TL

 

 

Đặt vấn đề: Tại nhiều quốc gia trên thế giới, việc tích tụ, tập trung ruộng đất được tiến hành từ lâu, tạo điều kiện cho việc hình thành những nông trại, trang trại, đồn điền...để phát triển sản xuất lớn, sản xuất hàng hóa, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp. Tích tụ, tập trung ruộng đất tạo điều kiện hình thành nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp.

Ở Việt Nam, Luật Đất đai sửa đổi năm 2013 đã bước đầu khơi thông nguồn lực đất đai, đẩy nhanh quá trình tích tụ, tập trung ruộng đất theo hướng “cởi trói” cho nông nghiệp phát triển. Tuy nhiên, việc phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn vẫn đang đối mặt với nhiều vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện tích tụ, tập trung ruộng đất. Do đó, việc tìm hiểu kinh nghiệm vấn đề này ở một số quốc gia đã có nền kinh tế thị trường phát triển trên thế giới, phần nào đã đóng góp quan trọng cho Việt Nam trong xây dựng chính sách, pháp luật liên quan đến sửa đổi Luật đất đai năm 2013, theo hướng tạo động lực cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn phát triển hơn nữa.

Trung Quốc: Kinh nghiệm từ thị trường cho thuê đất

Rào cản cho phát triển nông nghiệp ở Trung Quốc là hiện tượng manh mún đất đai trong sản xuất nông nghiệp. Từ những năm 1980 của thế kỷ XX, Trung Quốc bắt đầu đưa ra các chính sách và chương trình hành động nhằm hạn chế manh mún và thúc đẩy tích tụ, tập trung đất đai. Một dự án lớn gọi là “Tăng cường phát triển nông nghiệp” được bắt đầu ở các vùng ven biển phía Đông Trung Quốc, sau đó là tại các tỉnh trong lục địa với mục tiêu chính là nâng cấp kết cấu hạ tầng. Dự án thực hiện tích tụ, tập trung đất chủ yếu bằng cách phân chia lại đất, gom các thửa đất tách biệt của mỗi hộ vào chung một địa điểm, hoặc ít phân tán nhất có thể. Quy trình thu gom đất trong mỗi làng đòi hỏi sự tham gia của rất nhiều hộ và để bảo đảm thành công, tất cả các hộ phải tham gia vào tất cả các công đoạn để có thể đưa ra cách giải quyết phù hợp nhất. Ở các tỉnh miền Tây Trung Quốc, các hộ nằm cách xa nhau hơn so với các tỉnh miền Đông nên chi phí thực hiện dự án cao hơn. Cuối những năm 1990 của thế kỷ XX, một chương trình tích tụ, tập trung đất cấp quốc gia khác là tích tụ, tập trung ruộng đất manh mún và đất ít sử dụng, phát triển đất hoang hóa thành đất sản xuất nhằm bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Tuy nhiên, kinh nghiệm rút ra từ quá trình tích tụ ruộng đất ở Trung Quốc lại chính là thị trường cho thuê đất.

Theo Báo cáo Phát triển thế giới năm 2008 của Ngân hàng Thế giới (WB), ở Trung Quốc, nông dân không có quyền mua bán đất nông nghiệp nhưng ở nhiều vùng, họ có thể đi thuê đất của các hộ khác hoặc của các làng hay hợp tác xã. Ví dụ, các hộ tìm được việc làm ở khu vực phi nông nghiệp rất muốn cho các hộ khác hoặc của làng hay hợp tác xã. Ví dụ, các hộ tìm được việc làm ở khu vực phi nông nghiệp rất muốn cho các hộ khác trong làng thuê lại đất của họ. Còn nếu bị mất việc làm, họ vẫn có cơ hội quay lại tiếp tục làm nông nghiệp. Thông thường các hộ nông dân muốn đi thuê đất để mở rộng sản xuất, mở rộng kích thước mỗi thửa nếu có thể thuê được ruộng liền kề. Tỷ lệ ruộng đất thuê mướn trong tổng diện tích đất canh tác ở Trung Quốc tăng liên tục, diện tích đất đi thuê chiếm hơn 10% cả nước. Cho thuê đất nông nghiệp là một giải pháp để chuyển lao động nông thôn sang thị trường lao động phi nông nghiệp. Sau khi cho thuê đất, 55% số nông dân di cư ra đô thị, 29% tham gia các hoạt động phi nông nghiệp ở địa phương. Lợi nhuận được chia khoảng 2/3 cho người sản xuất, còn lại trả cho chủ đất. Thu nhập ròng của người đi thuê đất sản xuất đã tăng lên 25% và của chủ đất là 45%, bao gồm cả thu nhập làm phi nông nghiệp. Như vậy, thu nhập phi nông nghiệp có tác động tích cực đến quá trình tích tụ, tập trung ruộng đất ở Trung Quốc.

      Nhật Bản:Thúc đẩy tích tụ, tập trung qua thị trường cho thuê đất

      Giống như một số nước trong khu vực, ruộng đất ở Nhật Bản cũng khá manh mún, là kết quả của cải cách ruộng đất giai đoạn 1946 - 1950. Năm 1961, Nhật Bản áp dụng biện pháp khuyến khích tích tụ, tập trung đất đai là trợ cấp cho nông dân mua đất. Năm 1962, mức hạn điền 3 ha được bãi bỏ. Tuy nhiên, biện pháp này không mấy thành công vì rất nhiều lao động nam hàng ngày đi vào thành phố làm việc, nhưng người già và phụ nữ trong gia đình vẫn tiếp tục làm nông nghiệp. Cũng có những hộ gia đình không còn làm nông nghiệp và bỏ không ruộng đất nhưng không muốn bán vì thu nhập phi nông nghiệp của họ vẫn đủ sống và họ muốn giữ đất đai để khi nghỉ hưu về quê sinh sống. Mặt khác, giá đất tăng cao do công nghiệp hóa làm cho các hộ thuần nông muốn mở rộng sản xuất không đủ khả năng mua.

      Năm 1970, Nhật Bản đưa ra biện pháp thúc đẩy tích tụ, tập trung đất đai thông qua thị trường cho thuê đất. Việc kiểm soát giá thuê đất đều được xóa bỏ và đất sau khi hết hạn hợp đồng cho thuê với thời hạn ít nhất 10 năm thì chủ đất có quyền lấy lại. Giai đoạn 1975 - 1980, việc cho thuê ngắn hạn cũng được hợp pháp hóa. Biện pháp thúc đẩy tích tụ, tập trung qua thị trường thuê đất có kết quả tốt hơn biện pháp khuyến khích mua bán đất, nhưng vẫn chậm và bị giới hạn bởi sự mất cân bằng giữa cung và cầu của thị trường cho thuê. Nhưng nhìn chung, chính sách khuyến khích tích tụ, tập trung ruộng đất kém thành công ở Nhật Bản do tâm lý chủ nghĩa bình quân mạnh mẽ ở nông thôn. Năm 2011, Chính phủ Nhật Bản mới ban hành chính sách và kế hoạch hành động nhằm thúc đẩy lĩnh vực nông nghiệp. Nội dung chính của chính sách là tăng cường sản xuất nông nghiệp quy mô lớn. Chính phủ Nhật Bản dự định trong 5 năm tăng diện tích canh tác, chăn nuôi trung bình tại vùng đồng bằng của 1 hộ gia đình lên 20 - 30 ha. Chính phủ hy vọng việc mở rộng sản xuất sẽ cắt giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh của nông sản. Để đạt mục tiêu trên, Chính phủ Nhật Bản có thể hỗ trợ tài chính cho những hợp đồng chuyển nhượng đất đai vì mục đích sản xuất nông nghiệp. Diện tích sản xuất nông nghiệp trung bình của 1 hộ nông dân Nhật Bản là khoảng 2 ha, bằng 1/90 ở Mỹ và chỉ bằng 1/1.500 ở Australia.

      Hàn Quốc: Thúc đẩy cải cách, tích tụ, tập trung ruộng đất

      Năm 1950, “Chương trình cải cách ruộng đất” được thực hiện nhằm tạo ra sự phân chia tài sản công bằng và nông dân đều có ruộng. Năm 1993, Hàn Quốc thử nghiệm nâng mức hạn điền từ 3 ha lên 10 ha trong các “Vùng phát triển nông nghiệp”, và nông dân có thể sở hữu đến 20 ha đất nếu được chính quyền địa phương cho phép. Ở các vùng khác, mức hạn điền được nâng lên 5 ha vào năm 1999, và hạn điền đều được bãi bỏ vào năm 2002. Hàn Quốc đã tiến hành rất nhiều chương trình thúc đẩy tích tụ, tập trung đất đai rất cụ thể. Cộng đồng Nông thôn và Hiệp hội Nông nghiệp Hàn Quốc là một tổ chức phi lợi nhuận hỗ trợ tài chính bằng các khoản vay ưu đãi cho những người muốn thuê và mua đất nông nghiệp, chú trọng đến các hộ trẻ thuần nông.

      Năm 2005, một hệ thống ngân hàng đất nông nghiệp được thành lập, với mục đích giảm thiểu hiện tượng manh mún đất đai và khuyến khích các hộ trẻ thuần nông nghiệp mở rộng quy mô sản xuất. Nó cung cấp thông tin cho những người muốn mua hoặc thuê đất và những người muốn bán hoặc cho thuê đất, và đóng vai trò trung gian trên thị trường đất nông nghiệp. Năm 2006, tổ chức Cộng đồng Nông thôn và Hiệp hội Nông nghiệp Hàn Quốc có chương trình mua đất của các hộ có các khoản vay nợ lớn và cho họ thuê lại nếu thích hợp, nhằm mục đích cân bằng thị trường đất nông nghiệp và hỗ trợ các hộ gặp khó khăn tài chính tạm thời. Hiện nay, kết quả của quá trình tích tụ, tập trung đất là các trang trại ở Hàn Quốc với việc áp dụng các kỹ thuật canh tác hiện đại như mô hình “trang trại thẳng đứng”. Tuy nhiên, do tình trạng thiếu lao động ở vùng nông thôn, từ năm 2005 chính phủ cho phép thuê lao động nước ngoài làm việc tại các trang trại.

      Hà Lan: Khuyến khích mở rộng trang trại

      Chính phủ Hà Lan khuyến khích mở rộng trang trại, không khuyến khích thuê đất, thuê lao động nông nghiệp. Hầu hết trang trại là do 1 hộ gia đình làm chủ, chính phủ trợ cấp chuyển sang nghề khác cho lao động dôi ra. Việc mở rộng quy mô hợp lý là làm sao cho lao động toàn thời gian trong các trang trại đủ sức điều hành mà không phải thuê lao động. Các trang trại ngày càng có xu hướng chuyên môn hóa, hiện đã chiếm trên 90%, nhờ vậy bảo đảm hiệu quả sản xuất và tăng năng lực cạnh tranh của ngành nông nghiệp. Quy mô trang trại ở Hà Lan ngày càng mở rộng là hệ quả tất yếu của việc giảm số lượng trang trại. Đó cũng là một nhân tố thúc đẩy tăng năng suất lao động nông nghiệp ở Hà Lan.

      Việc mở rộng quy mô trang trại dựa vào 2 chính sách của nhà nước. Một là, chính sách mua và thuê đất. Ở Hà Lan có 2 loại hình sở hữu đất, đất tư hữu được mua bán, đất công hữu do nhà nước đầu tư quai đê lấn biển thì cho thuê thời gian dài. Hai là, chính sách khuyến khích trang trại làm ăn kém được giải thể. Trong quá trình cạnh tranh, trang trại làm ăn kém sẽ giải thể, rời bỏ nông nghiệp chuyển cho trang trại làm ăn giỏi mở rộng quy mô, xã hội sẽ tạo điều kiện cho người lao động từ những trang trại giải thể tìm được chỗ làm việc mới. Hơn thế, sản xuất quy mô lớn của nông nghiệp lại tạo ra việc làm trong lĩnh vực dịch vụ, công nghiệp phục vụ chính ngành nông nghiệp.

Kết luận:  Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định: “Tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hiện đại và nông dân văn minh” và  Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2011 - 2020) của Đảng đã xác định phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, hiệu quả, bền vững, trong đó nêu rõ: “Khuyến khích tập trung ruộng đất, phát triển trang trại, doanh nghiệp nông nghiệp phù hợp về quy mô và điều kiện của từng vùng”.           

Việc học hỏi những kinh nghiệm tích tụ, tập trung ruộng đất ở một số quốc gia có nền kinh tế thị trường phát triển là những bài học thiết thực trong xây dựng, ban hành những chính sách, pháp luật mới về sửa đổi Luật đất đai của Việt Nam trong những năm tới đây, góp phần thực hiện thành công quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức và kinh tế số của Việt Nam.

Tài liệu tham khảo:

1.Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII;

2.Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011 - 2020;

3.Kinh nghiệm trong tích tụ, tập trung ruộng đất của các quốc gia Đông Á - Chuyên san của T/c Cộng sản số 409;

4. Luật Đất đai sửa đổi năm 2013.