na
NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)! 
Nghiên cứu trao đổi
CÔNG TÁC GIÁM SÁT, PHẢN BIỆN XÃ HỘI CỦA MẶT TRẬN TỔ QUỐC VÀ CÁC ĐOÀN THỂ CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI QUA NGHIÊN CỨU THỰC TẾ Ở HUYỆN THANH MIỆN
04/12/2020 05:02:28


Giám sát, phản biện xã hội là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội; thông qua giám sát và phản biện xã hội, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội thực hiện tốt hơn chức năng đại diện chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của Nhân dân.

Ngày 12/12/2013, Bộ Chính trị đã ban hành Quyết định số 217-QĐ/TW về việc ban hành “Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội”. Việc ban hành Quyết định 217 đã tạo ra cơ sở pháp lý quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp chủ động thực hiện giám sát và phản biện xã hội. Thông qua hoạt động giám sát góp phần xây dựng và thực hiện đúng hơn các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, các chương trình kinh tế, giáo dục, môi trường, văn hóa, xã hội; kịp thời phát hiện những sai sót, khuyết điểm, yếu kém và kiến nghị sửa đổi, bổ sung các chính sách cho phù hợp; phát hiện, phổ biến những nhân tố mới, những mặt tích cực; phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh. Thông qua Phản biện xã hội nhằm phát hiện những nội dung còn thiếu, chưa sát, chưa đúng, chưa phù hợp trong các văn bản dự thảo của các cơ quan Đảng, chính quyền; kiến nghị những nội dung thiết thực, góp phần bảo đảm tính đúng đắn, phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội và tính hiệu quả trong việc hoạch định chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân; phát huy dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội. Trong những năm qua, Huyện ủy, chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Thanh Miện luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đảng, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội thực hiện tốt công tác giám sát, phản biện xã hội và đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Cụ thể như:

- Thứ nhất, nhận thức của đội ngũ cán bộ Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội và tầng lớp nhân dân về công tác giám sát và phản biện xã hội ngày càng được nâng cao. Công tác tham mưu tổ chức thực hiện công tác giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội có sự sáng tạo, vận dụng linh hoạt phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, đơn vị trong từng giai đoạn.

- Thứ hai, hoạt động giám sát và phản biện xã hội dần đi vào nền nếp và trở thành chế độ công tác của cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội theo chức trách, nhiệm vụ được giao. Nội dung và kết quả giám sát, phản biện sát với quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân, được dư luận quan tâm, đã phát huy tích cực quyền làm chủ của nhân dân, hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật, khiếu kiện đông người, vượt cấp, đồng thời giúp cấp ủy, chính quyền khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong quá trình lãnh đạo, điều hành; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, hiệu lực hiệu quả của quản lý nhà nước của chính quyền cơ sở; kịp thời phát hiện, kiến nghị, sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật, các quyết định, chương trình, kế hoạch của địa phương liên quan đến quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân, góp phần ổn định an ninh trật tự xã hội của địa phương, đơn vị.

- Thứ ba, đã phát huy được vai trò của các tổ chức, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân tham gia vào công tác giám sát và phản biện xã hội. Đặc biệt là vai trò của đội ngũ bí thư chi bộ, trưởng khu dân cư, trưởng Ban công tác Mặt trận trong việc nắm bắt tư tưởng, ý kiến phản hồi của nhân dân về những chủ trương, chính sách, các nhiệm vụ, kế hoạch của các cấp; chủ động nắm dư luận xã hội và giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh từ cơ sở.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, công tác giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội cơ sở ở huyện Thanh Miện còn một số hạn chế:

- Thứ nhất, vai trò chủ động tham mưu của Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc ở một số xã, thị trấn đối với cấp ủy trong chỉ đạo, thực hiện giám sát và phản biện xã hội chưa kịp thời, việc triển khai thực hiện có lúc, có nơi còn lúng túng, thụ động từ khâu xác định nội dung, xây dựng chương trình, kế hoạch, hình thức tiến hành giám sát và phản biện xã hội....

- Thứ hai, hình thức giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, đặc biệt là ở cơ sở được thực hiện chủ yếu thông qua hình thức giám sát thông qua văn bản, báo cáo và hoạt động phối hợp giám sát với Hội đồng nhân dân cùng cấp, thông qua Ban Thanh tra nhân dân kiêm Ban Giám sát đầu tư cộng đồng đối với các công trình do nhân dân đóng góp, sự phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc với các đoàn thể chính trị mà chưa có những chương trình giám sát, phản biện độc lập theo chuyên đề.

- Thứ ba, chất lượng, hiệu quả công tác giám sát và phản biện chưa cao, chủ yếu chỉ dừng lại ở hình thức mang tính đối thoại, trao đổi đề đạt các kiến nghị mang tính chất phản ánh nguyện vọng của nhân dân, ít có các đề xuất, kiến nghị mang tính giải pháp để xử lý vấn đề. Chưa phát huy được trí tuệ của đội ngũ chuyên gia, các cá nhân tiêu biểu, các hội đồng tư vấn, ban tư vấn, lực lượng cộng tác viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân.

- Thứ tư, việc xem xét, giải quyết những kiến nghị của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội sau giám sát của một số cấp ủy Đảng, chính quyền, phòng, ban, ngành, đoàn thể chưa được quan tâm đúng mức và kịp thời.

- Thứ năm, hoạt động phản biện xã hội ở một số đơn vị cơ sở chưa rõ nét, chủ yếu thông qua hình thức tham gia ý kiến xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, các đề án, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương có liên qua đến quyền lợi và nghĩa vụ của nhân dân.

- Thứ sáu, công tác phối hợp trong hoạt động giám sát, phản biện xã hội giữa Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp, giữa Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội với các cơ quan có chức năng giám sát, kiểm tra, thanh tra của Đảng và chính quyền chưa thực sự thống nhất, còn có hiện tượng chồng chéo trong hoạt động.

* Nguyên nhân

- Thứ nhất, nhận thức của một số cấp ủy đảng, chính quyền về vị trí, vai trò của công tác giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân chưa thực sự coi trọng, chưa triển khai nghiêm túc các quy định về công tác giám sát và phản biện xã hội tại địa phương. Lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị có liên quan đến công tác giám sát và phản biện xã hội chưa thực sự phối hợp và tạo điều kiện cho Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tham gia giám sát và phản biện xã hội.

- Thứ hai, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật về giám sát và phản biện xã hội, một số văn bản của nhà nước ban hành chưa kịp thời, đồng bộ; việc thể chế hóa quan điểm của Đảng về chức năng giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội còn chưa cụ thể.

- Thứ ba, cơ chế công khai, minh bạch trong cung cấp, xử lý thông tin để Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội lấy đó làm công cụ để thực hiện giám sát và phản biện xã hội còn hạn chế; các tổ chức kinh tế, cơ quan của chính quyền chưa thấy rõ nghĩa vụ để phối hợp thực hiện và chưa xây dựng được cơ chế để xử lý kịp thời, nghiêm túc các kiến nghị sau giám sát.

- Thứ tư, công tác phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể chưa đồng bộ; chưa có cơ chế và quy trình thống nhất thể hiện quan hệ giữa các bên trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội: Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, các cơ quan nhà nước, đối tượng được giám sát và cấp ủy các cấp ủy đảng.

- Thứ năm, năng lực, trình độ hiểu biết về chính sách, pháp luật, kỹ năng, nghiệp vụ về công tác giám sát và phản biện xã hội của cán bộ, nhất là cán bộ thôn, khu dân cư còn hạn chế. Vì vậy, chưa tạo được niềm tin đối với cấp ủy và chính quyền khi giao cho Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội thực hiện hoạt động phản biện xã hội.

- Thứ sáu, chưa có cơ chế, chính sách để thu hút, tập hợp được các nhân sỹ, trí thức, các nhà khoa học tham gia công tác giám sát và phản biện xã hội.

Để phát huy hơn nữa vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, trong thời gian tới cần thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản sau:

- Thứ nhất, nâng cao nhận thức của cấp ủy cơ sở về vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội ở cơ sở.

Qua nghiên cứu thực tế cho thấy ở đâu, nơi nào cấp ủy nhận thức đúng về tầm quan trọng của công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã, quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thì ở đó công tác giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội được thực hiện có hiệu quả và ngược lại.

- Thứ hai, Tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật đồng bộ về giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội. Đặc biệt là cơ chế để Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tham gia giám sát và phản biện xã hội, cơ chế tiếp thu, thực hiện các kiến nghị, yêu cầu sau giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội.

- Thứ ba, tăng cường sự phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, các cơ quan, tổ chức trong thực hiện giám sát và phản biện xã hội. Hoạt động giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội chỉ có thể phát huy và có chất lượng, hiệu quả cao khi có sự phối hợp đồng bộ với các hoạt động giám sát của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị.

- Thứ tư, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội.

- Thứ năm, lựa chọn được những cán bộ có chuyên môn, năng lực, bản lĩnh, có tinh thần trách nhiệm thực hiện công tác giám sát và phản biện xã hội.

- Thứ sáu, coi trọng công tác sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm trong hoạt động giám sát và phản biện xã hội; làm tốt công tác thi đua khen thưởng và xử lý kịp thời những tập thể, cá nhân thiếu trách nhiệm, có sai phạm trong việc tổ chức thực hiện giám sát và phản biện xã hội.

 

Lê Văn Thủy

Trưởng khoa Xây dựng đảng