na
NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)! 
Nghiên cứu trao đổi
GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG HOẠT ĐỘNG NGHIÊN CỨU KHOA HỌC, TỔNG KẾT THỰC TIỄN ĐÁP ỨNG YÊU CẦU XÂY DỰNG TRƯỜNG CHÍNH TRỊ CHUẨN
13/11/2023 12:00:00

ThS. Hoàng Thị Thục
Giảng viên khoa Xây dựng Đảng


Hoạt động nghiên cứu khoa học (NCKH), tổng kết thực tiễn tại các cơ sở đào tạo có vai trò quan trọng trong việc hình thành, phát triển tri thức lý luận và giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra, góp phần nâng cao trình độ lý luận, kỹ năng, tri thức cho đội ngũ giảng viên, từ đó nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng.

Xác định vai trò quan trọng của công tác NCKH, tổng kết thực tiễn tại các trường chính trị, ngày 13 tháng 11 năm 2018, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XII) ban hành Quy định số 09-QĐ/TW về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã giao thêm cho trường chính trị cấp tỉnh chức năng “tham gia tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ở địa phương”.

Ngày 15 tháng 9 năm 2021, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XII) ban hành Quy định số 11-QĐ/TW về trường chính trị chuẩn, trong đó có quy định tiêu chí về hoạt động nghiên cứu khoa học là một trong sáu tiêu chí để đạt danh hiệu trường chính trị chuẩn.

Trên cơ sở đó, hoạt động NCKH, tổng kết thực tiễn ở các Trường Chính trị thời gian qua tăng cả về số lượng và chất lượng, có sự tham gia chủ động, tích cực, sáng tạo hơn của các giảng viên các trường; từng bước đảm bảo phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và nhằm hướng tới giải quyết những vấn đề lý luận và thực tiễn đang đặt ra trong phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương nói chung và công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, NCKH, tổng kết thực tiễn nói riêng. Kết quả triển khai các đề tài NCKH trong những năm qua bước đầu có ý nghĩa quan trọng trong cập nhật, bổ sung kiến thức thực tiễn và áp dụng kết quả nghiên cứu của các đề tài vào việc nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và NCKH, tổng kết thực tiễn ở các trường trong giai đoạn hiện nay.

Tuy nhiên, theo thống kê hoạt động nghiên cứu khoa học tại các trường chính trị, hầu hết các trường chính trị đều chưa đạt tiêu chí về nghiên cứu khoa học theo Quy định 11/QĐi/TW, tính đến cuối năm 2021, có 15 trường trong 5 năm không có Đề tài khoa học cấp tỉnh, có 3 trường trong 5 năm không có Đề tài khoa học cấp trường. Để hỗ trợ các trường chính trị đẩy mạnh hoạt động NCKH, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cũng đã tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ NCKH và ban hành Công văn số 1942-CV/HVCTQG ngày 04/4/2022 gửi các trường chính trị về đăng ký đề tài khoa học cấp bộ với Học viện. Tuy nhiên, năm 2022 mới chỉ có 13 đề tài khoa học cấp bộ được đăng ký của 12 trường chính trị. Để nâng cao chất lượng việc thực hiện các các hoạt động NCKH, tổng kết thực tiễn của cán bộ, giảng viên, trong những năm tới đáp ứng yêu cầu xây dựng Trường Chính trị chuẩn, cần quan tâm triển khai thực hiện tốt một số nội dung sau:

* Nhóm giải pháp chung:

Một là, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, giảng viên tham gia thực hiện các hoạt động NCKH, tổng kết thực tiễn, đảm bảo cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong triển khai thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và thực hiện các hoạt động NCKH, tổng kết thực tiễn, kết hợp hài hòa trong triển khai các hoạt động, tránh trường hợp ưu tiên thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ mà coi nhẹ việc triển khai hoạt động NCKH, tổng kết thực tiễn sẽ dẫn đến việc không đảm bảo yêu cầu và tiến độ thực hiện các hoạt động NCKH, tổng kết thực tiễn.

Hai là, tổ chức các khóa tập huấn về phương pháp, kỹ năng NCKH, tổng kết thực tiễn cho đội ngũ cán bộ, giảng viên. Thông qua các khóa tập huấn, cán bộ, giảng viên sẽ được nâng cao những vấn đề cơ bản trong NCKH, tổng kết thực tiễn như khả năng xác định rõ vấn đề nghiên cứu; xác định mục tiêu nghiên cứu; phạm vi, nội dung nghiên cứu; thiết kế đề cương nghiên cứu; lên kế hoạch thu thập dữ liệu, xử lí và phân tích để phát triển hoàn thiện đề cương nghiên cứu... Đây vừa là cơ sở để nâng cao nhận thức của cán bộ, giảng viên về vai trò của công tác NCKH, tổng kết thực tiễn vừa là cơ sở để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động NCKH, tổng kết thực tiễn của các nhà trường trong những năm tới.

Ba là, cần xây dựng và mở rộng cơ chế tạo điều kiện cho cán bộ, giảng viên không phải là lãnh đạo, quản lý tham gia làm chủ nhiệm đề tài NCKH cấp khoa, trường và tham gia là thành viên Ban Chủ nhiệm đề tài NCKH cấp tỉnh. Lựa chọn vấn đề nghiên cứu vừa mang tính thời sự, vừa mang tính chiến lược, đáp ứng đòi hỏi thực tiễn địa phương. Bên cạnh những đề tài phục vụ giảng dạy, học tập, chú trọng nghiên cứu những đề tài phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng hệ thống chính trị. Chắt lọc những kết quả nghiên cứu để chủ
động tư vấn cho cấp ủy, chính quyền địa phương những vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Chú trọng việc xã hội hóa các công trình nghiên cứu khoa học của cán bộ, giảng viên nhà trường. Đây vừa là giải pháp góp phần thúc đẩy hoạt động NCKH trong cán bộ, giảng viên, nhất là cán bộ, giảng viên trẻ, vừa rèn luyện, nâng cao kiến thức lý luận và thực tiễn góp phần phát huy khả năng tư duy, tự nghiên cứu, học hỏi và tính năng động, sáng tạo của cán bộ, giảng viên để đáp ứng việc thực hiện nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn hiện nay.

Bốn là, xây dựng và hoàn thiện các quy định về NCKH, tổng kết thực tiễn theo hướng đảm bảo các hoạt động thực hiện các hoạt động đi vào thực chất, khả năng ứng dụng cao và hướng vào giải quyết những vấn đề bất cập về mặt lý luận và thực tiễn trong phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, kết quả thực hiện các hoạt động NCKH, tổng kết thực tiễn phải được kiểm định về thông tin, số liệu và kiểm tra, đánh giá theo các tiêu chí thi đua trong hoạt động NCKH, tổng kết thực tiễn.

* Đối với hoạt động NCKH: Các trường chính trị tiếp tục quan tâm dành
nguồn lực và kiến nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh tạo điều kiện cho cán bộ, giảng viên nhà trường tham gia sâu rộng vào việc thực hiện các hoạt động NCKH. Nghiên cứu để liên kết với các cơ quan, tổ chức trong việc nhận triển khai các chương trình, dự án NCKH. Các trường còn cần chú trọng phát triển năng lực nghiên cứu, chủ động, sáng tạo trong tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học để phục vụ nghiên cứu, giảng dạy lý luận, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, ứng dụng kết quả tổng kết vào thực tế, giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội của địa phương. Trong hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, các nhà trường tập trung đổi mới phương pháp, cách thức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thích ứng với tình hình mới; đa dạng hóa các hình thức đào tạo, bồi dưỡng; quản lý, đánh giá chất lượng dạy và học theo hướng đồng bộ, khoa học và hiệu quả, góp phần chuẩn hóa và nâng cao phẩm chất năng lực cho đội ngũ cán bộ các ngành, địa phương, cơ sở.

* Đối với công tác tổng kết thực tiễn:

- Đa dạng hoá nội dung, hình thức nghiên cứu Tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu và lựa chọn bổ sung các mô hình nghiên cứu thực tiễn đáp ứng yêu cầu của từng chương trình, sát thực tế với đối tượng học, mang tính thời sự, gắn với yêu cầu của công cuộc đổi mới, nhất là những thay đổi
của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Nghiên cứu thực tiễn của cán bộ, giảng viên tập trung vào các hình thức nghiên cứu theo đoàn của từng khoa, phòng, theo nội dung có liên quan đến đơn
vị; nghiên cứu thực tế cá nhân theo từng chuyên đề giảng dạy, nghiên cứu các mô hình tiêu biểu để tuyên truyền, lan toả. Nghiên cứu thực tiễn của học viên tập trung nghiên cứu việc vận dụng lý luận vào thực tiễn công tác xây dựng Đảng, quản lý, điều hành của chính quyền, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, xây dựng nông thôn mới, dân vận khéo...

- Đẩy mạnh hoạt động đi nghiên cứu thực tế có kỳ hạn đối với cán bộ, giảng viên trẻ.

Ngoài việc nghiên cứu thực tế theo nhà trường, theo khoa, phòng, đội ngũ cán bộ, giảng viên trẻ là lực lượng có kiến thức chuyên môn, được đào tạo cơ bản. Tuy nhiên, thực tiễn công tác còn ít, kiến thức, kinh nghiệm trong lãnh đạo, quản lý còn hạn chế. Do đó, yêu cầu đặt ra đối với cán bộ, giảng viên trẻ phải được đi cọ sát ở cơ sở trong một khoảng thời gian nhất định để được trải nghiệm thực tiễn, củng cố, bổ sung kiến thức lý luận, kinh nghiệm thực tiễn, nhất là kinh nghiệm lãnh đạo, quản lý góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ trong lãnh đạo, quản lý, trong giảng dạy, nghiên cứu đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài. Đồng thời qua đó, nâng cao kỹ năng giao tiếp, trách nhiệm nghề nghiệp đối của cán bộ và giảng viên.

- Đẩy mạnh ứng dụng kết quả nghiên cứu thực tế nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học và vào công tác tổng kết thực tiễn, tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương và các vấn đề có liên quan. Có thể khẳng định rằng, phương châm "học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn" là nguyên tắc cơ bản, chủ đạo, cốt lõi trong công tác giáo dục, đào tạo, nhất là công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ khi mà đối tượng học là những cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức đang trực tiếp học tập tại nhà trường./.