na
NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)! 
Nghiên cứu trao đổi
Sử dụng hợp lý các phương tiện giảng dạy trong chương trình Trung cấp lý luận chính trị tại Trường Chính trị Hải Dương
23/08/2023 08:27:18

Người viết: Nguyễn Thị Mai

Khoa: Nhà nước và pháp luật

Một trong những yêu cầu cấp thiết hiện nay đối với giảng viên giảng dạy lý luận chính trị là phải sử dụng thành thạo các phương tiện kỹ thuật trong nghiên cứu và giảng dạy. Phương tịên dạy học được hiểu là những dụng cụ, máy móc, thiết bị, vật dụng cần thiết cho hoạt động dạy và học, giúp cho quá trình nhận biết, lĩnh hội kiến thức của học viên được tốt hơn. Ví dụ: Bảng viết, bảng phấn, bảng phoóc mi ca trắng, bảng giấy lật, bảng ghim, máy chiếu hắt (overheat), Projecter (phương tiện với sự trợ giúp của máy tính chương trình Powerpoint). Trong đó những phương tiện như máy chiếu hắt (overheat), Projecter (phương tiện với sự trợ giúp của máy tính chương trình Powerpoint) … được coi là những phương tiện dạy học hiện đại.

Từ góc độ tâm lý học, con người tiếp nhận các thông tin nhờ vào năm giác quan: cảm giác, tri giác, thính giác, vị giác, khứu giác (cảm nhận, nhìn, nghe, ngửi, nếm, ngửi). Theo cách giảng dạy trước đây chỉ có một giác quan duy nhất được huy động đó là thính giác (tai để nghe). Truyền thụ kiến thức chỉ thông qua lời nói, còn các giác quan khác chưa được sử dụng cho việc tiếp thu các bài giảng, phần lớn tiềm năng học tập chưa được phát huy.

Qua thống kê chung cho thấy: nếu chỉ có đọc thì người học chỉ nhớ được 10%, chỉ có nghe thôi thì khả năng tiếp thu được 20%, cả nghe và nhìn tiếp thu được 50%, nếu được trình bày thì khả năng nhớ có thể lên đến 70%. Đặc biệt, nếu được kết hợp cả nghe, đọc, nghiên cứu, tự trình bày thì mức độ nhớ lên đến 90%. Chỉ riêng điều đó thôi cũng nói lên sự đòi hỏi phải áp dụng các phương tiện nghe nhìn vào việc giảng bài.

Dù phương tiện hiện đại hay truyền thống thì phương tịên cũng chỉ là công cụ hỗ trợ trong tiết học trên lớp, nhằm làm sáng tỏ những điều cần trình bày của giảng viên và trực quan hoá nội dung giảng dạy giúp học viên tiếp thu dễ dàng và tham gia học tập một cách chủ động tích cực.

Mỗi loại phương tiện dạy học có những ưu điểm và nhược điểm riêng. Vấn đề còn lại là giảng viên phải biết lựa chọn phương tiện nào cho phù hợp. Đối với mỗi phương pháp giảng dạy nếu biết áp dụng đúng hoàn cảnh, đúng nội dung trọng tâm của bài giảng thì nhiều khi chỉ cần một cái bảng cũng có thể khơi dậy được sự say mê của người học. Tuy nhiên nếu giảng viên biết kết hợp, sử dụng nhuần nhuyễn các phương tiện hiện đại như Projecter, máy chiếu hắt thì lớp học sẽ sôi nổi, sinh động và gây được sự chú ý của người học hơn. Ví dụ: Khi muốn giới thiệu kết cấu nội dung bài giảng, một hình ảnh hay một sơ đồ thì dùng phương tiện Projecter sẽ đạt hiệu quả cao hơn, học viên sẽ dễ dàng ghi nhớ từng nội dung.

Và nhiều khi cũng chính phương tiện dạy học hiện đại đó sẽ làm cho phương pháp dạy học tích cực không phát huy được hiệu quả bài giảng. Đó chính là khi giảng viên chưa nhận thức được đầy đủ về tác dụng của các phương tiện và chưa biết sử dụng nhuần nhuyễn các phương tiện hiện đai. Chẳng hạn khi sử dụng Projecter giáo viên thường mắc các lỗi: trong một buổi học chiếu quá nhiều hình ảnh hay trong mỗi slide viết quá nhiều chữ dẫn đến tình trạng học viên chưa kịp nhìn, chưa kịp ghi thì giảng viên lại chuyển sang một slide mới. Hoặc trong một buổi học giảng viên đã làm việc cùng máy chiếu hắt và giấy Phôli với tốc độ thay thế nhanh đến nỗi người học chưa kịp chép. Trong khi đó nguyên tắc vàng của việc áp dụng chương trình Powerpoint là không được viết câu quá dài và quá nhiều chữ; khi trình diễn cần phải chèn cả sơ đồ, ký hiệu, hình ảnh, video…

Điều đó chứng tỏ việc áp dụng phương tiện dạy học hiện đại vào giảng dạy là một sự cần thiết nhưng không phải bằng mọi giá phải áp dụng bằng được khi các điều kiện chưa thật sự sẵn sàng. Ở đây chúng ta cần phải hiểu rằng phương tiện luôn chỉ là một công cụ trợ giúp, chuyển tải các nội dung đến người nghe một cách dễ dàng nhất. Tạo ra sự chú ý, cải thiện khả năng nhớ, mức độ tiếp thu của người tham dự. Nó không thể quyết định đến toàn bộ chất lượng giảng dạy, mà chỉ hỗ trợ để thể hiện nội dung mà thôi.

Như vậy, dù sử dụng phương tiện hiện đại hay truyền thống thì chúng ta không nên quá lạm dụng về các phương tiện đó. Trong giảng dạy phương tiện quan trọng nhất vẫn chính là người giảng viên; giảng viên phải biết kết nối các khả năng giao tiếp về mặt nội dung và phương tiện để mang lại hiệu quả tối ưu nhất. Thành công của buổi học suy cho cùng phụ thuộc vào người giảng viên, người giảng viên đừng tự đánh mất mình sau những phương tiện hiện đại đó.

Giảng viên phải nắm được đối tượng học viên và cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy. Khi được khoa, trường phân công đến giảng dạy tại một lớp nào đó, giảng viên cần có sự liên hệ với phòng đào tạo của trường hoặc trung tâm Chính trị huyện tìm hiểu và nắm được cụ thể đối tượng của lớp học, cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ giảng dạy. Trên cơ sở đó, giảng viên chủ động có kế hoạch cho từng bài giảng, tiết giảng sẽ sử dụng những phương pháp nào, thiết bị gì cho phù hợp thì sẽ đạt được hiệu quả cao. Hiện nay, các lớp học viên không phải đều tập trung về trường mà có thể học tại các trung tâm Chính trị của huyện, thị. Mặt khác, đối tượng học viên trường Chính trị không thuần nhất như sinh viên trường đại học, cao đẳng. Do đó, nắm được đối tượng học viên sẽ giúp cho giảng viên chủ động đưa cáo phương tiện, phương pháp vào nội dung của từng bài giảng.