na
NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)! 
Nghiên cứu trao đổi
Cương lĩnh Chính trị đầu tiên của Đảng thể hiện tầm vóc lịch sử, những vấn đề cơ bản mang tính quy luật của Cách Mạng Việt Nam
11/03/2022 03:46:00

                                                            ThS. Thân Thị Cương

                                                     Giảng viên Khoa Xây Dựng Đảng

Tình hình thế giới những năm đầu thế kỷ XX có nhiều biến đổi, đặc biệt là sự chuyển biến của chủ nghĩa tư bảo từ tự do cạnh tranh sang giai đoạn chủ nghĩa Đế quốc đã làm thay đổi căn bản địa chính trị, ảnh hưởng trực tiếp các nước chậm phát triển, trong đó có Việt Nam. Các nước đế quốc có nhu cầu lớn về thị trường để cung cấp nhiên liệu và tiêu thụ sản phẩm, từ đó đã tiến hành các cuộc xâm lược để mở rộng thuộc địa. Việt Nam, đất nước phong kiến độc lập đã bị thực dân Pháp xâm lược (ngày 01/9/1858) trở thành nước thuộc địa nửa phong kiến, đời sống nhân dân vô cùng cực khổ. Trong bối cảnh đó, ngày 5/6/1911, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã ra đi tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc. Sau khi đến với chủ nghĩa Mác – nin, tìm ra con đường cách mạng vô sản, Người đã chuẩn bị mọi mặt để tiến tới thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Tại Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản ở Việt Nam (từ ngày 6/01/1930 đến ngày 08/02/1930), với tư cách là phái viên Quốc tế Cộng sản, Người đã thông qua bản Chánh cương vắn tắt, sách lược vắn tắt, Điều lệ tóm tắt… được coi như Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng ta. Bản Cương lĩnh đã chỉ rõ: mục tiêu, nhiệm vụ, phương pháp, lực lượng cách mạng, mối quan hệ cách mạng Việt Nam với cách mạng thế giới. Cương lĩnh thể hiện tầm vóc lịch sử, những vấn đề cơ bản mang tính quy luật của cách mạng Việt Nam. Để làm rõ nội dung này chúng ta đi nghiên cứu một số nội dung sau:

Thứ nhất, xác định đường hướng chiến lược đúng đắn cho tiến trình phát triển của cách mạng Việt Nam: Cách mạng Việt Nam nằm trong phạm trù cách mạng vô sản.

 Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin, loài người trải qua 5 hình thái kinh tế - xã hội: Hình thái công xã nguyên thủy, hình thái chiếm hữu nô lệ, hình thái phong kiến, hình thái tư bản chủ nghĩa, hình thái cộng sản chủ nghĩa. Trong 5 hình thái kinh tế - xã hội này tùy điều kiện lịch sử mỗi nước có thể lựa cho đi lên các hình thái phù hợp. Hình thái kinh tế - xã hội cộng sản là hình thái cao nhất mà muốn tiến lên phải trải qua cuộc cách mạng vô sản. Vậy, cách mạng vô sản là cuộc cách mạng như thế nào? Là cuộc cách mạng của giai cấp vô sản lật đổ ách thống trị của  chế độ cũ, chế độ tư bản dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản xây dựng chế độ xã hội mới – xã hội cộng sản.

Đối với thế giới, các nước tư bản châu Âu mâu thuẫn chủ yếu giữa giai cấp vô sản với giai cấp tư sản vô cùng gay gắt nên cuộc cách mạng tư sản dân quyền là lật đổ ách thống trị của chế độ cũ xây dựng chế độ mới (lật đổ chế độ tư bản chủ nghĩa xây dựng chế độ mới xã hội mới xã hội xã hội chủ nghĩa).

Đối với Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận thức: Lý luận cách mạng mặt dân tộc, sự bóc lột về mặt giai cấp và sự nô dịch về mặt tinh thần. Vì thế cuộc đấu tranh giai cấp ở đây không diễn ra giống như ở phương Tây. Giữa những giai cấp khác nhau vẫn có sự tương đồng lớn: đều chung một số phận của người dân mất nước. Nếu như mâu thuẫn chủ yếu trong xã hội tư bản chủ nghĩa là mâu thuẫn giữa giai cấp vô sản với giai cấp tư sản, thì mâu thuẫn chủ yếu trong xã hội thuộc địa lại là mâu thuẫn giữa dân tộc bị áp bức với đế quốc xâm lược. Giai cấp tư sản dân tộc và một bộ phận địa chủ vừa và nhỏ mặc dù vẫn có mặt hạn chế trong quan hệ với quần chúng lao động, nhưng trong quan hệ với đế quốc Pháp, họ đều là người Việt Nam mất nước. Đó không phải là những giai cấp thống trị, mà là giai cấp bị trị và có khả năng tham gia phong trào giải phóng dân tộc.

Nếu như C. Mác bàn nhiều về cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa tư bản, V.I. Lênin bàn nhiều về cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, thì Hồ Chí Minh dành sự quan tâm đặc biệt đến cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân. Trong điều kiện xã hội thuộc địa, Người không nhấn mạnh một chiều đấu tranh giai cấp, mà tập trung vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Độc lập, tự do là khát vọng cháy bỏng của mọi người Việt Nam mất nước. Trong tư duy chính trị Hồ Chí Minh, thực chất của vấn đề dân tộc thuộc địa chính là vấn đề độc lập dân tộc.

Tóm lại: Xác định đường hướng chiến lược đúng đắn cho tiến trình phát triển của cách mạng Việt Nam: Cách mạng Việt Nam nằm trong phạm trù cách mạng vô sản.

 Thứ hai, xác định những nhiệm vụ cơ bản, những mục tiêu cấp bách của cách mạng Việt Nam: Về phương diện chính trị; Về phương diện xã hội; Về phương diện kinh tế.

Cương lĩnh đã xác định rõ về đường lối, nhiệm vụ, lực lượng và mối quan hệ của cách mạng Việt Nam trong bối cảnh sau khi thành lập Đảng. Cụ thể, về đường lối chiến lược là làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản. Cương lĩnh xác định ba nhiệm vụ trước mắt của cách mạng Việt Nam, bao gồm cả hai nội dung dân tộc và dân chủ, chống đế quốc và chống phong kiến, song nổi lên hàng đầu là nhiệm vụ chống đế quốc, giành độc lập dân tộc. Cụ thể: Về chính trị, đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp và bọn phong kiến làm cho nước Việt Nam được hoàn toàn độc lập, dựng ra Chính phủ công-nông-binh và tổ chức quân đội công nông. Về kinh tế, tịch thu toàn bộ sản nghiệp lớn của bọn đế quốc giao cho Chính phủ mới; tịch thu ruộng đất của bọn đế quốc làm của công và chia cho dân cày nghèo, mở mang công nghiệp và nông nghiệp, miễn thuế cho dân cày nghèo, thi hành luật ngày làm tám giờ. Về văn hóa, dân chính được tự do tổ chức, nam nữ bình quyền, phổ thông giáo dục theo hướng công nông hóa.

Thứ ba, xác định lực lượng cách mạng gồm toàn bộ những người Việt Nam yêu nước, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Lực lượng cách mạng được xác định, bao gồm: công nhân, nông dân, tiểu tư sản, trí thức, trung nông...; tranh thủ, làm trung lập phú nông, trung, tiểu địa chủ, tư sản. Giai cấp lãnh đạo cách mạng là giai cấp công nhân, thông qua Đảng Cộng sản. Đảng là đội tiên phong của giai cấp vô sản, phải thu phục cho được đại bộ phận của giai cấp mình, phải làm cho giai cấp mình lãnh đạo được dân chúng.

Thứ tư, xác định cách mạng Việt Nam là bộ phận của cách mạng thế giới. Cương lĩnh đã xác định giữa phản đế và phản phong, kết hợp truyền thống yêu nước và tinh thần cách mạng của nhân dân với những kinh nghiệm của cách mạng thế giới; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; kết hợp mục tiêu trước mắt với định hướng lâu dài.

Thứ năm, xác định phương pháp thực hiện độc lập dân tộc, tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội phải tiến hành bằng con đường cách mạng, sử dụng phương pháp cách mạng bạo lực.

 Thứ sáu, xác định lực lượng lãnh đạo cách mạng Việt Nam là Đảng Cộng sản Việt Nam, “đội tiên phong của vô sản giai cấp”. Đảng lấy chủ nghĩa Mác-Lênin làm nền tảng tư tưởng.

Lần đầu tiên, cách mạng Việt Nam có một văn kiện chính trị phản ánh đúng quy luật phát triển của xã hội Việt Nam trong điều kiện lịch sử mới; đáp ứng những nhu cầu cơ bản và cấp bách của xã hội Việt Nam, phù hợp với xu thế của thời đại. Cương lĩnh định hướng chiến lược đúng đắn cho tiến trình phát triển của cách mạng Việt Nam.

Sự đúng đắn, sáng tạo của những sáng tạo lý luận của Đảng thể hiện trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng đã được khẳng định bởi quá trình khảo nghiệm của lịch sử và qua những thắng lợi vĩ đại của dân tộc Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội.

Trong bối cảnh những năm đầu thập niên 90 thế kỷ XX, trước sự khủng hoảng trầm trọng của chủ nghĩa xã hội trên thế giới, Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn kiên định con đường cách mạng được xác lập tại Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng: "Đối với nước ta, không còn con đường nào khác để có độc lập dân tộc thật sự và tự do hạnh phúc cho nhân dân. Cần nhấn mạnh rằng đây là sự lựa chọn của chính lịch sử, sự lựa chọn đã dứt khoát từ năm 1930 với sự ra đời của Đảng".

Tóm lại: Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam, trong hiện tại và tương lai, những sáng tạo lý luận của Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng vẫn là ngọn cờ dẫn dắt nhân dân Việt Nam đi lên trong công cuộc đổi mới đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong công cuộc đổi mới hiện nay, trước những thuận lợi và những khó khăn thách thức mới, Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng càng khẳng định tính đúng đắn, chiến lược, thê hiện tầm vóc lịch sử, những vấn đề cơ bản mang tính quy luật của cách mạng Việt Nam. Vì thế cần phát huy việc nghiên cứu, vận dụng sáng tạo Cương lĩnh của Đảng trong từng giai đoạn cách mạng để Cương lĩnh của Đảng thực sự là ngọn cờ chiến đấu của Đảng ta nhất là trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hiện nay ở nước ta.