Ths. Lê Thị Nga - Giảng viên Khoa Lý luận cơ sở
Trong đào tạo, bồi dưỡng,
đội ngũ giảng viên luôn có vai trò quan trọng, là nhân tố hàng đầu quyết định tới
chất lượng của chương trình đào tạo, bồi dưỡng. Thực tiễn đã chứng minh, với những
điều kiện như nhau cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nào xây dựng được đội ngũ giảng
viên có phẩm chất, trình độ, năng lực giảng dạy tốt hơn thì chất lượng đào tạo,
bồi dưỡng ở đó sẽ cao hơn. Do đó, việc nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên
là yêu cầu tất yếu đặt ra đối với mọi cơ sở đào tạo, bồi dưỡng.
Trong giai đoạn 2022 -
2026, trường Chính trị tỉnh Hải Dương đặt ra mục tiêu xây dựng nhà trường đạt
chuẩn mức 1. Để đạt được mục tiêu đó yêu cầu về việc xây dựng đội ngũ giảng
viên có đủ phẩm chất, trình độ, năng lực
đảm nhiệm được đầy đủ các chương trình
đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là các chương trình
đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng theo chức danh, vị trí việc làm là một nhiệm vụ vô cùng
cần thiết. Việc đạt tiêu chí được
quy định tại Khoản 1 Điều 8 Quy định số 11-QĐ/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư
Trung ương về trường chính trị chuẩn về việc “thực hiện đầy đủ nhiệm vụ đào tạo,
bồi dưỡng được giao” là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của trường. Theo
chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 – 2030 đã định
hướng trong thời gian tới cũng sẽ tăng cường các chương trình đào tạo, bồi dưỡng
“nâng cao năng lực, kỹ năng và phẩm chất cho
đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức gắn với vị trí việc làm”.
Thực tiễn triển khai thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi
dưỡng tại Trường Chính trị tỉnh Hải Dương trong thời gian qua cho thấy, trên cơ
sở chức năng, nhiệm vụ được giao theo Quy định số 09-QĐ/TW ngày 13/11/2018 của
Ban Bí thư Trung ương Đảng quy định về “chức
năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc
trung ương” và Quy định số
1101-QĐ/TU ngày 31/12/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trường chính trị tỉnh”,
Nhà trường đã tích cực chủ động thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao. Trong giai đoạn 2016-2020, Trường Chính trị Tỉnh Hải Dương đã đào tạo, bồi
dưỡng được 37.628 học viên (chiếm 36,2% tổng số lượt cán bộ, công chức, viên chức
trong toàn tỉnh được đào tạo, bồi dưỡng, tăng bình quân 127,1%/năm). Trong đó:
Cao cấp lý luận chính trị 12 lớp với trên 1.066 học viên; 01 lớp đại học hành
chính với gần 100 học viên; 141 lớp trung cấp lý luận chính trị - hành chính với
10.594 học viên; 49 lớp bồi dưỡng ngạch chuyên viên cao cấp, chuyên viên chính,
chuyên viên, bồi dưỡng lãnh đạo cấp phòng với 3.923 học viên; 70 lớp bồi dưỡng
kỹ năng, nghiệp vụ đại biểu hội đồng nhân dân cấp huyện, cấp xã với 6.982 lượt
học viên; 92 lớp bồi dưỡng ngắn ngày khác với 9.265 lượt học viên .Tuy
nhiên, bên cạnh thành tích nêu trên, quá trình thực hiện các nhiệm vụ về đào tạo,
bồi dưỡng của nhà trường còn cho thấy một số hạn chế sau:
+ Thứ nhất, nội dung chương trình đào
tạo, bồi dưỡng còn bó hẹp trong một số chương trình truyền thống như: trung cấp
lý luận chính trị, chuyên viên, chuyên viên chính… phương pháp giảng dạy nặng về
lý luận, chưa sát với thực tế.
+ Thứ hai, quá trình triển khai thực hiện các chương trình bồi
dưỡng chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ công tác xây dựng Đảng, đoàn thể… còn lúng
túng và bị động trong xác định nhu cầu, nội dung bồi dưỡng và bố trí giảng viên
tham gia giảng dạy.
+ Thứ ba, một số
chương trình bồi dưỡng theo chức danh công chức cấp xã chưa thực hiện được theo
phân cấp đào tạo, bồi dưỡng.
+ Thứ tư, việc tổ chức
các chương trình, nội dung bồi dưỡng đáp ứng nhiệm vụ chính trị, đặc thù của tỉnh
còn hạn chế (chưa thường xuyên mở được các lớp cập nhật kiến thức chuyên sâu
cho đội ngũ cán bộ, công chức viên chức; chưa bồi dưỡng được cấp ủy huyện và
xã..)
Do đó, nhìn chung
các chương trình bồi dưỡng về kỹ năng theo vị trí việc làm do nhà trường trực
tiếp đào tạo, bồi dưỡng theo phân cấp nhìn chung chưa thực sự đáp ứng đầy đủ, kịp
thời những đòi hỏi về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức
giai đoạn hiện nay. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới hạn chế trên trong đó có nguyên nhân cơ bản từ đội ngũ giảng viên của
nhà trường:
Thứ nhất, đối với đội ngũ giảng
viên cơ hữu của nhà trường: Hiện nay, nhà trường có tổng số 41 giảng viên, giảng viên kiêm chức. Trong
đó, theo trình độ đào tạo có: 05 tiến sĩ; 36 thạc sĩ; theo ngạch giảng viên có:
4 giảng viên cao cấp, 18 giảng viên chính, 19 giảng viên. Đội ngũ giảng viên cơ
hữu có kiến thức chuyên môn sâu về lý luận, có kinh nghiệm giảng dạy, được đào
tạo ở nhiều chuyên ngành: triết học, kinh tế chính trị, quản lý kinh tế, quản
lý hành chính, luật học... so với tiêu chí giảng viên trường chính trị chuẩn mức
1 (quy định tại Khoản 5 Điều 7 Quy định số 11) về cơ bản đạt và vượt chuẩn về
đào tạo. Tuy nhiên, còn một số giảng viên thiếu cao cấp lý luận chính trị, đại
bộ phận chưa có chứng chỉ bồi dưỡng kinh điển Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí
Minh, cơ cấu giảng viên chính chưa đạt tỉ lệ theo yêu cầu; độ tuổi của giảng
viên còn trẻ, số đông từ 30 –
40 tuổi nhìn chung kiến thức giảng dạy thực tiễn, thực hành còn có mặt hạn chế. Trong khi
đó các chương trình bồi dưỡng này yêu cầu về mặt kỹ năng, thực tiễn rất cao. Vì
vậy, chưa huy động được nhiều giảng viên tham gia giảng dạy, nhiều giảng viên
có tâm lý ngại tham gia, nhất là đối với các chuyên đề kỹ năng, thực hành. Điều
này, ảnh hưởng tới chất lượng giảng dạy và ít nhiều làm ảnh hưởng tới tính chủ
động trong xây dựng, chương trình kế hoạch giảng dạy của nhà trường vì phụ thuộc
nhiều vào các giảng viên thỉnh giảng.
Thứ hai, đội ngũ giảng viên
thỉnh giảng: Để nâng cao
chất lượng đào tạo, bồi dưỡng ngoài lực lượng giảng viên cơ hữu, năm
2018, Ban giám hiệu nhà trường ra quyết định thành lập đội ngũ giảng viên thỉnh giảng, gồm 17 đồng chí là những cán bộ lãnh đạo, nguyên
là lãnh đạo các sở, ngành cấp tỉnh và lãnh đạo chủ chốt cấp huyện có năng lực,
trình độ, kinh nghiệm thực tiễn
quản lý. Giảng viên thỉnh giảng
tham gia rất tích cực và phát huy tác dụng, được học viên đánh giá cao. Tuy
nhiên, đội ngũ này cũng còn những hạn chế nhất định: phần lớn chưa được đào tạo,
bồi dưỡng về kiến thức sư phạm, kỹ năng sử dụng phương pháp và phương tiện giảng
dạy tích cực, hiện đại còn hạn chế, không ít giảng viên thỉnh giảng còn chưa sử
dụng hoặc sử dụng chưa tốt giáo án điện tử trong giảng dạy. Nhiều giảng viên thỉnh
giảng đã nghỉ hưu nên xa rời lĩnh vữ mà mình đã từng lầm việc dẫn đến xa rời thực
tiễn… Một số chương trình bồi dưỡng lực lượng giảng viên thỉnh giảng còn thiếu
hụt so với nhu cầu, chưa huy động được nhiều các
đồng chí lãnh đạo của tỉnh; lãnh đạo các sở, ban ngành; các chuyên gia, các
nhà khoa học của tỉnh và trung ương có nhiều
kinh nghiệm lãnh đạo, quản lý tham gia giảng dạy.
Từ những vấn đề nêu trên, để nâng cao chất
lượng đội ngũ giảng viên tham gia giảng dạy các chương trình đào tạo, bồi dưỡng
kỹ năng theo chức danh, vị trí việc cần làm tốt một số vấn đề như sau:
Thứ nhất, nhà trường tiến hành rà soát đội
ngũ giảng viên của nhà trường để chọn cử các giảng viên đi bồi dưỡng, hoàn thiện
về cao cấp lý luận chính trị, bồi dưỡng kinh điển Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí
Minh, phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền xét nâng ngạch cho các giảng viên
có đủ điều kiện để đội ngũ giảng viên đạt chuẩn mức 1.
Thứ hai, để nâng cao kỹ năng, kiến thức thực
tiễn của giảng viên, nhà trường tiếp tục đổi mới công tác nghiên cứu thực tế,
nghiên cứu khoa học của giảng viên theo hướng đa dạng, hiệu quả, thiết thực
như: Nghiên cứu theo chủ đề của tập thể khoa, nghiên cứu theo lĩnh vực chuyên
môn giảng dạy của cá nhân giảng viên, chọn cử giảng viên đi nghiên cứu thực tế
có thời hạn ở cơ sở, biệt phái sang các cơ quan đảng,
chính quyền, đoàn thể liên quan tới nội dung giảng dạy, đào tạo, bồi dưỡng của
nhà trường… Các đề tài nghiên cứu khoa học gắn với chức năng nhiệm vụ của nhà
trường và góp phần giải quyết những vấn đề thực tiễn đang đặt ra ở địa phương,
cơ sở.
Thứ ba, để tăng tính chủ động trong xây dựng,
chương trình kế hoạch giảng dạy các chương trình bồi dưỡng kỹ năng theo vị trí
việc làm, nhà trường cần phải huy động tối đa lực lượng giảng viên của nhà trường
tham gia giảng dạy, theo nguyên tắc “người giỏi làm việc khó”, các giảng viên
cao cấp, giảng viên chính của nhà trường phải đóng vai trò là lực lượng nòng cốt
không chỉ ở các chuyên đề lý thuyết mà cả các chuyên đề kỹ năng, thực hành.
Thứ tư, kiện toàn, nâng cao chất lượng đội
ngũ giảng viên thỉnh giảng: có cơ chế để huy động các đồng chí lãnh đạo Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban,
ngành, các chuyên gia của tỉnh và trung ương có nhiều kinh nghiệm lãnh đạo, quản
lý làm giảng viên thỉnh giảng của nhà trường.
Thứ năm, đội ngũ
giảng viên cần được bồi dưỡng thường xuyên về chuyên môn, nghiệp vụ và cập nhật
về phương pháp giảng dạy hiện đại. Công tác này phải tiến hành hàng năm, tại
các cơ sở có kinh nghiệm về đào tạo kỹ năng giảng dạy.
Thứ sáu, giảng
viên cần chú ý bồi dưỡng và tự bồi dưỡng về công việc thiết kế bài giảng, tổ
chức bài giảng và các kỹ thuật sư phạm cần thiết./.
.(Theo
trang 6 Đề án số 03-ĐA/TU ngày 20/10/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Hải Dương về
xây dựng Trường Chính trị tỉnh đạt chuẩn, là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ,
công chức, viên chức của tỉnh Hải Dương, giai đoạn 2021-2030)