Giảng viên Phạm Thị Phương
Thanh
Khoa Lý luận cơ sở
Công nghệ thông tin (CNTT) được sử dụng trong
nhà trường đã tạo nên sự thay đổi lớn trên nhiều phương diện. Nếu như trước
đây, CNTT được xem như một phương tiện hỗ trợ, một yếu tố kết hợp thì ngày nay với
định hướng phát triển năng lực đã trở thành mục tiêu của quá trình dạy học. Với
sự thay đổi này, CNTT và ứng dụng CNTT cần được nhìn nhận lại để sử dụng phù hợp
trong dạy học nói chung và dạy học Lý luận chính trị (LLCT) trong chương trình
Trung cấp lý luận chính trị - hành chính nói riêng.
Việc ứng dụng CNTT
trong dạy học đặt ra yêu cầu hình thành năng lực ứng dụng
CNTT của người học phục vụ cho việc học tập nghĩa là biết sử dụng CNTT để hỗ trợ
học tập, thay thế sự thụ động tìm tài liệu đơn thuần trước đó.
Thực tế dạy học
LLCT cho thấy, việc ứng dụng CNTT còn bộc lộ nhiều bất cập như: quá trình thực
hiện chủ yếu một chiều từ phía giảng viên (GV); nhiều giờ giảng mặc dù có sử dụng
máy tính, kết nối internet nhưng chỉ dừng lại như một phương tiện trình chiếu
thay thế việc viết bảng và đọc thuộc giáo án của GV, phục vụ cho hoạt động thuyết
trình truyền thụ nội dung bài học đã được chuẩn bị sẵn; nội dung bài học được GV
trình chiếu một cách thiếu chọn lọc. Với cách dạy học này, CNTT chỉ có thể giải
phóng sức lao động cơ học cho GV nhưng lại hoàn toàn không có giá trị hỗ trợ dạy
học, thậm chí nếu tham trình chiếu hình ảnh, tham chiếu trang nhiều chữ, học
viên (HV) không thể theo dõi và ghi chép bài như khi GV viết bảng. Ngoài ra, một
số GV do kiến thức và kĩ năng về CNTT chưa vững nên sự vận dụng còn thiếu linh
hoạt, giờ học còn rời rạc, đơn điệu. CNTT nhiều khi chỉ là những hiệu ứng, màu
sắc rối và vô nghĩa. Bên cạnh đó, do tuyệt đối các tính năng của các phương tiện
dạy học hiện đại nên một số GV ứng dụng khá tùy tiện, lạm dụng tranh ảnh, phim
tư liệu vào bài học mà không có mục đích phù hợp. Do vậy, HV không chủ động, tích
cực, sáng tạo trong sử dụng phương tiện hiện đại vào hoạt động học một cách hiệu
quả.
Do đó, việc ứng
dụng CNTT trong dạy học LLCT theo định hướng phát triển năng lực cần chú ý từ
quan niệm cho đến cách thức thực hiện.
Về quan niệm, cần
xác định hai vấn đề cơ bản. Thứ nhất, chủ thể ứng dụng CNTT không chỉ là GV mà
quan trọng, chủ yếu là HV. Chỉ khi HV là chủ thể ứng dụng CNTT mới có thể hình
thành được năng lực ứng dụng CNTT. Thứ hai, việc ứng dụng CNTT không dừng lại ở
mức sử dụng nó như một phương tiện hỗ trợ quá trình dạy của GV mà quan trọng là
hỗ trợ quá trình học, đặc biệt là tự học của HV; không chỉ là một phương tiện
trình chiếu mà phải là phương tiện để tìm kiếm, trao đổi, xử lí, chọn lọc thông
tin.
Về cách thức ứng
dụng CNTT, trong phạm vi bài viết nhỏ, tôi xin đề xuất hai biện pháp dạy học phổ
biến có thể khai thác sự hỗ trợ của CNTT trong tự học, tự nghiên cứu của HV. Hoạt
động này có thể được tiến hành ở nhà nhằm chuẩn bị bài trước khi đến lớp, hoặc
trực tiếp trên lớp trong thời gian ngắn (5-10 phút) với chủ đề và tài liệu định
hướng mà GV đưa ra. HV có thời gian để tra cứu thông tin và đưa ra quan điểm,
cách hiểu của mình về vấn đề cần trao đổi.
Thứ nhất là giao nhiệm vụ nghiên cứu cho HV. Hoạt động này
có thể trực tiếp hoặc gián tiếp qua các diễn đàn của lớp/nhóm trên các trang dịch
vụ internet như facebook, zalo, … hoặc đơn giản là gửi email vao một hộp thư
chung của lớp để tất cả HV có thể nhận được nhiệm vụ tự nghiên cứu. Tài liệu học
tập trong điều kiện có sự hỗ trợ của CNTT cũng được mở rộng từ rất nhiều nguồn
khác nhau, không chỉ các tài liệu được in ấn, xuất bản mà cả những tài liệu điện
tử được GV giới thiệu đường link cụ thể (sau khi đã thẩm định) hoặc các tài liệu
dưới dạng file; HV có thể tìm kiếm và chia sẻ tài liệu dễ dàng, tiết kiệm thời
gian qua các công cụ google search, mail, chat…Kết quả của quá trình làm việc với
tài liệu đa phương tiện được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như file
trình bày như powerpont hoặc đơn giản là những file văn bản word cũng dễ dàng xử
lí và sử dụng…Những sản phẩm này được tập thể hóa qua trình bày ở lớp hoặc gửi
qua email, chia sẻ qua google drive, zalo, facebook... tạo nên những tài liệu học
tập bổ ích.
Ví dụ: GV đưa
ra từ khóa trung tâm là chủ đề (vấn đề trung tâm cần giải quyết) và các nhánh
chính là các tài liệu mà HVphải đọc, tóm tắt và nêu ý kiến
Thứ hai là kiểm tra, đánh giá kết quả tự học, tự nghiên cứu
của HV.
Kết quả học tập cần được kiểm tra, đánh giá trực tiếp trên lớp (làm trên giấy
hoặc trình bày trực tiếp). HV có thể sử
dụng máy tính để kết nối trình chiếu ngay trên lớp vấn đề mình đã tự nghiên cứu.
Đây cũng là một trong những biện pháp dạy học tích cực, tạo điều kiện cho người
học thể hiện và khẳng định vai trò chủ thể chủ động của mình cũng như hướng tới
hình thành nhiều năng lực quan trọng. Việc đánh giá và tự đánh kết quả tự nghiên
cứu với sự hỗ trợ của công nghệ diễn ra
nhanh chóng, cụ thể và hiệu quả. Ở đây, không chỉ GV là người có quyền đánh giá
mà HV có thể đánh giá lẫn nhau (đánh giá đồng đẳng) và tự đánh giá kết quả làm
việc của bản thân.
Trong dạy học LLCT,
biện pháp này có thể sử dụng trong một số tình huống cụ thể như:
- Cơ sở lý luận của vấn đề được nêu ra
- Các khái niệm
và điểm đáng lưu ý khi phân tích khái niệm
- Các đặc trưng
bản chất của vấn đề được nêu ra
- Các quan điểm
trái chiều với vấn đề đưa ra. Sự đồng tình hay phản đối các quan điểm đó
- Thực tiễn của
vấn đề nghiên cứu.
Để thực hiện hiệu
quả biện pháp trên, GV cần chú ý một số vấn đề sau:
Một là, giao nhiệm vụ cụ thể, vừa sức và phù hợp với nội dung bài
học.
Hai là, theo dõi sát quá trình làm việc của HV để có những định hướng,
điều chỉnh, giúp đỡ kịp thời, đặc biệt trong khâu chọn lọc, xử lí tài liệu và
xác định quan điểm đánh giá các vấn đề. Sự trao đổi, định hướng, giúp đỡ này đều
có thể thực hiện thông qua các diễn đàn, tài khoản… trên mạng internet.
Ba là, phải có sự kiểm tra, đánh giá kết quả đạt được để động
viên, khuyến khích, định hướng và thống nhất kết quả.
Tóm lại, CNTT có
tiềm năng to lớn trong hỗ trợ dạy học nói chung và dạy học LLCT nói riêng, mở
ra nhiều cơ hội cho GV và HV đổi mới phương pháp và đạt mục tiêu dạy học một
cách tối ưu. Với quan niệm và cách thức ứng dụng CNTT, HV sẽ hình thành nhiều
năng lực như năng lực giao tiếp (khi tiếp cận nhiều văn bản khác nhau, khi chuẩn
bị bài thuyết trình, khi thảo luận…); năng lực tự học, năng lực giải quyết vấn
đề và sáng tạo… Điều đáng chú ý là, hiệu quả cụ thể đạt được mức nào phụ thuộc vào
sự sáng tạo của chính GV và HV.