na
MỪNG ĐẢNG QUANG VINH, ĐẤT NƯỚC ĐỔI MỚI, MỪNG XUÂN ẤT TỴ! 
Nghiên cứu trao đổi
QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ BẢO VỆ TRẺ EM KHỎI BẠO LỰC VÀ XÂM HẠI
30/12/2024 03:41:22

Trẻ em là nền tảng của sự phát triển quốc gia và tương lai của mỗi dân tộc. Việc bảo vệ trẻ em khỏi các hành vi bạo lực và xâm hại không chỉ là nhiệm vụ của riêng gia đình hay một tổ chức nào, mà là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Tại Việt Nam, hệ thống pháp luật về bảo vệ trẻ em đã có những bước tiến đáng kể, tuy nhiên thực tiễn áp dụng vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn và thách thức. Bài viết này đi phân tích các quy định pháp luật hiện hành, thực trạng và đề xuất những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả bảo vệ trẻ em khỏi bạo lực và xâm hại.

Hiến pháp năm 2013, với vai trò là đạo luật cơ bản, đã khẳng định quyền trẻ em được bảo vệ, chăm sóc và giáo dục. Tại Khoản 1 Điều 37 Hiến pháp nhấn mạnh: “Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em.”

Trên cơ sở đó, Luật Trẻ em năm 2016 được ban hành, tạo ra khuôn khổ pháp lý quan trọng cho việc bảo vệ trẻ em. Luật này quy định chi tiết các nguyên tắc, quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan, đồng thời đưa ra các biện pháp bảo vệ trẻ em khỏi bạo lực gia đình, bạo lực học đường, xâm hại tình dục, lợi dụng lao động, và nhiều hành vi vi phạm khác. Đặc biệt, Luật nhấn mạnh quyền trẻ em được tham gia vào các quyết định ảnh hưởng đến cuộc sống của mình, qua đó nâng cao vai trò chủ thể của trẻ em trong quá trình bảo vệ chính bản thân.

Bên cạnh đó, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017, quy định rõ ràng các tội danh liên quan đến bạo lực và xâm hại trẻ em. Các hành vi như hành hạ trẻ em, xâm hại tình dục, buôn bán trẻ em đều bị xử lý nghiêm minh với các khung hình phạt tương ứng. Ví dụ, Điều 142 và 144 của Bộ luật Hình sự quy định mức án nặng đối với các hành vi hiếp dâm, cưỡng dâm, dâm ô trẻ em, thể hiện sự quyết tâm của Nhà nước trong việc trấn áp các tội phạm xâm hại trẻ em. Ngoài ra, Bộ luật Dân sự và Luật Hôn nhân và Gia đình cũng bổ sung các quy định liên quan đến quyền thừa kế, quyền được chăm sóc và bảo vệ trong gia đình của trẻ em.

Tuy nhiên, thực trạng hiện nay vẫn cho thấy tình trạng bạo lực và xâm hại trẻ em diễn ra phổ biến, gây tổn thương nghiêm trọng về cả thể chất lẫn tinh thần của trẻ. Nhiều vụ việc không được phát hiện và xử lý kịp thời, để lại hậu quả nặng nề. Theo thống kê từ các cơ quan chức năng, các hình thức bạo lực phổ biến bao gồm bạo lực gia đình, bạo lực học đường, và xâm hại tình dục. Các nguyên nhân chủ yếu bao gồm sự thiếu hiểu biết của người dân về pháp luật, văn hóa "ngại lên tiếng" của nạn nhân và gia đình, cũng như sự chậm trễ, chưa đồng bộ trong cơ chế phối hợp giữa các cơ quan bảo vệ pháp luật.

Một trong những hạn chế lớn nhất nằm ở khâu thực thi pháp luật. Nhiều cơ quan chức năng còn lúng túng trong việc xử lý các trường hợp bạo lực trẻ em, thiếu các biện pháp hỗ trợ tâm lý, và chưa có hệ thống bảo vệ khẩn cấp, quyết liệt và hoạt động có hiệu quả khi xảy ra tình trạng xâm hại trẻ em. Ngoài ra, các quy định pháp luật hiện hành vẫn còn thiếu chi tiết trong việc hướng dẫn xử lý các tình huống đặc biệt, như khi trẻ em là người tố cáo hay nhân chứng trong các vụ án liên quan thì xử lý ra sao.

Vì vậy, để nâng cao hiệu quả bảo vệ trẻ em, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp sau:

Thứ nhất, hoàn thiện pháp luật bằng cách bổ sung các quy định chi tiết và xây dựng cơ chế thực thi hiệu quả hơn. Cần tạo điều kiện cho trẻ em và gia đình dễ dàng tiếp cận hệ thống pháp lý thông qua các đường dây nóng, các trung tâm hỗ trợ pháp lý miễn phí, và các ứng dụng công nghệ thông tin. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, giáo dục pháp luật tại cộng đồng là cần thiết để nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân về quyền trẻ em.

Thứ hai, cần đào tạo và nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em, bao gồm cả giáo viên, nhân viên y tế, và cán bộ các cấp. Những người này cần được trang bị kiến thức chuyên môn và kỹ năng xử lý tình huống, đồng thời xây dựng một hệ thống phối hợp liên ngành hiệu quả nhằm phát hiện, can thiệp và giải quyết kịp thời các vụ việc liên quan đến bạo lực và xâm hại trẻ em.

Thứ ba, cần khuyến khích sự tham gia của các tổ chức phi chính phủ tư vấn tâm lý, các nhóm cộng đồng, và cả doanh nghiệp trong việc bảo vệ trẻ em. Các tổ chức này có thể hỗ trợ các chương trình giám sát, cung cấp dịch vụ hỗ trợ tâm lý, hoặc tạo ra các không gian an toàn cho trẻ em. Đặc biệt, cần xây dựng mạng lưới bảo vệ trẻ em tại cơ sở, nơi trẻ em có thể dễ dàng tìm đến khi gặp vấn đề.

Đối với Hải Dương quan thực tế cho thấy, địa phương đã có những nỗ lực nhất định trong công tác bảo vệ trẻ em. Các mô hình như "Ngôi nhà an toàn" và "Làng trẻ em an toàn" đã được triển khai nhằm tạo không gian sống an toàn cho trẻ. Tuy nhiên, một số vụ việc xâm hại trẻ em vẫn xảy ra, đòi hỏi các cơ quan chức năng cần tăng cường hơn nữa vai trò giám sát và can thiệp. Hải Dương cũng cần đầu tư nhiều hơn vào công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng ngừa bạo lực và xâm hại trẻ em. Các chương trình giáo dục tại trường học nên tích hợp nội dung này, đồng thời khuyến khích học sinh tham gia các hoạt động ngoại khóa về bảo vệ quyền trẻ em.

Bên cạnh đó, việc xây dựng một môi trường xã hội an toàn và lành mạnh cho trẻ em là điều kiện tiên quyết để ngăn chặn bạo lực và xâm hại. Gia đình, nhà trường và xã hội cần chung tay tạo ra một môi trường giáo dục nhân văn, nơi trẻ em được tôn trọng, lắng nghe và bảo vệ. Chỉ khi trẻ em được phát triển toàn diện trong một môi trường như vậy, chúng ta mới có thể hy vọng xây dựng một thế hệ tương lai khỏe mạnh, tự tin và có trách nhiệm.

Tóm lại, việc bảo vệ trẻ em khỏi bạo lực và xâm hại không chỉ là nhiệm vụ của Nhà nước mà còn đòi hỏi sự chung tay của cả cộng đồng. Một hệ thống pháp luật đồng bộ, cùng với các giải pháp thực tiễn và sự tham gia tích cực của mọi tầng lớp xã hội, sẽ là chìa khóa để đảm bảo quyền trẻ em được thực hiện một cách toàn diện và hiệu quả.
Ths. Nguyễn Toàn Thắng, Khoa Nhà nước và pháp luật