ThS. Phạm Thị Thanh- phó trưởng khoa
Nhà nước và pháp luật
1. Cơ sở pháp lý và yêu cầu thực tiễn
* Cơ sở pháp lý
Thực hiện Quyết định số 2252 – QĐ/HVCTQG ngày 02 tháng 5 năm
2019 của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (kèm theo Quy chế nghiên cứu
thực tế của giảng viên và học viên các trường chính trị và học viên trong
chương trình trung cấp LLCT-HC).
Quy định số 1101-QĐ/TU ngày 31 tháng 12 năm 2019 của Tỉnh ủy
Hải Dương về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trường Chính trị tỉnh Hải
Dương quy định về nhiệm vụ giảng dạy, nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế
của các đơn vị khoa phòng trường Chính trị tỉnh.
* Yêu cầu thực tiễn
Thông qua hoạt động nghiên cứu thực tế, giúp cho cán bộ,
giảng viên nhà trường nắm bắt được thực tiễn của địa phương để từ đó làm sáng
tỏ những vấn đề lý luận trong giảng dạy. Thực hiện đúng phương châm “học đi đôi
với hành”. Giúp cho bài giảng của giảng viên sát với thực tiễn của địa phương,
tránh được tình trạng lý thuyết suông, giáo điều, sáo rỗng hoặc xa rời thực
tiễn. Từ đó, góp phần tích cực vào việc nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận
chính trị của trường Chính trị tỉnh.
2. Thực
trạng hoạt động nghiên cứu thực tế và những vấn đề đặt ra hiện nay
* Cách thức triển khai
Từ 2017 trở về trước, hoạt động nghiên cứu thực tế của giảng
viên trường Chính trị trực tiếp do các khoa chủ quản đảm nhận dưới hình thức
nghiên cứu thực tế tập trung của khoa. Trung bình mỗi khoa tổ chức nghiên cứu
thực tế khoảng 7 đến 10 ngày/năm. Địa điểm nghiên cứu thực tế là các xã,
phường, thị trấn. Hoạt động nghiên cứu thực tế của cá nhân chưa được triển khai
tại nhà trường.
Từ 2017, Ban Giám hiệu nhà trường đã có nhiều đổi mới trong
chỉ đạo, điều hành hoạt động nghiên cứu thực tế của các giảng viên như: Công văn số
59/TCT ngày 29/3/2017 của Hiệu Trưởng Trường Chính trị tỉnh Hải Dương về việc
NCTT của Khoa Nhà nước và pháp luật năm 2017; Kế hoạch số 20/KH-TCT ngày
22/3/2017 của Hiệu Trưởng Trường Chính trị tỉnh Hải Dương về Kế hoạch nghiên
cứu thực tế về công tác quản lý sử dụng đất đai ở huyện Tứ Kỳ năm 2017.... Theo tinh thần
khoa chủ quản đăng ký nội dung, chủ đề nghiên cứu thực tế chung của cả khoa.
Sau đó khoa làm kế hoạch nghiên cứu và nhà trường phê duyệt. Cuối năm, khoa chủ
quản có báo cáo kết quả nghiên cứu trước Huyện ủy, thị ủy, thành ủy (nơi tiếp
nhận hoạt động nghiên cứu của khoa) và trước Ban Giám hiệu Nhà trường. Đồng
thời, mỗi giảng viên sẽ đăng ký với khoa về nội dung nghiên cứu thực tế của cá
nhân và cuối năm cũng phải hoàn thiện, báo cáo kết quả nghiên cứu của cá nhân
trước khoa.
Với tinh thần chỉ đạo trên, kể từ 2017 đến nay, các khoa đã
tổ chức nghiên cứu thực tế với các nội dung rất phong phú, đa dạng như: QLNN về
đất đai tại huyện Tứ Kỳ, nghiên cứu về cải cách hành chính ở huyện Gia Lộc,
việc sắp xếp tổ chức bộ máy các đơn vị hành chính, đơn vị sự nghiệp theo đề án
01 và 03 ở thị xã Kinh Môn; thực trạng xây dựng Nông thôn mới ở Kinh Môn, hoạt
động của Mặt trận Tổ quốc, chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp ở một số đơn
vị cấp huyện như Nam sách, Thanh Hà…Đồng thời 100%, giảng viên cuối năm đều có
báo cáo nghiên cứu thực tế cá nhân nộp về khoa và nhà trường theo quy định.
* Một số ưu
điểm:
- Thứ nhất, việc tổ chức đi nghiên cứu thực tế hàng năm của giảng
viên ngày càng đi vào quy cũ, nề nếp. NCTT được xem là một trong những nhiệm vụ
chính của giảng viên cũng như là tiêu chí đánh giá thi đua giữa các đơn vị khoa
chủ quản cuối năm.
-
Thứ hai, qua nghiên cứu thực tế góp phần
tích cực giúp cho giảng viên nắm bắt được tình hình chính trị, kinh tế - xã
hội, tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội, nắm bắt được những chủ trương
đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước được vận dụng ở địa
phương, thấy được những ưu điểm, khuyết điểm và những vướng mắc trong việc vận
dụng lý luận vào thực tiễn, góp phần giúp cho giảng viên bổ sung kiến thức thực
tiễn, phân tích, lý giải thực tiễn, làm cho bài giảng của giảng viên luôn sinh
động, lôi cuốn học viên và có tính thuyết phục cao.
- Thứ ba, thông qua nghiên cứu thực tế còn giúp địa phương, cơ sở đánh
giá lại hoạt động thực tiễn ở cơ sở trên các lĩnh vực xây dựng Đảng, chính
quyền nhà nước, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội… Qua nghiên cứu, các
khoa chủ quản đã đánh giá một cách khách quan nhất thực trạng vấn đề và có
hướng đề xuất, tham mưu cho đơn vị nghiên cứu những giải pháp sát hợp nhằm tháo
gỡ những khó khăn, vướng mắc của vấn đề nghiên cứu, góp phần phát triển kinh tế
- xã hội ở địa phương, cơ sở nơi nghiên cứu thực tế.
*Một số hạn chế:
- Thứ nhất, ý thức, trách nhiệm
của một bộ phận giảng viên đối với hoạt động nghiên cứu thực tế chưa cao.
Thậm chí có tâm lý cho rằng đi nghiên cứu thực tế tập trung chỉ là trách nhiệm
của trưởng, phó khoa. Nên thực tế, giảng viên của khoa ít chủ động trong tham
mưu, đề xuất nội dung nghiên cứu thực tế, địa điểm nghiên cứu, ngay cả việc
đăng ký nội dung thâm nhập thực tiễn của cá nhân mình cũng còn hình thức, qua
loa, chiếu lệ. Ở một số cuộc nghiên cứu thực tế, giảng viên tham gia với vai
trò khá thụ động, không chú tâm thực sự đến thực tiễn hoạt động của địa phương
nên hầu như vai trò dẫn dắt, khơi gợi vấn đề hoặc trao đổi thảo luận chỉ do
lãnh đạo khoa và lãnh đạo địa phương thực hiện.
Thứ hai, chất lượng các báo cáo thực tế của giảng
viên còn hạn chế. Có báo cáo nghiên cứu thực tế còn viết qua loa, chưa
đầu tư về thời gian và tâm huyết nghiên cứu, đôi khi chỉ làm báo cáo mang tính
chất đối phó. Về nội dung báo cáo chưa chuyển hóa được vấn đề nghiên cứu mà mới
chỉ dừng lại ở mức thu thập thông tin vấn đề qua báo cáo của địa phương, hay
thậm chí là sao chép lại báo cáo của địa phương. Như vậy, mục đích cuối cùng
hướng đến là nâng cao nhận thức của giảng viên về thực tiễn, tham mưu, đề xuất
cho địa phương những giải pháp để nâng cao hiệu quả quản lý ở địa phương còn
rất khiêm tốn, mờ nhạt.
Thứ ba, việc ứng dụng kết quả sau nghiên
cứu thực tế của giảng viên chưa cao nhất là đối với những báo cáo thực tế của
cá nhân từng giảng viên. Do ngay từ khi đăng ký nội dung nghiên cứu, một số
giảng viên đã rất hình thức, qua loa không xuất phát từ nhu cầu muốn làm rõ nội
dung các bài giảng mà mình được phân công. Đôi khi, giảng viên đăng kí nội dung
để thâm nhập ở cơ sở một cách qua loa, cho xong. Mặt khác, trong quá trình
nghiên cứu cũng hời hợt nên dẫn đến sự vận dụng kết quả nghiên cứu thực tiễn
vào nội dung bài giảng rất hạn chế.
*
Nguyên nhân của hạn chế:
- Thứ nhất, một bộ phận giảng
viên Nhà trường vẫn chưa nhận thức đúng mức được tầm quan trọng của hoạt động
nghiên cứu thực tế đối với công tác giảng dạy. Dẫn đến, khi tham gia NCTT cùng
khoa hoặc đăng ký cá nhân tự nghiên cứu còn hình thức, đại khái, ít đầu tư tâm
huyết, trách nhiệm với hoạt động NCTT ở địa phương.
- Thứ hai, công tác quản lý của
Nhà trường và khoa đối với hoạt động NCTT chưa thực sự chặt chẽ, khoa học. NCTT
vẫn chưa được tính là một tiêu chí thi đua của các đơn vị khoa, phòng và cá nhân
giảng viên nên chưa tạo được động lực thật sự cho giảng viên trong hoạt động
NCTT. Hiện vẫn còn thiếu các hoạt động đánh giá chất lượng báo cáo thực tế của
cá nhân giảng viên.
- Thứ ba, chế độ, chính sách của
Nhà trường đối với hoạt động NCTT còn chưa phù hợp, chưa thực hiện được chế độ
khoán công tác phí cho giảng viên hoặc khoa, phòng đi NCTT, điều này ít nhiều
làm ảnh hưởng đến tiến độ thời gian NCTT của các khoa, phòng.
3. Một số
giải pháp
Một là, phân
định trách nhiệm của các bộ phận, đơn vị khoa phòng trong quản lý nghiên cứu
thực tế, tăng cường công tác quản lý của Nhà trường đối với hoạt động
nghiên cứu thực tế của giảng viên
- Đối với Ban Giám hiệu:
+ Ban Giám hiệu kịp thời biểu dương, khen thưởng đối với
những bài báo cáo thực tế có chất lượng cao của đơn vị khoa hoặc của cá nhân,
đồng thời có biện pháp chế tài đối với những báo cáo kết quả nghiên cứu thực tế
không đạt yêu cầu.
+ Ngoài việc đến địa phương để nghiên cứu trực tiếp, Trường
có xuất với Tỉnh uỷ, UBND tỉnh tạo điều kiện cho đội ngũ giáo viên được tham
gia các hội nghị, hội thảo của các ban, ngành trong tỉnh. Đồng thời cần có sự
chuyển hướng địa điểm nghiên cứu thực tế sang các sở, ngành trong tỉnh trong
thời gian tới để tiến tới sự đa dạng trong hoạt động nghiên cứu.
- Đối với
khoa chủ quản:
+ Hàng năm, Trưởng các khoa lập danh sách cán bộ giảng viên
đề xuất Ban Giám hiệu quyết định chọn cử cán bộ, giảng viên đi NCTT hằng năm và
thực tế có kỳ hạn (Nếu được triển
khai thực hiện).
+ Thường xuyên
theo dõi, hướng dẫn, giúp đỡ và phối hợp quản lý giảng viên đi thực tế theo thẩm
quyền.
+ Tổng hợp, báo cáo, đánh giá kết
quả hoạt động NCTT của đơn vị (gồm thực tế hàng năm và thực tế
có kỳ hạn), trình Ban Giám hiệu xem xét, thông
qua.
- Đối với phòng Quản lý đào tạo và NCKH:
+ Tham mưu cho Ban Giám hiệu nhà trường xây dựng Kế hoạch đưa cán
bộ, giảng viên đi thực tế có kỳ hạn ở cơ sở. Phối hợp theo dõi, giám sát, đôn đốc hoạt động NCTT của các khoa,
phòng;
+ Tổ chức hội nghị khoa học để cán bộ, giảng viên báo cáo kết
quả NCTT.
Tham mưu cho Hội đồng khoa học nhà trường đánh giá, xếp
loại các báo cáo chuyên đề, báo cáo thu hoạch kết quả NCTT của cán bộ, giảng
viên. Tổ chức
đánh giá, rút kinh nghiệm khâu tổ chức thực hiện hoạt động NCTT của
cán bộ, giảng viên trong nhà trường. Căn cứ vào kết
quả hoạt động NCTT của tập thể và cá nhân, báo cáo Hiệu trưởng để đánh giá và
làm căn cứ xếp loại thành tích thi đua của tập thể, cá nhân hàng năm.
+ Tham mưu cho
Ban Giám hiệu, đề xuất phương án phối hợp với các địa phương, đơn vị nơi cán
bộ, giảng viên đến thực tế có kỳ hạn với các nội dung như: Bố trí cán bộ
hướng dẫn cán bộ, giảng viên đến thực tế, bố trí nơi ở, điều kiện
làm việc của cán bộ, giảng viên đến thực tế, tạo điều kiện thuận
lợi để cán bộ, giảng viên được dự các Hội nghị của địa phương, đơn
vị nơi đến thực tế; được chủ động trao đổi với CBCC nơi đến thực tế,
quản lý, đánh giá cán bộ, giảng viên trong quá trình đi thực tế.
- Đối với phòng Tổ chức hành chính- Thông tin- Tư liệu
+ Bảo đảm phương tiện, điều kiện, chế độ, chính sách đối với
cán bộ, giảng viên đi thực
tế có kỳ hạn và NCTT theo hình thức tập thể hằng năm.
+ Tham mưu chế độ
chính sách đối với giảng viên đi NCTT, nhất là NCTT có kỳ hạn ở địa phương theo
hướng được hưởng nguyên lương và phụ cấp ở Trường và thực hiện chế độ khoán
công tác phí.
Hai là, đổi
mới nội dung nghiên cứu thực tế tập trung, từng bước nâng cao ý thức, trách
nhiệm của giảng viên đối với hoạt động nghiên cứu thực tế,
- Đối với hoạt động nghiên cứu tập trung
+ Nội dung nghiên cứu cần tập trung vào những vấn
đề mới phát sinh, những vấn đề nổi cộm, bức xúc của địa phương. Tập trung
vào những vấn đề mà địa phương đang cần để tháo gỡ khó khăn. Không nên, đăng ký
nội dung mà địa phương đã làm rất tốt bởi như vậy sẽ không phát huy được vai
trò tham mưu, đề xuất của khoa chủ quản trong giải quyết vướng mắc của địa
phương.
+ Thậm chí, đổi mới nội dung nghiên cứu theo hướng địa
phương đặt hàng. Ví dụ như đầu năm, các Huyện ủy, Thị ủy hoặc Thành ủy sẽ đăng
ký các nội dung đề nghị trường Chính trị phân công các khoa về cùng trao đổi,
tọa đàm, tư vấn để cùng tìm ra giải pháp giúp cho địa phương ngày càng phát
triển hơn.
- Đối với
hoạt động nghiên cứu thực tế của cá nhân
+ Giảng viên phải xây dựng đề cương báo cáo trước khi đi
nghiên cứu thực tế trình Khoa duyệt. Giảng viên cần chuẩn bị những bảng, biểu
mẫu, câu hỏi, tình huống giả định đối với chủ đề nghiên cứu.
+ Trong quá trình đi nghiên cứu thực tế, giảng viên phải
thực sự nghiêm túc tiếp thu, học tập kiến thức thực tế, chuẩn bị đầy đủ phương
tiện cho việc đi thực tế. Trong quá trình làm việc, nắm tình hình, giải quyết
tình huống, mỗi giảng viên, cần có ý thức tôn trọng, lắng nghe, ghi chép đầy đủ
ý kiến, đề xuất, kiến nghị từ cơ sở.
+ Khi kết thúc đợt nghiên cứu thực tế, mỗi giảng viên phải
nghiêm túc đầu tư thời gian và công sức hoàn thành báo cáo kết quả nghiên cứu
thực tế của bản thân. Trong bản báo cáo, giảng viên, cần phải trình bày đầy đủ
các nội dung cần thiết của một báo cáo theo qui định và rút ra những nhận thức
sâu sắc nhất của bản thân qua hoạt động nghiên cứu thực tế.
+ Đổi mới phương pháp nghiên cứu thực tế của chính cá nhân
giảng viên từ thụ động chỉ làm theo sự phân công của lãnh đạo khoa sang hướng
chủ động đăng kí nội dung và địa bàn thâm nhập thực tiễn. Trong mối quan hệ với
lãnh đạo địa phương khi đến nghiên cứu thực tế cần nghiêm túc, chuẩn mực không
gây phiền hà, không trịch thượng hoặc khúm núm, quỵ lụy làm giảm sút chuẩn mực
giáo viên trường Đảng. Mạnh dạn trao đổi những vấn đề mới, chưa rõ hoặc đề xuất
các cách làm hay để địa phương có thể nghiên cứu áp dụng trong quản lý các mặt,
lĩnh vực ở địa phương.
Ba là, đổi mới hình thức nghiên cứu thực tế theo hướng vừa
kết hợp nghiên cứu thực tế tập trung vừa thí điểm đưa CB, GV về nghiên cứu có
kỳ hạn ở cơ sở
- Hàng năm, trên
cơ sở Hội nghị khách hàng được tổ chức giữa Nhà trường và thường trực Huyện ủy,
Thị ủy, Thành ủy, bên cạnh nội dung kí kết hợp đồng mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng,
nhà trường cũng thương thảo nội dung nghiên cứu thực tế tập trung của khoa và vấn
đề nghiên cứu thực tế có kỳ hạn của giảng viên. Đề nghị cấp Huyện ủy giúp đỡ để
giảng viên được phân công về địa phương hoàn thành tốt được chức trách, nhiệm vụ
của mình.
- Đối với hoạt động
NCTT tập trung của khoa cần chú ý lựa chọn thời điểm nghiên cứu. Do đặc thù
công vụ của địa phương thường bận rộn vào tháng 1,2 hoặc tháng 6, tháng 12 hàng
năm nên các khoa khi xây dựng kế hoạch nghiên cứu cần tránh xuống cơ sở vào thời
điểm này.
Mặt khác, nên giảm
thiểu thời gian nghe trình bày báo cáo. Trong các buổi NCTT tập trung, các khoa
nên thống nhất với lãnh đạo địa phương dành thời gian để thâm nhập thực tiễn để
giảng viên được tìm hiểu trực diện những cách thức sản xuất, sinh hoạt của nhân
dân địa phương...Có như vậy mới giúp giảng viên nắm bắt được thực tiễn, tránh
hình thức trong NCTT.
- Vấn đề chế độ
chính sách với giảng viên đi nghiên cứu thực tế có kỳ hạn ở cơ sở cũng cần được
quan tâm theo hướng:
+ Giảng viên đi
NCTT có kỳ hạn 3 tháng hoặc 6 tháng được bàn giao công việc cho người khác
làm thay và không phải tính định mức giảng dạy trong thời gian đi thực tế có
kỳ hạn ở cơ sở.
+ Giảng viên được
hưởng nguyên lương ngạch bậc và các khoản phụ cấp như phụ cấp chức vụ,
thâm niên, ngành…Được tính chi phí đi lại và phụ cấp lưu trú theo hình thức
khoán hoặc tùy thuộc vào quy định quy chế chi tiêu nội bộ của Nhà trường.
+ Báo cáo kết quả
thực tế của giảng viên (hằng năm hoặc theo kỳ hạn) được quy đổi giờ chuẩn và
tính vào giờ nghĩa vụ nghiên cứu khoa học của giảng viên.
+ Kết quả NCTT
có kỳ hạn của cán bộ, giảng viên là một trong những cơ sở để nhà trường xem xét
đánh giá xếp loại cán bộ, giảng viên hằng năm; quy hoạch, bổ nhiệm, cử đi đào tạo
trình độ cao hơn, nâng lương trước kỳ hạn…vv.
Trên đây là một
số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng NCTT của giảng viên trường Chính trị tỉnh
Hải Dương. Từ đó góp phần vận dụng có hiệu quả mối quan hệ giữa lý luận và thực
tiễn, từng bước nâng cao kiến thức thực tiễn, bản lĩnh của đội ngũ giảng viên
Nhà trường, đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao về công tác đào tạo, bồi dưỡng
CB, CC trong thời kỳ mới.