na
NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)! 
Nghiên cứu trao đổi
C.MÁC - PH.ĂNG GHEN VÀ BƯỚC NGOẶT CÁCH MẠNG TRONG LỊCH SỬ TRIẾT HỌC
05/05/2021 12:00:00

Sự ra đời của Chủ nghĩa Mác, trong đó có Triết học Mác đã tạo ra một bước ngoặt trong lịch sử tư tưởng nhân loại nói chung và lịch sử Triết học nói riêng. Vượt qua những biến cố và thăng trầm của lịch sử cũng như những thử thách nghiệt ngã của thời gian, Triết học Mác vẫn giữ nguyên giá trị thời đại, là một học thuyết khoa học và cách mạng nhất. Đúng như V.I.Lênin đã khẳng định: “Chỉ có chủ nghĩa duy vật triết học của Mác là đã chỉ cho giai cấp vô sản con đường phải theo để thoát khỏi chế độ nô lệ về tinh thần, trong đó tất cả các giai cấp bị áp bức đã sống lay lắt từ trước tới nay".

Ts. Phạm Xuân Thiên - Trưởng khoa Lý luận cơ sở

Mỗi dịp tháng Năm về, những người cộng sản và nhân loại tiến bộ trên khắp thế giới lại xúc động tưởng nhớ và long trọng kỷ niệm ngày sinh C.Mác (5/5/1818 - 5/5/2021), Người đã cùng với Ph.Ăngghen mãi đi vào lịch sử nhân loại như những người sáng lập ra chủ nghĩa cộng sản khoa học. Lần giở lại lịch sử nhân loại những năm đầu thế kỷ XIX, sự ra đời của Chủ nghĩa Mác, trong đó có Triết học Mác đã tạo ra một bước ngoặt trong lịch sử tư tưởng nhân loại nói chung và lịch sử Triết học nói riêng. Từ đó đến nay, mặc dù có không ít người đã và đang ra sức tìm mọi cách hòng phủ nhận hay chí ít cũng là hạ thấp vai trò, giá trị của Triết học Mác. Tuy nhiên, vượt qua những biến cố và thăng trầm của lịch sử cũng như những thử thách nghiệt ngã của thời gian, Triết học Mác vẫn giữ nguyên giá trị thời đại, là một học thuyết khoa học và cách mạng nhất. Với việc sáng lập ra Triết học Mác, C.Mác đã vượt lên trên được tư tưởng của tất cả các nhà Triết học trước đây tạo ra được một bước ngoặt cách mạng trong lịch sử triết học. Nếu gạt bỏ những suy diễn và định kiến thì cuộc cách mạng đó xứng đáng được gọi là vĩ đại.

1. MỞ ĐẦU

Những năm đầu thế kỷ XIX, phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa đã được hình thành và phát triển trên hầu hết các quốc gia châu Âu. Cùng với thắng lợi của cuộc cách mạng tư sản ở một số nước (Anh, Pháp, … ) giai cấp tư sản bước lên vũ đài chính trị như một giai cấp tiên phong, đại diện cho xu hướng phát triển của thười đại. Tuy nhiên, những thành tựu phát triển kinh tế vượt bậc không đồng nghĩa với những tiến bộ xã hội. Lý tưởng dân chủ và cách mạng của cuộc cách mạng tư sản đã bị thay thế bởi những lợi ích cá nhân. Có thể thấy, ngay từ đầu phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa đã chứa đựng những hạn chế cố hữu của nó. Giai cấp tư sản đã từng “đóng vai trò hết sức cách mạng trong lịch sử” thì giờ đây sứ mệnh lịch sử đó đang mất dần. Trong khi đó, chính sự phát triển của đại công nghiệp đã làm cho giai cấp vô sản (sau đây sẽ gọi là giai cấp công nhân) trưởng thành về mọi mặt. Các phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân chống lại giai cấp tư sản và chế độ tư bản cũng ngày một dâng cao, từng bước trở thành phong trào đấu tranh mang tính quần chúng và hình thức chính trị. Từ đó, đặt ra một nhu cầu cần có một lý luận thực sự khoa học và cách mạng soi đường.

Những tư tưởng xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là tư tưởng xã hội chủ nghĩa không tưởng - phê phán có tác dụng to lớn trong việc lên án, phê phán bản chất bóc lột của chủ nghĩa tư bản, nói lên tiễng nói bênh vực những người lao động nhưng nhìn chung là xuất phát từ những mong muốn chủ quan; không thấy được con đường, lực lượng, phương pháp, cách thức, … để xây dựng một trật tự xã hội mới. Trong bối cảnh đó, sự ra đời của Triết học Mác trở thành một tất yếu khách quan, đáp ứng những đòi hỏi của phong trào công nhân trong tình hình mới. Giai cấp công nhân đã tìm thấy ở Triết học Mác vũ khí tinh thần của cuộc đấu tranh chống lại giai cấp tư sản và chế độ tư bản. Đồng thời, triết học Mác đã có một sức mạnh vật chất để cải biến hiện thực.

2. NHỮNG THÀNH TỰU CƠ BẢN CỦA TRIẾT HỌC MÁC TẠO NÊN BƯỚC NGOẶT CÁCH MẠNG TRONG LỊCH SỬ TRIẾT HỌC      

Triết học có một lịch sử phát triển lâu dài từ thời kỳ cổ đại, Triết học ra đời vì nó cần cho đời sống xã hội và cùng với đời sống xã hội Triết học không ngừng được bổ sung và phát triển hoàn thiện. Với ý nghĩa như thế, Triết học Mác là sản phẩm của lịch sử, C. Mác và Ph. Ăng ghen đã kế thừa những thành tựu của Triết học trước đó và bổ sung, phát triển bằng những thành tựu của khoa học. Mà trực tiếp là những tư tưởng Triết học và trào lưu  lý luận ở châu Âu cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX như: Triết học cổ điển Đức, Kinh tế chính trị Anh và chủ nghĩa xã hội không tưởng - phê phán Pháp. Tuy nhiên, bằng hoạt động lý luận và hoạt động thực tiễn tích cực, C. Mác và Ph, Ăng ghen đã thực hiện một bước ngoặt cách mạng trong lịch sử Triết học với những thành tựu to lớn. Điều này được thể hiện ở những nội dung cơ bản sau đây:

Một là, sự thống nhất giữa chủ nghĩa duy vật và phép biện chứng khoa học thành chủ nghĩa duy vật biện chứng.

Từ khi ra đời, lịch sử Triết học là lịch sử đấu tranh giữa chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa duy tâm; giữa hai phương pháp biện chứng và siêu hình. Cố nhiên, trước khi có triết học Mác, một số học thuyết duy vật, nhất là Triết học Hy Lạp - La Mã thời kỳ cổ đại đã xem xét thế giới trong mối liên hệ và sự vận động những nhìn chung đều xuất phát từ sự quan sát trực tiếp nên không tránh khải tính trực quan. Cả chủ nghĩa duy vật lẫn phương pháp biện chứng đều còn ở trình độ thấp, thô sơ, chất phác. Cho đến thời kỳ Phục hưng và Cận đại, chủ nghĩa duy vật đã có bước phát triển vượt bậc so với chủ nghĩa duy vật Hy Lạp - La Mã thời kỳ cổ đại. Tuy nhiên, chủ nghĩa duy vật thời kỳ này, ngay cả với triết học L. Phơ - Bách (được coi là đỉnh cao của chủ nghĩa duy vật trước Mác) lại càng lún sâu vào phương pháp siêu hình, máy móc.

Đối với phương pháp biện chứng, các nhà triết học biện chứng đã đối lập phương pháp biện chứng với phương pháp siêu hình, tạo ra một giai đoạn phát triển về chất trong phương pháp nhận thức. Tuy nhiên, phương pháp biện chứng lại được phát triển trong cái vỏ duy tâm, thần bí. Đặc biệt là G.W.f. Hêghen (được coi là đỉnh cao của phép biện chứng trước Mác) lại dựa trên cơ sở lập trường duy tâm.

Sự tách rời giữa chủ nghĩa duy vật và phép biện chứng đã làm cho cả chủ nghĩa duy vật và phép biện chứng đều không thể vượt qua được những hạn chế nhất định và không thực sự trở thành khoa học. C.Mác - Ph. Ăng ghen là những người đã giải thoát phép biện chứng khỏi cái vỏ duy tân thần bí, đem phép biện chứng trả về với thực chất của nó là thuộc tính của thế giới vật chất. Sự thống nhất giữa chủ nghĩa duy vật với phương pháp biện chứng thành chủ nghĩa duy vật đã đưa chủ nghĩa duy vật và phép biện chứng lên một tầm cao mới và thực sự trở thành khoa học. Cần nhấn mạnh rằng, trong Triết học Mác, sự thống nhất giữa chủ nghĩa duy vật và phép biện chứng không phải là một sự lắp ghép cơ học, giản đơn mà là một sự phát triển sáng tạo. Đúng như C. Mác đã khẳng định: “Phép biện chứng của tôi không những khác phương pháp của G.W.f. Hêghen  về căn bản mà còn đối lập hẳn với phương pháp ấy nữa” (1).

Hai là, sáng tạo ra chủ nghĩa duy vật lịch sử.

Trước khi có Triết học Mác, chủ nghĩa duy vật đã đóng vai trò to lớn đối với sự phát triển của xã hội, của khoa học và triết học. Tuy nhiên, ngay cả L. Phơ - bách là một nhà triết học rất duy vật về tự nhiên nhưng khi dứng trước lịch sử - xã hội, ông không còn là nhà triết học duy vật nữa. Như vậy, đó vẫn là chủ nghĩa duy vật không triệt để. C. Mác và Ph. Ăng ghen là những người đầu tiên đã đem những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa duy vật biện chứng vào giải quyết những vấn đề xã hội và sang tạo ra chủ nghĩa duy vật lịch sử. Triết học Mác đã giải thích một cách duy vật, khoa học không chỉ thế giới tự nhiên, mà cả lĩnh vực xã hội, lịch sử, tinh thần. Sự ra đời của chủ nghĩa duy vật lịch sử đã đẩy chủ nghĩa duy tâm ra khỏi nơi ẩn nấp cuối cùng của nó trong lĩnh vực xã hội. Với việc vạch ra được những quy luật phát triển của lịch sử loài người, tiêu biểu là: quy luật về sự phù hợp của quan hệ sản xuất với tính chất, trình độ phát triển của lực lượng sản xuất; cơ sở hạ tầng quyết định kiến trúc thượng tầng; tồn tại xã hội quyết định ý thức xã hội và khẳng định sự thay thế lẫn nhau của các hình thái kinh tế - xã hội như là một quá trình lịch sử - tự nhiên,… Triết học Mác đã mở ra một thời kỳ mới trong nghiên cứu lịch sử - xã hội. V.I.Lê-nin đánh giá: "Chủ nghĩa duy vật lịch sử của Mác là thành tựu vĩ đại nhất của tư tưởng khoa học. Một lý luận khoa học hết sức hoàn chỉnh và chặt chẽ đã thay cho sự lộn xộn và sự tùy tiện, vẫn ngự trị từ trước đến nay trong các quan niệm về lịch sử và chính trị; lý luận đó chỉ cho ta thấy rằng, do chỗ lực lượng sản xuất lớn lên, thì từ một hình thức tổ chức đời sống xã hội này, nảy ra và phát triển lên như thế nào một hình thức tổ chức đời sống xã hội khác, cao hơn" (2).

Ba là, Triết học Mác đã khắc phục được sự đối lập giữa triết học với hoạt động thực tiễn, trở thành cơ sở khoa học cho nhận thức và cải tạo thế giới.

Trước khi có triết học Mác,  nhìn chung các nhà triết học thường tập trung giải thích thế giới, mà ít chú ý tới cải tạo thế giới. Đúng như C.Mác đã từng nhận định: “Các nhà triết học đã chỉ giải thích thế giới bằng nhiều cách khác nhau, song vấn đề là cải tạo thế giới” (3).

Tất nhiên, không thể phủ nhận rằng, đã  có một số nhà triết học đã đề cập đến vấn đề cải tạo thế giới nhưng thường rơi vào không tưởng. Đó hoặc là dựa vào những lực lượng siêu nhiên, thần bí, hoặc dựa vào dựa vào các yếu tố chủ quan giáo dục, hay đạo đức, v.v.. Thậm chí, L.Phơ - bách cũng chỉ coi hoạt động lý luận là hoạt động đích thực của con người, còn thực tiễn thì chỉ được ông xem xét và xác định trong hình thức biểu hiện Do Thái bẩn thỉu mà thôi. C.Mác đã nhận định: “Khuyết điểm chủ yếu của toàn bộ chủ nghĩa duy vật từ trước đến nay - kể cả chủ nghĩa duy vật của L. Phơ - bách - là sự vật, hiện thực, cái cảm giác được, chỉ được nhận thức dưới hình thức khách thể hay hình thức trực quan, chứ không được nhận thức là hoạt động cảm giác của con người,  thực tiễn (4).

C. Mác - Ph. Ăngghen đã không phủ nhận các nhà triết học trước đó mà  kế thừa một cách có chọn lọc. Luận điểm của C. Mác đã nói lên sự khác biệt về chất giữa Triết học Mác với các trào lưu triết học trước đây, kể các các học thuyết triết học mà điểm xuất phát và lập trường có tính duy vật. Sợi chỉ đỏ xuyên suốt Triết học Mác là cải tạo thế giới, không có sự đối lập giữa triết học với hoạt động thực tiễn của con người, trước hết là hoạt động thực tiễn của giai cấp vô sản. Điều này đã được C.Mác khẳng định: “Giống như triết học thấy giai cấp vô sản là vũ khí vật chất của mình, giai cấp vô sản cũng thấy triết học là vũ khí tinh thần của mình”(5).

3. KẾT LUẬN

 Với những thành tựu cơ bản nêu trên, Triết học Mác đã ghi dấu ấn quan trọng và ý nghĩa thời đại trong lịch sử triết học và lịch sử nhân loại. Từ khi ra đời, Triết học Mác trở thành thế giới quan của giai cấp công nhân. Sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác nói chung và Triết học Mác nói riêng  với phong trào công nhân đã tạo nên bước chuyển của phong trào công nhân từ tự phát sang tự giác. Nhờ kế thừa và phát triển sáng tạo những thành tựu của triết học và khoa học trong lịch sử nhân loại, Triết học Mác trở thành thế giới quan và phương pháp luận khoa học cho nhận thức và cải tạo thế giới, cổ vũ cho khoa học phát triển. Sự ra đời của Triết học Mác cũng đặt dấu chấm hết cho những tham vọng coi triết học là chìa khóa vạn năng trong việc giải quyết các vấn đề xã hội; và rằng, triết học là khoa học của mọi khoa học.

Những thành tựu làm nên bước ngoặt cách mạng trong lịch sử triết học đã đưa Triết học Mác trở thành cơ sở lý luận cho việc đề ra đường lối chiến lược, sách lược của giai cấp công nhân trong cuộc đấu tranh giải phóng giai cấp, giải phóng nhân loại. Có thể khẳng định, cuộc cách mạng trong triết học do C.Mác thực hiện vẫn giữ nguyên ý nghĩa to lớn trong việc phát triển triết học Mác - Lênin trong thời đại ngày nay. 

Trong giai đoạn hiện nay, sự phát triển mạnh mẽ cúa khoa học và công nghệ không chỉ đặt ra một nhu cầu đấu tranh bảo vệ những giá trị của Triết học Mác; đồng thời, với tinh thần của chủ nghĩa duy vật biện chứng đòi hỏi giai cấp công nhân và các Đảng cộng sản cần phải vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác nói chung và Triết học Mác nói riêng như V.I. Lênin đã từng căn dặn: “Chúng ta không hề coi lý luận của C. Mác  như là một cái gì xong xuôi hẳn và bất khả xâm phạm. Trái lại, chúng ta tin rằng lý luận đó chỉ đặt nền móng cho môn khoa học mà những người xã hội chủ nghĩa cần phát triển hơn nữa về mọi mặt nếu họ không muốn trở thành lạc hậu so với cuộc sống” (6).

Chú thích:

(1) C.Mác, Tư bản, tập 1, phần 1, Nxb Tiến bộ M, ST, H, 1984, tr.21.

(2) V.I.Lênin: Toàn tập, tập 23. Nxb,Tiến bộ, M, 1980, tr.53.

(3) C. Mác - Ph. Ăng ghen, Toàn tập, tập 3, Nxb CTQG, H, 1995, tr. 12.

(4) C. Mác - Ph. Ăngghen, L. Phơ - bách và sự cáo chung của triết học cổ điền Đức, Nxb Sự thật, H, 1969, tr. 81.

(5) Các Mác - Ph. Ăngghen, Những tác phẩm ban đầu, Nxb, Tiến bộ, M, 1956, tr. 562.

(6) V.I. Lênin, Toàn tập, tập 29, Nxb, Tiến bộ, M, 1980, tr. 232.