na
NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)! 
Nghiên cứu trao đổi
Chủ tịch Hồ Chí Minh với vấn đề chăm sóc sức khỏe cho nhân dân
07/12/2020 09:27:35

                                                                  Th.S Bùi Thanh Thủy

                                                                    Phó trưởng khoa Lý luận Cơ sở

Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến vấn đề sức khỏe con người. Người coi đây là một nhân tố rất quan trọng có ý nghĩa quyết định đến thắng lợi của sự nghiệp cách mạng. Người chỉ rõ: “Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần sức khỏe mới thành công”(1).

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, sức khỏe bao gồm sự lành mạnh cả về thể xác lẫn tinh thần. Người định nghĩa: “Ngày nào cũng tập thể dục thì khí huyết lưu thông, tinh thần đầy đủ, như vậy là sức khỏe”(2). Nội dung của định nghĩa này hoàn toàn thống nhất với định nghĩa về sức khỏe của Tổ chức Y tế Thế giới trong Tuyên ngôn Alma Ata năm 1978: Sức khỏe là trạng thái hoàn toàn thoải mái về tâm hồn, về thể xác, về xã hội. Như vậy, trước Tuyên ngôn Alma Ata gần nửa thế kỷ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có một quan niệm rất chính xác về sức khỏe. Khi đưa ra khái niệm này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp cận đến tinh thần mác xít về con người, bản chất của con người vừa là một thực thể tự nhiên, vừa là một thực thể xã hội; vì vậy việc chăm lo sức khỏe cho con người phải bằng cả biện pháp vật chất và biện pháp tinh thần. Theo Người, cần phải làm cho đời sống của dân ta vật chất được đầy đủ hơn, tinh thần được vui mạnh hơn. Trong thư gửi Hội nghị Quân y, Bác Hồ đã nói: “Người thầy thuốc chẳng những có nhiệm vụ cứu chữa bệnh tật mà còn phải nâng đỡ tinh thần những người ốm yếu”(3).

Hồ Chí Minh đánh giá rất cao vai trò của sức khỏe, Người coi sức khỏe của nhân dân là một “vốn quý nhất” có ý nghĩa quyết định đến sự cường thịnh của đất nước và cần phải đặc biệt quan tâm chăm lo chu đáo. Vì vậy, trong tác phẩm “Xây dựng những con người của chủ nghĩa xã hội”, Người khẳng định: “Phải biết quý trọng sức người là vốn quý nhất của ta. Chúng ta cần hết lòng chăm sóc sức khỏe và sử dụng thật hợp lý sức lao động của nhân dân ta”(4). Người nói: “Mỗi một người dân yếu ớt là cả nước yếu ớt, dân cường thì nước mạnh”(5). Trong thời kỳ lãnh đạo dân tộc tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Sức khỏe của cán bộ và nhân dân được đảm bảo thì tinh thần càng hăng hái. Tinh thần và sức khỏe đầy đủ thì kháng chiến càng gần thắng lợi, kiến quốc càng mau thành công”(6).

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến chăm lo sức khỏe cho toàn dân. Người quan tâm đến sức khỏe của tất cả mọi người.

Đối với cán bộ, đảng viên, Người căn dặn “đảng viên và cán bộ cẩn thận giữ gìn sức khoẻ của mình để làm việc”(7).

Đối với thiếu nhi, Người ân cần: “Phải đặc biệt chú ý giữ gìn sức khoẻ của các cháu”(8) và “Các cháu nhi đồng phải ngoan ngoãn, giữ gìn sức khoẻ trong kỳ nghỉ hè để tiếp tục bước vào năm học mới”(9).

Đối với thanh niên, Người khích lệ: “Bác mong các cháu đoàn kết chặt chẽ, dũng cảm lao động và chiến đấu, giữ gìn sức khoẻ, cố gắng học tập, lập nhiều thành tích chống Mỹ, cứu nước, để xứng đáng là thanh niên anh hùng của dân tộc anh hùng”(10).

Đối với phụ nữ, Người nhấn mạnh: “Phải đặc biệt chú ý đến sức lao động phụ nữ. Phụ nữ là đội quân lao động rất đông. Phải giữ gìn sức khoẻ cho phụ nữ để chị em tham gia sản xuất được tốt”(11).

Đối với người cao tuổi, trong “Thư khen trung đội lão dân quân xã H. (Thanh Hoá), Người trân trọng: “Tôi nhiệt liệt mừng chiến công vẻ vang của các cụ. Với lòng yêu nước nồng nàn, chí căm thù địch sâu sắc, các cụ đã nêu cao quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Thật là: Tuổi cao, chí càng cao. Đây là một gương sáng cho đồng bào cả nước tiến lên đưa sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của toàn dân ta đến thắng lợi hoàn toàn. Chúc các cụ khoẻ mạnh, tiếp tục sản xuất tốt, chiến đấu giỏi, lập những chiến công mới”(12). 

Đối với công nhân, Người giải thích: “Nếu công nhân đủ ăn, đủ mặc thì họ mới đủ sức; đủ sức thì làm được việc. Một con ngựa ăn no mới chạy nhanh. Một cái máy đủ dầu mỡ mới quay đều. Người ta cũng thế”(13).

Đối với bộ đội, trong “Bài nói chuyện với đại biểu cán bộ, chiến sĩ Binh chủng Đặc Công”, Người huấn thị: “Cuối cùng, Bác chúc các đồng chí mạnh khoẻ, giữ gìn sức khoẻ và học tập tiến bộ thêm nhiều. Đảng, Bác và Chính phủ chờ thắng lợi, chờ báo cáo thắng lợi của các đồng chí”(14).

Về phần mình, Người tự làm gương, thường xuyên tập thể dục, rèn luyện thể thao, như Người nói: “Tự tôi, ngày nào tôi cũng tập”(15).

Về phương thức chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Theo Người, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân là trách nhiệm của Đảng, của Chính phủ và của cả xã hội. Vì vậy, trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều hướng tình thương yêu và sự quan tâm đặc biệt đến sức khỏe của người dân, Người mong muốn và căn dặn: “Chính sách của Đảng và Chính phủ phải hết sức chăm nom đến đời sống của nhân dân. Nếu dân đói là Đảng và Chính phủ có lỗi, nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi, nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi, nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi”(16). Vì vậy, Người chủ trương phải xây dựng nền y học theo nguyên tắc: khoa học, dân tộc và đại chúng. Trong thư gửi Hội nghị cán bộ y tế năm 1955, Người định hướng: “Xây dựng một nền y học của ta - Trong những năm nước ta bị nô lệ, thì y học cũng như các ngành khác đều bị kìm hãm. Nay, chúng ta đã độc lập, tự do, cán bộ cần giúp đồng bào, giúp Chính phủ xây dựng một nền y tế thích hợp với nhu cầu của nhân dân ta. Y học càng phải dựa trên nguyên tắc: khoa học, dân tộc và đại chúng”(17).

Hồ Chí Minh chỉ ra cách thức tốt nhất và hiệu quả nhất của việc chăm sóc sức khỏe là “phòng bệnh”. Trong bài viết “Vệ sinh yêu nước”, Người cho rằng: “phòng bệnh hơn trị bệnh”(18), cho nên mọi người từ già, trẻ, trai, gái, đã là người dân yêu nước đều phải quan tâm đến vấn đề vệ sinh, giữ gìn sức khoẻ. Theo Người, sạch sẽ là một phần của đời sống mới, sạch sẽ thì dân ít ốm, khoẻ mạnh thì làm được việc, làm được việc thì có ăn. Cho nên, đối với mọi tầng lớp, lứa tuổi, ngành nghề đều phải giữ gìn và nâng cao sức khỏe. Người khuyên các cháu thiếu nhi “Phải siêng tập thể thao cho mình mẩy được nở nang”(19), không những phải yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, học tập tốt, lao động tốt, đoàn kết tốt, kỷ luật tốt, mà còn phải giữ gìn vệ sinh thật tốt.

Theo Người, giữ gìn vệ sinh, chăm sóc sức khỏe là trách nhiệm của mọi người, không phân biệt người giàu, người nghèo, bất luận là giàu hay nghèo đều phải thực hiện thật tốt: “Nếu người giàu không giúp cho dân nghèo ăn ở đúng vệ sinh, đến khi có bệnh dịch thì người giàu cũng khó sống”(20). Đối với vấn đề vệ sinh, để bảo vệ sức khỏe chung cho cộng đồng, cũng có những trường hợp phải cưỡng bách người vi phạm phải tuân theo lợi ích sức khỏe chung, trong tác phẩm “Đời sống mới”, Người viết: “trong làng nhiều ao, nhiều muỗi, thường có đau ốm, người làng biết vậy, ai cũng bằng lòng lấp ao của mình. Chỉ một hai người không chịu theo, để người làng vì muỗi mà đau ốm liên miên. Vì vệ sinh chung, làng có quyền buộc một hai người kia phải lấp ao”(21). Vì thế, những gì liên quan có lợi cho sức khỏe con người, Bác đều biểu dương khen ngợi.

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh, trong điều kiện hiện nay, Đảng ta đã nêu những quan điểm cơ bản trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa 12 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, đó là:

- Sức khoẻ là vốn quý nhất của mỗi người dân và của cả xã hội. Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ là nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi người dân, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, đòi hỏi sự tham gia tích cực của các cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, các ngành, trong đó ngành Y tế là nòng cốt.

- Đầu tư cho bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân là đầu tư cho phát triển. Nhà nước ưu tiên đầu tư ngân sách và có cơ chế, chính sách huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực để bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân; tổ chức cung cấp dịch vụ công, bảo đảm các dịch vụ cơ bản, đồng thời khuyến khích hợp tác công - tư, đầu tư tư nhân, cung cấp các dịch vụ theo yêu cầu.

- Phát triển nền y học Việt Nam khoa học, dân tộc và đại chúng. Xây dựng hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả và hội nhập theo phương châm phòng bệnh hơn chữa bệnh; y tế dự phòng là then chốt, y tế cơ sở là nền tảng; y tế chuyên sâu đồng bộ và cân đối với y tế cộng đồng; gắn kết y học cổ truyền với y học hiện đại, quân y và dân y. Phát triển dược liệu, công nghiệp dược và thiết bị y tế.

- Hướng tới thực hiện bao phủ chăm sóc sức khoẻ và bảo hiểm y tế toàn dân; mọi người dân đều được quản lý, chăm sóc sức khoẻ; được bảo đảm bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong tham gia bảo hiểm y tế và thụ hưởng các dịch vụ y tế. Tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế và có cơ chế giá, cơ chế đồng chi trả nhằm phát triển vững chắc hệ thống y tế cơ sở.

- Nghề y là một nghề đặc biệt. Nhân lực y tế phải đáp ứng yêu cầu chuyên môn và y đức; cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt. Hệ thống mạng lưới y tế phải rộng khắp, gần dân; được chỉ đạo thống nhất, xuyên suốt về chuyên môn, nghiệp vụ theo ngành từ Trung ương tới địa phương trong phạm vi cả nước, đồng thời bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền địa phương.

Những quan điểm trên đây của Đảng ta về công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, đó chính là sự quán triệt, sự tiếp tục những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giai đoạn mới của sự nghiệp cách mạng Việt Nam.

________________________

(1),(2),(15),(19) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nxb CTQG-Sự Thật, HN.2011, tr.241

(3),(7),(13),(20),(21) Sđd, tập 5, tr.487, tr.291, tr.123, tr.114; tr.127

(4),(5) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG-Sự Thật, HN.2011, tập 13, tr.70

(6) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG-Sự Thật, HN.2011, tập 8, tr.154

(8) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG-Sự Thật, HN.2011, tập 10, tr.186

(9) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG-Sự Thật, HN.2011, tập 12, tr.644

(10),(11),(12),(14) Sđd, tập 15, tr.164, tr.259, tr.379, tr.320

(16) (17) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG-Sự Thật, HN.2011, tập 9, tr.518, tr.343-344

(18) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG-Sự Thật, HN.2011, tập 11, tr.487