na
NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)! 
Nghiên cứu trao đổi
MỘT SỐ GIẢI PHÁP NÂNG CAO ĐẠO ĐỨC CÔNG VỤ CHO ĐỘI NGŨ CÁN BỘ, CÔNG CHỨC HIỆN NAY
21/08/2023 02:51:43

ThS. Trần Thị Phượng

Giảng viên khoa Nhà nước và Pháp luật

Đạo đức công vụ bao gồm hệ thống các nguyên tắc, quy tắc hành vi, ứng xử trong công vụ, nhằm điều chỉnh thái độ, hành vi, cách ứng xử, chức trách, bổn phận, nghĩa vụ của cán bộ, công chức trong hoạt động công vụ và những người được ủy quyền thực thi công vụ. Trong quá trình thực thi công vụ, một số nhân tố khách quan và chủ quan đã tác động gây ra tình trạng lệch chuẩn đạo đức công vụ ở một bộ phận cán bộ, công chức, ảnh hưởng tiêu cực đến việc thực thi công vụ làm giảm lòng tin của nhân dân. Để nâng cao đạo đức công vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Một là, tiếp tục thể chế hóa các quy định về đạo đức công vụ

Hiện nay, nước ta chưa luật riêng về đạo đức công vụ. Tuy nhiên, các quy phạm pháp luật về đạo đức công vụ được nhà nước ban hành lồng ghép trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau. Do đó, để đáp ứng yêu cầu về tăng cường xây dựng đạo đức công vụ trong bối cảnh mới hiện nay, cần nghiên cứu xây dựng và ban hành Luật về đạo đức công vụ. Đồng thời, tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hệ thống các chuẩn mực, quy tắc, nguyên tắc, hành vi trong hoạt động công vụ của cán bộ, công chức và đạo đức công vụ đã được quy định ở các văn bản quy phạm pháp luật liên quan,... cần xây dựng hệ thống giá trị chuẩn mực đạo đức công vụ riêng cho từng ngành nghề, cho từng vị trí, chức vụ bên cạnh hệ thống tiêu chí chung, nhất là cần quy định rõ chế độ trách nhiệm của người đứng đầu. Hệ thống các chuẩn mực, tiêu chí đạo đức cần cụ thể, rõ ràng, phù hợp với yêu cầu đặc thù của từng ngành nghề, từng nhóm vị trí việc làm, đề cập toàn diện cả “đức” và “tài”, đồng thời xây dựng hệ thống chế tài phù hợp, kết hợp giữa tác động của dư luận xã hội, giáo dục, thuyết phục, răn đe với các biện pháp cưỡng chế của Nhà nước. Qua đó sẽ tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động giám sát việc thực thi đạo đức công vụ của cán bộ, công chức.

Hai là, đổi mới công tác tuyển dụng, sử dụng và đánh giá cán bộ, công chức

Đổi mới công tác tuyển dụng, sử dụng và đánh giá cán bộ, công chức về hình thức, phương pháp, quy trình thực hiện để đảm bảo được cả hai tiêu chí “đức” và “tài”, trong đó “đạo đức công vụ” là gốc. Khi cán bộ, công chức được tuyển dụng, sử dụng “đúng người, đúng việc”, được đánh giá đúng, kịp thời thì sẽ phát huy tối đa năng lực làm việc, sự cống hiến của cán bộ, công chức từ đó sẽ hình thành ý thức tự nguyện, tự giác thực hiện đạo đức công vụ. Thực hiện nghiêm túc, đồng bộ cơ chế đánh giá cán bộ, công chức theo hướng đa chiều, toàn diện, liên tục, lấy phẩm chất chính trị, đạo đức làm gốc, dựa trên chất lượng, hiệu quả công việc.

Ba, tăng cường tuyên truyền, giáo dục, bồi dưỡng về đạo đức công vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức

Các cơ quan nhà nước cần tăng cường tuyên truyền phổ biến các văn bản về đạo đức công vụ, mở lớp các lớp tập huấn về đạo đức công vụ, văn hóa công vụ, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng tiếp với công dân,… cho đội ngũ cán bộ, công chức. Tăng cường công tác giáo dục tư tưởng chính trị đạo đức, lối sống đối với cán bộ, công chức, kịp thời chỉnh đốn, uốn nắn những lệch lạc trong tư tưởng, đạo đức và hành động của cán bộ, công chức. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chăn đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa” trong nội bộ”. Nêu cao tinh thần tu dưỡng, tự sửa, tự trau dồi đạo đức của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu. Thông qua học tập, rèn luyện và thực tiễn thực thi công vụ để cán bộ, công chức tự bồi dưỡng, tự rèn luyện nâng cao đạo đức công vụ.

Bốn, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động thực thi công vụ của cán bộ, công chức

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với hoạt động công vụ bằng nhiều hình thức khác nhau như: kiểm tra, thanh tra công vụ định kỳ và đột xuất, lấy ý kiến nhân dân qua hòm thư góp ý, qua phiếu điều tra, khảo sát, qua nút bấm hài lòng, qua đường dây nóng,... Phải lấy sự hài lòng của nhân dân trong giải quyết công việc với cơ quan nhà nước làm thước đo, làm tiêu chí đánh giá chất lượng thực thi công vụ để từ đó nâng cao đạo đức và trách nhiệm của cán bộ, công chức. Thông qua kiểm tra, giám sát, lãnh đạo nắm bắt được đạo đức công vụ được thực hiện thế nào, hiệu quả ra sao, còn hạn chế những gì nhằm bổ sung, sửa đổi, ngăn chặn các nội dung sai lệch với việc thực hiện đạo đức công vụ. Xây dựng và thực hiện cơ chế giám sát của Nhân dân đối với việc thực hiện đạo đức công vụ nhằm nêu cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức và bảo đảm thực hiện quyền làm chủ của Nhân dân.

Năm là, xử lý nghiêm minh đối với cán bộ, công chức vi phạm đạo đức công vụ

Cần xử lý nghiêm, kịp thời, công khai những trường hợp vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức trong thực thi công vụ, kiên quyết đưa ra khỏi bộ máy những người suy thoái về phẩm chất đạo đức, yếu kém về năng lực công tác, không đáp ứng yêu cầu công việc và không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân.

Để nâng cao đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức thì đòi hỏi các cơ quan nhà nước phải xử lý nghiêm minh đối với những cá nhân vi phạm các quy định về đạo đức công vụ. Cơ quan nhà nước cần nghiên cứu hoàn thiện các quy định về xử lý đối với đội ngũ công chức vi phạm các chuẩn mực đạo đức công vụ. Để xử lý nghiêm minh thì cần tránh tâm lý “cả nể”, “ngại va chạm” hay xử lý mang tính hình thức. Việc xử lý cần cụ thể, rõ ràng và kịp thời. Các cơ quan nhà nước ở các cấp cần đẩy mạnh việc thực hiện công cuộc phòng, chống tham nhũng mà Đảng và Nhà nước ta đang phát động và thực hiện.

Sáu là, xây dựng hệ thống tiền lương, chế độ, chính sách đãi ngộ thỏa đáng đối với cán bộ, công chức

Xây dựng thống tiền lương, chế độ, chính sách đãi ngộ đối với cán bộ, công chức bảo đảm trả đúng sức lao động và giá trị cống hiến của cán bộ, công chức, tạo động lực thực thi công vụ ngày càng tốt hơn, nâng cao chất lượng cuộc sống cho cán bộ, công chức; xây dựng các chế độ, chính sách khen thưởng thích đáng về vật chất và tinh thần đối với cán bộ, công chức để họ làm việc có trách nhiệm, hiệu quả và thực hiện tốt các quy định về đạo đức công vụ.

Trong bối cảnh đất nước hội nhập sâu rộng, trách nhiệm xây dựng một nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, có năng lực kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ nhân dân, trên cơ sở những quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu của công cuộc xây dựng, phát triển đất nước thì đạo đức công vụ của cán bộ, công chức cần được chuẩn mực trở thành bắt buộc mang tính nguyên tắc dựa trên pháp luật. Và việc nâng cao đạo đức công vụ của cán bộ, công chức phải coi vừa là nhiệm vụ cấp bách trước mắt, vừa là nhiệm vụ lâu dài của cả hệ thống chính trị./.