Ngày 13/11/2018, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Quy định số 09-QĐi/TW về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; trên cơ sở quy định số 09, căn cứ tình hình thực tế, ngày 31/12/2019 Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương đã ban hành Quy định số 1101-QĐi/TU về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trường chính trị tỉnh Hải Dương.
Theo quy định trên, trường chính trị tỉnh Hải Dương có chức năng tổ chức bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp cơ sở, cán bộ, công chức, viên chức ở địa phương về lý luận chính trị; chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kiến thức và chuyên môn, nghiệp vụ về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; kiến thức về một số lĩnh vực khác.
Có nhiệm vụ bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của Đảng, chính quyền, các đoàn thể chính trị - xã hội cấp cơ sở; trưởng, phó phòng, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội cấp huyện và tương đương; trưởng, phó phòng của sở, ban, ngành, các đoàn thể chính trị - xã hội cấp tỉnh và tương đương; cán bộ được quy hoạch vào các chức danh trên; cán bộ, công chức, viên chức cấp cơ sở và một số đối tượng khác về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kiến thức về một số lĩnh vực khác; Bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước cho các chức danh lãnh đạo, quản lý cấp phòng và tương đương; kiến thức quản lý nhà nước theo tiêu chuẩn ngạch cán sự và tương đương, ngạch chuyên viên và tương đương, ngạch chuyên viên chính và tương đương. Bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng, chuyên môn, nghiệp vụ cho các chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý; cán bộ chuyên môn, nghiệp vụ của các tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể chính trị - xã hội cấp cơ sở. Bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã, cấp huyện và bồi dưỡng các chương trình khác do cấp có thẩm quyền giao.
Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, vào tháng 8 hằng năm nhà trường ban hành văn bản tiến hành khảo sát nhu cầu bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức gửi các địa phương, đơn vị, các sở, ban, ngành đoàn thể trong tỉnh. Trên cơ sở nhu cầu của các đơn vị, nhà trường xây dựng kế hoạch bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trình Hội đồng điều hành công tác đào tạo, bồi dưỡng và phát triển toàn diện nguồn nhân lực tỉnh Hải Dương giai đoạn 2020 - 2025.
Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, những năm qua, công tác bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức tại Trường Chính trị tỉnh Hải Dương đã đạt được những kết quả đáng trân trọng. Tuy nhiên, quá trình triển khai, tổ chức thực hiện cũng bộc lộ một số khó khăn, hạn chế, cần có giải pháp khắc phục.
Trước hết, về kết quả đạt được:
- Về quán triệt các văn bản:
Để thực hiện tốt công tác bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, nhà trường đã quán triệt và triển khai kịp thời, đầy đủ các văn bản của Chính phủ, Bộ Nội vụ, của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Hành chính liên quan đến công tác bồi dưỡng.
- Về tổ chức triển khai thực hiện:
+ Về xây dựng kế hoạch:
Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, căn cứ nội dung chương trình và khả năng đáp ứng, nhà trường đã xây dựng kế hoạch bồi dưỡng trong từng năm để trình Hội đồng điều hành công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh. Trong đó, xác định các chương trình, đối tượng, nội dung, số lượng lớp, thời gian mở lớp, địa điểm, giảng viên, báo cáo viên, đơn vị phối hợp mở lớp, kinh phí,… Sau đó, Hội đồng điều hành công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh trình Uỷ ban nhân dân tỉnh. Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ xem xét và phê duyệt, ban hành Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh. Từ đó, nhà trường xây dựng kế hoạch để thực hiện đối với từng loại lớp.
Việc xây dựng nội dung chương trình: chủ yếu thực hiện theo quy định của Bộ Nội vụ và Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Chỉ riêng chương trình bồi dưỡng cán bộ Mặt trận tổ quốc và đoàn thể chính trị - xã hội cấp cơ sở, nhà trường thống nhất với các đơn vị phối hợp, theo hướng, có cả phần cập nhật kiến thức và phần kỹ năng.
- Về tổ chức giảng dạy
Để triển khai giảng dạy, nhà trường đã phân công giảng viên tham gia các chương trình bồi dưỡng trên cơ sở chuyên ngành được đào tạo, các đồng chí đang giảng dạy chương trình Trung cấp Lý luận Chính trị có nội dung gần với chuyên đề của chương trình bồi dưỡng, đồng thời, tùy theo đối tượng người học, lựa chọn giảng viên tham gia giảng dạy cho phù hợp. Nhà trường yêu cầu giảng viên cập nhật kiến thức, gắn lý luận với thực tiễn, nâng cao kỹ năng cho học viên, đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng lấy người học làm trung tâm, đồng thời, tích cực ứng dụng các công nghệ hiện đại, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy.
Tại một số lớp học, nhà trường đã mời các đồng chí lãnh đạo Sở, ban, ngành, đoàn thể phối hợp với nhà trường thảo luận và giải đáp các vấn đề mà học viên quan tâm hoặc những khó khăn, vướng mắc trong quá trình học viên thực hiện nhiệm vụ. Từ đó, tạo hứng thú cho học viên và nâng cao chất lượng bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của nhà trường.
- Về quản lý, đánh giá học viên:
Đối với công tác quản lý lớp: ngay trong kế hoạch mở lớp đã xác định Ban quản lý lớp học. Trong đó, thành phần Ban quản lý có cả của nhà trường và cả đơn vị phối hợp (nếu có). Ban quản lý lớp có nhiệm vụ duy trì tổ chức lớp học từ đầu đến cuối, nắm bắt tình hình lớp học và phản ánh kịp thời những vấn đề phát sinh trong quá trình diễn ra lớp học, báo cáo với Ban Giám hiệu nhà trường để có phương án giải quyết.
Nhà trường đã bám sát các quy định của Bộ Nội vụ và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trong công tác đánh giá học viên. Tập trung vào việc đánh giá qua các bài kiểm tra, qua phiếu đánh giá của học viên. Việc bình xét, khen thưởng học viên được thực hiện đảm bảo nghiêm túc, công bằng, khách quan và đúng quy định.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, nhà trường cũng gặp một số khó khăn, hạn chế như:
- Thứ nhất, trong xây dựng kế hoạch bồi dưỡng để trình hội đồng điều hành công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, nhà trường đã dự vào kinh nghiệm và khảo sát nhu cầu bồi dưỡng của các huyện, thị, thành phố; các sở, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh. Tuy nhiên, một số lớp, nhà trường phối hợp với các đơn vị trong tỉnh, nên bị phụ thuộc khá lớn trong việc thống nhất nội dung bồi dưỡng, chiêu sinh, lựa chọn thời gian mở lớp,…
- Thứ hai, một số chương trình bồi dưỡng do cấp có thẩm quyền gia, Học viện Chính trị quốc gia và Học viện hành chính chưa có tài liệu hoặc có tài liệu nhưng còn chung chung, nên giảng viên giảng dạy còn gặp những khó khăn nhất định trong việc tìm, nghiên cứu tài liệu, biên soạn tài liệu, soạn giảng.
- Thứ ba, một số giảng viên chưa tham gia được nhiều các chương trình bồi dưỡng, sẽ khó khăn để đảm bảo định mức giờ giảng, khi số lượng học viên học lớp Trung cấp Lý luận chính trị có xu hướng giảm.
- Thứ tư, trong thực hiện chương trình bồi dưỡng ngạch chuyên viên, chuyên viên chính, lãnh đạo, quản lý cấp phòng, nhà trường phải cạnh tranh với một số cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ngoài tỉnh, đã gây khó khăn cho nhà trường trong quá trình tuyển sinh và thực hiện kế hoạch được giao.
- Thứ năm, chế độ chính sách đối với học viên: Theo thông tư 36/2018 của Bộ tài chính, nguồn kinh phí chi trả cho học viên do cơ sở cử người đi học chi trả, điều này cũng gây khó khăn cho học viên (trước đây, kinh phí này cấp cho nhà trường chi trả, thuận tiện hơn cho người học).
Từ thực trạng trên, trong thời gian tới, để thực hiện tốt hơn nữa công tác bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức tại trường chính trị tỉnh Hải Dương, theo tôi cần thực hiện một số giải pháp cơ bản sau sau:
- Một là, Nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng và chính quyền, nhất là chính quyền cơ sở về công tác bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. Đây là công việc thường xuyên, vừa nhằm cập nhật kiến thức, vừa nâng cao kỹ năng, phương pháp thực hiện nhiệm vụ cho cán bộ, công chức, viên chức, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của vị trí việc làm, trong thời đại công nghệ số hiện nay.
Trang bị kiến thức, kỹ năng, phương pháp thực hiện nhiệm vụ trong hoạt động công vụ của cán bộ, công chức và hoạt động nghề nghiệp của viên chức, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, có phẩm chất đạo đức tốt, có bản lĩnh chính trị và năng lực, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân, sự nghiệp phát triển của đất nước.
- Hai là, Hàng năm, vào khoảng tháng 8, nhà trường cần khảo sát nhu cầu bồi dưỡng của các huyện, thị xã, thành phố, các sở, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh, căn cứ vào khả năng đáp ứng của nhà trường để xây dựng kế hoạch bồi dưỡng cho phù hợp.
- Ba là, Thường xuyên chăm lo, xây dựng đội ngũ giảng viên, giảng viên kiêm nhiệm, giảng viên thỉnh giảng, đảm bảo mọi giảng viên đều có thể tham gia giảng dạy chương trình bồi dưỡng của nhà trường. Đồng thời, tham mưu với Tỉnh ủy thành lập đội ngũ giảng viên thỉnh giảng, có quy chế hoạt động cụ thể, để đảm bảo tính chủ động cho nhà trường trong việc sắp xếp lịch giảng.
- Bốn là, Hằng năm, nhà trường cần tổ chức hội nghị tổng kết công tác phối hợp đào tạo, bồi dưỡng nhằm đánh giá, rút kinh nghiệm và định hướng cho năm tiếp theo. Thường xuyên phối hợp tốt với Ban Tổ chức Tỉnh uỷ, Ban Tuyên giáo, Sở Nội vụ; với các huyện ủy, thành ủy, thị ủy để tham mưu xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ kịp thời, hiệu quả.
- Năm là, Tham mưu với Tỉnh ủy chỉ đạo các cơ quan chuyên môn ban hành chính sách, chế độ cho học viên, nhất là cán bộ không chuyên trách tham gia học tập các lớp bồi dưỡng./.
ThS. Lê Văn Thủy, Trưởng khoa Xây dựng đảng