na
NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)! 
Nghiên cứu trao đổi
Tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng cộng sản Việt Nam về vai trò của phụ nữ; vận dụng vào thực tế vai trò của phụ nữ Trường Chính trị Tỉnh Hải Dương.
18/10/2021 08:45:15

Người viết: Nguyễn Thị Mai

Khoa Xây dựng Đảng

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm, đánh giá rất cao vị trí, vai trò của phụ nữ và sự nghiệp giải phóng phụ nữ. Vì vậy, Người đặc biệt nhấn mạnh đến việc phải chăm lo để phụ nữ phát triển một cách toàn diện, đồng thời chăm lo xây dựng tổ chức Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thực sự là nơi đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp nhân dân.

Hơn ai hết, Người hiểu rõ rằng: Trong xã hội, người phụ nữ bị áp bức, chịu đau khổ và thiệt thòi nhiều nhất. Dưới chế độ phong kiến, người phụ nữ không được coi trọng “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”. Trong khi đó, phụ nữ là lực lượng quan trọng của cách mạng, sẵn sàng hy sinh cho sự nghiệp cách mạng. Người phụ nữ còn có chức năng đặc biệt: tái sản xuất sức lao động cho xã hội, thực hiện thiên chức làm vợ, làm mẹ trong gia đình. Người viết: “Phụ nữ ta chẳng tầm thường/ Đánh Đông, dẹp Bắc, làm gương để đời”.

Theo Hồ Chí Minh, trình độ phụ nữ là thước đo trình độ phát triển của xã hội. Vì vậy, phải tạo cho phụ nữ được bình đẳng cả về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Trong Chính cương vắn tắt của Đảng do Hồ Chí Minh soạn thảo được thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng cộng sản Việt Nam (1930), Người chủ trương “làm tư sản dân quyền cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”, theo đó về xã hội thì thực hiện “nam nữ bình quyền”.[1]

Phụ nữ luôn là lực lượng hết sức to lớn, chiếm một nửa dân số nên Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận ra từ rất sớm vai trò quan trọng của các tầng lớp phụ nữ: “Nói phụ nữ là nói phần nửa xã hội. Nếu không giải phóng phụ nữ thì không giải phóng một nửa loài người. Nếu không giải phóng phụ nữ là xây dựng chủ nghĩa xã hội chỉ một nửa”.[2] Điều đó cũng có nghĩa là nếu không giải phóng phụ nữ thì cũng không hoàn thành xây dựng chủ nghĩa xã hội. Cho nên phải gắn sự nghiệp giải phóng phụ nữ với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Trong thư gửi phụ nữ nhân kỷ niệm chiến thắng Hai Bà Trưng và Quốc tế phụ nữ ngày 8-3-1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định những đóng góp to lớn của phụ nữ Việt Nam: “Non sông gấm vóc nước Việt Nam ta do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”.[3]

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định phụ nữ Việt Nam có vai trò rất quan trọng trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, từ học tập, công tác, lao động, sản xuất, chiến đấu đến chăm sóc, nuôi dậy con cái, chăm lo xây dựng gia đình hạnh phúc. Người đã khẳng định ở lĩnh vực nào phụ nữ cũng làm tốt với rất nhiều tấm gương tiêu biểu, nhiều chị em phụ nữ đảm nhận nhiều trọng trách từ Trung ương đến địa phương. Hồ Chí Minh đã tặng phụ nữ Việt Nam 8 chữ vàng: “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”. Tám chữ vàng đó đã nói lên tất cả phẩm chất cao quý, vai trò của người phụ nữ Việt Nam.

Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng kể từ khi thành lập Đảng đến nay, Đảng luôn nhận thức đúng đắn, sâu sắc về vai trò của phụ nữ và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Ngày 27-4-2007, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TW về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nghị quyết đã nhấn mạnh đến một số nội dung cụ thể đó là:

Thứ nhất, làm tốt vai trò nòng cốt tham mưu và thực hiện các giải pháp cần thiết để nâng cao nhận thức cho phụ nữ về bình đẳng giới, khắc phục tu tưởng tự ti, an phận, níu kéo nhau, nêu cao tinh thần tự chủ, đoàn kết, vượt khó vươn lên để không ngừng tiến bộ, đóng góp ngày càng nhiều cho gia đình, xã hội.

Thứ hai, chủ động tham gia vào quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, chương trình, dự án phát triển của quốc gia, bộ, ngành, địa phương.

Thứ ba, phối hợp cùng ban ngành, đoàn thể vận động, hướng dẫn phụ nữ phấn đấu rèn luyện theo các tiêu chí: có sức khỏe, tri thức, kỹ năng nghề nghiệp, năng động, sáng tạo, có lối sống văn hóa, có lòng nhân hậu…

Ngày 20-1-2018, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 21- CT/TW “về việc tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới” đã yêu cầu: Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam các cấp phát huy vai trò nòng cốt trong công tác phụ nữ; tinh gọn tổ chức bộ máy gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng thiết thực, chuyên nghiệp, đa dạng hóa hình thức tập hợp, hướng về cơ sở. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ hội có đủ phẩm chất, năng lực, sáng tạo, tâm huyết, trách nhiệm, giỏi vận động phụ nữ, tích cực tạo nguồn cán bộ nữ cho hệ thống chính trị.

Đại hội XIII của Đảng cũng nhận định: “Phát huy truyền thống, tiềm năng, thế mạnh và tinh thần làm chủ, khát vọng vươn lên của các tầng lớp phụ nữ. Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ đáp ứng với yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Tăng cường các chương trình phát triển, hỗ trợ cập nhật tri thức, kỹ năng cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Hoàn thiện và thực hiện tốt luật pháp, chính sách liên quan đến phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới. Kiên quyết xử lý nghiêm theo pháp luật các tệ nạn xã hội, các hành vi bạo lực, mua bán, xâm hại phụ nữ, trẻ em”.

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng vào thực tiễn vai trò của phụ nữ trường Chính trị Tỉnh Hải Dương, những năm qua đã ghi nhận những kết quả to lớn đó là:

Hiện nay tập thể nhà trường có 36 đồng chí nữ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Trình độ chuyên môn: Tiến sĩ:01 đồng chí, Thạc sĩ: 28 đồng chí , Cử nhân 11 đồng chí, hiện có 01 đồng chí đang học nghiên cứu sinh. Trình độ chính trị: Cử nhân, cao cấp và tương đương: 11 đồng chí, trung cấp 25 đồng chí.Cán bộ nữ là lãnh đạo, quản lý: 11 đồng chí.

Trong những năm qua, Ban nữ công có nhiều thuận lợi như: luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám hiệu, Ban chấp hành Công đoàn nhà trường.Đa số các đồng chí đều có tinh thần trách nhiệm cao, có ý thức vươn lên, giúp đỡ nhau trong hoạt động chuyên môn, chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống.Đội ngũ cán bộ nữ công nhiệt tình, có tinh thần trách nhiệm, có nhiều cố gắng trong công tác không ngại khó, ngại khổ luôn nhiệt tình, hăng say với công việc được giao.Các chế độ chính sách của nhà trường được thực hiện đúng quy định.

Với những thuận lợi trên Ban nữ công nhà trường thường xuyên vận động chị em tham gia tốt các đợt học tập chính trị, Nghị quyết nhất là Nghị quyết Đại hội Đảng Khóa XII, XIII, Nghị quyết đại hội XVI Đảng bộ tỉnh Hải Dương, vận động chị em tích cực hưởng ứng các cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” bằng cách đăng ký những việc làm cụ thể hàng tháng để thực hiện, có đánh giá kết quả cụ thể.            Đồng thời Ban nữ công đã vận động 100% chị em thực hiện tốt phong trào thi đua Hai giỏi “ Giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Thường xuyên kết hợp với BCH Công đoàn tổ chức tốt các hoạt động tham quan thực tế, các phong trào văn nghệ thể dục thể thao chào mừng các ngày lễ lớn trong năm. Tham gia thực hiện chế độ chính sách của đoàn viên lao động nữ, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho chị em: các chế độ chính sách cho lao động nữ được thực hiện đầy đủ như: các chế độ cho cán bộ đi học, các chế độ hỗ trợ giờ giảng đối với chị em có con nhỏ, tạo điều kiện để chị em hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Đối với công tác giảng dạy, phục vụ của nhà trường luôn được đề cao. Trong những năm qua, giảng viên nữ nhà trường đã tham gia tích cực các cuộc thi như: Hội thi giảng viên giảng dạy lý luận chính trị do Học viện chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức, tích cực tham gia cuộc thi tìm hiểu về Bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND do công đoàn viên chức phát động.

Để hoàn thành những nhiệm vụ đã đề ra Ban nữ công đã xác định mục tiêu đó là: thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao giác ngộ và bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn và nghề nghiệp của nữ công. Thường xuyên chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, lợi ích hợp pháp chính đáng cho cán bộ nữ. Đồng thời đưa ra những giải pháp cơ bản nhằm phát huy vai trò của phụ nữ trường Chính trị như: Tích cực học tập và thực hiện tốt các Nghị quyết của Đảng, tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh, gắn với việc làm cụ thể, thiết thực. Thực hiện tốt Nghị quyết 6b/ NQ- TLĐ ngày 29/01/2011 của Ban chấp hành Tổng liên đoàn lao động Việt Nam về “Công tác vận động nữ công nhân viên chức, lao động thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, tập trung các hoạt động tuyên truyền về chiến lược dân số, kế hoạch hóa gia đình và sức khỏe sinh sản cho nữ cán bộ, giảng viên, chuyên viên và nhân viên.Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ về kiến thức và thực tiễn để đáp ứng được những yêu cầu và nhiệm vụ chuyên môn nhà trường giao cho.Tiếp tục thực hiện phong trào thi đua hai giỏi “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” gắn với phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”. Đẩy mạnh việc chấp hành các chế độ chính sách, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng cho cán bộ nữ.

Tài liệu tham khảo

1. Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị quốc gia Sự thật, H.2011

2. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, XII,XIII của Đảng 


[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H.2011, t3,tr.1.

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H.2011, t12,tr.300

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H.2011, t7,tr.340