ThS. Nguyễn Thị Nga - Khoa: Lý luận cơ sở
Ngay khi ra đời, Đảng
ta sớm xác định nam nữ bình quyền là một trong 10 nhiệm vụ cốt yếu của cách mạng
Việt Nam. Từ đó đến nay, Đảng luôn đề cao vai trò của phụ nữ và đã ban hành nhiều
nghị quyết chuyên đề về công tác phụ nữ. Quan điểm của Đảng ta về phụ nữ tham
chính cũng được thể hiện rõ qua các văn bản quy phạm pháp luật về công tác cán
bộ nữ của qua các thời kỳ. Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27/4/2007 của Bộ Chính
trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước
đã nhấn mạnh: xây dựng, phát triển vững chắc đội ngũ cán bộ nữ tương xứng với
vai trò to lớn của phụ nữ là yêu cầu khách quan, là nội dung quan trọng trong
chiến lược công tác cán bộ của Đảng.
Tại tỉnh Hải Dương, trong những năm qua,
cùng với sự nỗ lực, quyết tâm của các cấp, các ngành và cộng đồng xã hội, công
tác thúc đẩy bình đẳng giới đã đạt được nhiều kết quả. Đặc biệt, việc thúc đẩy
bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị được coi là một trong những nhiệm vụ trọng
tâm tại kế hoạch thực hiện Chương trình quốc gia về bình đẳng giới
và hoạt động vì sự tiến bộ phụ nữ trên địa bàn tỉnh.
Về bình đẳng giới trong các cấp ủy đảng, tỷ
lệ nữ tham gia các cấp ủy Đảng nhiệm kỳ
2010-2015 đạt 14,56%, tỷ lệ nữ tham gia các cấp ủy Đảng nhiệm kỳ 2015-2020 đạt
tỷ lệ 14,41% (cấp tỉnh đạt tỷ lệ 14,54%, cấp huyện đạt 13,08%, cấp cơ sở đạt
15,61%). Trong các cơ quan dân cử, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ
2011-2016 đạt 22,2%, nhiệm kỳ 2016-2021 đạt 33,3%. Tỷ lệ nữ Hội đồng nhân dân
các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 đạt 22,17%, nhiệm kỳ 2016-2021 đạt 26,24% (đại biểu
HĐND cấp tỉnh: tổng số đại biểu là 64 trong đó đại biểu nữ là 17 đạt 26,56% tăng 6,25% so với nhiệm kỳ
trước; đại biểu HĐND cấp huyện: tổng số đại biểu là 433 trong đó đại biểu nữ là
118 đạt tỷ lệ 27,25% tăng 3,02% so với nhiệm kỳ trước; đại biểu HĐND cấp cơ sở:
tổng số đại biểu là 6656 trong đó tỷ lệ nữ là 1658 đạt tỷ lệ 24,91% tăng 2,22%
so với nhiệm kỳ trước). Thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát các cơ quan, tổ
chức trong việc bảo đảm bình đẳng giới trong quá trình bầu cử. Trong bộ máy hành chính nhà nước, tính đến
tháng 11/2020 có 11/19 sở, ngành có cán bộ lãnh đạo chủ chốt là nữ đạt tỷ lệ 57,89%,
01/12 UBND cấp huyện có cán bộ lãnh đạo chủ chốt là nữ đạt tỷ lệ 8,33%, 15/265
UBND cấp xã có cán bộ lãnh đạo chủ chốt là nữ đạt tỷ lệ 5,66%. Giai đoạn 2015-2020,
số cơ quan nhà nước có 30% nữ trở lên ở
cấp tỉnh là 14 cơ quan, trong đó, tổng số cơ quan có 30% nữ trở lên có cán bộ
chủ chốt là nữ có 6 cơ quan, đạt tỷ lệ 42,8%. Công tác tuyển dụng, tiếp nhận
công chức, viên chức cán cơ quan, đơn vị của tỉnh trong những năm qua đảm bảo
dân chủ, công khai, bình đẳng giới. Tỷ lệ nữ trúng tuyền tại các kỳ thi thi tuyển
công chức, viên chức khá cao, qua đó tỷ lệ nữ công chức, viên chức ngày càng
cao (công chức: 29,9%; viên chức: 78,3%).
Công tác quy hoạch cán bộ nữ tham gia cấp ủy các chức
danh lãnh đạo, quản lý các cấp được các cấp ủy quan tâm chỉ đạo. Tỷ lệ nữ được
quy hoạch nhiệm kỳ sau cao hơn nhiệm kỳ trước. Ở hầu hết các cơ quan, đơn vị cấp
tỉnh đều có cán bộ nữ được quy hoạch các chức danh lãnh đạo chủ chốt của cơ
quan, đơn vị. Trước yêu cầu về chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, cấp ủy Đảng đã quan
tâm thiết thực tới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nói chung, cán bộ nữ nói
riêng. Do vậy, cán bộ nữ ngày càng có cơ hội thuận lợi để tham gia học tập,
nghiên cứu nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý và năng lực chuyên môn. Hàng
năm, các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể đều xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng,
cấp nhật kiến thức mới gắn với quy hoạch và sử dụng cán bộ.
Công tác bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử và luân chuyển
cán bộ nữ: khi xem xét kiện toàn cấp ủy, các chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý
còn khuyết thiếu, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các cấp ủy trực thuộc Tỉnh ủy đã chú ý
đến cơ cấu cán bộ nữ tham gia cấp ủy, tham gia tập thể lãnh đạo, quản lý ở các
cơ quan đơn vị, nhất là ở những nơi có đông cán bộ nữ. Trên cơ sở đó đã rà
soát, lựa chọn nguồn nhân sự là cán bộ nữ để xem xét, bổ nhiệm, giới thiệu ứng
cử, luân chuyển vào vị trí chức danh khuyết.
Đặc biệt, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ của tỉnh đã xây dựng
kế hoạch truyền thông về bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị hướng tới Đại
hội Đảng các cấp và bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp. Sở Thông
tin và truyền thông, sở Lao động, thương binh và xã hội đã đẩy mạnh công tác
truyền thông về giới, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ nữ cán bộ lãnh đạo,
quản lý.
Công tác thành tra, kiểm tra tình hình thực hiện các
quy định của pháp luật về bình đẳng giới, trước hết là quy định về độ tuổi đào
tạo, bồi dưỡng, đề bạt, bổ nhiệm được tăng cường.
Như vậy, có thể thấy rằng, những năm qua việc thúc đẩy
bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị tại tỉnh Hải Dương đã được quan tâm và
có được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, qua hệ thống các số liệu trên cũng
thấy được công tác cán bộ nữ và xây dựng đội ngũ cán bộ nữ còn gặp nhiều khó
khăn. Tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy, lãnh đạo, quản lý các cấp còn thấp chưa
đạt yêu cầu, chỉ tiêu đề ra và có xu hướng giảm ở một số lĩnh vực. Tỷ lệ cán bộ
nữ được đào tạo, bồi dưỡng còn thấp. Một số cấp ủy và người đứng đầu chưa thực
sự quan tâm lãnh đạo xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ nữ và công tác cán bộ
nữ. Đội ngũ cán bộ nữ còn tư tưởng an phận, tâm lý tự ti, ngại thay đổi… Tỷ lệ
nữ tham gia trong các cơ quan dân cử, cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức
chính trị - xã hội còn thấp. Nhiều địa phương chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng
của bình đẳng giới đối với sự phát triển nên còn hạn chế. Lồng ghép giới chưa
trở thành một thiết chế mà còn phụ thuộc vào quan điểm giới của các nhà lãnh đạo,
quản lý nên việc triển khai chưa đồng bộ. Các hoạt động truyền thông bình đằng
giới tại các cơ quan, đơn vị chưa thường xuyên mà thường được tổ chức gắn với
các ngày kỷ niệm 8/3 và 20/10.
Từ thực trạng trên, trong thời gian tới, để tiếp tục đẩy
mạnh bình đẳng giới nói chung, bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị nói
riêng trên địa bàn tỉnh Hải Dương, cần tập trung một số giải pháp sau đây:
- Tiếp tục nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cả hệ
thống chính trị và toàn thể nhân dân về bình đẳng giới và vấn đề bình đẳng giới
trong công tác cán bộ. Hiện nay, tình trạng “trọng nam khinh nữ” vẫn đang là một
hệ lụy tư tưởng lớn, không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi của nữ giới mà còn hạn
chế sự phát triển của xã hội. Chỉ khi thay đổi được nhận thức, xóa bỏ định kiến
về giới thì mới thay đổi được cách hành xử. Chính vì vậy, cả nam và nữ đều phải
thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến phân biệt giới. Cần đẩy mạnh hơn nữa công
tác tuyên truyền về bình đẳng giới, tiến đến xóa bỏ dần những phong tục, tập
quán lạc hậu, lỗi thời có mang định kiến về giới. Thường xuyên tổ chức các buổi
tọa đàm, sinh hoạt, nói chuyện về bình đẳng giới trong các cơ quan, đơn vị.
- Chú trọng công tác quy hoạch cán bộ nữ trong quy hoạch
tổng thể về cán bộ theo tinh thần các Nghị quyết của Đảng. Đối với các chức
danh lãnh đạo, quản lý và xây dựng quy hoạch các chức danh trên, ở mọi lĩnh vực,
từ tỉnh tới cơ sở phải có tỷ lệ cán bộ nữ hợp lý. Xây dựng quy hoạch cần phải gắn
với kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng và đề bạt cán bộ nữ.
- Thực hiện tốt công tác nguồn cán bộ nữ phải được chú trọng
và đặt trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực của quốc gia đảm bảo tỷ lệ nữ
được tuyển dụng vào các cơ quan, ban, ngành theo quy định, tăng cường công tác
phát hiện, bồi dưỡng tài năng nữ từ sớm.
- Tiếp tục xây dựng, bổ sung, hoàn thiện chính sách nhằm
tạo điều kiện phát triển đội ngũ cán bộ nữ, có chính sách ưu tiên, khuyến
khích, tạo điều kiện để tăng tỷ lệ nữ cán bộ được đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao
về chuyên môn nghiệp vụ, về lý luận chính trị, ngoại ngữ, tin học để đáp ứng
yêu cầu của công tác cán bộ thời kỳ mới. Đề xuất với Ủy
ban Quốc gia Vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam tiếp tục quan tâm mở các lớp tập huấn nâng cao năng lực
cho cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý các cấp.
- Xây dựng cơ chế đảm bảo thực hiện có hiệu quả công tác
cán bộ nữ. Tăng cường sự lãnh đạo toàn diện của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối
với công tác cán bộ nữ.
Có thể thấy rằng, bình đẳng giới là vấn đề luôn được Đảng
và Nhà nước dành sự ưu tiên đặc biệt. Đây không phải là vấn đề bên lề mà chính
là cốt lõi trong phát triển bền vững. Điều đó đòi hỏi phải có cái nhìn toàn diện,
đánh giá đúng vai trò của giới, đặc biệt là nữ giới trong lĩnh vực chính trị và
có những giải pháp đồng bộ thúc đẩy bình đẳng giới nói chung, bình đẳng giới
trong lĩnh vực chính trị nói riêng góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại
hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. Tuy nhiên, cũng cần nhấn mạnh rằng: để thúc đẩy
bình đẳng giới không phải một sớm một chiều mà là cả một quá trình lâu dài và cần
sự vào cuộc của các cấp chính quyền, sự tham gia của toàn thể nhân dân.