na
MỪNG ĐẢNG QUANG VINH, ĐẤT NƯỚC ĐỔI MỚI, MỪNG XUÂN ẤT TỴ! 
Nghiên cứu trao đổi
TRÍ TUỆ VÀ BẢN LĨNH CỦA NGUYỄN ÁI QUỐC TRONG QUÁ TRÌNH THÀNH LẬP ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM (3/2/1930) - GIÁ TRỊ NGÀY NAY
20/01/2025 03:42:53

Trong bối cảnh đất nước đang bị chìm đắm trong cảnh nô lệ, đời sống nhân dân cực khổ, lầm than, đường lối cứu nước đang khủng hoảng trầm trọng. Mỗi đêm chứng kiến cảnh cha ông tìm kế cứu nước, người thanh niên Nguyễn Tất thành 21 tuổi quyết chí ra đi tìm đường cứu nước bằng hai bàn tay trắng với lòng yêu nước nồng nàn. Bằng trí tuệ và bản lĩnh của mình, Người đã tìm ra con đường cứu nước giải phóng dân tộc và chuẩn bị mọi mặt cho việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Thứ nhất, trí tuệ, bản lĩnh của Nguyễn Tất Thành trong việc lựa chọn hướng đi cứu nước

Trước sự thất bại của phong trào yêu nước cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, phong trào yêu nước Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, của các thế hệ cha ông đi trước.

Tại sao người không sang phương Đông như các bậc tiền bối? Người sang phương Tây, nơi chính nước đang xâm lược nước ta, tìm hiểu xem ở đó họ làm như thế nào để rồi về giúp đồng bào mình. Điều này thể hiện rõ khi Người trả lời nhà văn Mỹ, Anxa Lu-y Xtơrông: “Nhân dân Việt Nam trong đó có cụ thân sinh ra tôi, lúc này thường tự hỏi nhau ai sẽ là người giúp mình thoát khỏi ách thống trị của Pháp. Người này thì nghĩ là Anh, có người lại cho là Mỹ. Tôi thấy phải đi ra nước ngoài xem cho rõ. Sau khi xem xét họ làm ăn ra sao tôi sẽ trở về giúp đồng bào tôi”. Người sang nhiều nước tư bản và các nước thuộc địa khác làm nhiều công việc khác nhau, thâm nhập vào đời sống nhân dân. Điều mà nhiều người yêu nước Việt Nam lúc đó không phát hiện được thì Nguyễn Tất Thành đã nhận ra: Ở đâu trên thế giới cũng có kẻ giàu, người nghèo, cũng có kẻ bóc lột và người bị bóc lột, bị áp bức. Ở các nước chính quốc hay các nước bị thuộc địa vẫn có những người Pháp, người Mỹ tốt và cũng có những người Pháp, người Mỹ không tốt; cũng có người da trắng áp bức, bóc lột và những người da trắng bị áp bức, bóc lột. Anh đi đến kết luận: “Dù màu da có khác nhau, trên đời này chỉ có hai giống người: giống người bóc lột và giống người bị bóc lột. Mà cũng chỉ có một tình hữu ái là thật mà thôi: Tình hữu ái vô sản”[1]. Trí tuệ cùng với đó là bản lĩnh đã tạo nên con người riêng Nguyễn Tất Thành (Hồ Chí Minh).

Trong suốt quá trình tìm đường cứu nước, Người luôn vững vàng, kiên định với mục tiêu mà mình đã lựa chọn. Dù gặp khó khăn, cám dỗ nhưng Người vẫn quyết tâm thực hiện mục tiêu của mình. Kết quả của sự kiên đinh, bản lĩnh đó là tìm ra con đường cách mạng đúng đắn để cứu dân, cứu nước.

Thứ hai, trí tuệ và bản lĩnh trong việc lựa chọn con đường cách mạng – cách mạng vô sản

Con đường cứu nước mà người đã lựa chọn phù hợp với xu thế chung và quy luật phát triển của lịch sử xã hội loài người. Con đường cách mạng vô sản, con đường đó hiện nay Việt Nam đang tiếp tục thực hiện.

Khi nghiên cứu cuộc cách mạng tư sản Pháp và cuộc cách mạng tư sản Mỹ, Nguyễn Tất Thành nhìn thấy ở cách mạng Mỹ có một số giá trị tích cực, nhưng vẫn nhận xét đó là cuộc cách mạng “không đến nơi”, không triệt để vì không nói gì đến giải phóng tầng lớp nhân dân lao động. Cuộc cách mạng tư sản Pháp, vẫn còn tính chất nửa vời, không triệt để của nó. Từ đó, Người đi đến kết luận: Không thể đi theo con đường cách mạng tư sản vì con đường đó không giải phóng dân tộc thuộc địa, không giải phóng nhân dân lao động bị áp bức, bóc lột; những cuộc cách mạng kiểu đó, sớm muộn thì nhân dân phải làm cách mạng một lần nữa mới xong.

Với khát vọng giải phóng dân tộc, Nguyễn Ái Quốc đã đến với Chủ nghĩa Mác - Lênin và tìm ra con đường cách mạng đúng đắn - con đường cách mạng vô sản. Người khẳng định: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”. Nguyễn Ái Quốc lựa chọn con đường cách mạng giải phóng dân tộc theo con đường Cách mạng Tháng Mười Nga (1917), bởi theo Người: “Trong thế giới bây giờ chỉ có cách mệnh Nga là đã thành công, và thành công đến nơi, nghĩa là dân chúng được hưởng cái hạnh phúc tự do, bình đẳng thật”. Việc lựa chọn con đường giải phóng dân tộc theo khuynh hướng cách mạng vô sản, thể hiện tầm nhìn chiến lược và phù hợp với xu thế thời đại, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân lao động. Đến thời điểm này, cách mạng vô sản là cuộc cách mạng toàn diện, sâu sắc và triệt để nhất. Cuộc cách mạng đó không chỉ giải phóng giai cấp, mà gắn liền với nó là giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội.

Năm 1967, trong bài viết cho Báo Pravđa (Liên Xô) nhân kỷ niệm 50 năm Cách mạng Tháng Mười Nga, Chủ tịch Hồ Chí Minh khái quát một số vấn đề có tính quy luật về cách mạng giải phóng dân tộc. Người chỉ rõ: “Trong thời đại ngày nay, cách mạng giải phóng dân tộc là một bộ phận khăng khít của cách mạng vô sản trong phạm vi toàn thế giới; cách mạng giải phóng dân tộc phải phát triển thành cách mạng xã hội chủ nghĩa thì mới giành được thắng lợi hoàn toàn. Thắng lợi của cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do của các dân tộc gắn liền với sự ủng hộ và giúp đỡ tích cực của phe xã hội chủ nghĩa và của phong trào công nhân ở các nước tư bản chủ nghĩa”[2].

Thứ ba, trí tuệ và bản lĩnh trong đặt tên Đảng Cộng sản Việt Nam

Khi tìm thấy con đường cách mạng và lý luận soi đường, Người tiếp tục nghiên cứu chủ nghĩa Mác – Lênin, chuẩn bị về tư tưởng, về tổ chức để tiến tới thành lập một chính đảng ở Việt Nam.

Cuối năm 1929, phong trào vô sản hóa diễn ra, các tổ chức cộng sản lần lượt ra đời như An nam Cộng sản đảng , Đông Dương cộng sản đảng, Đông Dương Cộng sản liên đoàn. Sự ra đời của các tổ chức cộng sản chứng tỏ sự phát triển của phong trào cách mạng trong nước. Tuy nhiên, sự ra đời của các tổ chức cộng sản dẫn đến sự chia rẽ của phong trào cách mạng. Cuối tháng 12/1929, Hồ Chí Minh rời Xiêm đến Trung Quốc với tư cách là phái viên Quốc tế Cộng sản, triệu tập và chủ trì Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản để lập ra một Đảng Cộng sản duy nhất ở Việt Nam. Hội nghị họp tại Hồng Công (Trung Quốc) từ ngày 6-1 đến ngày 8-2-1930. Dự hội nghị có hai đại biểu của Đông Dương Cộng sản Đảng là Trịnh Đình Cửu, Nguyễn Đức Cảnh; hai đại biểu của An Nam Cộng sản Đảng là Châu Văn Liêm, Nguyễn Thiệu. Đông Dương Cộng sản liên đoàn mới thành lập nên chưa kịp triệu tập dự hội nghị. Các đồng chí Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn là những người lãnh đạo của Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên trước đó, được phân công tổ chức hội nghị.

Tại Hội nghị đã thống nhất lấy tên Đảng ta là Đảng Cộng sản Việt Nam. Đó là kết quả to lớn của gần 10 năm chuẩn bị rất công phu và đầy đủ của Người về các mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức.

Việc lấy tên Đảng Cộng sản Việt Nam thể hiện trí tuệ và bản lĩnh của Nguyễn Ái Quốc. Bởi trong trong hoàn cảnh ba nước Đông Dương đều dưới sự áp bức bóc lột của thực dân Pháp những mỗi nước có đặc điểm riêng, về vị trí địa lý, về đặc điểm, tình hình, truyền thống dân tộc...

Sau này, đánh giá việc thành lập Đảng, Đảng ra đời chính là minh chứng hùng hồn, khẳng định nhận định của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Việc thành lập Đảng là một bước ngoặt vô cùng quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam ta. Nó chứng tỏ rằng giai cấp vô sản ta đã trưởng thành và đủ sức lãnh đạo cách mạng”[3].. Kết quả trên thể hiện tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo và bản lĩnh của Nguyễn Ái Quốc.

Ngày nay, học tập tinh thần của Bác, mỗi cán bộ, đảng viên cần tiếp tục học tập nâng cao trình độ, bản lĩnh chính trị chủ động và sáng tạo trong các hoạt động của mình. Xuất phát từ mục tiêu tầm nhìn 2030, khát vọng 2045 của dân tộc đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn có tinh thần đổi mới sáng tạo, luôn trăn trở tìm hướng đi mới, cách tiếp cận mới đối với mỗi vấn đề mà thực tiễn cuộc sống đặt ra, mạnh dạn thực hiện những nhiệm vụ mới, nhiệm vụ khó. Mỗi cán bộ, đảng viên cần chủ động đề xuất các ý tưởng, sáng kiến, giải pháp, ứng dụng khoa học - công nghệ trong thực hiện nhiệm vụ, tham gia phát triển kinh tế - xã hội, lập nghiệp, khởi nghiệp, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Đặc biệt trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hiện nay, trước những thủ đoạn tinh vi, với nhiều hình thức, phương pháp, phương tiện hiện đại, thậm chí cả cám dỗ về vật chất. Những cách thức, biện pháp của các thế lực thù địch hết sức tinh vi, thâm độc, nhằm đánh vào tư tưởng mỗi cán bộ, đảng viên. Từ đó làm lung lay về tư tưởng, mất niềm tin, đi đến từ bỏ con đường mà Đảng, nhân dân ta đã lựa chọn từ năm 1930 đến nay. Vì vậy, mỗi cán bộ, đảng viên và thế hệ trẻ cần phải cảnh giác, không ngừng nâng cao năng lực, trình độ và bản lĩnh chính trị góp phần bảo vệ Đảng, Bảo vệ Đảng, Cương lĩnh chính trị, đường lối của Đảng; bảo vệ nhân dân, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.

Tóm lại: Với bản lĩnh và trí tuệ người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã lựa chọn hướng đi đúng đắn, phù hợp trong quá trình tìm đường cứu nước và thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ đó, cách mạng nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng ta, đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đặc biệt, với tấm gương của Người trong việc thành lập Đảng đã để lại bài học vô cùng quý giá - trí tuệ và bản lĩnh đối với mỗi cán bộ, đảng viên và thế hệ trẻ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H. 2000, tập 1, tr. 266.

2. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H. 2000, tập 12, tr. 304-305.

3. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H. 2011, t.12, tr. 406.