Thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở ngày 10 tháng 11 năm 2022; Quyết định số 346/QĐ-TTg ngày 06 tháng 4 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; UBND tỉnh Hải Dương ban hành Kế hoạch Số 3544/KH-UBND ngày 22 tháng 9 năm 2023 triển khai thi hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Hải Dương nhằm đảo đảm sự chỉ đạo thống nhất của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh; sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên, hiệu quả giữa các sở, ban, ngành; UBND cấp huyện, UBND cấp xã và các cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan trong việc triển khai thi hành Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở [1]. Trong đó yêu cầu các nội dung công việc tổ chức triển khai thi hành Luật phải gắn với vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị chủ trì, người đứng đầu cơ quan, đơn vị; đảm bảo Luật và các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành được thực hiện đồng bộ, thống nhất trên phạm vi toàn tỉnh. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thi hành Luật.
1. Kết quả đạt được
Các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh Hải Dương thực hiện tốt việc công khai để Nhân dân biết thông qua các hình thức như: niêm yết tại trụ sở UBND, họp dân, tiếp xúc cử tri; thông qua hệ thống loa truyền thanh, các cuộc họp thôn, khu dân cư... Công khai cho Nhân dân biết kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội, dự án các chương trình, dự án được đầu tư; phương án đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tái định cư liên quan đến dự án; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và phương án điều chỉnh, quy hoạch khu dân cư trên địa bàn cấp xã; nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, công chức cấp xã; chủ trương, chính sách vay vốn để phát triển sản xuất; đối tượng và kinh phí hỗ trợ xây dựng nhà tình thương, nhà đại đoàn kết, cấp thẻ bảo hiểm y tế; các quy định của pháp luật về thủ tục hành chính...
Với phương châm "Nhà nước và Nhân dân cùng làm", các xã, phường, thị trấn đã tổ chức họp cử tri đại diện hộ gia đình để Nhân dân bàn bạc và quyết định kế hoạch, biện pháp thực hiện các chủ trương trong việc huy động Nhân dân hiến đất, đóng góp tiền, ngày công để xây dựng cơ sở hạ tầng ở thôn, khu dân cư. Tại huyện Kim Thành, trong 5 năm qua MTTQ đã cùng các tổ chức thành viên đã vận động nhân dân đóng góp 116 tỷ đồng, hiến 1,5ha đất làm đường nông thôn, nội đồng và hơn 25.000 ngày công để xây dựng NTM [2]; Thành Phố Chí Linh trong nửa nhiệm kỳ 2020-2025, hàng trăm hộ dân đã tự nguyện hiến trên 280.000 m2 đất thổ cư, đất vườn để nâng cấp, mở rộng hơn 211 km đường [3]; Huyện Nam Sách, vận động nông dân hiến 14.689 m2 đất, 1.594 m2 công trình, ủng hộ hơn 11,2 tỷ đồng, 4.650 ngày công để mở rộng, bê-tông hoá hơn 18 km đường giao thông nông thôn và hơn 3 km đường nội đồng [4]...
Chính quyền các xã, phường, thị trấn đã phối hợp chặt chẽ với MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội cùng cấp tổ chức cho Nhân dân tham gia ý kiến vào các nội dung quan trọng trước khi cơ quan có thẩm quyền quyết định như: Phương án chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu sản xuất; các phương án, hình thức đền bù giải phóng mặt bằng... Đại diện cử tri hộ gia đình ở các thôn, khu dân cư đã tham gia ý kiến vào nhiều mô hình, dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi của địa phương. Qua các ý kiến tham gia của Nhân dân, các chủ trương, chính sách ban hành của HĐND, UBND cụ thể hơn, sát với tình hình hình thực tiễn và được đông đảo Nhân dân đồng tình ủng hộ. Đồng thời UBND cấp xã tổ chức hướng dẫn các thôn, khu dân cư rà soát, xây dựng, bổ sung, sửa đổi quy ước, hương ước thôn, khu dân cư theo hướng dẫn của Nghị định số 61/2023/NĐ-CP gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời văn hóa”.[5]
Cùng với đó, mạng lưới Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng đã được củng cố, kiện toàn tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Hải Dương. Việc phát huy vai trò giám sát của Mặt trận các cấp đã góp phần ngăn chặn được tình trạng thất thoát, lãng phí, nâng cao chất lượng của các công trình dự án được triển khai xây dựng tại các địa phương. Hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng ở các xã, phường, thị trấn đã phát huy cao nhất quyền làm chủ của nhân dân thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Không chỉ góp phần ngăn chặn, hạn chế các sai phạm trong quá trình triển khai thi công các công trình, dự án, hoạt động giám sát này còn phát huy vai trò chủ động của nhân dân tham gia các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong năm 2023, các Ban Thanh tra nhân dân xã, phường, thị trấn phát hiện và kiến nghị với chính quyền 1.244 vụ việc, được chính quyền giải quyết 1.206 vụ việc (đạt tỷ lệ 96,9%). Tham gia hòa giải thành công 692 vụ việc mâu thuẫn ở cơ sở. Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng tổ chức giám sát 265 công trình, dự án, trong đó có 255 dự án đúng quy định, 7 dự án chưa xác định sai phạm, 3 dự án công trình vi phạm đã kiến nghị đề nghị xử lý, được chủ đầu tư chấp thuận khắc phục. [6]
2. Hạn chế và nguyên nhân
2.1. Hạn chế
- Công tác tuyên truyền, thực hiện Luật dân chủ ở cơ sở ở một số xã, phường chưa sâu rộng, còn mang tính hình thức.
- Hoạt động kiểm tra, giám sát của Ban chỉ đạo QCDC của một số xã, Phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị hiệu quả chưa cao.
- Công tác tham mưu, củng cố, kiện toàn Ban chỉ đạo QCDC của một số xã, phường, thị trấn còn chậm, hoạt động chưa hiệu quả.
- Một số địa phương xây dựng quy chế đối thoại, tổ chức đối thoại còn lúng túng. Chưa làm rõ được trách nhiệm đối thoại giữa người đứng đầu Cấp uỷ, Chính quyền cùng với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân trên địa bàn xã. Hoặc có tổ chức đối thoại nhưng chất lượng, hiệu quả không cao.
- Hoạt động của một số Ban Thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư cộng đồng chưa cao, chất lượng giám sát còn hạn chế.
2.2. Nguyên nhân
- Một số cấp uỷ, chính quyền chưa thực sự sâu sát, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện QCDC ở cơ sở.
- Nhận thức của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân về thực hiện dân chủ còn chưa đầy đủ.
- Một số Ban Chỉ đạo QCDC ở cơ sở chưa quan tâm đến công tác kiểm tra, giám sát, còn thiếu trách nhiệm trong công tác kiểm tra, giám sát dẫn đến có việc vi phạm về dân chủ nhưng chậm được phát hiện và xử lý kịp thời.
- Trách nhiệm của thành viên một số Ban chỉ đạo QCDC, Ban Thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư cộng đồng có mặt còn hạn chế; tham mưu thực hiện nhiệm vụ có lúc chưa kịp thời, chưa hiệu quả, hoạt động đôi khi còn hình thức.
3. Biện pháp nhằm tăng cường thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn
- Thứ nhất, tăng cường bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho người được giao nhiệm vụ tổ chức thực hiện pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở. Theo đó cần tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được giao nhiệm vụ tổ chức thực hiện pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; có tư duy triển khai thực hiện pháp luật; có kỹ năng thu thập và xử lý thông tin nhanh nhạy, ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin vào quản lý nhà nước trong thực hiện dân chủ cơ sở. Đồng thời lãnh đạo địa phương quan tâm, tạo điều kiện, cử cán bộ, công chức, viên chức được giao nhiệm vụ tổ chức thực hiện pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở tham gia đầy đủ các lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về thực hiện dân chủ ở cơ sở. Mặt khác, chính bản thân cán bộ, công chức, viên chức cần chủ động nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để hiện thực hóa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước về dân chủ ở cơ sở.
- Thứ hai, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở; nâng cao nhận thức cộng đồng về việc bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở. Theo đó cấp chính quyền cơ sở cần thường xuyên tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đến các tầng lớp Nhân dân nội dung về thực hiện dân chủ ở cơ sở bằng nhiều phương tiện, hình thức đa dạng, phong phú như: Đài truyền thanh ở địa phương; các Trang/Cổng thông tin điện tử của địa phương và trên các thiết bị di động. Xây dựng chuyên mục thực hiện dân chủ ở cơ sở trên cổng thông tin điện tử của địa phương. Tập trung tuyên truyền, quán triệt các nội dung về thực hiện dân chủ ở cơ sở đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và Nhân dân thông qua các hội nghị, cuộc họp của cơ quan, đơn vị; qua các lớp bồi dưỡng, tập huấn, các cuộc thi tuyên truyền, tìm hiểu pháp luật; qua các buổi họp của thôn, khu dân cư, các cuộc sinh hoạt văn hóa cộng đồng.
- Thứ ba, phát huy vai trò của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và Nhân dân thực hiện dân chủ ở cơ sở theo quy định của pháp luật. Lựa chọn những tổ chức, cá nhân điển hình, những mô hình tiêu biểu trong thực hiện công tác dân chủ ở cơ sở để tuyên truyền, phổ biến, nhân rộng trong địa phương.
- Thứ tư, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, vai trò nêu gương của người đứng đầu, cán bộ, công chức cấp xã, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, khu dân cư trong việc thực hiện dân chủ và bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở; lấy mức độ thực hiện dân chủ ở cơ sở của chính quyền địa phương cấp xã làm căn cứ đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ. Hàng năm, xem xét mức độ thực hiện dân chủ ở cơ sở gắn với kết quả thực hiện công tác cải cách hành chính, nhiệm vụ chuyên môn tại chính quyền và tại cộng đồng dân cư để làm căn cứ đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của lãnh đạo cơ quan, cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, khu dân cư.
- Thứ năm, củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn; Ban Giám sát đầu tư cộng đồng. Lựa chọn những người đủ điều kiện, tiêu chuẩn để bầu làm thành viên và đảm bảo các điều kiện hoạt động, được tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho thành viên Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật.
- Thứ sáu, cán bộ, công chức, viên chức, công dân và hộ gia đình có trách nhiệm tích cực, gương mẫu trong tham gia ý kiến, bàn bạc, thảo luận, quyết định các nội dung thuộc thẩm quyền và nghiêm túc thực hiện các quyết định đã được tập thể, cộng đồng dân cư thống nhất. Nâng cao ý thức sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật; nâng cao trách nhiệm, phẩm chất và năng lực của cán bộ, công chức để thực hiện các quy chế, quy định, quy trình công khai, dân chủ ở cơ sở. Phát huy sức mạnh đoàn kết trong cộng đồng dân cư, nêu cao tinh thần cảnh giác, tích cực tham gia ngăn chặn các tệ nạn xã hội gây mất ổn định an ninh, trật tự ở cơ sở.
- Thứ bẩy, kịp thời biểu dương, khen thưởng các gương điển hình, có nhiều thành tích trong việc phát huy và tổ chức thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở; phát hiện và xử lý nghiêm cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở. Hàng năm, xây dựng và tổ chức tôn vinh các mô hình điển hình tiên tiến về thực hiện dân chủ ở cơ sở bằng các hình thức khen thưởng, biểu dương phù hợp; đưa việc thực hiện dân chủ ở cơ sở là một tiêu chí đánh giá thi đua - khen thưởng của cơ quan, đơn vị, địa phương;
- Thứ tám, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện dân chủ ở cơ sở. Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện dân chủ và việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính; nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm và thái độ phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, nhất là trong các lĩnh vực liên quan đến quyền lợi và đời sống của nhân dân; tiếp công dân, giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo của công dân. Kiên quyết xử lý những hành vi lợi dụng dân chủ để vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và quyền làm chủ của Nhân dân, cản trở việc thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.
- Thứ chín, hỗ trợ, khuyến khích ứng dụng công nghệ thông tin, khoa học - kỹ thuật, trang bị phương tiện kỹ thuật và bảo đảm các điều kiện cần thiết khác cho việc tổ chức thực hiện dân chủ ở cơ sở phù hợp với tiến trình xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, xã hội số. Bố trí trang thiết bị đầy đủ, hiện đại; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động điều hành và giải quyết các thủ tục hành chính; mở rộng áp dụng các tiện ích cung cấp, hỗ trợ người dân trong thực hiện các dịch vụ công. Sử dụng các hòm thư điện tử, mạng xã hội để thông báo, đồng thời tiếp nhận ý kiến phản ánh, đóng góp của người dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]. Kế hoạch Số 3544/KH-UBND của UBND tỉnh Hải Dương ngày 22 tháng 9 năm 2023 triển khai thi hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở;
[2]. Hiến đất mở đường xây dựng nông thôn mới, https://daidoanket.vn/;
[3]. Người dân Chí Linh tự nguyện hiến hơn 280.000 m2 đất làm đường giao thông, https://baohaiduong.vn/;
[4]. Hiến gần 15.000 m2 đất làm đường, https://baohaiduong.vn/;
[5]. Nghị định số 61/2023/NĐ-CP của Chính phủ: Về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư.
[6]. Hiệu quả từ hoạt động giám sát tại cộng đồng, https://daidoanket.vn/.
ThS. Phạm Thị Thanh, Khoa Nhà nước và pháp luật