Trên hành trình tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh từ một người yêu nước đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, Người đã tìm thấy con đường giải phóng cho dân tộc, đi theo con đường của Cách mạng Tháng Mười Nga, theo quỹ đạo của cách mạng vô sản. Nguyễn Ái Quốc tìm thấy lý luận cách mạng cho sự nghiệp giải phóng dân tộc nhưng Người hiểu, cách mạng muốn thắng lợi bắt buộc phải có tổ chức lãnh đạo.
Từ năm 1920, khi được đọc bản “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của V.I Lênin đăng trên báo Nhân đạo đến năm 1930 khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, là một quá trình chuẩn bị lâu dài những tiền đề chính trị, tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời Đảng Cộng sản Việt Nam của Nguyễn Ái Quốc. Trong thời gian hoạt động trên nước Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã nhiều lần xây dựng và phát triển các tổ chức cách mạng, từ cải tổ vai trò, cách thức hoạt động của tổ chức Hội những người Việt Nam yêu nước tại Pháp, tham gia sáng lập và là đảng viên của Đảng Cộng sản Pháp cho đến thành lập và điều hành tổ chức Hội Liên hiệp thuộc địa, chính qua những tổ chức đầu tiên này, Nguyễn Ái Quốc đã học được cách tổ chức những phong trào, thấu hiểu yêu cầu và nguyện vọng của các dân tộc bị áp bức và sức mạnh to lớn khi họ được đoàn kết lại. Thời điểm những năm 20 của thế kỷ XX, Nguyễn Ái Quốc chưa thể thành lập được Đảng Cộng sản ở Việt Nam do nhiều nguyên nhân. Trong đó, việc dân chúng ở Việt Nam chưa biết và chưa hiểu về chủ nghĩa cộng sản là một trong những nguyên nhân. Đồng thời, để giúp quần chúng nhân dân hiểu, tin tưởng và đi theo chủ nghĩa cộng sản thì trước nhất cần thành lập một tổ chức cách mạng có khuynh hướng mácxít rồi từ đó tìm cách truyền bá những quan điểm, học thuyết Mác - Lênin vào Việt Nam, giúp quần chúng nhân dân đặc biệt là giai cấp công nhân Việt Nam hiểu được sứ mệnh và trách nhiệm lịch sử trong nhiệm vụ giải phóng dân tộc.
Với mong muốn tập hợp những thanh niên Việt Nam ưu tú, giàu lòng yêu nước, đang khát khao tìm đến con đường cứu nước đúng đắn, để xây dựng một tổ chức cách mạng, tại Quảng Châu – Trung Quốc, Nguyễn Ái Quốc quyết định lập ra một nhóm bí mật làm hạt nhân cho một tổ chức rộng lớn sau này, thông qua một lớp huấn luyện về phương pháp tổ chức và vào tháng 2/1925, Cộng sản Đoàn được thành lập với những cá nhân tiêu biểu như: Lê Hồng Phong, Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu,…
Tháng 6/1925, trên cơ sở hạt nhân là Cộng sản Đoàn, Người thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, thông qua Chính cương, Điều lệ và Chương trình hành động của Hội, được tổ chức thành 5 cấp: Tổng bộ, kỳ bộ, tỉnh bộ, huyện bộ và chi bộ. Mục đích của Hội là “Hy sinh tính mệnh, quyền lợi, tư tưởng để làm cuộc cách mệnh dân tộc (đập tan bọn Pháp và giành lại được độc lập cho xứ sở) rồi sau làm cách mệnh thế giới (lật đổ chủ nghĩa đế quốc và thực hiện chủ nghĩa cộng sản)”.
Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đảm nhận nhiều vai trò quan trọng, có ý nghĩa to lớn đối với cách mạng Việt Nam nói chung và với sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam nói riêng. Vai trò và ý nghĩa của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên thể hiện ở các nội dung sau:
Thứ nhất, truyền bá tư tưởng cách mạng và chủ nghĩa Mác – Lênin. Hội tổ chức các lớp huấn luyện, đào tạo cán bộ, phổ biến tư tưởng cách mạng, giúp hình thành nhận thức về con đường đấu tranh giải phóng dân tộc theo tư tưởng Mác – Lênin.
Thứ hai, xây dựng lực lượng cách mạng. Hội tập hợp những thanh niên yêu nước, tiến bộ, thành lập các tổ chức cơ sở cách mạng ở trong và ngoài nước, như tại Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan,...
Thứ ba, gắn kết các phong trào yêu nước. Hội làm cầu nối gắn kết các phong trào yêu nước và đấu tranh chống thực dân Pháp, tạo ra phong trào cách mạng mạnh mẽ trên cả nước.
Thứ tư, chuẩn bị cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội là tổ chức tiền thân, góp phần trực tiếp vào việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào năm 1930. Nhiều thành viên ưu tú của Hội, như Trần Phú, Lê Hồng Phong, Phạm Văn Đồng, Hồ Tùng Mậu, sau này trở thành những lãnh đạo chủ chốt của Đảng.
Thứ năm, tạo dựng các ấn phẩm cách mạng. Hội xuất bản tờ báo "Thanh niên" (1925), do Nguyễn Ái Quốc sáng lập và trực tiếp chỉ đạo, đồng thời là cây bút chủ chốt. Những bài viết của Báo Thanh niên đều ngắn gọn, lời văn giản dị, trong sáng, dễ hiểu, thường đề cập những vấn đề chính: đế quốc và thuộc địa; cách mạng và cải lương; thực tiễn của cách mạng Việt Nam; đảng cách mạng và Đảng Cộng sản; cách mạng dân tộc và cách mạng thế giới; cách mạng và mặt trận dân tộc thống nhất; học tập lý luận chủ nghĩa Mác – Lênin. Tờ báo có nhiệm vụ tuyên truyền tư tưởng cách mạng rộng rãi và định hướng hành động cho quần chúng.
Sau khi Hội được thành lập, từ năm 1925 đến tháng 4/1927, Nguyễn Ái Quốc đã trực tiếp huấn luyện 75 học viên. Phần lớn được đưa về nước hoạt động tuyên truyền lý luận cách mạng và xây dựng tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Dưới sự chỉ đạo của Nguyễn Ái Quốc, sự nỗ lực của các hội viên được cử về nước hoạt động, hệ thống tổ chức của Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên nhanh chóng bắt rễ, phát triển trên phạm vi cả nước.
Phong trào “vô sản hóa” do Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên xây dựng và tổ chức trong những năm 1926-1929 đã tích cực đưa hội viên vào các đồn điền, hầm mỏ, nhà máy, nông thôn để rèn luyện học tập nâng cao lập trường giai cấp công nhân, đồng thời truyền bá lý luận Mác - Lênin, đường lối cách mạng đúng đắn vào phong trào công nhân, giác ngộ họ, tổ chức họ đấu tranh cách mạng một cách tự giác, thúc đẩy phong trào công nhân và phong trào yêu nước phát triển mạnh mẽ, tiến tới sự ra đời của các tổ chức cộng sản đầu tiên ở Việt Nam, tạo điều kiện cho sự ra đời của Đảng.
Đến giữa năm 1929, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đã bước vào giai đoạn hoàn thành sứ mệnh lịch sử, truyền bá một cách rộng rãi chủ nghĩa Mác - Lênin và các luận điểm cách mạng giải phóng dân tộc của Nguyễn Ái Quốc vào Việt Nam, tập hợp và đào tạo được một đội ngũ cán bộ cách mạng, tạo nên bước nhảy vọt và sự chuyển hóa của phong trào công nhân và phong trào yêu nước, hướng vào quỹ đạo cách mạng vô sản.
Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên được xác định là tổ chức tiền thân có tính chất quá độ, thích hợp với thực tiễn cách mạng Việt Nam bấy giờ; giúp cho những người Việt Nam yêu nước xuất thân từ các thành phần, tầng lớp dễ tiếp thu tư tưởng cách mạng của Người, đồng thời thúc đẩy phong trào công nhân và yêu nước theo khuynh hướng vô sản. Sự trưởng thành của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, đã chứng minh tài tổ chức nhuần nhuyễn, sâu sắc, tư duy sáng tạo và là thành công của Nguyễn Ái Quốc trong chuẩn bị về mặt tổ chức, xây dựng lực lượng cho cách mạng cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam.
ThS. Đào Thị Lê, Giảng viên Khoa Xây dựng Đảng