na
MỪNG ĐẢNG QUANG VINH, ĐẤT NƯỚC ĐỔI MỚI, MỪNG XUÂN ẤT TỴ! 
Nghiên cứu trao đổi
CƯƠNG LĨNH CHÍNH TRỊ ĐẦU TIÊN CỦA ĐẢNG - GIÁ TRỊ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN
15/01/2025 10:45:28

Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đánh dấu bước ngoặt vĩ đại trong tiến trình cách mạng Việt Nam. Với Cương lĩnh chính trị đúng đắn, Đảng đã lãnh đạo dân tộc Việt Nam vượt qua bao khó khăn giành từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Cương lĩnh chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam là văn bản trình bày tóm tắt mục tiêu, đường lối, nhiệm vụ và phương pháp của Đảng cộng sản Việt Nam. Cương lĩnh chính trị được coi là văn bản có giá trị cao nhất trong hệ thống các văn bản của Đảng Cộng sản Việt Nam (trên cả Điều lệ Đảng). Cho đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam có các cương lĩnh: Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam (tháng 2/1930). Luận cương chính trị của Đảng Cộng sản Đông Dương (tháng 10/1930). Chính cương của Đảng Lao động Việt Nam (tháng 2/1951). Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam (tháng 6/1991). Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011). Trong đó cương lĩnh đầu tiên của Đảng là nền tảng lý luận và định hướng mục tiêu về con đường cách mạng Việt Nam là cơ sở để hoàn thiện, phát triển các cương lĩnh sau này của Đảng.

Ngay trong hội nghị thành lập đảng tổ chức vào tháng 2 năm 1930 tổ chức tại Hương Cảng, Đảng Cộng sản Việt Nam đã thông qua bộ cương lĩnh đầu tiên. Do địa vị pháp lý không được công nhận và phải hoạt động bí mật, nên cương lĩnh đầu tiên được soạn ở mức vắn tắt để cho đảng viên dễ nhớ. Cương lĩnh đầu tiên hay còn gọi Cương lĩnh năm 1930 bao gồm các tài liệu: Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt đều do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo. Đến tháng 10 năm 1930, cương lĩnh đầu tiên được bổ sung thêm tài liệu Luận cương cách mạng tư sản dân quyền do Trần Phú soạn thảo.

Trong Cương lĩnh đầu tiên, Đảng Cộng sản Việt Nam tuyên bố sẽ làm cách mạng tư sản dân quyền và cách mạng ruộng đất (cương lĩnh dùng cách gọi tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng), cụ thể là phổ biến khẩu hiệu "Việt Nam tự do", đấu tranh và xây dựng một xã hội tự do tổ chức, nam nữ bình quyền, phổ cập giáo dục, đánh đổ thực dân Pháp và chế độ phong kiến, xây dựng chính phủ công nông binh, thành lập quân đội của giai cấp công nhân và nông dân, tịch thu sản nghiệp của tư bản thực dân Pháp, lấy ruộng đất của đế quốc chia cho dân cày nghèo,...

Tính cách mạng triệt để của Cương lĩnh là sự phát triển tiếp tục luận điểm nổi tiếng của Hồ Chí Minh từ gần 10 năm trước khi thành lập Đảng: “Chỉ có giải phóng giai cấp vô sản thì mới giải phóng được dân tộc; cả 2 cuộc giải phóng này chỉ có thể là sự nghiệp của chủ nghĩa cộng sản và của cách mạng thế giới”.

Cương lĩnh đầu tiên của Đảng ta đã trả lời đúng những vấn đề cấp bách mà phong trào cách mạng Việt Nam đặt ra. Nó là vũ khí sắc bén chống lại những tư tưởng và hành động trái với chủ nghĩa Mác-Lênin.

Cương lĩnh đã phản ánh đúng quy luật vận động khách quan của xã hội Việt Nam – quy luật cách mạng vô sản diễn ra ở một nước thuộc địa nửa phong kiến. Do vậy khi thâm nhập vào quần chúng đã trở thành ngọn cờ độc lập dân tộc và CNXH, là ngọn đèn soi sáng cho bước đường phát triển của cách mạng Việt Nam và biến thành sức mạnh cách mạng hết sức to lớn. Chỉ vài tháng sau khi Đảng ra đời, một cao trào cách mạng đã được dấy lên trong cả nước. Từ trong cao trào, Đảng ta đã xây dựng được khối liên minh công nông, trí thức vững chắc, bảo đảm quyền lãnh đạo tuyệt đối của Đảng, của giai cấp công nhân đối với cách mạng nước ta. Đó là bước khởi đầu vẻ vang trong lịch sử cách mạng Việt Nam từ khi có Đảng.

Cương lĩnh đầu tiên của Đảng do Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo đến nay đã trải qua 95 năm. Nhờ có đường lối đúng đắn sáng tạo đó mà ngay từ khi mới ra đời, “Đảng ta liền giương cao ngọn cờ cách mạng, đoàn kết và lãnh đạo toàn dân ta tiến lên đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp. Màu cờ đỏ của Đảng chói lọi như mặt trời, xé tan các màu đen tối, soi đường dẫn lối cho nhân dân ta vững bước tiến lên con đường thắng lợi”.

Cương lĩnh đầu tiên là nền tảng lý luận và định hướng mục tiêu về con đường cách mạng Việt Nam, là cơ sở để hoàn thiện phát triển các cương lĩnh sau này của Đảng. Cương lĩnh năm 1991 là bước phát triển, hoàn chỉnh các Cương lĩnh trước đó của Đảng, mở đầu cho quá trình nhận thức đầy đủ hơn, ngày càng rõ ràng hơn về CNXH và xây dựng xã hội XHCN Việt Nam. Cương lĩnh 2011 thể hiện niềm tin vững chắc của Đảng trên cơ sở khoa học, thực tiễn về mục tiêu, con đường đi lên CNXH. Niềm tin của Đảng tạo thành niềm tin của đại đa số cán bộ, đảng viên, nhân dân; khắc phục cơ bản sự mơ hồ về sự thay đổi bản chất và tiền đồ của chủ nghĩa tư bản, sự dao động, hoài nghi về tương lai của CNXH. Đây là cơ sở quan trọng góp phần củng cố sự thống nhất tư tưởng trong Đảng, sự đồng thuận xã hội.

Những điểm chung trong các Cương lĩnh của Đảng là tư tưởng nhất quán về cách mạng dân tộc dân chủ Việt Nam tất yếu đến cách mạng XHCN, độc lập dân tộc gắn với CNXH; nhân dân là động lực cách mạng; Đảng Cộng sản lãnh đạo cách mạng; Nhà nước, Chính phủ, quân đội của nhân dân; xây dựng nước Việt Nam hòa bình, thống nhất dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Sau 30 nǎm đấu tranh và thắng lợi của cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh (tức đồng chí Nguyễn Ái Quốc) đã viết: "Cương lĩnh ấy rất phù hợp với nguyện vọng thiết tha của đại đa số nhân dân ta... Vì vậy, Đảng ta đã đoàn kết được những lực lượng cách mạng to lớn chung quanh giai cấp mình.

Còn các đảng phái của các giai cấp khác thì hoặc bị phá sản, hoặc bị cô lập. Do đó, quyền lãnh đạo của Đảng ta - Đảng của giai cấp công nhân không ngừng củng cố và tǎng cường".

Đảng cộng sản Việt Nam ra đời phản ánh sự phát triển tất yếu khách quan của xã hội Việt Nam. Điều kiện quốc tế cho sự ra đời của Đảng là thắng lợi của Cách mạng tháng Mười Nga, sự thành lập Quốc tế cộng sản và nhiều đảng cộng sản ở khắp các lục địa.

Ở nước ta, giai cấp công nhân đã trở thành một lực lượng chính trị độc lập, phong trào yêu nước đã chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa Mác - Lênin. Đường lối cứu nước theo chủ nghĩa Mác - Lênin, đã chiến thắng đường lối cải lương và quốc gia cách mạng. Phong trào giải phóng dân tộc phát triển dưới sự chỉ đạo của tư tưởng, đường lối, phương pháp cách mạng của đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Đảng cộng sản Việt Nam ra đời và xác lập vai trò lãnh đạo cách mạng; đồng thời, với sự thất bại của cuộc khởi nghĩa Yên Bái (9-2-1930), đánh dấu sự chấm dứt ảnh hưởng của hệ tư tưởng tư sản, xác lập ảnh hưởng của hệ tư tưởng vô sản trong cách mạng Việt Nam.

Đảng cộng sản Việt Nam ra đời mở đầu thời đại mới trong lịch sử nước ta, thời đại giai cấp công nhân và đảng tiên phong của nó đứng vị trí trung tâm, kết hợp mọi phong trào yêu nước và cách mạng, quyết định nội dung, phương hướng phát triển của xã hội Việt Nam. Đây là thời đại nhân dân Việt Nam không chỉ làm nên lịch sử vẻ vang của mình, mà còn góp phần vào sự nghiệp chung của các dân tộc bị áp bức là xoá bỏ hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc, giành độc lập, dân chủ, hoà bình và tiến bộ xã hội.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, cách mạng Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với phong trào cách mạng các nước, kết hợp nhân tố dân tộc với nhân tố giai cấp, dân tộc với quốc tế, dân tộc với thời đại, độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội, tạo thành sức mạnh tổng hợp để chiến thắng chủ nghĩa đế quốc xâm lược và xây dựng đất nước giàu mạnh.

Đường lối chiến lược và sách lược cách mạng của Đảng được thể hiện trong Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt là phù hợp với yêu cầu của toàn Đảng và toàn dân. Cương lĩnh đầu tiên trở thành ngọn cờ tập hợp, đoàn kết các lực lượng và lãnh đạo phong trào cách mạng từ khi Đảng được thành lập.

Thực tiễn cách mạng nước ta ngày càng khẳng định sự đúng đắn và sáng tạo của những tư tưởng chiến lược và sách lược trên đây của đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng đã khẳng định: "Lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động" của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta trong giai đoạn hiện nay.

Hiện nay, nước ta quá độ lên chủ nghĩa xã hội trong bối cảnh quốc tế có nhiều biến đổi to lớn và sâu sắc với đặc điểm nổi bật của thời đại là các nước với chế độ xã hội và trình độ phát triển khác nhau cùng tồn tại, vừa hợp tác, vừa đấu tranh, cạnh tranh gay gắt vì lợi ích quốc gia, dân tộc. Cuộc đấu tranh của nhân dân các nước vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội dù gặp nhiều khó khăn, thử thách nhưng sẽ có những bước tiến mới. Con đường quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta là con đường mới mẻ, chưa có tiền lệ, chúng ta phải vừa đi vừa dò đường, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm; không ít vấn đề mới nảy sinh cần được nghiên cứu, tổng kết, làm sáng tỏ. Bối cảnh quốc tế và thực tiễn cách mạng nước ta đòi hỏi Đảng ta phải giữ vững định hướng, đồng thời bổ sung, phát triển các giá trị lý luận và mục tiêu, nguyên tắc của cương lĩnh đầu tiên phục vụ cho sự phát triển Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 2011).

Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng là một cương lĩnh đúng đắn và sáng tạo theo con đường cách mạng Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại mới, đáp ứng yêu cầu khách quan của lịch sử, nhuần nhuyễn quan điểm giai cấp và thấm nhuần tinh thần dân tộc. Đã 95 năm trôi qua, nhưng những ý nghĩa lịch sử trọng đại và giá trị chỉ đạo thực tiễn to lớn của Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng đã định hướng cho sự phát triển của đất nước và chỉ đường cho mọi hoạt động của Đảng ta, Nhân dân ta.

ThS. Bùi Thanh Thủy, Khoa Lý luận cơ sở