Chuyên đề Kỹ năng thu thập và xử lý thông tin trong lãnh đạo, quản lý ở cơ sở là chuyên đề thứ 2 trong Giáo trình Trung cấp lý luận chính trị “Kỹ năng lãnh đạo, quản lý”. Với mục tiêu đặt ra về kiến thức cung cấp cho học viên một số kiến thức cơ bản về thu thập và xử lý thông tin phục vụ cho công tác lãnh đạo, quản lý ở cơ sở. Về kỹ năng thông qua nội dung bài giảng học viên có thể vận dụng một số phương pháp thu thập và xử lý thông tin trong một số lĩnh vực kinh tế - xã hội ở địa phương. Thông qua đó học viên coi trọng việc thu thập và xử lý thông tin phục vụ cho công tác lãnh đạo, quản lý, quan tâm rèn luyện nâng cao các kỹ năng thu thập và xử lý thông tin.
Để đạt được những mục tiêu đặt ra thì việc xác định các kỹ năng thu thập, xử lý thông tin trong công tác lãnh đạo, quản lý ở cơ sở là rất quan trọng. Trong đó việc xác định những nội dung trọng tâm và phương pháp giảng dạy là vấn đề cốt lõi, xuyên suốt nội dung bài giảng.
Với kết cấu nội dung bài giảng bao gồm 3 phần nội dung đó là: Khái niệm, vai trò của thu thập và xử lý thông tin trong lãnh đạo, quản lý ở cơ sở; Kỹ năng thu thập thông tin trong lãnh đạo, quản lý ở cơ sở; Kỹ năng xử lý thông tin trong lãnh đạo, quản lý ở cơ sở.
Với phần nội dung thứ nhất, trọng tâm đưa ra phải xác định được rõ thông tin trong lãnh đạo quản lý là gì? Từ đó sẽ giúp học viên phân biệt được sự giống và khác nhau giữa các loại thông tin.
Cụ thể: Thông tin là tất cả các tin tức, sự việc, sự kiện, hiện tượng, ý tưởng, phán đoán... Làm tăng thêm sự hiểu biết của con người (Từ điển Tiếng Việt)
Thông tin trong lãnh đạo, quản lý là sự truyền đạt các thông điệp, tin tức có liên quan đến hệ thống quản lý, được người nhận hiểu rõ ý nghĩa của thông điệp mà người gửi muốn truyền đạt, có tác dụng giúp thực hiện các mục tiêu lãnh đạo, quản lý
Điểm khác biệt giữa hai loại thông tin đó là: thông tin lãnh đạo, quản lý gồm 3 yếu tố: truyền tải thông tin, phạm vi của thông tin trong lãnh đạo, quản lý, đối tượng người tiếp nhận thông tin lãnh đạo, quản lý ở cơ sở.
Ví dụ: Quyết định nâng lương thường xuyên đối với viên chức.
Phương pháp sử dụng để phân biệt các loại thông tin hiện nay đó là sử dụng phương pháp hỏi đáp, lấy ý kiến từ phía học viên để giải đáp được lý do:
Tại sao trong quá trình thực hiện công việc được giao tại các cơ quan, đơn vị, địa phương có những nội dung thông tin phải lựa chọn phương pháp truyền tải thông tin?
Sau khi lấy ý kiến phản hồi từ phía học viên, giảng viên neo chốt lại vấn đề và giải thích: căn cứ vào nội dung thông tin, vào đối tượng thông tin, vào những ưu điểm, hạn chế của từng loại thông tin khác nhau…
Từ việc xác định những điểm khác nhau giữa hai hình thức thông tin trong thực tiễn công tác học viên sẽ đánh giá vai trò của thông tin trong thực tiễn cuộc sống, nhất là những thông tin phục vụ cho công tác lãnh đạo, quản lý tại cơ sở hiện nay.
Với phần nội dung xác định vai trò của thông tin trong hoạt động thực tiễn hiện nay cũng là một nội dung trọng tâm của kỹ năng. Bởi lẽ, trong hoạt động lãnh đạo, quản lý thông tin có vai trò vô cùng quan trọng, bất kể người lãnh đạo, quản lý nào cũng cần phải tiếp nhận tất cả những thông tin trên các lĩnh vực. Việc tiếp nhận thông tin đó có thể thông qua nhiều kênh thông tin khác nhau. Tuy nhiên trách nhiệm của người lãnh đạo, quản lý đó là phải biết chắt lọc từng loại thông tin với mục đích tiếp nhận một cách chính xác, phù hợp, tránh tiếp nhận những thông tin chưa được các cơ quan có trách nhiệm, thẩm quyền cung cấp.
Do vậy việc xác định vai trò của thông tin là vô cùng quan trọng trong hoạt động lãnh đạo, quản lý hiện nay tại cơ sở.
Phương pháp giảng dạy sẽ tập trung vào phương pháp thảo luận nhóm, phương pháp xây dựng tình huống để ứng phó với những thông tin chưa được kiểm chứng, ảnh hưởng xấu tới dư luận xã hội cũng như nhận thức của các cá nhân.
Ví dụ: những thông tin đưa ra trong giai đoạn phòng chống dịch bệnh Covid, những luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch…
Sau khi thảo luận nhóm và xây dựng các tình huống giả định, học viên và giảng viên sẽ thống nhất xác định việc phân loại các thông tin, thông tin nào là thông tin chính thống, thông tin nào là thông tin tham khảo, thông tin nào là thông tin chưa chính xác…Qua đó sẽ thấy rõ được những vai trò quan trọng trong việc thu thập các thông tin và tầm quan trọng của thông tin trong thực tiễn cuộc sống cũng như trong hoạt động lãnh đạo, quản lý.
Với phần nội dung thứ hai, trọng tâm được xác định đó là gợi mở những phương pháp thu thập thông tin cơ bản nhất nhằm phục vụ cho hoạt động lãnh đạo, quản lý tại cơ sở hiện nay.
Thu thập thông tin là thu thập các số liệu mô tả cụ thể về một thực thể nào đó một cách có hệ thống. Thu thập thông tin cũng có thể là một quá trình tập hợp các dữ liệu về một sự vật, sự việc nào đó, quá trình tập hợp những thông tin đã được xử lý, tổng hợp.
Để thu thập thông tin có hiệu quả, người lãnh đạo, quản lý cần phải xác định rõ nhu cầu và các phương pháp của việc thu thập thông tin.
Cụ thể đó là:
Thứ nhất, lãnh đạo, quản lý cần phải biết, hiểu và nắm chắc đặc điểm, tính chất của các hiện tượng, quá trình, sự kiện xảy ra với đối tượng bị lãnh đạo, quản lý.
Thứ hai, thu thập, xử lý thông tin nhân khẩu học, thông tin kinh tế xã hội, văn hóa và lối sống của người dân và các gia đình, tổ chức, cộng đồng ở cơ sở.
Để xác định được những phương pháp cơ bản đưa ra trong quá trình thu thập thông tin, giảng viên có thể sử dụng phương pháp chuyên gia, lấy ý kiến từ phía học viên trong quá trình thực tiễn công tác đã áp dụng những phương pháp nào để thu thập thông tin đạt hiệu quả cao nhất.
Sau khi sử dụng phương pháp chuyên gia, lấy ý kiến từ phía học viên, giảng viên trên cơ sở đó neo chốt lại một số phương pháp trong quá trình thu thập thông tin trên hai hình thức thu thập đó là: thu thập thông tin bằng phương pháp định tính và thu thập thông tin bằng phương pháp định lượng.
Ví dụ: Thu thập thông tin định lượng:
Xây dựng biểu mẫu để thu thập thông tin định lượng; Chọn mẫu trong tổ chức thu thập thông tin; Quy mô mẫu là số lượng người cần phải thu thập thông tin trong một cuộc khảo sát; Chọn mẫu đúng không chỉ cần xác định quy mô của mẫu một cách hợp lý mà còn phải có cơ cấu mẫu hợp lý; Xây dựng bảng hỏi phải đảm bảo phù hợp với mục tiêu thu thập thông tin, dễ hiểu với đối tượng, tính khuyết danh.
Thu thập thông tin định tính: Phỏng vấn sâu để khai thác những thông tin giúp hiểu sâu, hiểu kỹ về một vấn đề nhất định; Phỏng vấn nhóm tập trung là tập hợp một nhóm nhỏ các cá nhân thuộc về khách thể nghiên cứu để tiến hành một cuộc thảo luận tập trung vào một vấn đề đã được lựa chọn; Phương pháp quan sát là việc người thu thập thông tin theo dõi, nghe nhìn đối tượng để thu thập thông tin cần thiết…
Phần nội dung thứ ba của kỹ năng sẽ đưa ra các phương pháp trong việc xử lý thông tin trong hoạt động lãnh đạ, quản lý. Trong phần nội dung này trọng tâm và phương pháp sử dụng đó là thảo luận, phân tích, đánh giá xử lý thông tin phù hợp với thực tiễn công tác.
Xử lý thông tin là hoạt động phân tích, phân loại các số liệu, dữ liệu theo nguyên tắc, tiêu chí và phương pháp nhất định. Các nguyên tắc, tiêu chí, phương pháp xử lý thông tin phải đảm bảo tính khoa học, chính xác và khách quan, trên cơ sở đó có thể đưa ra các giải pháp lãnh đạo, quản lý phù hợp.
Trong quá trình đánh giá thông tin cần lưu ý:
Thứ nhất, phân biệt tin thật, tin giả có ý nghĩa quan trọng trong công tác xử lý thông tin. Những thông tin có nguồn gốc không rõ ràng cần phải được kiểm tra, xác minh kịp thời.
Thứ hai, độ tin cậy của thông tin. Việc đánh giá độ tin cậy của thông tin là cần thiết trong việc lựa chọn các giải pháp xử lý thông tin một cách phù hợp.
Thứ ba, chọn lọc thông tin trước khi xử lý. Việc chọn lọc thông tin trước khi xử lý có ý nghĩa quan trọng đối với việc nâng cao hiệu quả xử lý thông tin bởi giúp tiết kiệm thời gian xử lý thông tin, kịp thời cung cấp dữ liệu cho việc thực hiện các chính sách kinh tế - xã hội ở địa phương.
Thứ tư, xây dựng bộ dữ liệu. Đây là việc lưu giữ các thông tin/số liệu đã thu thập được.
Đồng thời, bên cạnh việc đánh giá thông tin phải đưa ra những kỹ thuật trong việc xử lý thông tin đó là: đưa ra các phán đoán về bản chất các sự kiện, hiện tượng kinh tế - xã hội, đồng thời thể hiện những liên hệ có tính loogic của các sự kiện, hiện tượng; Phỏng vấn cá nhân; Thảo luận nhóm tập trung; Phân tích mô tả thông tin; Phân tích so sánh giữa các nhóm thông tin; Phân tích theo chiều thời gian của thông tin; Điều tra bằng bảng hỏi, trưng cầu ý kiến; Phân tích tài liệu có sẵn…
Để đạt được những yêu cầu trong phân tích kết quả tốt chúng ta có thể sử dụng một số thao tác sau: Kiểm tra lại tài liệu; Trích dẫn tài liệu; Tóm tắt tài liệu; Xây dựng các mô hình; Nhận xét và rút ra kinh nghiệm.
Nguyễn Thị Mai, Khoa Nhà nước và pháp luật