Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Đảng ta khẳng định “Tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta là phải kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh”[1]. Đây là lý luận chính trị của Đảng, là hệ thống các nguyên lý khoa học, cách mạng, dẫn đường đi đến những thắng lợi vĩ đại của dân tộc và ngày nay tiếp tục dẫn dắt đất nước đi lên con đường xã hội chủ nghĩa.
Như vậy, học tập lý luận chính trị là học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; là nhiệm vụ thường xuyên, cấp bách đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải không ngừng học tập để trang bị cho mình thế giới quan, phương pháp luận khoa học, nhân sinh quan tiến bộ, có phương thức lãnh đạo và tổ chức quần chúng thực hiện nhiệm vụ chính trị phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội phù hợp với quy luật khách quan. Đây là công việc phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, lâu dài của cả hệ thống chính trị mà trước hết là từ mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng.
Tuy nhiên, hiện nay việc ngại học lý luận chính trị đang có biểu hiện gia tăng. Ngại học lý luận chính trị là một trạng thái tâm lý biểu thị thái độ thờ ơ, xem nhẹ, thụ động, đối phó trong việc học tập. Các học giả, các nhà nghiên cứu, các nhà giáo đã chỉ ra nhiều biểu hiện của ngại học, lười học lý luận chính trị, có thể kể đến những biểu hiện như: học thụ động; học đối phó, qua loa, đại khái, chỉ nhằm lấy bằng, lấy chứng chỉ hoàn thiện hồ sơ cán bộ; thờ ơ, xem nhẹ việc học tập lý luận chính trị.
Căn cứ vào thực tế công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị tại các lớp trung cấp lý luận chính trị; nhận thức được sự nguy hại của tình trạng ngại học, lười học lý luận chính trị, đồng thời cũng nhận diện được tình trạng này đang xuất hiện trong một bộ phận học viên của Trường Chính trị tỉnh Hải Dương, làm suy giảm chất lượng và hiệu quả của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Do đó, tôi hướng tới một số giải pháp nhằm khắc phục tình trạng ngại học, lười học lý luận chính trị trong học viên Nhà trường như sau :
Một là, Nâng cao nhận thức về sự cần thiết phải kiên quyết, kiên trì khắc phục ngại học lý luận chính trị
Mục tiêu của giải pháp này là hướng đến thống nhất trong nhận thức của toàn cán bộ, giảng viên, học viên của Nhà trường nói riêng, trong đội ngũ cán bộ, đảng viên của hệ thống chính trị của tỉnh nói chung về sự cần thiết phải khắc phục ngại học lý luận chính trị.
Để thực hiện tốt giải pháp này cần thực hiện đồng bộ, hiệu quả một số nhiệm vụ sau đây:
+ Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục cán bộ, giảng viên, học viên về tác hại của ngại học lý luận chính trị và tính cấp thiết của việc khắc phục;
+ Cùng với tuyên truyền, giáo dục cần thực hiện nghiêm quy chế, quy định về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, tăng cường kỷ luật, siết chặt kỷ cương, nâng cao hiệu quả quản lý.
Hai là, Tiếp tục đổi mới toàn diện, đồng bộ các khâu, quy trình của công tác đào tạo, bồi dưỡng
* Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới, cải tiến nội dung chương trình, đổi mới mô hình tổ chức lớp học:
Mặc dù Chương trình trung cấp lý luận chính trị do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh xây dựng, có tính ổn định lâu dài. Nhưng trong quá trình thực hiện phát hiện những bất cập, hạn chế, mất cân đối thì kịp thời kiến nghị để sửa đổi, cải tiến cho phù hợp hơn với đối tượng người học; thường xuyên cập nhật đường lối, chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước vào giảng dạy.
Tập trung xây dựng, biên soạn Chương trình theo phân cấp của trường chính trị cấp tỉnh đảm bảo sát với thực tiễn của tỉnh, phù hợp với đối tượng học viên.
Thực hiện nghiêm quy chế đào tạo, đặc biệt là biên chế lớp học; đồng thời phải đổi mới mô hình tổ chức lớp phù hợp với từng vị trí việc làm, chức danh của học viên. Tùy theo đặc thù công việc của từng đối tượng cụ thể mà tổ chức lớp dài ngày hay ngắn ngày cho phù hợp.
*Tiếp tục đổi mới phương pháp dạy và học, tăng cường nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn:
Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo về chuyên môn, lấy hoạt động chuyên môn làm trụ cột trong Nhà trường. Từ đó quyết liệt chỉ đạo các khoa thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy; tăng cường sinh hoạt chuyên môn giới thiệu sách, nghe giảng, dự giờ, thăm lớp; khuyến khích tinh thần sáng tạo trong thiết kế giáo án theo hướng tích hợp các nội dung của môn học, bài học với công tác bảo vệ nền tẳng tư tưởng của Đảng
Tiếp tục đổi mới phương pháp giảng dạy, học tập theo hướng tích cực lấy người học làm trung tâm. Đồng thời, đổi mới tổ chức thi, kiểm tra, đánh giá theo định hướng mở, tài liệu mở, tư duy mở gắn với việc dạy - học thực chất, đánh giá thực chất.
Tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn của giảng viên, đồng thời phát huy vai trò của học viên, của các địa phương, cơ quan, đơn vị để nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng, năng lực, phương pháp nghiên cứu, bổ sung kiến thức thực tiễn cho giảng viên.
Tiếp tục đổi mới phương pháp học tập của học viên theo hướng đa dạng hóa các phương pháp học tập, kết hợp chặt chẽ giữa học trên lớp với trao đổi, thảo luận nhóm.
* Tiếp tục đổi mới công tác phối hợp:
Phối hợp với Ban tổ chức, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, huyện, thị, thành ủy trong việc tuyển sinh đào tạo, bồi dưỡng đảm bảo đúng đối tượng, tiêu chuẩn. Tăng cường rà soát đầu vào cẩn trọng tránh cử cán bộ có biểu hiện suy thoái, bất mãn đi học.
Phối hợp trong việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tìm cơ chế giải quyết tốt mâu thuẫn giữa việc địa phương, cơ quan, đơn vị cử cán bộ đi học, nhưng vẫn phải hoàn thành nhiệm vụ chính trị, với việc Nhà trường thì yêu cầu học viên phải toàn tâm, toàn ý tập trung cho học tập.
Tiếp tục phối hợp có hiệu quả trong quản lý, đánh giá học viên, nhất là đánh giá sau đào tạo.
* Tiếp tục đổi mới, tăng cường hiệu quả quản lý lớp, quản lý học viên.
Các khoa chuyên môn cần tăng cường chỉ đạo chuyên môn, kiên quyết yêu cầu giảng viên khi lên lớp bên cạnh nhiệm vụ giảng bài cần quản lý tốt lớp học; nghiêm cấm học viên sử dụng điện thoại, làm việc riêng, ngủ gật trong giờ học ; chỉ đạo quyết liệt việc thường xuyên sinh hoạt chuyên môn để nâng cao trình độ lý luận, phương pháp giảng dạy, kỹ năng xử lý tình huống trong dạy học ; thực hiện ngiêm quy chế học bù, học lại đối với các học viên không đủ điều kiện thi.
Để đảm bảo tính nghiêm minh, nghiêm túc trong quá trình học tập của học viên cần tăng cường quản lý chặt chẽ giờ giấc ra vào lớp; quản lý, quán xuyến quá trình học tập trên lớp, ở ký túc xá. Muốn vậy cần tăng cường gây áp lực trách nhiệm quản lý với tất cả các chủ thể từ giáo viên chủ nhiệm, giáo viên lên lớp, cán bộ phòng Quản lý đào tạo và học viên; ứng dụng công nghệ trong quản lý lớp, quản lý học viên; kỷ luật nghiêm minh các chủ thể vi phạm.
Ba là, Tiếp tục xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo đủ phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác đào tạo, bồi dưỡng
Đẩy mạnh đào tạo chuyên môn, bồi dưỡng kỹ năng, phương pháp, sửa đổi cơ chế khuyến khích học tiến sỹ đúng chuyên môn, chuyên ngành Nhà trường cần. Chuyển từ tập trung giảng dạy là chính sang gắn kết với nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế, tổng kết thực tiễn; chỉ định giao nhiệm vụ khoa học cấp khoa, cấp trường, khuyến khích chủ động đề xuất nhiệm vụ khoa học cấp tỉnh, cấp bộ.
Bốn là, Xây dựng văn hóa trường đảng chuẩn mực, kiểu mẫu, tạo môi trường thuận lợi cho đổi mới sáng tạo trong hoạt động dạy và học
Tiếp tục nghiên cứu cụ thể hóa định hướng phát triển văn hóa trường đảng của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và của tỉnh vào thực tiễn Trường Chính trị, chú trọng xây dựng tác phong, hình ảnh của cán bộ, giảng viên và học viên trong dạy - học lý luận chính trị.
Phát huy tốt vai trò học viên là trung tâm, nhà trường là nền tảng, giảng viên là động lực, tiếp tục kiến tạo môi trường tốt cho cán bộ, giảng viên và học viên học tập, rèn luyện, phát triển kỹ năng, tác phong làm việc khoa học, chú trọng hiệu quả thực tế; coi trọng nghiên cứu và tổng kết thực tiễn; ứng xử văn hoá, tôn trọng và gắn bó mật thiết với Nhân dân.
Tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua gắn với chủ trương xây dựng Trường Chính trị chuẩn kiểu mẫu, trọng tâm là phong trào thi đua 5 tốt “Nghiên cứu tốt, tham mưu tốt, quản trị tốt, dạy - học tốt, tư vấn tốt”. Thi đua tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc “Xây dựng tác phong, hình ảnh của cán bộ, giảng viên, học viên trường Đảng”, gắn với thực hiện “Quy định về ứng xử văn hóa của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương” và thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng phong cách cán bộ trường Đảng trung thành, sáng tạo, cống hiến vì sự nghiệp đào tạo và nghiên cứu lý luận chính trị” giai đoạn 2021-2025 do Giám đốc Học viện CTQG Hồ Chí Minh triển khai.
Trên đây là một số giải pháp nhằm khắc phục tình trạng học viên lười học lý luận chính trị. Để mang lại hiệu quả cao đòi hỏi các giải pháp phải được thực hiện đồng bộ, hướng tới mục tiêu cuối cùng đó là nâng cao chất lượng dạy và học lý luận chính trị, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình hiện nay.
Phạm Thị Phương Thanh, Khoa Lý luận cơ sở
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội XII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, H,2021,, t.1.tr.33