na
NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)! 
Nghiên cứu trao đổi
TÌM HIỂU NHỮNG ĐIỂM MỚI TRONG LUẬT THỰC HIỆN DÂN CHỦ Ở CƠ SỞ 2022
06/11/2023 12:00:00

ThS. Phạm Thị Quyên – khoa NN&PL

Ngày 10 tháng 11 năm 2022, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV đã thông qua Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2023. Nội dung của Luật mới này bao gồm một số điểm mới cụ thể như sau:

Thứ nhất, về phạm vi điều chỉnh: Trước đây, nhóm đối tượng điều chỉnh của thực hiện dân chủ ở cơ sở bao gồm 3 nhóm: nhóm xã, phường, thị trấn được điều chỉnh bằng Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở cơ sở; nhóm cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập được điều chỉnh bằng Nghị định 04/2015/NĐ-CP về thực hiện dân chủ ở cơ quan hành chính nhà nước; nhóm các doanh nghiệp ngoài nhà nước thì theo Nghị định 145/2020/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết thực hiện Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động.

Nay, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 quy định về nội dung, cách thức thực hiện dân chủ ở cơ sở, quyền và nghĩa vụ của công dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Thứ hai, Về nội dung quyền và nghĩa vụ của công dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở có thêm “quyền thụ hưởng của công dân”.

Thứ ba, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở bổ sung thêm 1 số hành vi bị cấm trong thực hiện dân chủ ở cơ sở đó là:

- Gây khó khăn, phiền hà hoặc cản trở, đe dọa công thực hiện dân chủ ở cơ sở.

- Giả mạo giấy tờ, gian lận hoặc dùng thủ đoạn khác để làm sai lệch kết quả bàn, quyết địn, tham gia ý kiến của công dân.

Thứ tư, Xử lý vi phạm về việc thực hiện dân chủ ở cơ sở. Lần đầu tiên Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở quy định về 1 số biện pháp xử lý vi phạm trong việc thực hiện dân chủ ở cơ sở như: xử phạt hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự, bồi thường thiệt hại, xử lý kỷ luật.

Thứ năm, Về nội dung công khai thông tin ở xã, phường, thị trấn. Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở bổ sung thêm một số nội dung công khai thông tin như sau:

- Kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, ph­ương án chuyển dịch cơ cấu kinh tế hằng năm của cấp xã.

- Số liệu, báo cáo thuyết minh dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch hoạt động tài chính của cấp xã trình Hội đồng nhân dân cấp xã; dự toán ngân sách, kế hoạch hoạt động tài chính đã được Hội đồng nhân dân cấp xã quyết định; số liệu và thuyết minh tình hình thực hiện dự toán ngân sách cấp xã định kỳ theo quý, 06 tháng, hằng năm; quyết toán ngân sách nhà nước và kết quả thực hiện các hoạt động tài chính khác đã được Hội đồng nhân dân cấp xã phê chuẩn; kết quả thực hiện các kiến nghị của Kiểm toán nhà nước (nếu có);

- Kế hoạch quản lý, sử dụng quỹ đất do cấp xã quản lý; kế hoạch cho thuê đất thuộc quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích của cấp xã;

- Tình hình đầu tư xây dựng, mua sắm, giao, thuê, sử dụng, thu hồi, điều chuyển, chuyển đổi công năng, bán, thanh lý, tiêu hủy và hình thức xử lý khác đối với tài sản công do cấp xã quản lý; tình hình khai thác nguồn lực tài chính từ tài sản công của chính quyền địa phương cấp xã;

- Thông tin về phạm vi, đối tượng, cách thức bình xét, xác định đối tượng, mức hỗ trợ, thời gian, thủ tục thực hiện phân phối các khoản hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố, thảm họa hoặc để hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo trên địa bàn cấp xã; việc quản lý, sử dụng các nguồn đóng góp, quyên góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài dành cho các đối tượng trên địa bàn cấp xã;

- Số lượng, đối tượng, tiêu chuẩn gọi nhập ngũ; danh sách công dân đủ điều kiện nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân; danh sách công dân được gọi nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân; danh sách tạm hoãn gọi nhập ngũ, miễn gọi nhập ngũ trên địa bàn cấp xã.

Những nội dung công khai trên phù hợp với Luật tiếp cận thông tin hiện hành.

Thứ sáu, Về hình thức công khai thông tin. Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở quy định rất phong phú các hình thực công khai thông tin. Ngoài 3 hình thức giống như Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở cơ sở thì còn bổ sung thêm 7 hình thức công khai thông tin như:

- Đăng tải trên cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử của chính quyền địa phương cấp xã;

- Gửi văn bản đến công dân;

- Thông qua hội nghị trao đổi, đối thoại giữa Ủy ban nhân dân cấp xã với Nhân dân; Thông qua việc tiếp công dân, tiếp xúc cử tri, họp báo, thông cáo báo chí, hoạt động của người phát ngôn của Ủy ban nhân dân cấp xã theo quy định của pháp luật;

- Thông báo đến tổ chức chính trị,tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức, đoàn thể cùng cấp khác để tổ chức phổ biến, tuyên truyền đến hội viên, đoàn viên ở cơ sở;

- Thông qua mạng viễn thông, mạng xã hội hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật, bảo đảm phù hợp với mức độ ứng dụng công nghệ thông tin tại cấp xã, tại thôn, tổ dân phố;

- Các hình thức khác theo quy định của pháp luật và quy chế thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn.

Thứ bẩy, Về thời điểm công khai thông tin. Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở kéo dài thời điểm công khai thông tin từ 2 ngày lên đến 5 ngày kể từ thời điểm có quyết định của cơ quan có thẩm quyền về nội dung cần công khai.

Luật còn quy định thời gian công khai trong một số trường hợp như:

- Quy chế thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, công chức… Các thủ tục hành chính, thủ tục giải quyết công việc liên quan đến tổ chức, cá nhân do chính quyền địa phương cấp xã trực tiếp thực hiện phải được niêm yết thường xuyên tại trụ sở Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp xã và được cập nhật khi có sự thay đổi.

- Việc Công khai trên hệ thống truyền thanh của cấp xã (nếu có) trong thời hạn ít nhất là 03 ngày liên tục.

Thứ tám: Những nội dung, hình thức nhân dân bàn và quyết định

Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở kế thừa 3 nội dung trong Pháp lệnh và bổ sung thêm 3 nội dung nhân dân bàn và quyết định liên quan đến các khoản đóng góp của nhân dân, các công việc nội bộ của cộng đồng dân cư.

Về hình thức nhân dân bàn và quyết định , Luật năm 2022 có bổ sung thêm hình thức: biểu quyết trực tuyến phù hợp với mức độ ứng dụng công nghệ thông tin và được cộng đồng dân cư thống nhất lựa chọn. Ngoài ra, luật còn bổ sung điều khoản quy định về trình tự, thủ tục họp cộng đồng dân cư, phát phiếu lấy ý kiến của hộ gia đình.

Thứ chín: Về quyết định, hiệu lực của quyết định của cộng đồng dân cư: Luật năm 2022 đã quy định cụ thể nội dung, hình thức của quyết định cộng đồng dân cư mà trước đây Pháp lệnh chưa quy định.

Về hiệu lực quyết định cộng đồng dân cư thì Luật quy định có những nội dung cần đến 50% và có những nội dung được thông qua khi có từ hai phần ba tổng số đại diện hộ gia đình trở lên.

Ngoài ra, Luật còn quy định về sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ quyết định của cộng đồng dân cư khi thuộc 1 trong những trường hợp mà luật quy định như: có nội dung trái với quy định pháp luật, không phù hợp thuần phong mỹ tục…

Thứ mười: Những nội dung Nhân dân tham gia ý kiến trước khi cơ quan có thẩm quyền quyết định. Luật năm 2022 có bổ sung thêm 4 nội dung mới để nhân dân tham gia ý kiến.

Về hình thức Nhân dân tham gia ý kiến thì Luật cũng bổ sung thêm 1 số hình thức cho phù hợp với sự phát triển của công nghệ, đó là: Thông qua công thông tin điện tử, trang thông tin điện tử của chính quyền địa phương cấp xã; Thông qua mạng viễn thông, mạng xã hội hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật, bảo đảm phù hợp với mức độ ứng dụng công nghệ thông tin tại cấp xã, thôn, tổ dân phố.

Mười một: Về những nội dung Nhân dân kiểm tra, giám sát: Luật năm 2022 bổ sung nội dung kiểm tra và quy định công dân kiểm tra việc thực hiện các nội dung mà Nhân dân đã bàn và quyết định. Còn công dân giám sát việc tổ chức thực hiện dân chủ ở cơ sở và việc thực hiện chính sách, pháp luật của chính quyền địa phương cấp xã, cán bộ, công chức cấp xã, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố.

Mười hai: Những nội dung Nhân dân tham gia ý kiến trước khi cơ quan có thẩm quyền quyết định: Luật năm 2022 bổ sung thêm 4 nội dung Nhân dân tham gia ý kiến. Về hình thức nhân dân tham gia ý kiến Luật quy định 8 hình thức trong đó có một số hình thức mới như: thông qua cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử của chính quyền địa phương cấp xã, thông qua mạng viễn thông, mạng xã hội hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật, đảm bảo phù hợp với mức độ ứng dụng công nghệ thông tin tại cấp xã, thôn, tổ dân phố.

Mười ba: Về thực hiện dân chủ tại cơ quan, đơn vị. Luật năm 2022 bên cạnh việc kế thừa quy định của Nghị định 04/2015/NĐ-CP đã bổ sung những nội dung người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải công khai; những nội dung cán bộ, công chức, viên chức, người lao động bàn và quyết định.

Trên đây là những điểm mới của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Để hướng dẫn chi tiết việc thực hiện Luật, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 59/2023/NĐ-CP ngày 14 tháng 8 năm 2023.