na
MỪNG ĐẢNG QUANG VINH, ĐẤT NƯỚC ĐỔI MỚI, MỪNG XUÂN ẤT TỴ! 
Nghiên cứu trao đổi
THỰC HIỆN QUY CHẾ DÂN CHỦ - GIẢI PHÁP TẠO LẬP MÔI TRƯỜNG PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC, LAO ĐỘNG SÁNG TẠO CHO ĐỘI NGŨ LÃNH ĐẠO, QUẢN LÝ CẤP XÃ Ở TỈNH HẢI DƯƠNG HIỆN NAY
23/01/2025 02:57:24

Môi trường làm việc là một khái niệm rộng bao gồm tất cả những gì có liên quan, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động và sự phát triển, nâng cao năng lực công tác của mỗi cá nhân, cán bộ, công chức, là yếu tố quan trọng ảnh hưởng lớn đến hiệu quả công việc. Đối với đội ngũ lãnh đạo, quản lý, môi trường làm việc bao gồm: cơ sở vật chất, tinh thần, chế độ, chính sách, mối quan hệ giữa lãnh đạo đối với nhân viên và giữa nhân viên với nhân viên… trong một cơ quan, tổ chức, đơn vị. Môi trường làm việc tốt tạo động lực cho đội ngũ lãnh đạo, quản lý phát huy năng lực; quy tụ sức mạnh tập thể. Thực tế cho thấy không ít cơ quan, tổ chức, đơn vị có môi trường làm việc chưa đảm bảo dẫn đến chất lượng, hiệu quả làm việc kém; mất đoàn kết; thiếu động lực; thậm chí cán bộ, công chức có trình độ, năng lực xin thôi việc hoặc chuyển công tác…

Môi trường làm việc dân chủ là điều kiện quan trọng để các thành viên phát huy mọi tiềm lực, gia tăng sự đoàn kết và là động lực quan trọng vượt qua những khó khăn, thử thách mà thực tế đặt ra. Dân chủ là điều kiện tiên quyết để thực hiện đoàn kết nội bộ; đoàn kết nội bộ, thống nhất mục tiêu, ý chí và hành động là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng trong công tác tổ chức, là yếu tố then chốt hàng đầu đặt nền móng vững chắc cho mọi thành công, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Sự bình đẳng, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau; thưởng phạt công minh, chính xác; tinh thần hợp tác và chia sẻ chân thành, cầu thị vì mục tiêu chung sẽ tạo nên sự đoàn kết, thống nhất cao. Thực tế cho thấy, lúc nào, nơi nào sự đoàn kết, thống nhất trong nội bộ được quán triệt, thực hiện đầy đủ, thì khi đó, nơi đó nhiệm vụ chính trị được thực hiện đạt kết quả cao và ngược lại.

Với mục tiêu Hải Dương trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, quy chế lãnh đạo dân chủ sẽ giúp đội ngũ lãnh đạo, quản lý cấp xã sáng tạo và hợp tác chặt chẽ, minh bạch trong mọi hoạt động, ưu tiên sự linh hoạt, thích ứng cao đồng thời tập hợp được nhiều ý kiến đóng góp để từ đó tạo ra giải pháp tốt nhất trong xử lý tình huống và giải quyết các nhiệm vụ cụ thể. Để xây dựng quy chế lãnh đạo dân chủ, tạo sự đồng thuận và thống nhất cao trong thực hiện nhiệm vụ cần chú ý một số vấn đề sau:

Một là, xây dựng môi trường làm việc mở; công khai, minh bạch mọi chủ trương, chính sách, kế hoạch. Xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm và định hướng phát triển cả trước mắt và lâu dài của địa phương.

Hai là, đánh giá, ghi nhận sự đóng góp ý kiến của tất cả các thành viên; phân loại và có cơ chế động viên, khuyến khích đối với những cá nhân hoàn thành tốt nhiệm vụ, có những sáng kiến cải tiến trong thực thi công vụ. Chính sách khen thưởng cần hợp lý, kịp thời, thỏa đáng kể cả về vật chất và tinh thần cho đội ngũ lãnh đạo, quản lý cấp xã hoạt động tích cực, có nhiều thành tích trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện các chính sách được giao.

Ba là, phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể như: Mặt trận Tổ quốc, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên…trong nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, khó khăn. Xử lý các xung đột và những vấn đề nảy sinh trong thực tế một cách kịp thời, linh hoạt, mềm dẻo, đảm bảo sự khách quan, công tâm, tạo dựng niềm tin cho tất cả các thành viên.

Bốn là, nâng cao trách nhiệm, xác định rõ thẩm quyền của người đứng đầu. Người đứng đầu là trung tâm của tổ chức, chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả hoạt động cũng như về đời sống của tập thể do mình quản lý. Trong một tổ chức, người đứng đầu có vai trò quan trọng, là một trong những yếu tố cơ bản tạo nên môi trường làm việc và có ảnh hưởng lớn đến mỗi cán bộ, công chức trong tổ chức. Người lãnh đạo có nhân cách tốt, có tầm và có tài thì dễ tạo dựng được môi trường làm việc tích cực, ảnh hưởng tốt đến hiệu quả làm việc của cán bộ, công chức và ngược lại. Uy tín, phẩm chất đạo đức, năng lực quản lý của người lãnh đạo cũng là nguyên nhân không nhỏ ảnh hưởng đến tính tích cực, năng động của cán bộ, công chức.

Thực tế cho thấy, những người lãnh đạo có uy tín, có tâm và tầm trong quản lý, điều hành công việc, biết quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần của cấp dưới tất sẽ nhận được sự ủng hộ, sự hưởng ứng tích cực từ cấp dưới. Sự ủng hộ đó chính là tinh thần làm việc hết mình, hết lòng vì tập thể, hăng say, trách nhiệm, đầy nhiệt huyết… Kết quả làm việc đó tạo nên uy tín, thương hiệu cho tập thể, cho cá nhân người lãnh đạo. Ngược lại, người lãnh đạo chỉ biết lo vun vén cho lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân, thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát sẽ ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức.

Do vậy, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền phải sáng tạo, sâu sát, quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, hành động vì lợi ích chung, dẫn dắt tập thể cùng đồng lòng hành động đạt được những mục tiêu đã đề ra. Người đứng đầu phải là trung tâm của sự đoàn kết, không ngừng hoàn thiện mình để trở thành thủ lĩnh của đơn vị, tổ chức; khoan dung, độ lượng, tương thân, tương ái, thương yêu, tin cậy lẫn nhau, tạo bầu không khí ấm áp tình đồng chí, đồng nghiệp; luôn đi đầu gương mẫu trong mọi lĩnh vực. Sự độc đoán, chuyên quyền trong lãnh đạo, quản lý và điều hành công việc, thiếu công tâm khách quan trong xử lý tỉnh huống, các mối quan hệ trong tập thể sẽ gây ức chế, bức xúc. Đồng thời, xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực chặt chẽ, hiệu lực đối với người đứng đầu, bảo đảm quản lý, giám sát, đánh giá và ngăn chặn kịp thời người đứng đầu làm sai trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ. Phát hiện sớm và tập trung xử lý dứt điểm tình trạng mất đoàn kết từ khi những biểu hiện này mới manh nha hình thành.

Xác định việc nêu gương của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu có vai trò rất quan trọng, nên thời gian qua, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã liên tiếp ban hành các quy định về nêu gương, cụ thể: Ngày 7/6/2012, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI ban hành Quy định số 101-QĐ/TW về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; ngày 25/10/2018, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII ban hành Quy định số 08-QĐi/TW về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư , Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương…

Năm là, quán triệt và thực hiện tốt quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, tạo sự thống nhất về chính trị, tư tưởng, về ý chí và hành động. Thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình. Tăng cường giáo dục đạo đức cách mạng, chăm lo củng cố tình đồng chí trong Đảng, chống chủ nghĩa cá nhân. Yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải tự ý thức được trách nhiệm; đảm bảo tuân thủ kỷ luật khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao; nghiêm túc, cởi mở, chân tình góp ý rút kinh nghiệm đối những tồn tại trong quá trình thực hiện nhiệm vụ; Phê bình thẳng thắn trên tinh thần xây dựng, trách nhiệm cao, không né tránh khuyết điểm, không đoàn kết một chiều, không đoàn kết hình thức. Có kế hoạch phân công nhiệm vụ rõ ràng, phù hợp với từng chức danh, nhiệm vụ chuyên môn và khả năng của mỗi người, qua đó, thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở, đồng thời có sự kiểm tra, giám sát kết quả nhiệm vụ được phân công của từng người, trên cơ sở đó đánh giá, phân loại và bình xét thi đua, đề nghị khen thưởng một cách công khai, minh bạch, công bằng, thực chất, tránh hình thức; khen thưởng và xử lý sai phạm đúng người, đúng việc để mọi người rút kinh nghiệm, tránh sai sót, vi phạm tương tự.

Sáu là, kiên quyết đấu tranh loại trừ những phần tử cơ hội có động cơ sai trái, tư tưởng cục bộ, “lợi ích nhóm”, kích động, xúi giục, chia rẽ gây mất đoàn kết nội bộ. Đây là một trong những vấn đề cấp bách hiện nay bởi đó là biểu hiện của sự suy thoái đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên làm suy yếu năng lực lãnh đạo, uy tín, sức chiến đấu của Đảng, là nguyên nhân dẫn tới tự diễn biến, tự chuyển hóa của đội ngũ, làm giảm sức mạnh của tập thể, đồng thời tạo cơ hội cho các thế lực thù địch lợi dụng xuyên tạc, bôi nhọ, phủ nhận công tác cán bộ hiện nay. Tăng cường nắm diễn biến về tư tưởng của đội ngũ lãnh đạo, quản lý đặc biệt ở những địa phương có đơn, thư tố cáo, khiếu kiện kéo dài, mâu thuẫn, mất đoàn kết nội bộ, những sơ hở, thiếu sót trong việc thực hiện chế độ, chính sách, pháp luật để tham mưu khắc phục, giải quyết dứt điểm, có lý, có tình, tạo được sự đồng thuận cao trong nội bộ tổ chức, không để phát sinh vấn đề phức tạp mới, không tạo cớ cho các thế lực thù địch lợi dụng chống phá. Kịp thời phát hiện, đấu tranh phê phán các biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đồng thời chấn chỉnh tình trạng suy giảm sức chiến đấu, “thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh” của một bộ phận đội ngũ lãnh đạo, quản lý.

Tóm lại, việc thực hiện nghiêm túc quy chế dân chủ ở cơ sở tạo ra sự bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau giữa lãnh đạo với nhân viên, giữa nhân viên với nhân viên góp phần tạo ra bầu không khí làm việc lành mạnh. Đây là cơ sở cho sự phát triển nhân cách, năng lực của bản thân, là động lực thúc đẩy đội ngũ lãnh đạo, quản lý cấp xã đạt hiệu quả cao trong công việc./.

Đặng Thị Mai, Khoa Lý luận cơ sở