Trong hệ thống tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, cấp xã (xã, phường, thị trấn) là một trong bốn cấp hành chính. Cấp xã là cấp thấp nhất, gần dân nhất, là cấp trực tiếp tổ chức và vận động nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Để thực hiện được nhiệm vụ quan trọng này, nhân tố quyết định chính là đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã. Bởi vậy, trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá như hiện nay, để củng cố, xây dựng, kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã xứng tầm với nhiệm vụ, Đảng và Nhà nước ta ngày càng quan tâm sâu sắc đến công tác cán bộ cấp xã.
Đối với tỉnh Hải Dương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh cũng rất quan tâm đến công tác cán bộ nói chung, cán bộ cấp xã nói riêng. Năm 2016, Tỉnh ủy ban hành Đề án số 01- ĐA/TU ngày 29/8/2016 về “Sắp xếp, kiện toàn tổ chức, bộ máy, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị ở xã, phường, thị trấn giai đoạn 2016-2020”. Ngày 15/8/2021, Ban thường vụ tỉnh ủy Hải Dương ban hành Đề án số 02-ĐA/TU về xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là người đứng đầu có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín đáp ứng yêu cầu phát triển, giai đoạn 2021 -2030. Các Đề án đã cụ thể hóa tầm nhìn đổi mới của các cấp lãnh đạo tỉnh Hải Dương trong việc nâng cao hơn nữa chất lượng của đội ngũ cán bộ lãnh đạo trong giai đoạn mới.
Để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tỉnh Hải Dương đã triển khai xây dựng, phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Hiện nay, trên toàn tỉnh có 18 khu công nghiệp đã được phê duyệt xây dựng, 12 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, với gần 400 dự án đầu tư thứ cấp; 32 cụm công nghiệp đang hoạt động (cơ bản đã được lấp đầy). Trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hải Dương các khu công nghiệp, cụm công nghiệp có sự đóng góp không nhỏ. Tuy nhiên, sự phát triển của các khu, cụm công nghiệp cũng làm phát sinh nhiều vấn đề bất cập trong quản lý nhà nước, trong đó có hoạt động quản lý nhà nước của chính quyền cấp xã.
Qua nghiên cứu, đánh giá về năng lực quản lý nhà nước của cán bộ, công chức (CBCC) cấp xã ở những nơi có khu, cụm công nghiệp (KCCN) tại Hải Dương có thể thấy, cán bộ, công chức đạt nhiều ưu điểm nổi bật như trình độ chuyên môn cao, kỹ năng quản lý nhà nước (QLNN) của cán bộ, công chức khá đảm bảo, ý thức thái độ của cán bộ, công chức cơ bản tốt, có những đóng góp tích cực cho quá trình phát triển các khu, cụm công nghiệp và kinh tế - xã hội (KTXH) tại địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng cho thấy năng lực quản lý nhà nước của một bộ phận cán bộ, công chức cấp xã ở những nơi có khu, cụm công nghiệp chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu phát triển hiện nay, nhất là một số năng lực đặc thù, chuyên biệt như năng lực tham gia xây dựng phát triển các khu, cụm công nghiệp, năng lực kết nối tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động, năng lực xử lý giải quyết các vấn đề phát sinh như quản lý đất đai, ô nhiễm môi trường, tệ nạn xã hội, tạo việc làm, năng lực xử lý các tình huống chính trị xã hội phát sinh trên địa bàn... Điều đó xuất phát nguyên nhân khách quan và chủ quan. Từ thực tiễn trên, việc nghiên cứu đề xuất các giải pháp cụ thể, có tính khả thi cao nhằm nâng cao năng lực quản lý nhà nước cho cán bộ, công chức cấp xã tại các địa phương có khu, cụm công nghiệp có ý nghĩa rất quan trọng cả về mặt lý luận và thực tiễn.
Thực hiện Quyết định số 14/QĐ-UBND ngày 06/01/2023 của UBND tỉnh Hải Dương phê duyệt Kế hoạch khoa học công nghệ năm 2023; Trường Chính trị tỉnh Hải Dương nghiên cứu, hoàn thiện nội dung đề tài khoa học và công nghệ năm 2023:“Nâng cao năng lực quản lý nhà nước của cán bộ, công chức cấp xã trên địa bàn có khu, cụm công nghiệp tại tỉnh Hải Dương”. Trên cơ sở nội dung nghiên cứu của đề tài, có thể xác định một số giải pháp đặc thù nhằm nâng cao năng lực quản lý nhà nước của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã trên địa bàn có khu, cụm công nghiệp của tỉnh, tập trung vào các giải pháp cơ bản sau:
- Một là, Đổi mới, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác quản lý CBCC cấp xã và phát triển KTXH tại các xã, phường, thị trấn nơi có KCCN.
Thực hiện phương châm “Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”, sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng thông qua việc han hành và chỉ đạo triển khai thực hiện chủ trương đường lối, các văn bản nghị quyết; thông qua công tác sinh hoạt Đảng, tổ chức cán bộ, kiểm tra giám sát,… là điều kiện tiên quyết quyết định hiệu lực, hiệu quả của hoạt động QLNN. Để nâng cao năng lực QLNN của CBCC cấp xã trên địa bàn có KCCN, cần tích cực đổi mới, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng tại địa phương, tập trung vào một số nội dung như:
- Xây dựng cấp ủy cấp xã thực sự tiêu biểu về trí tuệ, năng lực, phẩm chất đoàn kết thống nhất nội bộ, nâng cao năng lực cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết.
- Nâng cao chất lượng sinh hoạt Đảng, đổi mới lề lối làm việc và phong cách công tác của cấp ủy.
- Nâng cao chất lượng ra nghị quyết, quyết định để tiến hành công nghiệp hoá, hiện đại hoá ở các địa phương phù hợp với đặc thù riêng biệt của những địa bàn có CCN, KCN ở Hải Dương
- Nâng cao chất lượng tổ chức thực hiện nghị quyết và kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghị quyết của các cấp ủy Đảng.
- Hai là, Xây dựng và thực hiện tiêu chuẩn hóa chức danh, vị trí việc làm, sắp xếp hợp lý số lượng CBCC cấp xã trên địa bàn có KCCN.
- Về tiêu chuẩn hóa chức danh CBCC cấp xã trên địa bàn có KCCN: Xây dựng và thực hiện tiêu chuẩn hóa chức danh đội ngũ CBCC là cơ sở, điều kiện để thực hiện các nội dung khác của công tác xây dựng đội ngũ CB, như: đánh giá CB, thực hiện quy hoạch, đào tạo, bố trí, sử dụng CB và thực hiện chính sách đối với đội ngũ CBCC cấp xã... Để thực hiện, trước hết cần quán triệt tiêu chuẩn về chức danh CBCC theo Nghị quyết Trung ương ba (Khóa VIII) về chiến lược CB thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, Nghị quyết số 26-NQ/TW (Nghị quyết Hội nghị lần thứ Bảy BCH TW khóa XII) về tập trung xây dựng đội ngũ CB các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phảm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, xác định tiêu chuẩn cho từng chức danh CBCC.
- Về điều chỉnh số lượng, cơ cấu CBCC cấp xã trên địa bàn có KCCN: UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện có thể xem xét tăng số lượng CBCC cho những xã, phường, thị trấn có KCCN. Nếu không tăng số lượng thì có thể điều chỉnh cơ cấu CBCC theo hướng: giảm công chức kế toán (đối với đơn vị có 02 kế toán) và tăng số lượng công chức tư pháp; công chức văn phòng thống kê; công chức địa chính – xây dựng – đô thị (nông nghiệp) - môi trường hoặc công chức văn hóa xã hội (tùy theo yêu cầu của từng địa phương).
- Ba là, Ban hành Khung năng lực và bộ tiêu chí đánh giá đối với từng chức danh CBCC cấp xã trên địa bàn có KCCN tại tỉnh Hải Dương.
Trên cơ sở tiêu chuẩn chung quy định tại Nghị định 33/2020/NĐ-CP quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố, cần xây dựng bộ tiêu chí đánh giá cụ thể đối với từng chức danh CBCC cấp xã nói chung, CBCC cấp xã trên địa bàn có KCCN nói riêng. Đây là cơ sở quan trọng cho công tác bầu cử, tuyển dụng, tiếp nhận, quy hoạch; công tác đánh giá, khen thưởng, kỷ luật CBCC cấp xã. Đối với các đơn vị cấp xã trên địa bàn có KCCN, bên cạnh tiêu chí đánh giá chung về kiến thức, kỹ năng, thái độ của CBCC, cần chú trọng xây dựng nhóm tiêu chí đánh giá đối với những năng lực QLNN đặc thù CBCC cấp xã cần có khi tham gia quản lý các địa bàn có KCCN.
- Bốn là, Ban hành Khung chương trình bồi dưỡng riêng và có cơ chế đặc thù đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng CBCC cấp xã trên địa bàn có KCCN
Đào tạo, bồi dưỡng là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu nhằm nâng cao năng lực QLNN cho CBCC cấp xã trên địa bàn có KCCN. Hiện nay, chưa có tiêu chuẩn bầu cử, tuyển dụng riêng cho CBCC cấp xã trên địa bàn có KCCN, nhưng yêu cầu về năng lực QLNN đối với CBCC cấp xã nơi có KCCN đặt ra luôn cao hơn so với các địa phương khác. Hoạt động QLNN trên các mặt, lĩnh vực KTXH có nhiều yếu tố đặc thù, phức tạp, đòi hỏi CBCC cấp xã vừa có kiến thức chuyên môn, vừa có kỹ năng, kinh nghiệm thực tế để giải quyết các vấn đề phát sinh. Từ thực tiễn đó, để nâng cao năng lực QLNN của CBCC cấp xã trên địa bàn có KCCN cần xây dựng khung chương trình bồi dưỡng riêng và có cơ chế đặc thù đối với công tác ĐTBD CBCC cấp xã trên địa bàn có KCCN.
- Năm là, Nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của CBCC cấp xã về phát triển kinh tế xã hội, xây dựng các khu, cụm công nghiệp tại địa phương.
Hiện nay vai trò của chính quyền cấp xã trong tham gia xây dựng và quản lý các KCCN còn rất hạn chế, xuất phát từ cả nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan. Nhận thức và ý thức trách nhiệm trong phát triển KTXH của đội ngũ CBCC, nhất là cán bộ lãnh đạo chưa cao là rào cản làm chậm quá trình phát triển KTXH của địa phương, ảnh hưởng trực tiếp đến năng lực QLNN của CBCC đối với các vấn đề phát sinh khi có KCCN đi vào hoạt động. Để giải quyết điểm nghẽn này, cần tập trung thực hiện một số giải pháp cụ thể sau:
- Cần làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền về chủ trương phát triển kinh tế xã hội từ Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện đến cấp xã. Đảm bảo CBCC cấp xã, nhất là cán bộ lãnh đạo nắm rõ chủ trương phát triển KTXH và phát triển các KCCN tại địa phương.
- Chú trọng nâng cao năng lực xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của chính quyền cấp xã.
- Cần có sự trao đổi thông tin thường xuyên giữa các cơ quan chuyên môn có thẩm quyền với chính quyền cấp xã trong quá trình xây dựng và quản lý các KCCN.
- Trong công tác bầu cử, tuyển dụng, quản lý, sử dụng CBCC cấp xã, cần ưu tiên CBCC có năng lực, trình độ về quản lý KTXH, coi năng lực nhận thức và trách nhiệm trong phát triển KTXH là một tiêu chí quan trọng để đánh giá cán bộ.
Thực tiễn công tác quản lý nhà nước ở nước ta cho thấy, việc nâng cao chất lượng, ý thức trách nhiệm của CBCC là khâu then chốt quyết định hiệu quả QLNN của CBCC cấp xã trên địa bàn có KCCN. Tập trung thực hiện những giải pháp trên cũng phù hợp với mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh, góp phần tích cực để hoàn thành mục tiêu phát triển Hải Dương sớm trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.