Ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học cũng có thể gọi bằng một tên gọi khác bao hàm cả các kĩ thuật dạy học và kĩ thuật khai thác sự hỗ trợ của CNTT là Webquest - tạm dịch là khám phá trên mạng. Đây cũng là biện pháp dạy học có thể được vận dụng ở mức cao thành dạy học dự án với sự mở rộng và nâng cao nhiệm vụ học tập, thời gian thực hiện và đặc biệt là kĩ năng khai thác sự hỗ trợ của CNTT: kĩ năng khai thác và xử lí thông tin bằng google search, kĩ năng trao đổi, chia sẻ thông tin, quan điểm bằng google drive, mail, chat; kĩ năng tạo lập và trình chiếu sản phẩm học tập bằng powerpoint, tạo CD, thiết kế web hoặc đơn giản là file word…
Thảo luận là phương pháp dạy học hiện đại, tích cực nhưng cũng khó thực hiện, đòi hỏi nhiều thời gian và sự đầu tư công phu của cả giáo viên và học viên; đòi hỏi nhiều tài liệu, nhiều kĩ nãng… Nếu thực hiện theo cách thông thường, không có sự hỗ trợ của CNTT thì tổ chức thảo luận ít sinh động bởi nguồn tài liệu hạn chế, bởi sự đơn điệu trong việc trình bày kết quả tự học và thuyết trình.
Kết hợp giữa CNTT và thảo luận là phương pháp có phần giao thoa với biện pháp tự học là học viên phải tự làm việc với tài liệu nhưng điểm quan trọng là học viên phải trình bày, trao đổi, thảo luận và đi đến nội dung học tập ngay tại lớp. Do đó cần sự hướng dẫn trực tiếp của giáo viên và đòi hỏi năng lực sử dụng công nghệ phức tạp hơn. Điểm mấu chốt của biện pháp này là giáo viên phải lựa chọn những nhiệm vụ học tập có tính vấn đề. Nếu như tự học đôi lúc chỉ cần học viên hiểu, tóm tắt và vận dụng được những điều đã đọc được thì thảo luận đòi hỏi người học không dừng lại ở đó mà phải trình bày quan điểm, chính kiến của mình về một nội dung thuộc bài học, liên hệ với những vấn đề có tính thời sự, thậm chí có sự tranh luận, phản biện để kích thích tư duy, phát huy khả năng sáng tạo của học viên, từ đó có những cảm nhận mới mẻ, độc đáo về nội dung bài học và đưa bài học đến gần với thực tiễn hơn.
Tổ chức Thảo luận với sự hỗ trợ của CNTT được triển khai thực hiện dễ dàng hơn, tiết kiệm thời gian hơn và hiệu quả hơn thông qua các bước cơ bản sau:
Bước 1: Giáo viên giao nhiệm vụ, hướng dẫn lập kế hoạch và cách thức thực hiện (hoặc giáo viên và học viên có thể bàn luận để thống nhất chọn chủ đề phù hợp với mục đích, nhiệm vụ dạy học đặt ra)
Bước 2: Học sinh tự làm việc ở lớp (theo cá nhân – theo nhóm)
Ở bước này, học viên sử dụng CNTT để khai thác kho tài nguyên điện tử, chọn lọc thông tin và thiết kế bài trình bày; liên lạc, trao đổi ý kiến với bạn cùng nhóm hoặc với giáo viên để định hướng thông tin và cung cấp thông tin ở những trang web chính thống, giúp học viên tiếp cận đúng, trúng vấn đề
Bước 3: Học viên thuyết trình, thảo luận
Phần thuyết trình ở lớp của học viên sẽ được thực hiện sinh động hơn, hấp dẫn hơn với hình thức trình chiếu nội dung đã được chuẩn bị; thu hút sự theo dõi và trao đổi của tập thể lớp về vấn đề được đặt ra. Ngoài ra, nội dung thuyết trình có sự chuẩn bị kĩ càng với nguồn tài liệu phong phú cũng là yếu tố kích thích hoạt động thảo luận ở lớp thêm sôi nổi và tích cực.
Bước 4: Nhận xét, đánh giá và rút kết luận cần thiết cho bài học.
Vận dụng vào một nội dung cụ thể
Thảo luận nội dung bài 19 về vấn đề “CMXHCN là kết quả của sự vận động, biến đổi theo quy luật khách quan của xã hội loài người”
Học viên thảo luận để chứng minh luận điểm trên có sử dụng CNTT để làm sáng tỏ những biểu hiện của quy luật khách quan như sau
Bước 1: Giao nhiệm vụ, hướng dẫn lập kế hoạch và cách thức thực hiện
+ GV đặt vấn đề: có 2 vấn đề lớn cần làm rõ đó là quy luật kinh tế và quy luật xã hội. Quy luật kinh tế biểu hiện bởi quy luật LLSX-QHSX, vậy quy luật này biểu hiện cụ thể ra sao? (những thành tựu về sự phát triển của LLSX mang tính xã hội hóa ngày càng cao thông qua sự phát triển của khoa học công nghệ và phân công lao động mang tính toàn cầu như thế nào?…). Quy luật xã hội biểu hiện bởi quy luật đấu tranh giai cấp giữa giai cấp tư sản và giai cấp vô sản biểu hiện ra sao? Những phong trào đấu tranh như thế nào…? Nhân tố quyết định thắng lợi của cuộc đấu tranh này là gì?
+ Giao nhiệm vụ cho lớp chia nhóm thực hiện thuyết trình, cả lớp cùng tìm hiểu để trao đổi, thảo luận, các thành viên có thể trao đổi tài liệu với nhau trên nhóm lớp, nhóm thảo luận được lập để tập hợp tài liệu trên mạng…
+ Giáo viên giới thiệu tài liệu: xem phim tài liệu về CNH-HĐH; giới thiệu các tài liệu liên quan…
+ Yêu cầu về các mốc thời gian: Thời điểm chuyển bài thuyết trình vào diễn đàn học tập của lớp, các thành viên đọc và tham ý kiến trên nhóm; thời điểm thuyết trình, thảo luận…
Bước 2: Học viên tự làm việc thông qua các thiết bị máy tính, điện thoại, giáo trình và các tài liệu khác
+ Cá nhân tìm kiếm tài liệu, giải quyết các yêu cầu độc lập.
+ Nhóm làm việc, trao đổi.
+ Trao đổi với GV (nếu cần)
+ Lập đề cương và chuẩn bị bài thuyết trình.
+ Chuyển file thuyết trình cho các thành viên lớp và GV.
Bước 3: Học viên thuyết trình, thảo luận
Nhóm thuyết trình, nêu vấn đề thảo luận đã chuẩn bị trước lớp, tổ chức trao đổi ý kiến qua bài thuyết trình có sử dụng sự hỗ trợ của CNTT.
Bước 4: Nhận xét, đánh giá và rút kết luận cần thiết cho bài học
Giáo viên hướng dẫn đánh giá, nhận xét và rút kết luận.
Việc nhận xét, đánh giá có thể vẫn được tiếp tục sau giờ học thông qua diễn đàn của lớp, từ đó học viên sẽ có nguồn tài liệu học tập phong phú.
Một số vấn đề cần lưu ý
Để thực hiện thảo luận với sự hỗ trợ của CNTT được thực hiện một cách hiệu quả, giảng viên và học viên cần lưu ý một số yêu cầu sau:
1- Nhiệm vụ học tập phải được đề ra, định hướng một cách rõ ràng, cụ thể cả về nội dung lẫn phạm vi tài liệu. Đặc biệt, kho tài nguyên điện tử càng phong phú bao nhiều càng cần sự định hướng và giới thiệu một cách cụ thể, chính xác bấy nhiêu.
2- Chuẩn bị nội dung thuyết trình và hình thức thuyết trình hấp dẫn, trọng tâm bằng cách sử dụng các phần mềm trình chiếu như powerpoint, canva, myViewBoard…
3- Chú ý hoạt động đánh giá kết quả buổi thảo luận của giảng viên nhằm neo chốt vấn đề và gợi mở những hướng tư duy vận dụng lý luận để giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra cho học viên tự nghiên cứu.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin nhằm đổi mới nội dung, phương pháp dạy học là một công việc lâu dài, khó khăn đòi hỏi rất nhiều điều kiện về cơ sở vật chất, năng lực của đội ngũ giáo viên. Vì vậy, cần có sự quan tâm đầu tư đồng bộ về cơ sở vật chất và kĩ năng sử dụng CNTT để thể hiện tốt hơn phương pháp sư phạm, góp phần đổi mới phương pháp giảng dạy và nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng chương trình trung cấp lý luận nói riêng, chất lượng giáo dục nói chung.
Phạm Thị Phương Thanh, Khoa Lý luận cơ sở