Trong bầu trời
không gì quý bằng nhân dân
Chở thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân, sức
dân như nước. Người Anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi đã khẳng định như vậy. Chủ tịch
Hồ Chí Minh cũng cho rằng, “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong
thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân” (Hồ Chí Minh toàn
tập, T 8, tr.276).
Tổng kết 35 năm công cuộc đổi mới
đất nước, đặc biệt 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ
XII, dự thảo báo cáo Chính trị trình Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ bài học
“dân là gốc” được Đảng ta nhấn mạnh đây là bài học lớn được đúc kết suốt chiều
dài lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, được Đảng ta vận
dụng thành công trong 90 mùa xuân qua. Có Đảng mở đường, chỉ lối, cách mạng mới
thành công. Chính nhân dân và chỉ có nhân dân mới là người hiện thực hóa được mục
tiêu, lý tưởng mà Đảng đề ra, đã làm nên bao kỳ tích vĩ đại. Không có nhân dân
sẽ không bao giờ có lực lượng cách mạng và phong trào cách mạng. Những thành tựu
to lớn, có ý nghĩa lịch sử mà đất nước đạt được sau gần 35 năm thực hiện công
cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo là công lao của gần 100 triệu
người dân Việt Nam yêu nước.
Nhận thức sâu sắc bài học lấy dân làm gốc, Đại hội XIII của Đảng đã chỉ
rõ: Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của
công cuộc đổi mới..., thực hiện đúng nguyên tắc: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ
hưởng”.
Như vậy, trong quan điểm “dân là gốc” của Đảng, ở Đại
hội XIII có 02 điểm mới so với Đại hội XII.
- Một là, Nhân dân được xác định là trung tâm, là chủ
thể của công cuộc đổi mới đất nước.
- Hai là, phương châm: “dân biết, dân bàn, dân làm,
dân kiểm tra” đến Đại hội XIII là: “dân
biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân hưởng thụ”,
Theo đó, mọi chủ trương, đường lối của Đảng đều phải
xuất phát từ nguyện vọng của Nhân dân, vì mục tiêu bảo đảm tốt nhất quyền và lợi
ích của Nhân dân. Mục tiêu của công cuộc đổi mới là xây dựng nước Việt Nam “dân
giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, trong đó chữ “dân” được đặt ở vị
trí đầu tiên. Cách mạng Việt Nam từ khi có Đảng đã chứng minh, nhiều ý kiến,
nguyện vọng chính đáng và sáng kiến của Nhân dân nảy sinh từ thực tiễn cuộc sống
đã trở thành nguồn gốc hình thành đường lối, chủ trương của Đảng. Thực tiễn
cũng cho thấy, chủ trương, chính sách nào phù hợp với nguyện vọng của Nhân dân,
bảo đảm các quyền và lợi ích của Nhân dân, “ý Đảng, lòng dân” hòa quyện thành một,
thì chủ trương, chính sách đó được Nhân dân đồng tình ủng hộ, nhanh chóng đi
vào cuộc sống và mang lại hiệu quả; chủ trương, chính sách nào không xuất phát
từ nguyện vọng, quyền và lợi ích của Nhân dân, thì sẽ rất khó đi vào cuộc sống,
thậm chí thất bại. Có thể khẳng định, thực tiễn cuộc sống đã góp phần bổ sung,
làm sâu sắc hơn bài học quý báu này.
Dự báo trong những năm tới, bối cảnh quốc tế, khu vực
tiếp tục có nhiều thay đổi phức tạp, nhanh chóng, khó lường. Dưới tác động của
đại dịch Covid-19, thế giới rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng nhiều mặt, cả về y
tế, kinh tế, xã hội và quản trị. Cạnh tranh chiến lược, cạnh tranh kinh tế, chiến
tranh thương mại tiếp tục diễn ra gay gắt. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ
tư phát triển mạnh mẽ, tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực, tạo ra cả thời cơ và
thách thức đối với mọi quốc gia. Các nước nỗ lực điều chỉnh chiến lược và
phương thức phát triển nhằm thích ứng với tình hình mới. Khu vực Châu Á - Thái
Bình Dương có vị trí chiến lược ngày càng quan trọng. Tại Đông Nam Á, môi trường
an ninh, tình hình tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông tiếp tục diễn ra phức tạp.
Biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh và các vấn đề an ninh phi truyền thống
khác ngày càng tác động mạnh, nhiều mặt, đe doạ nghiêm trọng đến sự phát triển ổn
định, bền vững của thế giới, khu vực và đất nước ta...
Vì vậy, để đạt được mục tiêu của Đại hội, vượt qua khó
khăn thách thức đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị nước ta phải
quyết tâm cao, nỗ lực lớn và hành động quyết liệt hơn nữa để khắc phục cho bằng
được, trong đó sức mạnh, lực lượng của nhân dân có vai trò quyết định. Trong mọi
công việc của Đảng và Nhà nước, luôn xác định "dân là gốc", thật sự
tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; kiên trì thực hiện
đúng nguyên tắc: "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát,
dân thụ hưởng". Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới; mọi
chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích
chính đáng của nhân dân. Đảng phải chăm lo đầy đủ và sâu sắc đến đời sống, lợi
ích của nhân dân; xây dựng mối quan hệ gắn bó máu thịt với nhân dân; dựa vào
nhân dân để xây dựng Đảng, lấy kết quả công việc, sự hài lòng và tín nhiệm của
nhân dân làm tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng tổ chức bộ máy và chất
lượng cán bộ, đảng viên. Để củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, phải
kiên quyết, tích cực làm trong sạch đội ngũ cán bộ của Đảng, khắc phục các hiện
tượng sa sút, thoái hoá về phẩm chất, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng
viên, củng cố và xây dựng các tổ chức đảng thật trong sạch, vững mạnh, làm cho
Đảng thật sự là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.
Bao hy sinh, vất vả khó khăn sau 90 năm dưới sự
lãnh đạo của Đảng, đất nước ta đã đạt những thành tựu to lớn trong thời kỳ đổi
mới, tạo những tiền để thuận lợi để đất nước phát triển lên tầm cao mới. Đại
hội Đảng lần thứ XIII được toàn Đảng, toàn dân kỳ vọng là Đại hội có ý nghĩa
đặc biệt quan trọng, đánh dấu mốc quan trọng, đưa đất nước bước vào giai đoạn
phát triển mới, với một niềm tin mới, đất nước phát triển thịnh vượng, giàu có,
để tất cả nhân dân được hưởng thụ. Điều này được thể hiện rõ ở mục tiêu của Đại
hội XIII: Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn
Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy ý chí, khát vọng,
sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh đổi
mới sáng tạo, phát triển nhanh và bền vững đất nước; bảo vệ vững chắc Tổ quốc,
giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI nước ta trở
thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đó là tâm huyết,
trí tuệ và niềm tin, là "ý Đảng, lòng Dân" hòa quyện cùng mong muốn,
khát vọng và ý chí vươn tới một tương lai rạng rỡ của đất nước và toàn dân
tộc./.
Th.S
Đỗ Thị Lan
Phó
trưởng khoa Xây dựng Đảng