Th.s Lê Thị Nguyên
Giảng viên Khoa Xây dựng Đảng
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Người đời ai cũng có khuyết điểm. Có làm việc thì có sai lầm". Bởi vậy: "về luật phát triển, Đảng Lao động Việt Nam dùng lối tự phê bình và phê bình để giáo dục đảng viên, giáo dục quần chúng"(1). Hồ Chí Minh khẳng định: “Một đảng mà giấu khuyết điểm của mình là một đảng hỏng. Một đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”. Do đó, tự phê bình và phê bình được coi là một quy luật phát triển của đảng cộng sản nói chung, Đảng Cộng sản Việt Nam nói riêng. Tuy nhiên, trong nguyên tắc tự phê bình và phê bình có nhiều vấn đề cần phân tích làm rõ nhưng trong khuôn khổ bài viết tác giả chỉ tập trung làm rõ về phương pháp tự phê bình và phê bình để làm sao nâng cao chất lượng, hiệu quả trong xây dựng chi bộ cơ sở vững mạnh.
Phương pháp tự phê bình và phê bình phải cứng rắn về nguyên tắc, mềm dẻo và khéo léo về cách thức tiến hành, thể hiện rõ những đặc tính cơ bản của tự phê bình và phê bình của Đảng. Việc khéo léo sử dụng tự phê bình và phê bình sẽ làm tăng chất lượng của nó. Phê bình người nào, khi nào, nói những gì, bằng cách nào, nói đến mức độ nào... phải biết xử thế một cách rất tế nhị, không được làm cho họ khó chịu và nản lòng thì họ mới dễ tiếp thu và sửa chữa khuyết điểm nhanh chóng. Ngược lại, sử dụng không khéo tự phê bình và phê bình thì hiệu quả thu được thấp, thậm chí còn gây tác hại. Nếu né tránh lựa chiều khi tự phê bình và phê bình tác hại sẽ lớn hơn. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phê phán những người hay dùng phương pháp hành chính, mệnh lệnh, không biết sử dụng những phương pháp thích hợp để giải quyết công việc. Người đã nói một cách hình ảnh rằng: "bánh ngọt là một thứ ngon lành, nhưng đem bánh ngọt bắt người ta ăn, nhét vào miệng người ta, thì ai cũng chán"(2). Đối với tự phê bình và phê bình lại càng không nên dùng phương pháp hành chính, mệnh lệnh. Nếu cứ dùng phương pháp đó thì tự phê bình và phê bình thường đem lại hiệu quả thấp, nhiều khi còn phản tác dụng.
Trong phương pháp thực hiện tự phê bình và phê bình hiện nay cần chú ý:
Quán triệt rõ mục đích, ý nghĩa của tự phê bình và phê bình trong hoạt động lãnh đạo và xây dựng nội bộ Đảng cho tất cả cán bộ, đảng viên của tổ chức đảng.
Cá nhân, tổ chức tự giác, nghiêm túc tự phê bình trước tập thể đảng viên. Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu: “…phê bình mình cũng như phê bình người phải ráo riết, triệt để, thật thà, không nể nang, không thêm bớt. Phải vạch rõ cả ưu điểm và khuyết điểm. Đồng thời, chớ dùng những lời mỉa mai, chua cay, đâm thọc. Phê bình việc làm, chứ không phải phê bình người”(3).
Tập thể tổ chức đảng tham gia đóng góp ý kiến cho cá nhân và tổ chức, kết luận những ưu điểm và khuyết điểm của đối tượng tự phê bình.
Cấp ủy và lãnh đạo cấp trên gợi ý bằng văn bản (hoặc cán bộ xuống dự trực tiếp) cho cấp dưới những vấn đề cần làm rõ trong tự phê bình và phê bình.
Tự phê bình và phê bình từ trên xuống và từ dưới lên trên.
Kết hợp chặt chẽ phê bình với tự phê bình; tự phê bình và phê bình với sửa chữa khuyết điểm. Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Những người bị phê bình thì phải vui lòng nhận xét để sửa đổi, không nên vì bị phê bình mà nản chí, hoặc oán ghét”(4).
Phê bình phải đúng lúc, đúng chỗ, có cách nói thích hợp để người đuợc phê bình dễ tiếp thu, sửa chữa.
Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) đã đề cập bốn giải pháp cần tiến hành, trong đó nhóm giải pháp về tự phê bình và phê bình, nêu cao tính tiên phong, gương mẫu của cấp trên được đưa lên hàng đầu. Đến Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) tiếp tục khẳng định giải pháp hàng đầu là về nêu gương tự phê bình và phê bình của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ cao cấp. Trong giai đoạn hiện nay, để góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, cần phải quán triệt, thực hiện nghiêm chủ trương của Đại hội lần thứ XIII: "Thực hiện nghiêm túc, hiệu quả tự phê bình và phê bình”(5).
Hiện nay, trong sinh hoạt của các chi bộ, các cán bộ, đảng viên thấu suốt mục đích, ý nghĩa, nắm vững nguyên tắc, thái độ, phương pháp tự phê bình và phê bình. Tuy nhiên, các chi bộ muốn đạt được tính thiết thực, tính hiệu quả của tự phê bình và phê bình ở mức độ quyết định phụ thuộc vào công tác tổ chức thực hiện, nhằm khắc phục những sai lầm, khuyết điểm được phát hiện, nhằm thực hiện những đề nghị có giá trị của quần chúng, đảng viên. Cứ hô hào tự phê bình và phê bình, song không kiên quyết sửa chữa những sai lầm khuyết điểm đã được phát hiện thì lời hô hào đó trở nên vô nghĩa.
Do đó, các chi bộ cần thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng và đặc biệt là nguyên tắc tự phê bình và phê bình, đồng thời khuyến khích tính nghiêm túc của phê bình kết hợp với tính nhân đạo và thiện cảm của đồng chí của người cộng sản là những người rất mực trung thực, trọn nghĩa, trọn tình. Các đồng chí đảng viên nêu cao tinh thần phê bình trung thực và chân thành đối với các khuyết điểm và sai lầm, kịp thời ủng hộ những phẩm chất tốt đẹp nhất ở mỗi người đảng viên trong chi bộ. Tự phê bình và phê bình cũng như phê bình đồng chí mình chủ yếu phải phải xuất phát từ công việc cụ thể được giao mà nhận xét ưu, khuyết điểm của mình, của đồng chí mình đến đâu thì tự phê bình và phê bình đến đó, tức là sự thật như thế nào thì ta nói như thế, chứ không thêm, không bớt. Thấy khuyết điểm nhưng phải nhìn và ghi nhận cả ưu điểm của đồng chí mình chứ không nên trong suốt quá trình phấn đấu chỉ nhìn thấy khuyết điểm nhỏ của đồng chí mình để đánh giá, nhận xét làm ảnh hưởng cả quá trình làm việc của đồng chí ấy. Đối với khuyết điểm, cần phải phân tích tính chất, mức độ có nghiêm trọng hay không có khắc phục được trước khi xảy ra sai lầm chưa và ảnh tới đâu, tìm ra hoàn cảnh và nguyên nhân gây ra khuyết điểm. Phải xem xét đồng chí mình cả quá trình từ trước đến nay, kết hợp quá khứ và hiện tại để đánh giá cho đúng, không nên nghe từ một phía. Khi tiến hành đánh giá phải làm sao thu thập được nhiều kênh thông tin khác nhau, qua nhiều tiếng chuông, lúc đó mới kết luận chính xác.
Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Trong công tác, trong tranh đấu, trong huấn luyện, các đảng viên, các cán bộ, cần phải luôn luôn tự hỏi mình, tự kiểm điểm mình và đồng chí mình. Luôn luôn dùng và khéo dùng cách phê bình và tự phê bình, thì khuyết điểm nhất định hết dần, ưu điểm nhất định thêm lên và Đảng ta nhất định thắng lợi”(6). Vì vậy, tự phê bình và phê bình phải xuất phát từ tình yêu thương đồng chí, giúp đỡ đồng chí tiến bộ, nhằm tăng cường đoàn kết trong Đảng nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của Đảng trong giai đoạn cách mạng hiện nay./.
Chú thích:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, tập 12, Nxb CTQG, H, 2001, tr. 37.
2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, H., tr. 246.
3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2011, tr.272
4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2011, tr.272
5. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, H.2021, tập 2, tr.241
Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2011, tr. 305