Người viết: Thân Thị Cương
Giảng viên khoa: xây dựng Đảng
Năm 1954, Hiệp định Giơ ne vơ được ký kết, đất nước tạm thời chia cắt làm hai miền, tháng 7 năm 1954 nước ta tiến hành tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Tuy nhiên, trong Hiệp định đó, Đế quốc Mỹ đã tuyên bố không bị ràng buộc bởi Hiệp định nên Mỹ và chính quyền tay sai ra sức chống phá. Âm mưu của Mỹ biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới. Trước âm mưu đó của đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai, Đảng đã lãnh đạo nhân dân từng bước đánh bại các chiến lược chiến tranh của Đế quốc Mỹ. Đặc biệt, khi đã đánh cho Mỹ cút, Đảng ta xây dựng kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam, đánh cho Ngụy nhào, giành thắng lợi quyết định vào ngày 30-4-1975 thể hiện tài lược lãnh đạo của Đảng ta, sự sáng suốt, nhạy bén trước sự thay đổi của thế giới và trong nước.
Tình hình thế giới những năm 50, nhất là sau năm 1954 hết sức phức tạp: cuộc chiến trạnh lạnh diễn ra gay gắt; Liên Xô- Trung Quốc hai nước anh cả trong Hệ thống xã hội chủ nghĩa mâu thuẫn gay gắt, trong đó xuất hiện chủ nghĩa xét lại ở Liên Xô, sự nóng vội chủ quan, muốn đi nhanh lên chủ nghĩa xã hội ở Trung Quốc. Trong thời điểm đó, Đại hội III (1960) của Đảng ta xác định: Miền Bắc tiến hành cách mạng XHCN (xã hội chủ nghĩa), miền Nam cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, đánh đổ Đế quốc Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Vì vậy, đây là khó khăn trong hoạch định đường lối cách mạng XHCN ở miền Bắc và thực hiện chiến lược đánh Mỹ ở Miền Nam. Mặc dù khó khăn, phức tạp của thế giới và trong nước như vậy nhưng bằng ý chí, nghị lực, trí tuệ và bản lĩnh của Đảng ta, Đảng đã hoạch định được được lối cách mạng hai miền, lãnh đạo cách mạng Việt Nam từng bước giành thắng lợi.
Ở miền Bắc, công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội đã đạt được những thành tựu nhất định, đặc biệt, miền Bắc trở thành hậu phương lớn cho tiền tuyến, giúp nhân dân Miền Nam đánh bại được các chiến lược chiến tranh của Đế quốc Mỹ.
Miền Nam, Đảng lãnh đạo nhân dân trừng bước đập ta các chiến lược chiến tranh của Đế quốc Mỹ: chiến lược chiến tranh đặc biệt (1961-1965), chiến lược chiến tranh cục bộ (1965-1968), chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh (1969-1973), đặc biệt, Đảng lãnh đạo nhân dân thực hiện kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam. Từ năm 1973, Đảng lãnh đạo nhân dân miền Nam thực hiện nhiệm vụ giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Tháng 3 năm 1973, Tổ trung tâm do phó Tổng tham mưu trưởng Lê Trọng Tấn trực tiếp chỉ đạo (Tổ trung tâm là 1 tổ chức lâm thời gồm 1 số cán bộ Cục tác chiến thuộc Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân việt Nam. Nhiệm vụ: theo dõi tình hình miền Nam và quốc tế, vạch kế hoạch chiến lược trình BCT BCHTW Đảng Lao Động Việt Nam).
Sau khi Nghị quyết 21 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao Động Việt Nam được thông qua ngày 13 -10-1973, quân dân miền Nam giành được những thắng lợi lớn, tạo thế và lực mới cho cách mạng miền Nam. Sau nhiều lần khảo nghiệm thực tế, xin ý kiến của các đồng chí lãnh đạo cấp cao Đảng và quân đội, trải qua 5 lần bổ sung và chỉnh lý, Tổ trung tâm soạn thảo xong Dự thảo Đề cương kế hoạch giành thắng lợi ở miền Nam mang số hiệu 133/TGL, ngày 16-5-1974. Dự thảo Đề cương đã được báo cáo lên Bí thư lần thứ nhất BCH (Ban Chấp hành) Trung ương Đảng Lao Động Việt Nam, các đồng chí trong Bộ Chính trị và Bộ Tổng tham mưu quân đội nhân dân Việt Nam, Tổ trung tâm đã bổ sung, điều chính thành bản đề cương mới Kế hoạch giành thắng lợi chiến lược ở miền Nam số hiệu 172/TG1 ngày 26-8-1974. Đây là nội dung lãnh đạo được đề ra trên cơ sở phân tích kỹ tình hình mới, đã “đánh cho Mỹ cút”, cần một kế hoạch chủ động, “đánh cho ngụy nhào”. Kế hoạch giải phóng miền Nam trong tình hình mới đã thể hiện tài lược lãnh đạo của Đảng ta để từ đó Đảng tiếp tục hoàn thiện, bổ sung khi tình hình miền Nam thay đổi có lợi cho ta.
Sau thắng lợi ở Phước Long (6-1-1973), thời cơ chiến lược lớn xuất hiện. Vào cuối năm 1974 đầu năm 1975, tình hình miền Nam và quốc tế có nhiều biến chuyển thuận lợi, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã đề ra kế hoạch giải phóng hoàn toàn Miền Nam trong hai năm 1975 và 1976. Bộ Chính trị nhấn mạnh: cả năm 1975 là thời cơ và chỉ rõ nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng hoàn toàn Miền Nam trong năm 1975. Bộ Chính trị cũng nhấn mạnh cần tranh thủ thời cơ đánh thắng nhanh để đỡ thiệt hại về người và của cho nhân dân, giữ gìn tốt cơ sở kinh tế, công trình văn hóa, giảm bớt sự tàn phá của chiến tranh.
Sau chiến thắng của quân ta ở chiến dịch Tây Nguyên và chiến dịch Huế - Đà Nẵng, Bộ Chính trị đã nhận định: thời cơ chiến lược đã đến, ta có điều kiện hoàn thành sớm quyết tâm giải phóng Miền Nam và đã đưa ra quyết định: phải tập trung nhanh nhất lực lượng, binh khí kỹ thuật và vật chất giải phóng Miền Nam trước mùa mưa, đồng thời chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định được Bộ Chính trị quyết định mang tên Chiến dịch Hồ Chí Minh. Trước khi tấn công giải phóng Sài Gòn, quân ta đã tiến công Xuân Lộc và Phan Rang, đây là những căn cứ phòng thủ trọng yếu của địch để bảo vệ Sài Gòn từ phía đông.
Vào lúc 17 giờ ngày 26/4, Chiến dịch Hồ Chí Minh mở màn, các cánh quân của ta tiếp tục phát triển,tấn công vào nội thành Sài Gòn, đánh các mục tiêu xác định và tấn công vào cơ quan đầu não của địch. Ngày 30-4-1975, chiến dịch Hồ chí Minh lịch sử kết thúc, Tổng thống Dương Văn Minh tuyến bố đầu hàng. Đây được coi là một thắng lợi hoàn toàn và trọn vẹn, hết sức vĩ đại, có ý nghĩa lịch sử vô cùng to lớn và mang tầm vóc thời đại sâu sắc. Thắng lợi 30-4-1975, chính là kết quả của đường lối chính trị gương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, cũng như đường lối quân sự, ngoại giao đúng đắn của Đảng Lao động Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt với kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước-sự linh hoạt, nhạy bén của Đảng ta.
Kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam đưa đến chiến thắng lịch sử 30-4-1975, đã để lại ý nghĩa giá trị sâu sắc cho cách mạng Việt Nam trong những giai đoạn lịch sử cách mạng sau này, nhất là trong giai đoạn hiện nay.
Đảng ta đã phân tích, nắm bắt tình hình thế giới và sự chuyển biến mau lẹ của cách miền Nam để đề ra đường lối đúng đắn, phù hợp, kịp thời đưa cách mạng miền Nam đi đến thắng lợi hoàn toàn. Nghị quyết 21, tháng 7 năm 1973, nhạy bén phát hiện thời cơ chiến lược giải phóng miền Nam phù hợp với so sánh lực lượng trong nước và bối cảnh quốc tế, hạ quyết tâm chiến lược kịp thời, chính xác giải phóng miền Nam ngay trong hai năm 1975-1976 (10-1974) nếu để chậm thì tình hình có thể sẽ rất phức tạp, nguy hiểm chưa thể lường hết được.
Trong giai đoạn hiện nay, đất nước đang đứng trước những thuận lợi nhưng cũng không ít những khó khăn, thách thức đòi hỏi Đảng phải luôn luôn nhạy bén, trí tuệ, bản lĩnh trong hoạch định chủ trương, đường lối để đưa đất nước vượt qua thách thức, xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.
Tóm lại: Kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam là sự chỉ đạo sáng suốt, kịp thời của Đảng ta, đưa cách mạng miền Nam đi đến thắng lợi hoàn toàn 30-4-1975. Đồng thời, kết thúc cuộc chiến dài 21 năm của nhân dân miền Nam và thống nhất đất nước, đưa non song về một mối. Qua đó thể hiện ý chí quyết tâm, tài lược lãnh đạo của Đảng ta trong lịch sử, tiếp tục khẳng định vị thế, vai trò của Đảng trong giai đoạn hiện nay./.