Để đổi mới, nâng cao chất lượng công
tác đào tạo lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý, Ban Bí thư quyết
định dừng việc xác định trình độ lý luận chính trị
Ban Bí thư vừa kết luận xác định
trình độ lý luận chính trị đối với cán bộ, đảng viên. Theo Ban Bí thư, sau
hơn 10 năm thực hiện Quy định số 256 về việc xác định trình độ lý luận chính
trị đối với cán bộ, đảng viên đã cơ bản hoàn thành mục đích, yêu cầu đề ra.
Từ đó góp phần thống nhất về tiêu
chuẩn, trình độ lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên trong giai đoạn
đầu thực hiện Chiến lược cán bộ theo Nghị quyết Trung ương 3 khoá VIII, tạo điều
kiện thuận lợi cho cấp uỷ, tổ chức đảng các cấp thực hiện quy trình công tác
cán bộ và chính sách cán bộ, bảo đảm quyền và lợi ích của cán bộ, đảng viên.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện
xác định trình độ lý luận chính trị cũng bộc lộ nhiều hạn chế. Cụ thể, một số
địa phương, cơ quan, đơn vị thực hiện chưa sát thực tế, chưa đúng đối tượng;
quy trình, thủ tục xác định chưa chặt chẽ; nguyên tắc, thẩm quyền, trách nhiệm
và phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong tổ chức thực hiện chưa rõ ràng,
còn chồng chéo, thiếu thống nhất; việc cấp và sử dụng giấy xác nhận trình độ lý
luận chính trị chưa thống nhất.
|
PGS,TS Nguyễn Viết Thảo phát biểu tại buổi
Lễ bế giảng các lớp cao cấp lý luận chính trị
|
Nguyên nhân của những hạn chế, khó
khăn nêu trên là do nhiều nội dung của Quy định số 256 chỉ phù hợp với thời
điểm mới ban hành, có giá trị tháo gỡ tình trạng nợ bằng cấp, thiếu tiêu chuẩn
lý luận chính trị trong thực hiện công tác cán bộ.
Đến nay, những nội dung đó không còn
phù hợp với yêu cầu mới về tổ chức đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị và nâng
cao chất lượng đội ngũ cán bộ.
Chương trình giáo dục lý luận chính
trị ở các cơ sở đào tạo ngoài hệ thống trường chính trị của Đảng không tương
thích về nội dung, số môn, số tiết với chương trình đào tạo lý luận chính trị
hiện hành để làm căn cứ cho việc xác định tương đương.
Một số cấp uỷ, tổ chức đảng nhận
thức chưa đúng về mục đích xác định trình độ lý luận chính trị; chưa quan tâm
quán triệt, triển khai Quy định số 256.
Khắc phục tình trạng học đối phó để
lấy bằng cấp
Để thực hiện nghiêm yêu cầu học tập
lý luận chính trị đối với cán bộ, đảng viên và tiếp tục đổi mới, nâng cao chất
lượng công tác đào tạo lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý theo Nghị
quyết số 32 ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư quyết định dừng việc
xác định trình độ lý luận chính trị theo Quy định số 256.
Ban Bí thư yêu cầu Ban Tổ chức Trung
ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu xây dựng Quy định của
Ban Bí thư về tiêu chuẩn, đối tượng, phân cấp đào tạo lý luận chính trị làm căn
cứ để thực hiện thống nhất công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nói chung và giải
quyết những khó khăn, vướng mắc khi dừng xác định trình độ lý luận chính trị
theo Quy định số 256 nói riêng. Đồng thời, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát chặt
chẽ việc triển khai thực hiện kết luận này.
Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì,
phối hợp với các cơ quan liên quan chỉ đạo rà soát, sửa đổi các văn bản liên
quan về đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị và định hướng về chính trị, tư
tưởng, nội dung, chương trình giảng dạy lý luận chính trị ở các cơ sở đào tạo;
hướng dẫn việc tuyên truyền, phổ biến rộng rãi kết luận này đến cấp uỷ, tổ chức
đảng các cấp và cán bộ, đảng viên.
Ban Bí thư giao Học viện Chính trị
quốc gia Hồ Chí Minh khẩn trương rà soát, sửa đổi các văn bản hiện hành liên
quan công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị để phù hợp với Kết luận của
Ban Bí thư và tổ chức thực hiện theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao.
Đồng thời, chủ trì, phối hợp với các
cơ quan liên quan xây dựng, hướng dẫn, quản lý, tổ chức thực hiện thống nhất
nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị trong hệ thống
trường Đảng và các trường đại học, cao đẳng trong cả nước, bảo đảm tính kế thừa
và liên thông giữa các cấp học từ sơ cấp lên trung cấp và cao cấp lý luận chính
trị tại các cơ sở đào tạo.
Cấp uỷ, tổ chức đảng các cấp tăng
cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, bảo đảm thực hiện
nghiêm chế độ học tập lý luận chính trị theo quy định; thực hiện đào tạo, bồi
dưỡng phù hợp thực tiễn trong tình hình mới và gắn với quy hoạch cán bộ của cơ
quan, đơn vị, địa phương.
Cùng với đó, tăng cường tuyên
truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên về vai trò, tầm quan trọng của
học tập lý luận chính trị, kiên quyết khắc phục tình trạng lười học, ngại học
lý luận chính trị, học đối phó để lấy bằng cấp, không vì mục đích nâng cao tri
thức, bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, quản lý.