ThS. Trần Thị Phượng
GV: Khoa NN & PL
Tỉnh Hải Dương luôn xác định công tác cải cách hành chính là một nhiệm vụ
quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã
hội của tỉnh. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Nội vụ, đặc biệt là Nghị
quyết số 30c/NQ-CP ngày 08/11/2011 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể
cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020, trong những năm qua Tỉnh ủy,
Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương đã kịp thời chỉ đạo, triển
khai công tác cải cách hành chính. Một trong sáu nhiệm vụ của cải cách hành
chính là cải cách thể chế. Trong 10 năm (2011 - 2020), thực hiện nhiệm vụ cải cách thể chế theo Nghị quyết số 30c/NQ-CP của chính phủ, tỉnh Hải Dương
đã đạt được nhiều kết quả tích cực tạo nền tảng cho
việc thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính khác. Cụ thể:
Thứ nhất, về kết quả chủ yếu đạt được
a.Về tình hình triển khai xây dựng,
hoàn thiện hệ thống pháp luật thuộc phạm vi trách nhiệm của tỉnh
Việc xây dựng và ban hành các văn bản
quy phạm pháp luật (QPPL) được
HĐND và UBND tỉnh Hải Dương quan tâm chỉ đạo. Hằng năm, UBND tỉnh chỉ đã đạo
các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện trên cơ sở các văn bản QPPL của Trung
ương, các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh đều tham mưu lập kế hoạch để xây dựng các
văn bản QPPL thuộc thẩm quyền. Quy trình ban hành các văn bản QPPL của tỉnh đều
được triển khai thực hiện đúng quy định, không chồng chéo, phù hợp với quy định
của pháp luật và điều kiện thực tế ở địa phương.
b. Về hoàn thiện hệ thống thể chế, cơ
chế chính sách, pháp luật thuộc phạm vi quản lý nhà nước của tỉnh
Để hoàn thiện hệ thống thể chế, cơ chế
chính sách về các lĩnh vực quản lý nhà nước thuộc thẩm quyền của địa phương, hằng
năm HĐND và UBND tỉnh Hải Dương đều ban hành Chương trình xây dựng văn bản QPPL
và chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các văn bản QPPL. Nội dung các văn QPPL đã bám
sát với tình hình thực tế của địa phương, phù hợp với các quy định của Trung
ương. Công tác thẩm định dự thảo văn bản bảo đảm kịp thời, đúng quy định của
pháp luật.
Công tác theo dõi thi hành pháp luật: Hằng
năm, UBND tỉnh Hải Dương đã chỉ đạo, lựa chọn lĩnh vực trọng tâm theo dõi thi
hành pháp luật của tỉnh, đồng thời, chỉ đạo các
sở, ban, ngành và UBND cấp huyện bám sát các nhiệm vụ trọng tâm mà Chính phủ, Bộ
Tư pháp đã lựa chọn theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng
tâm, liên ngành trên địa bàn theo từng năm(1);
đồng thời thành lập đoàn kiểm tra, tiến hành kiểm tra trực tiếp tại một số đơn
vị trên địa bàn tỉnh.
Công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản
QPPL: Công tác kiểm tra, rà soát văn bản QPPL đã được các cấp, các ngành quan
tâm, coi đây là hoạt động thường xuyên, quan trọng gắn liền với công tác ban
hành văn bản QPPL. Qua đó đã kịp thời phát hiện ra những văn bản QPPL mâu thuẫn,
chồng chéo, hết hiệu lực để trình cấp có thẩm quyển sửa đổi bổ sung, thay thế
hoặc bãi bỏ; do vậy, chất lượng văn bản QPPL do các cấp chính quyền tỉnh Hải
Dương ngày càng được nâng cao(2).
Công tác tự kiểm tra và kiểm tra văn bản
QPPL: UBND tỉnh Hải Dương đã chỉ đạo Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các sở,
ngành tham mưu UBND tỉnh tự kiểm tra văn bản QPPL do UBND tỉnh ban hành. Kết quả
kiểm tra cho thấy, hầu hết các văn bản QPPL do UBND tỉnh ban hành đều bảo đảm
có căn cứ, đúng thẩm quyền, nội dung, không trái quy định của pháp luật, có
tính khả thi, về cơ bản bảo đảm đúng về mặt thể thức và kỹ thuật trình bày văn
bản(3).
c. Việc tổ chức triển khai hệ thống thể
chế, cơ chế, chính sách pháp luật
Việc tổ chức triển khai, đánh giá tác động
của cải cách thể chế đối với các mặt của đời sống xã hội, phát triển kinh tế -
xã hội, an ninh trật tự: Nhìn chung các văn bản QPPL của HĐND, UBND các cấp ban
hành được ngành tư pháp các cấp thẩm định đều đảm bảo hợp hiến, hợp pháp, khả
thi và phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của địa phương. Trung bình hằng
năm, cấp tỉnh thực hiện thẩm định và tham gia ý kiến đối với gần 100 dự thảo
văn bản QPPL, cấp huyện thực hiện thẩm định gần 50 dự thảo văn bản QPPL(4).
UBND tỉnh Hải Dương đã ban hành nhiều
văn bản QPPL nhằm tăng cường vai trò quản lý nhà nước đối với các nhiệm vụ được
phân cấp quản lý. Việc triển khai và tổ chức thực hiện các văn bản QPPL được thực
hiện nghiêm, các TTHC trong các lĩnh vực tư pháp được thực hiện đúng quy định, tạo
sự hài lòng, tin tưởng của người dân góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã
hội chung của toàn tỉnh.
Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục
pháp luật: Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được Tỉnh ủy,
UBND tỉnh Hải Dương đặc biệt quan tâm, chú trọng, được xác định là nhiệm vụ thường
xuyên; tỉnh đã giao cho Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền
hình tỉnh, Báo Hải Dương, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Giáo dục và Đào tạo,
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để thực hiện tuyên truyền, phổ biến, giáo dục
pháp luật sâu rộng đến từng người dân, học sinh, sinh viên và người lao động.
Thứ hai, một số tồn tại, hạn chế
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện
nhiệm vụ cải cách thể chế của tỉnh Hải Dương thời gian qua vẫn còn một số tồn tại,
hạn chế như:
- Một số sở, ban, ngành của tỉnh chưa
nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp
luật; chưa chủ động trong công tác tham mưu; vẫn còn tình trạng một số cơ quan
soạn thảo văn bản QPPL chưa tuân thủ nghiêm quy định pháp luật về quy trình xây
dựng văn bản QPPL.
- Chất lượng văn bản QPPL còn chưa cao,
chưa có bước đột phá, còn khuôn cứng theo quy định, chưa có sáng tạo phù hợp với
thực tiễn. Khâu đánh giá tác động kinh tế - xã hội của văn bản chưa được coi trọng
trong quá trình soạn thảo dẫn đến khi ban hành, tính khả thi của văn bản không
cao.
- Công tác rà soát, kiểm tra văn bản
QPPL chưa được thường xuyên.
- Việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu
phục vụ công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hoá văn bản QPPL còn lúng túng.
- Việc phối hợp trong thực hiện theo
dõi tình hình thi hành pháp luật của một số cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân
có liên quan chưa thực sự hiệu quả.
Thứ ba, một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới
Trong thời gian tới, để khắc phục những tồn tại,
hạn chế và thực hiện tốt hơn nữa cải cách thể chế, tỉnh Hải Dương đã đề ra một
số nhiệm vụ trọng tâm sau:
- Tiếp tục tổ chức triển khai có hiệu
quả Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2015 và Luật Ban hành văn bản QPPL (sửa đổi,
bổ sung năm 2020). Chủ động
ban hành những cơ chế, chính sách đặc thù
phù hợp với điều kiện, đặc điểm của địa phương.
-
Tăng cường công tác kiểm tra văn bản QPPL; kịp thời xử lý văn bản có nội dung
trái pháp luật phát hiện sau kiểm tra.
- Thường xuyên thực hiện
rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL để đảm bảo tính kịp thời, phù hợp, tính thống
nhất trong hệ thống văn bản QPPL.
- Làm tốt công tác theo
dõi thi hành pháp luật, từng bước nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành
pháp luật trên địa bàn tỉnh.
- Tăng
cường hiệu quả công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật đến cán bộ,
công chức, viên chức và trong nhân dân./.
Tài liệu tham khảo:
1. Chính Phủ (2011), Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 08/11/2011 ban hành Chương trình tổng thể
cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020;
2. Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 13/6/2013
của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 30c/NQ-CP;
3. UBND tỉnh Hải
Dương (2020), Báo cáo số 139/BC-UBND ngày 30 tháng 11 năm 2020 tổng kết Chương trình tổng
thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020; phương hướng, nhiệm vụ
cải cách hành chính nhà nước tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021 - 2030.